NHÀ THƠ ĐÔNG TRÌNH VÀ CHÚNG TÔI

19.09.2011

NHÀ THƠ ĐÔNG TRÌNH VÀ CHÚNG TÔI

                                                                                             Huỳnh Văn Hoa

 

          Vào những năm 70 của thế kỷ XX, Đông Trình là một trong những nhà thơ có những sáng tác hay, tác động tốt đến phong trào đấu tranh đô thị của sinh viên. học sinh miền Nam, trong  đó có Đà Nẵng.

          Có thể khẳng định rằng, từ những bài thơ của ông, trong bè bạn chúng tôi, kẻ ít người nhiều, đều có ảnh hưởng nhất định trong việc lựa chọn con đường đến với cách mạng, đến với dân tộc hoặc định hướng trong việc làm thơ, làm nhạc.

          Giữa những năm tháng đầy khốn khó của tuổi trẻ các đô thị, hình ảnh  những con người dấn thân, chấp nhận mọi nguy hiểm đang rình rập, kể cả tù đày, như Phan Thị Châu Liên, Phan Duy Nhân, Vĩnh Linh, Nguyễn Phúc, Đông Trình, Phạm Thị Xuân Quế,… đã là tấm gương, là chỗ dựa tinh thần cho bao người trẻ.Chúng tôi nhìn vào đó, tin tưởng và đi tới.

          Đối với những anh em phong trào, trong suy nghĩ của mình, bao giờ cũng dành chỗ tốt đẹp nhất cho Đông Trình và thơ Đông Trình. Thơ Đông Trình vào những năm từ 1968 đến 1975 là những trang văn đầy chất lửa, đốt cháy lên bao khát vọng của tuổi trẻ.

          Đông Trình là một trong những thành viên sáng lập nhóm VIỆT, tại Huế, 1968, với tuyên ngôn :

          "Trong hoàn cảnh cùng khổ chung, người nông dân còn kiên gan cúi xuống cày cấy trên những ruộng đồng bom đạn, chúng tôi vẫn kiên tâm cúi xuống viết lách trên vùng đất văn hoá trổ đầy trái độc  

          Tốt nghiệp Đại học sư phạm Huế, ngành Việt Hán, năm 1968, nhà giáo Nguyễn Đình Trọng, bút danh theo lối chiết tự là Đông Trình, về giảng dạy tại Trung học Phan Châu Trinh - Đà Nẵng. Thời trẻ, Đông Trình đã có nhiều năm tháng gắn bó với đất Quảng.

          Vào những năm 60, 70, Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất tại miền Trung, nơi diễn ra các cuộc đối đầu chiến lược giữa ta và địch về các mặt quân sự, chính trị, văn hoá,…Các cuộc xuống đường lớn chống Mỹ-Diệm, chống Mỹ-Thiệu, chống Lonnol, Sirik Matak, chống bầu cử độc diễn, chống đôn quân bắt lính, dân chủ hoá học đường, …diễn ra hằng ngày. Chính từ hiện thực này, nhiều bài thơ Đông Trình ra đời. Bấy giờ, thơ Đông Trình thường đăng trên các báo, tạp chí Bách khoa, Văn, Ý thức, Khởi hành, Đối diện, Đứng dậy và có mặt trong  nhiều tuyển tập thơ của các hội sáng tác sinh viên trong và ngoài nước.

          Khi in tập thơ Rừng dậy men mùa, do Đối Diện xuất bản 1972, Đông Trình nói rõ quan niệm :" Tôi in thơ chắc chắn không phải để tự tấn phong mình, vì tôi vốn quan niệm rằng, trong ý nghĩa sâu sắc mà người làm văn nghệ có ý thức phải chấp nhận là người làm thơ và người làm ruộng không có gì khác nhau. Trên luống cày đầy bom đạn , đồng bào tôi gieo hạt giống, trên vùng đất văn hóa trổ đầy trái độc, tôi cấy niềm tin".

