NGHĨ DỌC SÔNG HÀN - NHỮNG HƯỚNG NHÌN…

19.09.2011

NGHĨ DỌC SÔNG HÀN - NHỮNG HƯỚNG NHÌN…

     

 Nguyễn Đình Vĩnh

 

1. Nghĩ dọc sông Hàn là một cuốn sách lạ. Lạ vì nó được viết trong dòng ngôn ngữ đối thoại. Đối thoại ngay từ nhan đề, từ câu chữ, từ ý niệm mà các bài viết đặt ra, để lại… Trong 41 bài viết của mình, nếu cứ tính từ nhan đề đã có 8 bài nghĩ dọc, nghĩ về, suy nghĩ; 7 bài bàn về, bàn thêm, bàn góp; 3 bài tản mạn; 2 bài nhìn lại, nhìn từ. Đó là chưa kể không ít tựa đề mà ngay trong cấu trúc của nó đã ngầm chứa một sự nghĩ suy, trăn trở: Tuổi trẻ và tốc độ, Coi trọng cái trung bình, Hãy cho con em chúng ta được nghỉ hè! Môi trường học đường phải thực sự là môi trường sư phạm...

2. Nghĩ dọc sông Hàn hấp dẫn người đọc trước hết ở những quan niệm khá mới mẻ: "…với tôi, sông Hàn không chỉ là một con sông, sông Hàn là một dòng lịch sử” (trang 38); "thất nghiệp không phải chỉ là người có nghề chưa được hành nghề mà còn hành cái nghề mình chưa được đào tạo” (trang 183); "Tư duy đại dương nhắc người Đà Nẵng luôn nhớ rằng thành phố quê mình nằm sát biên giới nước láng giềng Trung Quốc, hệt như Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng” (trang 35); "Con đường ngắn nhất để nâng cao hiệu quả dạy học văn ở trường phổ thông là làm cho giờ dạy có được những giây phút vô ngôn cần thiết” (trang 258); "để thực sự chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức và vươn tới đỉnh cao nghề nghiệp, cần hãy hết sức quan tâm tới một vấn đề tưởng chừng như nghịch lý: coi trọng cái trung bình trong bậc thang đánh giá” (trang 183)… ; hấp dẫn ở cái nhìn liên văn bản, ở tính hùng biện, giải minh cao, ở những đề xuất khá sắc bén, cụ thể, nhìn vấn đề từ nhiều chiều kích khác nhau; hấp dẫn ở chỗ tác giả tập sách thường chọn xuất phát điểm của cái giao thoa, thời khắc chuyển đổi - như nhịp bước của Đà Nẵng thời anh đang-sống-đang-viết để từ đó chỉ ra các mối quan hệ giữa cũ và mới, giữa cổ điển và hiện đại, giữa giá trị này và giá trị kia; hấp dẫn ở việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật mà đặc biệt là các phương thức điệp, đảo ngữ, tách nghĩa…

3. Nghĩ dọc sông Hàn có 11 bài viết bàn về văn học và việc dạy học văn. Số lượng ấy chiếm tỉ lệ khá nhỏ trong những bài viết bàn về lĩnh vực này mà tác giả của công trình đã công bố. Tuy nhiên qua những bài viết này, người đọc cũng có thể nhận thấy được nét tinh tế, khả năng tiếp cận đa chiều của tác giả. Tổng quan văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng với 21 trang in là một tiểu luận bề thế hơn cả. (Theo tôi, tiểu luận này có thể khơi nguồn cho nhiều công trình khoa học mới trong ý hướng tìm hiểu sâu về văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng). Với định vị "văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng là một nền văn học trẻ, mới ra đời chừng sáu trăm năm nay, tính từ thế kỷ XV- đời nhà Hồ, khi lãnh thổ Amaravati của Chăm-pa đã thuộc về nước Đại Việt. Nhưng văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng không bắt đầu từ số không tay trắng. Chuyển cư vào lập nghiệp nơi đất Quảng xa xăm, mỗi lưu dân Quảng Nam đều mang trong mình chút lưng vốn văn học dân gian của dân tộc, bởi họ xa rời nguyên quán gốc rễ nhưng không hề đoạn tuyệt với quá khứ cội nguồn, không hề xem quá khứ là dĩ vãng” (trang 11-12) và nhìn văn học dân gian trong quang phổ của văn hoá vùng để từ đó tìm hiểu những yếu tố nội sinh và tiếp biến trong cấu trúc của từng thể loại thần thoại, truyền thuyết, truyện cười, ca dao- dân ca, tuồng, vè, câu đố. Cách làm này đã chứng minh một cách khá thuyết phục về ý thức nguồn cội Đại Việt, ý thức dấn thân nhập cuộc, tính thích biện luận, luôn nghĩ suy tìm tòi cái mới của người xứ Quảng. Minh oan cho Bùi Kiệm là bài viết ngắn nhưng ấn tượng. Tác giả đã dùng tâm lý học hiện đại để soi rọi vào nhân vật Bùi Kiệm trong chuỗi tiến trình tâm lý của kẻ dấn thân vì yêu… Tác giả cũng đã đặt văn học trong cái nhìn văn hoá ở Con ngựa của Thánh Gióng, Bàn về cách ứng xử nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám; văn học trong cái nhìn tiếp nhận khi Bàn về đứa con của Chí Phèo; văn học trong cái nhìn cấu trúc ở Thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích Việt Nam, Về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, Về bài thơ Qua quê mẹ của Thu Bồn.

