Bản nhỏ vùng giáp biên

19.09.2011

Bản nhỏ vùng giáp biên

Nguyễn Tam Mỹ

Tôi vô cùng háo hức với chuyến xuất ngoại sang Hạ Lào. Đây là dịp may hiếm có cho tôi kiểm tra lại vốn liếng tiếng Lào đã tích lũy được trong những năm tháng mặc áo xanh màu cỏ úa. Bởi hơn một phần tư thế kỷ trôi qua không hề sử dụng, tôi đã làm... rơi rụng gần hết! Và đây cũng là cơ hội để tôi thăm lại chiến trường xưa với một thời tuổi trẻ dọc ngang những cánh rừng khộp trụi trơ cành nhánh dưới cái nắng mùa khô chói chang gay gắt. Vắt qua những sườn núi gần như dốc đứng, những vực sâu hun hút đến rợn người, rồi xuyên giữa rừng hoang bạt ngàn, con đường từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y đi sang Hạ Lào to rộng thênh thang và được thảm nhựa phẳng lỳ. Chính vì thế mà xe chạy khá êm. Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc tôi có mặt ở thị xã Attapeu.

Như mái tóc xanh dài của cô gái vừa qua tuổi rằm trăng, con sông Sekong đẹp như tranh vẽ, len chảy giữa thị xã nửa quê nửa phố. Đứng trên cầu hóng ngọn gió mát hiếm hoi, tôi ngắm nhìn dòng nước màu ngọc bích lững lờ trôi xuôi. Và trong tôi bất chợt hiện về cái bản nhỏ có con suối Phuxao ở vùng biên giới Kamphuchia- Lào...

Vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tôi đi bộ đội và sang làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Kampuchia. Đơn vị tôi đóng quân ở Siempang, trong một cánh rừng bằng lăng tiếp giáp với Lào. Mùa khô năm đó, cấp trên lệnh cho đơn vị tôi phối hợp với bộ đội Pathet Lào truy quét tàn quân Pol Pot và bọn thổ phỉ Fulro ở Tây Nguyên dạt qua nương náu tại vùng giáp biên. Chiến dịch kéo dài suốt bốn tháng trời. Đêm nghỉ. Ngày đi. Rừng đại ngàn hoang vắng xác xơ do không chống chọi nổi với nắng lửa đốt thiêu. Suối khe thảy đều trơ đáy, phơi dưới trời xanh ngằn ngặt những bãi đá sẫm nâu, nóng hực. Lắm lúc, đơn vị tôi không tìm đâu ra nguồn nước mát, ngày lại qua ngày ăn lương khô giữ sức, liếm những giọt nước ít ỏi cầm hơi kiếm được nhờ chặt những dây huyết dụ và những cây lá giang... Gắng gượng mãi, tôi cũng vượt qua được một phần ba thời gian của chiến dịch. Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái. Bởi càng đi sâu vào đất Lào, đơn vị tôi càng bắt gặp những con suối còn nước đọng trong các vũng lớn. Có nước nấu cơm ăn. Và có nước đun sôi để uống. Cái đói cồn cào hành hạ và những cơn khát khô cổ họng không còn là nỗi kinh hoàng đối với mọi người. Đúng lúc đó, tôi lại bị sốt rét rừng quật ngã. Quay trở về Siempang là cả một chặng đường xa vời vợi. Bám theo đơn vị thì tôi đã hoàn toàn kiệt sức. Không còn cách nào khác hơn, đơn vị buộc phải gửi tôi ở lại một bản nhỏ của người Lào tại vùng giáp biên...