          Nhiều bài thơ của Đông Trình, trong thế hệ chúng tôi, đều lưu giữ những hình ảnh đẹp, hào sảng, đa cảm, sục sôi nhiệt huyết, đầy ý thức trong nhận đường và hành động, trong chấp nhận và dấn thân:

                             Ta sống đời chưa một lần trở mặt

                             Bằng hữu xa gần mở rộng hai tay

                             Ta như trời mở rộng lòng với đất

                             Trước âm mưu, ta cất cả tiếng cười

 

                             Bạn bè ta, những thằng nuôi chí lớn

                             Luyện văn chương thành một lưỡi gươm thần

                             Đứng với ngu phu làm người hảo hớn

                             Sống giữa đời hèn mà rất triết nhân

                                                     

                             Có những chiều vàng ta lên núi

                             Anh em cùng trích máu ăn thề:

                             Bao giờ quê hương còn lửa khói:

                             Chí cả đường dài ta cứ đi…

                   `                  (Hành ca cho một tương lai đã nhìn rõ mặt)

          Trong thơ ông vẫn có nỗi buồn, đó là một nỗi buồn trong trẻo, như "người ngồi nhớ núi" của một đất nước chiến tranh với bao chia lìa, xa cách:

                             Xin một ngày trở lại

                             Nắng rơi trên lối mòn

                             Mẹ mừng run tay gậy

                             Ngoài vườn hương cau thơm.

 

                             Ta một mình với núi

                             Rụng không hết lá buồn

                             Ta một mình thở khói

                             Vào thiên nhiên cô đơn.

                                      (Người ngồi nhớ núi)

          Nhưng rồi, trước sự khốc liệt của cuộc chiến, người thầy giáo-làm thơ như ông không thể "ngồi yên như một gã câm". Ông đóng hai vai, một vai người thầy , lại là giảng dạy văn chương, làm sao thông qua lời giảng để có thể chỉ ra con đường cho thế hệ trẻ nên chọn và một vai người làm thơ với ý thức trách nhiệm của người cầm bút trước "một vùng văn hóa trổ đầy trái độc", cần có sự kiên tâm và dũng khí làm người. Dường như là, suốt những tháng năm chúng tôi gần gũi, làm việc với ông, trên đôi vai ấy, ông đã gánh vác được hai thiên chức này.

          Rõ ràng là, từ đầu những năm 70 trở đi, thơ Đông Trình từng bước, từng bước đi sát phong trào và có những lúc rất quyết liệt. Cũng trong dòng thơ ca đấu tranh của đô thị miền Nam, song, thơ Đông Trình không có giọng xốc nổi, băng băng đi tới, kéo căng biểu ngữ, rầm rộ xuông đường kiểu của Thái Ngọc San, không có vừa trữ tình vừa kêu gọi như "Đi giữa rừng súng máy" của Trần Phá Nhạc, …Thơ Đông Trình là con đường riêng. Có lẽ rằng, nghề nghiệp chi phối ngòi bút chăng?

          Bài thơ "Trong nhà tù, trong nhà nguyện" không vẽ nên hai thế giới, như tên đề bài. Cả bài thơ là những tụng ca về một người tù yêu nước. Người tù ấy bị trói tay, mặt úp vào tường, bị quân thù đánh tới tấp từ phía sau, "máu thấm từng dòng trên tóc trên lưng". Thế nhưng, "anh đứng hiên ngang, mắt dậy căm hờn". Chiều nay, trong phòng thẩm vấn, người tù bị một lũ thú điên ,"thay phiên tra tấn". Vậy mà, đoạn kết bài thơ, vẫn ngời sáng:

                             Thân thể anh chẳng còn gì nguyên vẹn

                             Thịt đã lóc dần trên các khớp xương

                             Nhưng quả tim hồng cháy như ngọn nến

                             Tiếp lửa mặt trời thắp sáng quê hương.

          Trên tạp chí Đối Diện số 39, tháng 9-1972, đăng bài Hạo khí ca. Bài thơ ra đời được nhiều người đón nhận, trân trọng. Bài thơ dung dị, gần gũi đời thường, đấy là hạt cơm trời mỗi ngày ba bữa ta ăn, đấy là dòng sông hàng ngày ta vẫn tắm, đấy là đỉnh núi, hang đá quê hương, đấy là cây rừng, thôn xóm,… Nhưng bên trong mỗi hình ảnh, mỗi tế bào sông núi là những phần xương thịt của cha ông nhiều đời để lại. Bao câu hỏi vang lên, ta phải trả lời: Có bao giờ, có bao giờ,…

          Bài thơ là sứ điệp truyền thông về sức mạnh kiên cường của nhân dân ta:

                             Qua đồn giặc chị len từng bước nhẹ

                             Trong yếm hồng đã giấu sẵn mật thư

                             Ai biết được dưới gánh hàng của mẹ

                             Có đầu con trai máu thắm màu cờ?

 

                             Trong không khí hàng ngày em vẫn thở

                             Có bao giờ nghe máu trở về tim?

                             Trong bước chân người tiếp truyền lịch sử

                             Cổ nhân qua rồi mà hạo khí còn nguyên.