4. Không tách bạch giữa Đà Nẵng và Quảng Nam (bởi ranh giới không gian chỉ là ý niệm mờ khi xét đến những giá trị của vùng văn hoá) và từ những tiền đề có tính thời gian, Bùi Văn Tiếng muốn chỉ ra, muốn đề xuất một kiểu tư duy, một tầm nhìn và một chỗ đứng của văn hoá và con người xứ Quảng(1). "Quảng Nam là mảnh đất mới trong hành trình mở cõi của giang sơn Đại Việt. Và khi những cư dân đầu tiên của Xứ Thanh-Nghệ vào khai sơn phá thạch, khẩn đất lập làng dù khao khát nhiều với các yếu tố mới vẫn không thể quên hướng về nguồn cội”; "Người Quảng thường xuyên phải đối diện với một thiên nhiên cực kỳ khắc nghiệt, nhất là vào khoảng tháng bảy gió nam thổi ròng hàng tuần lễ, đất cát khô rang, nông thôn cơ cực, dân cày đói vàng con mắt” (trang 31). "Cuộc sống đương thời luôn đặt ra cho các tiên dân Đà Nẵng… nhiều câu hỏi lớn, chẳng hạn ở lại với đất này hay là quay về quê cũ. Và trong quá trình trăn trở tìm lời đáp, càng ngày họ càng nhận ra rằng bên cạnh sức ép của cú sốc văn hoá ghì họ xuống với gian nan, còn có sức đẩy của năng lực thích nghi tiếp biến nâng họ lên, thôi thúc họ sống cho ra sống, cho xứng đáng là những người tiên phong gánh vác sứ mệnh quảng nam - mở nước về phương nam” (trang 39). Chính những yếu tố văn hoá và con người như trên đã góp phần hình thành nên lòng dũng cảm và đức hy sinh của quân tướng Quảng Nam (vốn đóng vai trò chủ yếu) trong hành trình xây dựng và bảo vệ thành Điện Hải - chiến luỹ bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc; hình thành nên khát vọng cởi trói và đổi mới ở phong trào duy tân.

