Điệu múa “tân’tung da’dă” độc đáo của đồng bào Cơ tu - Phạm Văn Tiến
Người Cơtu là một tộc người trong 54 dân tộc anh em của nước ta. Theo số liệu điều tra dân tộc học, tính đến nay có khoảng gần 70 ngàn người, sinh sống chủ yếu ở các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), Alưới, Nam Đông ( Thừa Thiên-Huế), thôn Giàn Bí, Tà Lang, xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Người Cơtu có một nền văn hóa đặc sắc về vật thể và phi vật thể mà chúng ta cần nâng niu, giữ gìn.
Trong kho tàng văn hoá phi vật thể của người Cơ tu còn có rất nhiều thể loại đáng tự hào và cần được giữ gìn, phát huy, phát triển trong cộng đồng dân tộc như: ba bóoch (dân ca Cơ tu), bh’ no’onh (hát lý), pr’ ma (nói lý), các điệu dân ca, dân vũ dân gian…trong đó, có một điệu múa đặc trưng của người Cơ tu mang tính tập thể rất cao, diễn trình múa là sự kết hợp giữa nam và nữ, giữa tân tung và da’dă hoà với điệu thức của âm thanh cồng chiêng cùng với tiếng “hú” vang xa, cao vút như nốt nhấn hạ âm làm mạnh mẽ thêm cho ngôn ngữ múa. Có thể nói đây là một điệu múa hay, vui nhộn thu hút nhiều người tham gia mặc dầu không qua tập luyện dài ngày, đó là điệu múa tân tung, da dă.
Tân’ tung là điệu múa dân vũ cho đàn ông, con trai và da dă là điệu múa cho đàn bà con gái. Trong những lần sinh hoạt dân ca dân vũ, tất cả cùng múa và nhịp bước trong cùng một vòng tròn, chân bước đi ngược kim đồng hồ, sôi động, rộn rang trên nền nhạc của tiếng trống, cồng chiêng vang vọng núi rừng bao la hung vĩ.
Tân’ tung hay còn gọi là T’ung theo nghĩa của tiếng cơ tu là vươn lên cao, sôi động hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa và vững chãi hơn nữa…Đó là biểu hiện của khát vọng chinh phục vũ trụ, muốn đưa con người vươn lên ở tầm cao mới trong không gian thoáng đãng, hằng mong cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Với ý nghĩa lớn lao như vậy, ta hiểu điệu múa này thể hiện rất nhộn nhịp, rất mạnh mẽ và hùng dũng. Điệu múa chỉ dành cho nam thanh niên khỏe mạnh, thể hiện bằng những nhịp điệu mang bản sắc của tộc người Cơ tu. Được nghe và xem trình tấu điệu múa này, ta có thể nhận biết ngôn ngữ múa gởi gắm niềm hy vọng vào lớp thanh niên trai tráng Cơ tu vươn lên tiếp bước truyền thống những người đi trước giữ gìn và bảo vệ quê hương núi rừng.
Để thể hiện điệu múa Tân’tung một cách sinh động giữa đại ngàn, đàn ông mặc khố, choàng một áo dệt bằng thổ cẩm, chân đi trần lết đất, tay nắm chắc cây khiên, cây dáo, cây mác hay cây dụ, hoặc không thì nắm chắc tay bạn bên cạnh tung đôi tay lên vừa bước vừa hú một cách tự tin, sôi động và hùng dũng, thể hiện sức mạnh của trai làng, không sợ khi đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên hay kẻ thù đến phá hại, đồng thời còn thể hiện niềm động viên vững tin, yêu cuộc sống, yêu làng quê, yêu núi rừng và nhắn gửi bằng thông điệp vũ điệu và ngôn ngữ múa hãy vui lên, vươn lên mãi trong cuộc sống bình yên hòa với màu xanh của núi rừng, bản làng quê cha đất tổ.
Da’dă theo tiếng Cơ tu có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là đón đợi, ơn đất nghĩa trời, trung thành với người, thương trên nhường dưới, nâng đỡ kẻ yếu hèn…Theo với điệu múa ta nhận ra đôi chân thẳng đứng, đôi tay vuông góc và cánh tay song song với thân mình, động tác múa còn thể hiện sự đứng đắn chung thủy và không bị khuất phục trước kẻ gian ác, bạo tàn…Với ý nghĩa đó, điệu múa da’dă dành cho phái đẹp vốn tính thùy mị, thương chồng yêu con, yêu núi rừng, quê hương đất nước, thầm lặng hy sinh phận gái tất cả vì sự sinh tồn, phát triển của nhân loại.
Để thể hiện điệu múa da’dă mang đặc trưng bản sắc dân tộc, phụ nữ mặc váy dệt bằng thổ cẩm nhiều hoa văn với những sắc màu sinh động, vai trần lộ, cổ đeo vòng cườm, hai tay đưa lên ngang vai, cánh tay vuông góc song song với thân mình, bàn tay ngửa, thẳng ngón về phía sau thể hiện sự mừng rỡ đón đợi vật thiêng, mắt nhìn thẳng, miệng luôn tủm tỉm cười, chân đi trần nhón gót lên lết tròn ngược kim đồng hồ. Theo đó, động tác múa uyển chuyển, đều đặn, nhẹ nhàng và quyến rũ.
Tân’tung và da’dă là điệu múa hòa trộn cho thấy sự hiệp lực của nam thanh, nữ tú cũng là âm dương trong vũ trụ bao la xảy ra trong cùng một thời gian và xoay vòng trong một vòng tròn nhất định. Tuy nhiên tự nó thể hiện một nguyên tắc sau khi giàn trống chiêng ra sân vang lên “tinh toàng…ting toàng…tư tư..tư tư…từng..từng…”thì bao giờ người con gái cũng bước ra múa trước, hết lượt con gái, nối tiếp hàng con trai và nếu người đông một vòng chật thì tạo thành hai vòng tròn cùng nhảy múa một lúc. Song, tự nó luôn sắp xếp đi trước là nữ, sau là nam; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam. Phải chăng chính điều này nói lên rằng tộc người Cơ tu tuy không phải theo chế độ mẫu hệ nhưng lại giành cho đàn bà con gái sự “ưu tiên” hơn cả, ngay trong văn hoá, nghệ thuật cũng thể hiện điều đó. Trong một gia đình khi hai vợ chồng đi làm, trên đường ra nương rẫy, người vợ luôn là người đi trước.
Điệu múa truyền thống Tân’ tung – da’ dă của đồng bào Cơ tu đang được khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp.
P.V. T