 

          Những bài thơ giai đoạn 1973-1975, Đông Trình lấy tên Hoa đã hướng dương. Rõ ràng, với chủ đích đó, cũng có thể nói rằng, ở thời điểm như tạp chí Bách khoa (Sài Gòn 1972) nêu : "báo chí hiện nay đang lâm đại nạn rồi", thì, trong hoàn cảnh đó, "tiếng đàn bầu" thơ Đông Trình vẫn vang lên bao cung bậc, không chỉ đậm đà những tình tự dân tộc mà còn là hồi kèn thôi thúc, xung trận, kêu gọi mọi người đứng lên, theo tiếng gọi non sông.

          Cần nhớ là, sau 1972, chính quyền Sài Gòn ra tay đàn áp phong trào đấu tranh đô thị của trí thức, sinh viên-học sinh một cách khốc liệt, chưa từng có. Tất cả đều bị bắt và giam tại các nhà lao ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ và các địa phương khác. Trong tình thế đó, sáng tác của phong trào cũng bị lắng xuống. Chính thời điểm này, Đông Trình lại luôn có mặt, có mặt một cách tích cực, dũng cảm.

          Nhiều bài thơ hay, cảm động, chứa chan nghĩa tình đã ra đời. Đó là Tiếng đàn bầu, Người em gái bên kia cầu sông Vệ, Hoa đã hướng dương, Mùa thu trên đường về, Hoa máu còn hồng trước ngôi nhà cũ, Vì những người chết không nhắm mắt, Giọt lệ mừng…

          Những bài thơ của Đông Trình ở thời điểm này đi vào nhà trường, đi vào các buổi sinh hoạt văn nghệ, đi vào thuyết trình văn học,… Tại Bình Đức, An Giang, nhà giáo Văn Công Thiên đã có thư cho Đông Trình:

          "Tôi đã từng theo dõi và yêu thích những bài thơ của ông. Những bài thơ nói lên khát vọng của hầu hết anh em trí thức chúng ta. Xin phép ông, tôi đã chọn một số bài để dạy cho các em học sinh đáng yêu của tôi. Qua những bài thơ, tôi khích động các em".

          Người viết bài này nhớ lại, Hoa đã hướng dương, khi được in ra, đó là bài thơ trong lành như những giọt sương ban mai, lóng lánh trên cành cây ngọn cỏ non, là những đóa hoa xinh xắn, mơn mởn, hướng về ánh mặt trời. Bài thơ viết cho một số bạn trẻ, giã từ trường lớp, bạn bè, thầy cô, giã từ sự ấm êm của gia đình, giã từ cuộc sống đầy đủ của phố thị để thoát ly ra vùng giải phóng, chấp nhận sự hy sinh:

                             Ngày em đi, tôi không có ở nhà

                             Ngày em đi, tôi đang sống rất xa

                             Không bắt được tay, không hôn được mặt

                             Không được mừng em một dòng nước mắt

                             Như mừng quê hương sáng chói bình minh…

                             Nếu được tiễn em chắc tôi phải khóc

                             Ai không sinh ra đời với một trái tim…

          Một trong những "đóa hướng dương" ấy có Đặng Ngọc Khoa. Đêm trước tiễn đưa Khoa về với đất mẹ, Đông Trình đọc lại bài thơ này, đầy nước mắt, thương tiếc đối với người em, người học trò vô cùng mến yêu!

          Những ngày tháng của 1973, 1974, Đông Trình tổ chức nhiều buổi nói chuyện thơ văn tranh đấu, thời sự văn chương, lý tưởng tuổi trẻ tại nhiều trường học ở Đà Nẵng, Hội An.

          Những bài nói chuyện được tập hợp lại, in ra, có tên Giữa vòng tay thân hữu. Những lần nói chuyện như thế, thu hút khá đông khán giả, phần lớn là học sinh, sinh viên, giáo chức.