Bùi Văn Tiếng cũng dành những trang viết vẽ bóng danh nhân nhưng chủ yếu là những lát cắt mang tính bổ khuyết để làm nổi bật về tình người, tình đời, về những đánh giá còn chưa khách quan, thấu đáo. Chẳng hạn, người đời thường xác nhận vai trò của Phan Châu Trinh trong tư cách là chính khách, là chí sĩ cách mạng. Bùi Văn Tiếng ở Phan Châu Trinh - nhà cải cách giáo dục của Quảng Nam và Việt Nam đầu thế kỷ XX nhìn nhận từ khía cạnh giáo dục, cho rằng cần phải đặt Phan Châu Trinh với tư cách là nhà cải cách giáo dục lớn vào bậc nhất của Quảng Nam và của Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Bởi lẽ, chính Phan Châu Trinh, khi chọn ba việc cần làm trước tiên lúc khởi sự phong trào duy tân đã chọn khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Và đối tượng hướng đến không phải chỉ là tầng lớp sĩ phu mà là đông đảo quần chúng nhân dân, nguồn tri thức để phổ biến cũng không nằm trong vòng tròn văn chương khoa cử mà khá đa dạng với nhiều ý hướng khoa học tân tiến của phương Tây. Nghĩ về thái độ chính trị của cụ Nguyễn Đình Hiến cho ta hiểu hơn về cốt cách của một con người. Nguyễn Đình Hiến là một vị quan triều Nguyễn, chịu sự theo dõi sát sao của thực dân Pháp bấy giờ. Ấy vậy mà nghe tin di hài cụ Trần Quý Cáp bị hành hình ở Khánh Hoà đang được các môn sinh đưa về nguyên quán, cụ đã lập hương án, bày bài vị tại Bồng Sơn đón và khăn áo chỉnh tề bái lạy khóc than. Thêm nữa là việc công khai đàm đạo với Huỳnh Thúc Kháng, một cựu tù Côn Đảo khi cụ Huỳnh vừa được thực dân Pháp trả tự do, mà lòng không do dự, hoài nghi. Hai sự việc đó, đặt trong bầu không khí thời đại lúc bấy giờ đã thể hiện rõ tình bạn, tình đồng hương và bản lĩnh chính trị của Nguyễn Đình Hiến. Nghĩ về nhà cách mạng Thái Phiên trong cái nhìn hệ thống, Bùi Văn Tiếng đã chỉ ra: "Thái Phiên đã mang hết mọi sở học của mình toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng của Duy tân hội, của phong trào Đông Du, sau cùng là của Hội Việt Nam quang phục. Mặc dù không có được sự tỉnh táo chính trị như Trần Cao Vân - người suốt ba mươi năm trường từng giẫm lên hoạn nạn để tìm đường cứu dân cứu nước, Thái Phiên vẫn là kiến trúc sư trưởng của cuộc cách mạng 1916” (trang 68). 

5. Suy ngẫm về thế và lực, về sự phát triển của Đà Nẵng có thể xem là nội dung chính yếu nhất trong tập tiểu luận và bút ký này. Với mong muốn xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ của thành phố Đà Nẵng theo yêu cầu của kinh tế tri thức, Bùi Văn Tiếng đề xuất bên cạnh việc nhận rõ những mặt mạnh cơ bản, những tiềm lực phong phú, còn cần phải tìm hiểu những bất cập của đội ngũ này về phương diện đào tạo và trong thực tiễn sử dụng (trang 139). Ở phương diện đào tạo có những bất cập như: thiếu đồng bộ, thiếu chuyên gia đầu ngành, thiếu các nhà khoa học trẻ, chất luợng nguồn nhân lực chưa tương ứng với bằng cấp. Và trong thực tiễn sử dụng cũng bộc lộ một số bất hợp lý: chưa phát huy hết nội lực của các lực lượng khoa học - công nghệ tại chỗ; chưa tạo được hấp lực đủ mạnh để thu hút chất xám từ bên ngoài thành phố. Từ nhận thức đó tác giả đã đưa ra 10 giải pháp để xây dựng đội ngũ này theo yêu cầu của nền kinh tế tri thức. Đó là: giải quyết cho được bài toán thiếu đồng bộ; có kế hoạch đưa cán bộ khoa học công nghệ luân phiên tham dự các lớp bổ sung kiến thức chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn; chấn chỉnh lại việc đào tạo trên chuẩn; đẩy mạnh cử người đi đào tạo ở các nước có nền khoa học - công nghệ tiên tiến; xây dựng một quy hoạch cán bộ khoa học - công nghệ đồng bộ; có chính sách đãi ngộ khen thưởng thoả đáng; sắp xếp và kiện toàn các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn; tổ chức chương trình nghiên cứu khoa học -  công nghệ một cách đồng bộ, gắn bó với kế hoạch phát triển của thành phố; lãnh đạo thành phố gặp mặt định kì các nhà khoa học; cải tiến việc tuyển chọn cán bộ khoa học - công nghệ theo hướng kết hợp chặt chẽ với quá trình đào tạo ở trường đại học.