"Miên chịu khó nằm đây. Kết thúc chiến dịch, đơn vị sẽ quay lại đón cậu. Chắc chắn như vậy !”. Chính trị viên Đại đội cầm tay tôi, an ủi. Rồi sợ tôi buồn lo, anh bảo: "Bản Lào này có không ít người biết tiếng Việt, cậu yên chí ! Và chủ nhà là người có lắm bài thuốc quý, nhất định sẽ chạy chữa cho cậu mau lành bệnh...”. Tôi gật đầu cười như mếu. Khi đơn vị hành quân ngược lên hướng bắc, dọc theo biên giới Lào- Việt, từ sốt cách nhật tôi chuyển qua sốt liền nhật. Người ngợm nóng ran, nhưng trong xương tủy lại rét lạnh khủng khiếp ! Rồi tôi mê man bất tỉnh. Gần mười ngày sau tôi mới thoát khỏi tình trạng tồi tệ đó. Mở mắt nhìn quanh, tôi thấy mình nằm nơi góc nhà sàn của một gia đình người Lào lạ hoắc ! Chiếc ba lô con cóc đặt bên cạnh, nhưng khẩu súng AK và tạc đạn thì chẳng thấy đâu ! Tôi hoảng hốt, cố chống tay ngồi dậy, mấp máy đôi môi khô nẻ hỏi cô gái có khuôn mặt khả ái, nhưng không nói nên lời. "Me ơi me ! Ại Miên đã tỉnh lại rồi !”. Cô gái nói như reo với người mẹ già. "Uống ba chục bát nước thuốc rễ cây do me tìm kiếm nơi suối khe, thằng Miên sẽ khỏe mạnh thôi mà...”. Người mẹ già cười bảo với cô con gái. "Ại Miên biết không ! Trong những ngày ại Miên sốt ly bì, em buồn lo vô kể... Bây giờ trông thấy ại Miên ngồi dậy được, em mừng ơi là mừng...”. Tôi rưng rưng ngấn lệ khi nghe cô gái thật thà bảo thế. Bởi tôi không thể ngờ rằng, lúc ốm đau, mình lại được cô gái tận tình chăm sóc và ríu ran trò chuyện bằng giọng Hà Nội rất dễ thương...

Rễ cây gì đó mọc ở bờ mương khe suối được người mẹ Lào đào bới đem về sao chế để sắc cho tôi uống quả là hiệu nghiệm. Độ nửa tháng sau tôi lành bệnh hẳn. "Ăn uống cho nhiều vào, ại Miên mới khỏe mạnh như trai bản được ! Đấy là "nhiệm vụ” của ại Miên”. Lúng liếng đôi mắt lá răm, cô gái cười cho biết. "Và em sẽ là người được me phân công giúp ại Miên hoàn thành "nhiệm vụ” đó...”. Hằng ngày cô gái lấy trứng gà và mật ong rừng đổ vào chiếc ly thủy tinh to tướng, dùng que tre đánh cho sủi bọt duềnh lên rồi bắt tôi uống. Dăm ba hôm cô gái lại ép tôi xơi kỳ hết con gà giò gói lá chuối xanh hầm với muối hạt. Nhờ được bồi dưỡng thường xuyên nên tôi tăng cân và mau chóng săn gân chắc tay hơn cả lúc chưa bị sốt rét rừng quật ngã. Tôi nhận me Xavy- tên người mẹ Lào phúc hậu, làm mẹ nuôi; và Faleck- tên cô con gái rượu của me, có khuôn mặt khả ái với đôi mắt lá răm lúng liếng như cười làm em kết nghĩa. Thực ra, trước đây gia đình me ở phum Nholn thuộc một huyện biên giới của vùng Đông bắc Kampuchia. Lấy chồng người Khmer nên me về quê chồng sinh sống. Khi Pol Pot- Ieng Xary lên cầm quyền ở đất nước Chùa Tháp, bọn quỷ áo đen đã gây ra bao tai họa cho dân lành. Chồng me bị Angka lôi ra rừng dùng búa đập đầu cho đến chết vì tội "học hành tử tế” ?! Hai người con trai me cũng bị thủ tiêu vì là "dân loại ba”. Dắt Faleck trốn khỏi "công xã” trong một đêm tối trời, me băng rừng vượt suối tìm về nơi mình đã sinh ra và lớn lên...