          Vào mùa đông 1974, sau Hội An, Mặt trận nhân dân cứu đói thành phố Đà Nẵng ra mắt, Đông Trình đọc bài thơ Vì những người chết không nhắm mắt. Bài thơ gây xúc động người nghe. Buổi chiều ngày 14-10-1974, giữa khuôn viên chùa Pháp Lâm ( thường gọi chùa Tỉnh hội, nằm trên đường Ông Ích Khiêm), trời âm u, mưa nhẹ, không gian như trầm xuống, hàng ngàn bà con, đủ thành phần, trí thức, tu sĩ, tiểu thương, học sinh, người đạp xích lô, xe thồ, nhân dân lao động làm thuê,… chật kín trong sân. Trong buổi lễ hôm đó, với giọng xúc cảm của mình, Đông Trình đã làm bao người rớm lệ:

                             …Chiều nay tôi đang cất bước

                             Đến nơi đây để thấy mặt đồng bào

                             Đến nơi đây dưới biểu ngữ treo cao

                             "Chào mừng anh em miền Trung cứu đói"

                             Anh có nghe không lòng tôi đau nhói

                             Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà

                             Lần đầu tiên trên đất nước đầy hoa

                             Có những tiếng kêu thất thanh "cứu đói"!

 

                             Những người chết hôm nay muôn đời mắt còn mở

                             Họ nhìn chúng ta khẩn thiết van lơn

                             Họ hỏi chúng ta cây trái Trường Sơn

                             Sông rạch biển ngòi thênh thang tôm cá

                             Đồng bằng Cửu Long phì nhiêu màu mỡ

                             Đã thấm nhuần xương thịt cha ông

                             Họ hỏi chúng ta về những cánh đồng

                             Lúa gạo đi đâu không vào kho Tổ quốc?

                             Và tại sao có những người nhân danh cả nước

                             Đi kiếm tiền như một bọn ăn xin?

                             Và tại sao trên những buyn - đinh

                             Tiếng rượu sâm-banh nổ vang như pháo tết

                             Và dưới chân thang, đồng bào ta gục chết

                             Mà tiếng kêu thương không phá vỡ những trận cười?

          Cả bài thơ, dài đến 107 câu, nêu lên các cảnh đói: "Anh đói em, chồng đói vợ, thầy đói trò/ Ruộng đói người, đất đói phân, cây đói trái/ Nguồn đói nước, mẹ đói con, thuyền đói lái" và "Đất nước ta no bom, no đạn, no xâm lăng/ Gái no thanh lâu, trai no ma túy/ No phe cánh, no gia nô, no quyền thế/ No mồ hôi, no nước mắt, no máu no xương". Bài thơ là một bản cáo trạng về những bất công của xã hội miền Nam, như khối thuốc nổ tung ra giữa lòng thành phố.

          Hôm sau, các báo tại Sài Gòn đều đưa tin buổi ra mắt của Mặt trân nhân dân cứu đói miền Trung. Tờ Điện Tín đăng nguyên văn bài thơ của Đông Trình. Lại một lần nữa, bài thơ đi vào các chợ, các nhà trường, các bệnh viện, các đường phố…gây nên hiệu ứng lớn trong xã hội.

 

          Chúng tôi (Huỳnh Văn Hoa và Nguyễn Công Khế) có một kỷ niệm khó quên với nhà thơ Đông Trình.

          Khi hai chúng tôi chuẩn bị cho ra tập thơ, có tên Mấy mươi năm, ta đi tìm một ngày. Tập thơ chừng 30 bài, nội dung thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước và được giới thiệu trên tuyển tập Hành Hương, Xuân Nhâm Tý, 1972, của Trung học Phan Châu Trinh.

          Đông Trình viết Lời tựa cho tập thơ này. Lời tựa chân thành, chủ yếu biểu dương những mơ ước, những hoài bão, những tâm tình của người sáng tác viết về quê hương, về tuổi trẻ.

          Tiếc rằng, khi Nguyễn Công Khế đang theo dõi việc đánh máy bản thảo, thì, tại nhà người bạn học chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tốt, vào sáng 15-5-1972, cảnh sát ập vào nhà, bắt đi tất cả. Những người bị bắt, gồm Nguyễn Công Khế, Nguyễn Văn Tốt, Đỗ Pháp và Đinh Công Hảo. Bản thảo, do đó, cũng bị tịch thu, mất luôn.

 

          Cuối bài viết này, trong tình thân qua 40 năm, xin được gọi - anh Đông Trình thương mến-, thơ anh, như Trinh Đường, nhận xét:

 

          "Nhiều trắc ẩn về cuộc đời và nghệ thuật. Nhà thơ là cuộc hóa thân thành nhiều hình thái bằng lửa khác nhau. Nó là sự thông đạt, niềm giao cảm, tiếng gọi đàn giữa những tâm hồn đồng điệu-những ngọn lửa".

 

          Xin cảm ơn những bài thơ của Đông Trình trong những tháng năm đáng nhớ của thời tuổi trẻ chúng tôi.

 

 

                                                                                       Đà Nẵng, tháng 5 năm 2011

 

                                                                                                            H.V.H