Xứ Quảng là một vùng văn hóa dân gian giàu bản sắc

06.11.2019

Xứ Quảng là một vùng văn hóa dân gian giàu bản sắc

(Tạp chí Non Nước trao đổi với Nhà nghiên cứu Đinh Thị Hựu, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng)

* Non Nước: Xứ Quảng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, giàu vốn văn hóa văn học dân gian. Theo chị thời gian tới làm sao quảng bá các giá trị này đến với giới trẻ, nhất là sinh viên, học sinh?

* Đinh Thị Hựu: Văn hóa xứ Quảng, trong đó có văn hóa dân gian, qua nhiều công trình nghiên cứu đã được khẳng định những giá trị đa dạng, phong phú.  Đây là một vùng văn hóa dân gian giàu bản sắc. Trong thời gian đến, chúng ta cần có những đề án cụ thể để giảng dạy, quảng bá các giá trị quý báu này vào các trường học từ Tiểu học đến Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Đại học.

Văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng nền văn học dân tộc. Hiện nay trong chương trình Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có một số tiết trong chương trình chính khóa về Văn học dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, về Văn học dân gian địa phương thì trong chuơng trình chính khóa không có quỷ thời gian mà chủ yếu hiện nay đưa vào chương trình phần mềm, ngoại khóa hoặc sinh hoạt hè. Trong xu thế giao lưu, hội nhập mạnh mẽ hiện nay, nhất là của thành phố Đà Nẵng, vấn đề lại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Văn nghệ dân gian và Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố để thảo luận xây dựng chương trình, đề án, nội dung truyền dạy, cách thức quảng bá tác phẩm văn học dân gian cho các em học sinh. Cần tuyển chọn và đưa một số tác phẩm tiêu biểu của nhiều thể loại như: truyền thuyết, cổ tích, ca dao địa phương vào chương trình Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Đại học. Đưa một số thể loại phù hợp với lứa tuổi như câu đố, đồng dao vào dạy cho học sinh Tiểu học. Tránh để các em có cái nhìn phiến diện về kho tàng văn nghệ dân gian địa phương. Qua những hoạt động này sẽ giúp các em rèn luyện khả năng tư duy, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, lòng yêu nước và yêu những di sản văn hóa cha ông để lại.

* Non Nước: Với tư cách là nhà nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian, thời gian qua chị đã xuất bản một số tập sách có giá trị, nhất là về văn học dân gian và ngôn ngữ địa phương trong văn học dân gian xứ Quảng. Chị cho biết thêm những nét đặc sắc của ngôn ngữ địa phương xứ Quảng trong ca dao.

* Đinh Thị Hựu: Trong thời gian qua tôi đã quan tâm, nghiên cứu đề tài Tiếng địa phương trong ca dao Quảng Nam, Đà Nẵng. Nghiên cứu tiếng địa phương trên dẫn liệu ca dao sẽ có điều kiện để cùng một lúc chúng ta bảo tồn được cả hai giá trị quý báu là phương ngữ và văn học dân gian. Chúng ta cần giữ gìn bản sắc phương ngữ để làm giàu cho bản sắc tiếng Việt, đồng thời chúng ta cũng cần bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của văn học dân gian địa phương để xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Công trình nghiên cứu Tiếng địa phương trong ca dao Quảng Nam, Đà Nẵng đã được NXB Văn hóa dân tộc xuất bản và được UBND thành phố Đà Nẵng trao giải nhì, Giải thưởng 5 năm Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (2011 - 2015).

* Non Nước: Chúc mừng chị có tác phẩm, công trình đoạt giải thưởng 5 năm của thành phố. Với tư cách là Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian thành phố, chị cho biết đôi nét về các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản văn nghệ dân gian trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

* Đinh Thị Hựu: Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có những thành tựu rất đáng kể về công tác sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản sách văn hóa dân gian.

Về công tác sưu tầm, từ năm 2014 đến nay Hội đã tổ chức 4 đợt điền dã về các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn để sưu tầm tư liệu phục vụ đề tài "Văn hóa dân gian miền biển Đà Nẵng" và 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng để điều tra sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Cơtu phục vụ đề tài "Bảo tồn văn hóa dân gian Cơtu tại huyện Hòa Vang".

Ngoài ra từng cá nhân hội viên cũng đi điền dã, sưu tầm, thu thập tư liệu để phục vụ đề tài nghiên cứu hằng năm như: Võ Văn Hòe đi ghi chép tư liệu ở hầu hết phường, xã, quận, huyện của thành phố Đà Nẵng để phục vụ đề tài "Địa danh thành phố Đà Nẵng", Nguyễn Thị Thanh Xuyên đi Nha Trang để thu thập tư liệu về Nghi lễ lên đồng trong thờ mẫu tứ phủ tại Nha Trang... Bản thân tôi đã đi điền dã tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam để điều tra thêm tư liệu phục vụ đề tài "Truyện Thủ Thiệm - Những vấn đề cần nhìn lại".

 Về công tác nghiên cứu, trong những năm qua Hội đã thực hiện được 3 công trình chung "Văn hóa dân gian Việt - Chăm nhìn trong mối quan hệ, NXB Khoa học - Xã hội, 2015 và Văn hóa dân gian miền biển Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng, 2018. Đề tài "Bảo tồn văn hóa dân gian Cơtu tại xã Hòa Phú và xã Hòa Bắc tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng" sẽ được xuất bản vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, cá nhân các hội viên hằng năm đều có công trình nghiên cứu khoa học. Theo thống kê bước đầu, trong nhiệm kì 2014 - 2018 của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng đã có 30 tác phẩm của 15 tác giả đã xuất bản và 15 đề tài chưa xuất bản về văn hóa dân gian địa phương. Đây là một thành tích rất đáng trân trọng.

* Non Nước: Trong thời gian đến định hướng nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian của Hội có gì mới, xin chị cho biết đôi nét chính.

* Đinh Thị Hựu:  Trong thời gian sắp đến Hội dự định sẽ triển khai sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc miền núi ở Đà Nẵng và Quảng Nam vì phần này địa phương chúng ta chưa có những thành tựu đáng kể và nguy cơ mai một rất cao. Đồng thời trước những yêu cầu mới của thành phố chúng ta, chúng tôi xin mạo muội đề xuất một số vấn đề trọng tâm chúng ta cần nghiên cứu trong thời gian sắp đến như sau: Kết hợp nghiên cứu Văn hóa dân gian và phát triển du lịch; Văn hóa dân gian và phát triển thương mại; Văn hóa dân gian và phát triển giáo dục; Văn hóa dân gian với việc bảo vệ và xây dựng môi trường tự nhiên...

Nhiệm vụ bảo tồn văn hóa, văn nghệ, văn học dân gian địa phương đặt chúng ta trước những vấn đề cấp bách và lâu dài. Trong thời gian đến chúng tôi mong Liên hiệp Hội sẽ là cầu nối tốt để Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan truyền thông, với Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao... để có những hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của văn hóa dân gian địa phương. Hy vọng Liên hiệp Hội sẽ có những hỗ trợ cụ thể để Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng có đủ điều kiện thực hiện những đề tài quy mô lớn hơn, hầu có những đóng góp tích cực, cụ thể về công tác sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá, truyền dạy văn hóa dân gian trên địa bàn thành phố chúng ta trong thời gian sắp đến.

Tạp chí Non Nước cám ơn chị đã trả lời phỏng vấn. Kính chúc chị cùng Hội Văn nghệ dân gian thành phố trong thời gian tới tiếp tục có nhiều công trình mới, tác phẩm mới.

Minh Toàn (thực hiện)