Chưa đến mùa mưa nên đơn vị tôi chưa quay trở lại. Ở không mãi cũng chán, tôi theo trai bản vào rừng săn con hoẵng con nai, hoặc ra suối giăng câu thả lưới cho quên tháng ngày chậm rãi trôi qua ! Và cái công việc ấy, với tôi, cũng gặp không ít khó khăn trở ngại vì ngôn ngữ bất đồng. Trai bản đều không biết tiếng Việt. Có chăng, họ cũng chỉ bập bẹ đôi ba từ thông dụng. Còn tôi, ngoài câu "khọi pò chắt đọt”, cũng chẳng nói được gì hơn ! Thành ra tôi luôn là kẻ ngơ ngác lạc lõng giữa đám đông trai bản. Nản lòng, tôi ở nhà quanh quẩn vào ra. Có biết qua quýt chút ít nghề mộc, tôi đem ra thực hành để giết chết thời gian nhàn rỗi. Sửa chữa lại chiếc cầu thang phụ ở phía sau chái bếp. Đóng lại mấy tấm ván che chắn làm phên vách đã bị long đinh. Vót mây nứt lại gùi hái măng đã bị đứt nuộc tuột vành... Nhìn tôi chăm chỉ tỉ mẩn làm việc, me Xavy cười: "Thằng Miên ngó vậy mà thật khéo tay ! Mày với con Faleck trông đẹp đôi đấy !”. Nghe thấy me nói thế, Faleck đỏ mặt, vội quay đi chỗ khác, tránh ánh nhìn của tôi. Rồi em đánh trống lảng: "Ại Miên không thích đi chơi đi làm với trai bản là do mù tịt tiếng Lào, đúng không ? Ại Miên gọi Faleck bằng chị thì Faleck sẽ dạy tiếng Lào cho ! Có cậu học trò thông minh, nhất định cô giáo sẽ hướng dẫn học tiếng Lào giỏi như người Lào cho coi !”. "Thật không ? Cô giáo Faleck dạy tiếng Lào cho học trò Miên này nhé ? Me ơi me ! Hãy làm chững cho con...”.

Faleck nhỏ hơn tôi tám tuổi. Hồi còn bé tý sống ở phum Nholn, em được các chú bộ đội Việt Nam đóng quân trong sóc dạy cho học tiếng Việt. Gần bốn năm chịu khó miệt mài học "cái chữ của bộ đội cụ Hồ”, em không những đọc thông viết thạo, mà còn nói tiếng Việt rất sõi với giọng chuẩn Hà Nội. Bởi các "thầy giáo” của em đều là người ở thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Và ở cái bản nhỏ vùng giáp biên này, ngày ấy cũng có bộ đội Việt Nam thường xuyên qua lại. Chính vì vậy, không ít người già nơi đây cũng biết tiếng Việt. Faleck vô cùng thích thú khi được làm "cô giáo” dạy tiếng Lào cho "cậu học trò to con lớn xác” là tôi ! Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ mãi không quên những tháng ngày sống ở cái bản nhỏ nơi vùng vùng giáp biên. "Ại Miên ơi !”. "Ại Miên à” là tiếng gọi thân thương của Faleck gọi tôi. Ôi, những buổi trưa hai đứa chụm đầu bên chiếc bàn gỗ tếch kê dưới gốc xoài cổ thụ cành nhánh xum xuê ở trước sân nhà để cùng dạy và học tiếng Lào; những buổi chiều hoàng hôn cháy đỏ phía trời tây, hai đứa đi lang thang trong rừng khộp trụi trơ, tìm kiếm cây lá giang để lựa hái những chiếc lá xanh non đem về nấu canh chua; những buổi sớm mai ánh ngày vừa hửng sáng, hai đứa lội bì bõm dọc con suối Phuxao để mò bắt những con cua đá đen tuyền tuyệt đẹp... Nhờ "cô giáo” tận tình dạy bảo nên chẳng bao lâu sau "cậu học trò to con lớn xác” giao tiếp với mọi người bằng ngôn ngữ của họ một cách thông thạo...

