Huyện Trương - Đỗ Nhựt Thư

31.03.2014

Huyện Trương  -  Đỗ Nhựt Thư

Năm 2015, huyện Trương, trực hệ đời thứ 6 của Trương Thái sư về hưu, tháng ba này lại là ngày lễ tưởng niệm 150 năm ngày ngài mất. Thấy lão rảnh rỗi, hội đồng gia tộc liền giao lão chủ trì việc tế lễ, buổi chiều tổ chức hội thảo góp ý cho bản thảo tập sách viết về Trương công mà tác giả nhờ chỉnh lý.

Trời xứ Quảng vẫn đương xuân, rét nàng Bân dạo này chỉ se lạnh. Không hiểu phu quân có mặc được áo ấm mà nàng công chúa vụng tay đan lát cả năm qua.

Nhờ phúc ấm tổ tiên, cộng với lòng yêu nước, lão tham gia vào cuộc giải phóng thần thánh thống nhất nước nhà, đường hoạn lộ cũng khá ì xèo, từ một anh nông dân lớp 9 trường xã, qua các lớp chuyên tu lão cũng được bầu lên làm anh lãnh đạo một huyện lân cận. Bao năm bận rộn, những ngày giỗ tế cụ lão chỉ kịp về dự lễ, gặp gỡ bà con loáng thoáng rồi đi, trong thâm tâm thấy lợn cợn như mình chưa phải đạo.

Hết quan hoàn dân”, lão tự hứa đã cuối đời mình phải sống phải lẽ với tổ tiên, với dân làng mà khi làm quan lão thấy thiếu sót. Lại nhớ ngày trước khi được thăng chức, việc bầu bán có vẻ căng thẳng, mình có về thắp hương cầu khấn ngài  phù trợ, đốm lửa bỗng rực đỏ, liếc nhìn thấy hình như ngài cười hiền mà mắt buồn lạ, rồi mình chỉ hơn một phiếu mà được vào ủy ban, lại gặp nhiều may mắn mà lên. Lão tắm gội, ăn chay nằm đất, lo liệu mọi điều chu tất trước ba ngày nơi đình thờ Trương Thái sư.

  Chiều nay cả hội ra lễ mộ, rồi kéo nhau về ngôi nhà xưa của ngài  mà con cháu ra công gìn giữ, ngôi nhà tranh vách đất nghèo nàn, tuy rộng rãi nhưng đồ vật bình thường, đơn giản. Trên hai cây cột gỗ trước bàn thờ vẫn còn đôi liễn cụ tự cảm:

 

                  Cố quận tự liên vô biệt nghiệp

                  Thử sinh nguyện dĩ hứa vi thần

 

                                   ( Quê nhà không có cơ đồ sẵn

                                      Giúp nước đâu màng chút lợi riêng )

 

Thằng cháu đích tôn của lão đợt này mới bị lão bắt theo  buột miệng:

-  Lạ thật ! Nội ! Đường đường là trọng thần, lại là thầy của vua sao lại thế này ?    

Sau lễ cúng tiên thường, tối nay lão ở lại một mình, lão muốn tĩnh tâm suy ngẫm về một vì tiên tổ đã được lịch sử vinh danh. Đọc lại đoạn nghi án bôi đen đời cụ, rồi tư liệu phân minh, lòng mơ hồ nghi hoặc.

 Giờ tý lão đang lơ mơ, chợt một cơn ớn lạnh chạy suốt sống lưng, loáng thoáng thấy một quan xưa ngồi uống trà, gương mặt ngài buồn buồn nhìn lão, nghe văng vẳng bên tai: “ Ta một đời trung nghĩa, vẫn bị bọn tiểu nhân dựng chuyện mưu hại, may gặp được vua sáng. Ôi thương thay cho dân Việt, kẻ xấu thường hại bậc trung lương, biết đến khi nào thay tâm đổi tính để xã tắc sánh vai cùng thiên hạ.”. Lão rúng động châu thân, ứa lệ thẫn thờ định ngồi dậy lạy tạ nhưng người như đông cứng, thấy khó thở, vùng vẫy rồi chợt tỉnh.

Buổi tế, lão quỳ lạy cả canh giờ, lòng hoan hỉ lạ lùng, cả đời lão chưa lạy bao giờ, hình như cái lạy của lão cũng khó khăn quá, mang máng cảm nhận tổ chức chắc không đồng ý, lại tự hào là đấng nam nhi, thân mang quyền cao chức trọng một vùng, lại sợ bá tánh nhìn ngắm phẩm bình, giờ được lạy theo ý mình lão thấy lòng sao nhẹ nhõm. 