Bàn về nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển của Đà Nẵng, Bùi Văn Tiếng đề nghị cần nhận thức rõ về tính đa dạng, tính tổng hợp và tính liên thông của kinh tế biển. Từ cơ sở này anh đề nghị phân loại các đối tượng được đào tạo theo sáu nhóm: Nhóm thứ nhất là nhân lực lãnh đạo, quản lý theo ngành và lãnh thổ, bao gồm đội ngũ cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền các cấp từ thành phố đến quận huyện, xã phường và cán bộ quản lý ở các ngành, các doanh nghiệp liên quan đến kinh tế biển. Nhóm thứ nhì là nhân lực nghiên cúu khoa học biển và khoa học kinh tế biển, bao gồm những nhà hải dương học, những nhà kinh tế học chuyên ngành kinh tế biển hoặc các chuyên ngành iên quan đến kinh tế biển. Nhóm thứ ba là nhân lực có trình độ kĩ thuật cao như kĩ sư đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, thuyền trưởng và máy trưởng các tàu đánh bắt cá xa bờ. Nhóm thứ tư là nhân lực có trình độ kĩ thuật phổ thông như ngư dân, diêm dân, công nhân các ngành liên quan kinh tế biển. nhóm thứ năm là nhân lực làm nhiệm vụ đào tạo về kinh tế biển, chủ yếu là cán bộ giảng dạy ở các cơ sở đào tạo liên quan kinh tế biển. Nhóm thứ sáu là nhân lực về quốc phòng - an ninh trên biển như sĩ quan và chiến sĩ hải quân, chiến sĩ bộ đội biên phòng, sĩ quan và chiến sĩ cảnh sát biển. Việc phân chia các nhóm như trên là hết sức cần thiết bởi tận dụng được thế mạnh về vốn hiểu biết mang tính tự thân và những kiến thức được trang bị từ những cơ sở đào tạo, để từ đó xây dựng một hệ thống 6 giải pháp tương ứng: Một là tận dụng nguồn nhân lực đã qua hoặc chưa qua đào tạo đang làm việc trong các ngành kinh tế biển trên địa bàn thành phố. Hai là, tận dụng những cơ sở đào tạo sẵn có của thành phố và của cả nước (thậm chí của nước ngoài). Ba là, mở thêm một số cơ sở đào tạo mới trên địa bàn thành phố. Bốn là, chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển từ các trường trung học - trước hết là trung học cơ sở - trên địa bàn thành phố. Năm là, đẩy mạnh xã hội hoá việc đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển.Sáu là, tăng cường quản lí nhà nước nhằm chủ động xây dựng và triển khái thực hiện thành công một kế hoạch đào tạo vừa thiết thực, khả thi, vừa có tầm nhìn xa rộng… Tựa vậy, Bùi Văn Tiếng đã khá thuyết phục khi Bàn thêm về việc xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở Đà Nẵng với những khái quát về thực trạng, nêu định hướng và đưa ra những giải pháp thực hiện.

Ở một góc nhìn khác, cũng bàn về việc xây dựng nguồn nhân lực, nhưng là ở hướng chú ý về giới: Giáo viên tiểu học- âm thịnh dương suy; Công tác cán bộ nữ -  đến hẹn lại lên? Tản mạn về người phụ nữ tham chính; ở cái nhìn về mức độ: Coi trọng cái trung bình; cái nhìn về tuổi: Tuổi trẻ và tốc độ. Các bài viết suy nghĩ về vấn đề chảy chất xám, đề xuất thành lập trung tâm nghiên cứu Quảng Nam - Đà Nẵng cũng gợi nhiều ý tưởng đáng để chúng ta suy ngẫm.

6. Đã bảy năm kể từ ngày tập bút ký và tiểu luận Nghĩ dọc sông Hàn ra đời. Từ đó đến nay, có nhiều ý tưởng mà tác giả đề xuất trong tập sách đã trở thành hiện thực, có ý tưởng vẫn đang được tiếp tục nghiền ngẫm, triển khai. Và tác giả cuốn sách, cho đến hôm nay, cũng đã thêm nhiều trăn trở, suy nghĩ mới nối tiếp dòng nghĩ Nghĩ dọc sông Hàn.

Tôi, người viết bài này, hàng ngày vẫn đi trên những câu cầu-bắc-ngang-sông, đôi khi lòng lại nghĩ về những trang sách Nghĩ dọc…, những trang sách luôn thôi thúc, gửi trao cho những người trẻ tuổi phải nghĩ tới bước tiếp.

        N.Đ.V