Rào chắn đã được tháo dỡ. Tôi hòa nhập với trai bản, hằng ngày cùng họ đi làm đi chơi. Me Xavy cười: "Thằng Miên bây giờ đã là một trai bản thực thụ. Giá như mày chịu lấy con Faleck làm vợ và ở đây với me thì cuộc đời me hạnh phúc biết bao !”. Faleck không còn thẹn thùng đến đỏ mặt tía tai khi nghe me Xavy bảo thế. Em lúng liếng đôi mắt lá răm nhìn tôi và nói: "Con vụng về, lại xấu xí, ại Miên đâu có thèm để ý tới mà me cứ vun vào ! Có phải không nào, ại Miên ?”. Tôi bẹo tai Faleck, bảo: "Em mà vụng về xấu xí thì con gái bản này chẳng có ai xinh đẹp ngoan hiền cả, đúng không ?”. Thực lòng, tôi rất yêu thương Faleck. Nhưng tôi không thể làm theo lời me Xavy được. Bởi tôi đang là lính tình nguyện chién đấu ở nước bạn Kampuchia. Quân lệnh như sơn. Đơn vị tôi không đời nào chấp nhận điều đó. Hơn nữa, ở nơi quê nhà xa ngái, tôi còn có người mẹ già luôn mỏi mòn tựa cửa ngóng đợi tôi về... Để chạy trốn tình yêu đôi lứa cứ ngày càng nồng đượm như lửa than săng lẻ, tôi cùng với gái trai trong bản vui múa lăm vông và uống rượu Lào đến quắc cần câu. Bước qua đầu tháng Tư. Rồi giữa tháng Tư. Tết Bun Pimây đã tới ! Mới mười giờ sáng tôi đã say mèm. Me Xavy đi lễ chùa ở bản bên kia suối Đá Mài. Còn Faleck cùng bạn bè đi té nước chúc phúc mọi người trong bản nhân dịp tết năm mới. Nhà vắng teo. Tôi leo từng bậc cầu thang lên sàn nhà và nằm lăn quay ra ngủ đến quên trời đất...

Lâu, rất lâu, tôi mới tỉnh dậy. Lúc bấy giờ nắng đã xiên khoai. Me Xavy vẫn chưa về. Tôi ngồi chống cằm nhìn phía cuối bản qua ô cửa sổ. Và tôi trông thấy Faleck đang trên đường về nhà. Người em ướt sũng nước. Chiếc váy choàng ngang ngực dính bết vào da để lộ ra những đường cong tuyệt mỹ của cơ thể thanh tân tràn đầy sức sống. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn em say đắm. Và rồi bản năng của thằng đàn ông bất chợt trỗi dậy trong tôi. Vùng bụng dưới đau thắt từng cơn. Người ngợm nóng ran như đang lên cơn sốt. Hoảng hốt, tôi vội khom người đi ra chái bếp rồi tụt xuống cầu thang phụ phía sau, ngồi xem khóm hoa vạn thọ trổ hoa vàng rực. Faleck đã về đến nhà. Em vừa bước lên cầu thang vừa cất tiếng gọi "Ại Miên ơi !”, "Ại Miên à !”... Tôi giả vờ không nghe. "Xòa ! Xòa...!”. Bị bất ngờ dội nước ướt như chuột lột, tôi giật mình đứng phắt lên và quay người lại. Faleck đánh rơi chiếc xô nhựa đang cầm trên tay. Đôi má đỏ bừng. Nụ cười ngưng đọng nửa chừng trên môi. Tôi nhìn xuống vùng bụng dưới của mình. Và tôi vọt chạy ra suối Phuxao, nhào xuống dòng nước mát để che giấu nỗi xấu hổ không biết đổ đi đâu cho hết ! Sẫm tối, tôi mới lững thững trở về nhà. Faleck làm như không có chuyện gì xảy ra, cứ hồn nhiên cười nói "Ại Miên ơi !”, "Ại Miên à !”... Và dần dà đầu óc tôi cũng xua tan được hình ảnh Faleck bẽ bàng đứng nhìn tôi như hóa đá trong buổi chiều Bun Pimây. Hai đứa lại đi chơi đi làm với nhau...