Chiều hội thảo, tác giả vinh danh Trương công hết lời, gần như là Tể tướng 3 triều vua mà ngài hết lòng vì nước, vì dân lại khiêm cung, thanh bạch, không ham mê quyền lực, đã nhiều lần cảm thấy không hoàn thành tốt trách nhiệm mà xin từ chức.

Không có gì phải chỉnh sửa bởi tác giả đã khổ công tra cứu, buổi hội thảo chuyển qua đàm đạo về ngài.

Ai cũng lấy làm lạ là vua Gia Long lại dùng ngài, một người vốn con quan Tri phủ thời Tây Sơn, vợ chồng người chú ruột đều là đô đốc và tận trung tử tiết khi vua Cảnh Thịnh bị bắt, mà nhà vua đã báo thù nhà Nguyễn Tây Sơn tàn khốc để trả hận trăm năm. Lạ nữa là vua Minh Mệnh lại cho ngài làm Thái sư đầu triều, và để  tỏ lòng biết ơn vị danh thần là tìm cách truy phong cho hiển tổ khảo.

Họ sôi nổi pha chút thẹn thùng khi nói về sáu lần xin từ chức của ngài, chuyện mà đến nay vẫn là khá hiếm, dù họ đã sai phạm nghiêm trọng, lòng người xáo động. Lão Trương thấy miệng mình đắng nghét.

Sử liệu ghi lại: Tháng 2 năm 1859, thì thành Gia Định bị quân Pháp đánh hạ. Thấy quân xâm lược cứ lấn tới, mà mình thì đã già không thể làm tròn trọng trách, tháng 9  năm 1860, Trương Đăng Quế xin về nghỉ. Trích lời tâu của ông:

-  “ …Từ người Tây dương sang đây đã 3 năm nay, thần ê mặt với các quan trong triều, vì không thi thố được một kế nào để đuổi chúng lui, thì tội của thần tránh sao được... Nay thần lại bóng dâu gần ngã, tật bệnh liên miên, hầu như sắp chết, nghĩ thẹn vì cố giữ địa vị...”.

Vua cho ông dưỡng bệnh nhưng năm, bảy ngày phải chầu triều để góp ý xử lý công việc quốc gia đại sự.

Hai năm sau ông lại dâng sớ xin nghỉ, vua vẫn không cho, ông xin giáng hàm Thượng thư và bỏ tước Quận công vì tội:“Bốn cõi nhiều loạn, là sự nhục của khanh đại phu, là không làm tròn chức vụ của thần", vua vẫn không chuẩn thuận. Xã tắc điêu linh, không tròn chức phận mà ta vẫn bổng lộc đủ đầy, thân tâm tủi nhục ông lại dâng sớ xin: “ Thần không có kế gì để đẩy lui được giặc, nay xin đem một nửa số lương bổng của thần lưu lại ở kho để giúp quân phí ...”.

-  Xã tắc đệ nhất thiên lương tướng – Nhà văn chợt thốt lên đầy khâm phục.

Năm 1863 sau mấy lần khẩn cầu ông mới được cho nghỉ, sau khi nhà vua đọc được bài thơ Xuân nhật thư hoài của ông:

                Ngã kim cánh hà sự

                Nhật tịch đồ doanh doanh

                Khởi vi thăng đấu lụy

                Lưu hận thử thân danh

 

                              ( Cớ sao mà ta mãi

                                Đêm ngày ra vào cung

                                Lụy vì thăng đấu phỏng

                                Để lụy cái thân danh )

 

 Tác giả nói thêm:

-  Thế mà nhà vua vẫn sai người đến hỏi ông về những việc quan trọng, tôi tâm đắc nhất là cụ đã dâng sớ tấu:"Đường lối trị nước, cần ở dùng người, nhất là quan lại cấp huyện. Muốn quan thanh liêm, không gì bằng bớt viên chức đi, mà tăng lương bổng.  Quan điểm ấy thật đúng mà ngày nay ta cần phải học.

