BÀN VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HIỆN NAY - SUY NGẪM TỪ QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH

19.09.2011

 BÀN VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HIỆN NAY -  SUY NGẪM TỪ QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH

 

                                                                             MAI MỘNG TƯỞNG

                                                       Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng

                            

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục - đào tạo (GDĐT) nhằm tạo ra một đội ngũ lao động có trí thức, có tay nghề cao đáp ứng được đòi hỏi của nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, và lĩnh vực này đã được xác định là một quốc sách  hàng đầu của chúng ta trong nhiều thập kỷ qua. Trong thư gởi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa ngày 31 thàng 8 năm 1960, Người căn dặn : "…Văn hóa giáo dục phải phát triển mạnh để phục vụ yêu cầu của cách mạng…Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế. Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt : đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất…”(1).

 Thấm nhuần quan điểm sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 50 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng đầu tư nhiều mặt cho lĩnh vực GDĐT, theo đó chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, các phong trào thi đua ở các bậc học, ngành học từ Trung ương cho đến các địa phương được dấy lên sôi nổi, tạo ra một khí thế dạy và học ngày càng tiến bộ. Qua thực tiễn cho thấy, nhờ sự đầu tư thỏa đáng mà tại các kỳ thi quốc tế trong những năm qua, đoàn học sinh Việt Nam luôn giành được những giải cao ở hầu hết các môn thi, đem vinh quang về cho đất nước, làm nức lòng thầy giáo, cô giáo và phụ huynh cả nước, nhiều em học sinh nghèo bằng nghị lực của mình đã vượt khó, hoặc vượt qua khuyết tật để vươn lên học giỏi, đỗ đạt cao trở thành những tấm gương sáng để các bạn trẻ noi theo. Trong thư gởi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới, đăng trên báo Nhân dân, số 5299, ra ngày 16 tháng 10 năm 1968, Bác Hồ nhắc nhở : "…Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật…Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ…”(2).

Tuân theo lời dạy của Người, trong những năm dài kháng chiến chống chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc, đặc biệt là cuộc chiến đấu chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ, cán bộ và nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ kể cả hy sinh xương máu để quyết tâm thực hiện bằng được "sự nghiệp trồng người”, và điều đó đã được đền đáp xứng đáng khi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta có một loạt thế hệ người nối tiếp nhau được trang bị đủ tầm trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn toàn có khả năng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội cho đến hôm nay, những lớp người thực sự có quyền làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội theo đúng nghĩa.

          Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua, phần nói về GDĐT đã chỉ rõ : "Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”(3). Điều đó cho thấy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lĩnh vực GDĐT luôn được Đảng và Nhà nước ta thể hiện rất nghiêm túc trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đã vận dụng sáng tạo bằng những chính sách, mục tiêu cụ thể.

Trong nội dung Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, khi đánh giá thành tựu về lĩnh vực GDĐT trong phần Kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hôi 2001 -2010, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, thì được nhìn nhận như sau : "…Đổi mới giáo dục đạt được một số kết quả bước đầu. Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo đạt trên 20% tổng chi ngân sách;  việc huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục, đào tạo, phát triển giáo dục, đào tạo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Quy mô giáo dục được tiếp tục phát triển. Đến năm 2010, tất cả các tỉnh, thành đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, năm 2010 đạt 40% tổng số lao động…”(4). Đó là những kết quả đáng mừng và đáng trân trọng, cần phải đồng lòng chung sức gìn giữ để phát huy, nhân rộng trong thời gian tới, bảo đảm làm cho nền giáo dục nước nhà tiếp tục có những bước tiến mới trong quá trình góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xứng đáng sánh vai cùng bầu bạn trên thế giới.

Tuy nhiên chúng ta cũng thẳng thắn thấy cho được những hạn chế, yếu kém đó là : "Chất lượng GDĐT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao vẫn còn hạn chế, chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Chưa giải quyết tốt giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu, đổi mới chậm; cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo, chất lượng giáo dục toàn diện giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập. Xu hướng thương mại hóa và sa sút đạo đức trong giáo dục khắc phục còn chậm, hiệu quả thấp, đang trở thành nỗi bức xúc của xã hội…” (5). Rõ ràng là trước mắt chúng ta còn nhiều việc phải làm cho lĩnh vực GDĐT, chắc chắn những khó khăn, thách thức của thời kỳ hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới cùng với những tiềm ẩn khó lường của việc biến đổi khí hậu toàn cầu và bên cạnh đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng âm mưu "diễn biến hòa bình” ngày càng tinh vi, thâm độc sẽ tác động không nhỏ vào quá trình tiếp tục cải cách nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền GDĐT nước ta. Nhưng những gì mà chúng ta đã có được trong thời gian qua cùng với sự đoàn kết, nỗ lực không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn dân ta cũng đủ để chúng ta khẳng định và tin tưởng rằng sự nghiệp GDĐT của nước nhà sẽ có nhiều khởi sắc hơn dưới ánh sáng dẫn đường của quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại trong giai đoạn cách mạng mới.

 

                                                                                                     M.M.T

                                      ____________________

(1)   Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1996, tập 10, trang 190

(2)   Sách đã dẫn, tập 12, trang 403

(3)   Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG - Sự thật, Hà Nội - 2011, trang 77

(4)   Sđd, trang 153

(5)   Sđd, trang 167 – 168