Một hôm, me Xavy buồn rầu bảo với tôi: "Qua Tết Bun Pimây là đến mùa mưa. Đơn vị của thằng Miên sắp sửa quay về. Me và Faleck sẽ phải chia tay con rồi !”. Tôi không biết nói gì với me, khẽ thở dài im lặng. Faleck pha trò bằng những câu đùa tếu táo nhằm phá tan sự yên ắng. Và trong thời gian ngắn ngủi cuối mùa khô, Faleck thường hay rủ tôi đi vào rừng tre nứa hái măng. Bữa ấy, sau khi hái được một gùi đầy, cả hai ra về lúc ngày dần tắt nắng. Ngang qua suối Phuxao, Faleck bảo tôi ngồi đợi chờ em tắm. Trời chập choạng tối. Suối vắng tanh không một bóng người. Em xoãi người bơi ra vực rộng có phiến đá khá bằng phẳng nằm nghiêng. Đột nhiên em chới với, líu lưỡi gọi tôi: "Ại Miên ơi ! Cứu... cứu em với !”. Tôi lao xuống vực rộng. Không ngờ chỗ phiến đá khá bằng phẳng nằm nghiêng, nước lại rất nông. Em đứng dậy, thả tay, chiếc váy ướt sũng nước tụt xuống. Tựa vào phiến đá tấm thân con gái nõn nà, em mỉm cười bảo tôi: "Cho anh đấy, ại Miên !”. Mọi chuyện diễn ra quá bất ngờ khiến tôi đờ đẫn. Trấn tĩnh lại, tôi ấp úng nói: "Không được đâu, Faleck ! Me biết thì chết...”. "Em biết ại Miên rất yêu em, rất thích em ! Khong phải từ buổi chiều Bun Pimây, mà trước đấy nữa... Đừng tự dối lòng mình, mà cũng đừng phụ tình em. ại Miên !”. Mồm miệng tôi bỗng dưng cứng lại không nói nên lời. "Em đã bảo rồi ! Em cho anh đấy. ại Miên ! Anh không nhận thì em giận đó, hiểu không ?”. Faleck vừa nói trong hơi thở gấp gáp vừa quàng tay vít đầu áp mặt tôi vào hai bầu vú tròn căng...

Khi vầng trăng hạ huyền nhô lên khỏi rừng khộp trụi trơ, hai đứa tôi mới trở về nhà. Faleck rất vui, nói cười tíu tít. Còn tôi tâm trí rối bời với biết bao băn khoăn lo lắng. Và khoảng nửa tháng sau tôi theo đơn vị cắt rừng về lại Siempang. Tôi xa cái bản nhỏ nơi vùng giáp biên, xa ngôi nhà sàn thoáng mát bên cạnh con suối Phuxao, xa người mẹ Lào phúc hậu và Faleck thương yêu của tôi từ đấy...

Hai mươi mấy năm "một đi không trở lại”, mãi đến bây giờ tôi mới có điều kiện tìm về miền đất Hạ Lào mênh mang rừng đại ngàn. Ngổn ngang bao kỷ niệm buồn vui của một thời mặc áo xanh màu cỏ úa bất chợt ùa về trong tôi. Đứng trên cầu bắc ngang qua sông Sekong để ngắm nhìn thị xã Attapeu rực rỡ ánh đèn khi màn đêm buông xuống, tôi tự hỏi: Cái bản nhỏ nơi vùng giáp biên nằm ở phương nào ? Và người mẹ Lào cùng Faleck thương yêu của tôi có còn ở ngôi nhà sàn thoáng mát cạnh con suối Phuxao ? Tôi không sao trả lời được những câu hỏi đặt ra ! Giai điệu bài dân ca Lào quen thuộc từ một quán cà phê nào đó bên sông đồng vọng tới dẫn bước tôi đi... Và bên ly cà phê đen đặc sánh, tình cờ tôi làm quen với Feck Saha. Anh bảo, vào những năm đầu thập kỷ 90, anh thường hay qua lại vùng biên giới Kampuchia- Lào. Và anh có biết cái bản nhỏ xa xôi khuất nẻo, có con suối Phuxao vào lúc chiều tà các cô gái Lào thường ra tắm giặt, té nước cười đùa với nhau... Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân ở đấy rất mến khách ! Nhất là gia đình me Xavy. Me đã vóc hạc dáng mai. Còn con gái me- Faleck, qua thời xuân sắc nhưng khuôn mặt vẫn còn khả ái. Faleck có cậu con trai lên chín lên mười- tên Việt, trông thật kháu khỉnh đáng yêu. "Bây giờ cái bản nhỏ vẫn còn ở đó ?”. Không giấu được niềm vui, tôi vội hỏi Feck Saha. Anh lắc đầu cho biết: "Cái bản nhỏ ở vùng giáp biên ấy đã chuyển đi nơi khác rồi ! Đi đâu, tôi cũng không biết nữa ! Bởi mùa mưa năm 2000, một trận lũ quét kinh hoàng đã san lấp cạn con suối Đá Mài và con suối Phuxao. Không còn nguồn nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày nên cả bản phải dời đi...”.

Tôi lặng người khi nghe Feck Saha bảo thế ! Ôi ! Chẳng lẽ, với tôi, tất cả chỉ còn trong ký ức xa xăm...

N.T.M