Con trai huyện Trương đang là vị quan trên tỉnh cà tửng:

-  Cả lịch sử nước ta chỉ có cụ, ai đời thời ấy có chế độ tập ấm, con cụ được phong tước, lĩnh bổng, cụ lại dâng sớ:"... Thần gặp thời ra làm quan, lạm lên ngôi cao, đức bạc, quan to, đã vượt quá phận. Trương tử còn trẻ tuổi, chưa học mà có quan, không làm việc gì mà ăn lộc, nghĩ thấy quá ưu ái, lấy làm sợ hãi. Khẩn xin đình lại việc ấm thụ và chi lương…" .  Chết thật, mỡ đem tận miệng mèo mà sao ngài lại thế, các vị quan khác có thế đâu ? … Giờ đây mong sao nhà nước ta cho phục hồi lại lệ ấy, chà … chà…

Lão Trương chạnh lòng cúi mặt. Ôi ! Đức ngài ! Chúng con muôn phần tạ lỗi trước thiên lương trong sáng như sao Khuê ấy, thời thế đổi thay, chúng con cũng phải thích nghi nếu không muốn bị gạt ra rìa xã hội.

-  Nhưng có một việc kinh thiên động địa của đời ngài, có ông nào biết không ? Vị trưởng tộc hỏi to.

Cả bọn lóng ngóng, ông thong thả kể:

-  Lúc vua Minh Mệnh lâm chung, ngôi Thái tử không hiểu vì sao ngài chưa lập, cả hoàng tộc, triều thần như lửa đốt, ai cũng cầu trời cho hoàng tử mà mình tôn phù lên kế vị để mưu cầu danh lợi, nếu phe khác lên nối ngôi thì họa thất sủng nhãn tiền. Nhà vua cho mời ngài, thế là việc nghiêng trời lệch đất đã nằm trong tay vị Cơ mật đại thần quyền uy tột đỉnh, ai cũng nghĩ là ông Hoàng Mười, Tùng Thiện vương Miên Thẩm, rể ngài tài cao đức trọng sẽ nối ngôi. Gần canh một ông vào điện Càn Thành, đến long sàng quỳ lạy rồi nghiêng tai sát miệng nhà vua thọ lãnh lời di huấn tối trọng. Nghe cụ thốt nhẹ: “Vâng mệnh ” một tiếng, rồi từ từ đứng lên sửa sang triều phục. Tất cả như nín thở, mồ hôi vã ra ướt đầm những bộ quan phục thêu thùa rực rỡ, cùng nhìn cụ chăm chắm, chợt thấy đôi dòng lệ chảy dài trên gương mặt khôi ngô quắc thước. Cụ nhìn ngài ngự giọng thong thả nghiêm trang vừa đủ cho nội phòng nghe rõ: “Hoàng đế ban Hoàng tử trưởng: Trường Khánh công Miên Tông kế vị”. Nhà vua mỉm một nụ cười mãn nguyện sau cùng và nhẹ nhõm băng hà. Cả nội cung à lên một tiếng hân hoan như thoát khỏi gánh nặng ngàn cân, dư âm hình như làm gương mặt ngài ngự khẽ rung lên và có vẻ buồn buồn.

Đình thờ Trương thái sư cũng à lên một tiếng đầy kinh ngạc, huyện Trương liếc mắt nhìn lên di ảnh, thấy ngài hình như cười nhẹ mà sao đôi mắt lại man mác buồn.

Rét nàng Bân hình như lạnh lẽo hơn.

 

 

                                                                          

         06/ 11/ 12                                                          

         Đ.N.T

Bài viết khác cùng số

Đôi điều về văn hóa Đà Nẵng - Nguyễn Nho KhiêmKhát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung SángTiếng vọng trên Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Nhã TiênThương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn TiếngChuyện ở “quán 3 cô” - Thanh QuếHuyện Trương - Đỗ Nhựt ThưCó hậu - Phan Trang HyNhớ về đồng đội - Trường HoàngMiền Trung - Ngô Hà PhươngHoàng Sa ơi ! Trường Sa ơi ! - Trương Công MùiHôm nay Đà Nẵng - Mai Hữu PhướcThơ bốn câu - Lưu Phương ĐịnhThơ Lê Thu ThùyThành phố tháng ba - Nguyễn Hải LýXanh tháng giêng hai - Nguyễn Nho Thùy DươngTìm đâu bây giờ - Lê Hoàng LêThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Trác MộcThơ Bùi Mỹ HồngMá tôi - Lê Hưng Tiếnban mai xuân - khaly chàmNhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước - Vân TrìnhKỷ niệm về một bài thơ - Phạm Thanh BaThu Bồn – dòng sông của làng nghề - Đỗ VinhNhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường VinhĐiệu múa “tân’tung da’dă” độc đáo của đồng bào Cơ tu - Phạm Văn TiếnNghệ thuật múa đóng góp tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở Đà Nẵng - Lê HuânMột góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải