Gióng gánh của mẹ - Lê Thị Cẩm Tú

06.11.2019

Gióng gánh của mẹ - Lê Thị Cẩm Tú

Nhắc về mẹ người ta thường hay nhắc tới những đôi quang gánh mặn mà mồ hôi mẹ, bước chân của mẹ qua bao năm tháng cuộc đời. Nhưng ai đó lại quên mất sự đồng hành quen thuộc trong bước chân người mẹ không chỉ có quang gánh mà những chiếc gióng gánh cũng như vật bất ly thân, chẳng thiếu trong cuộc sống của mẹ trên bước đường vạn dặm gian nan.

Trên con đường làng đã đổ bê tông, sự mênh mông bát ngát của cánh đồng lúa, thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ thôn quê đang khòm lưng dặm lúa từ phía đằng xa. Tôi thấy một người phụ nữ đang gánh một cái gì đó băng qua cánh đồng, càng lại gần tôi nhìn thấy đó là những bó cỏ xanh non mơn mởn, hỏi ra mới biết là phụ nữ vùng này chiều đến thường hay đi cắt cỏ ở phía bên kia đồi, gánh về cho bò ăn. Đôi đòn gánh đong đả dưới những ngọn gió chiều quê, tiếng nói cười rộn rã như xua tan đi những nặng nhọc trên đôi vai để đổi lại là những tiếng cười nói rôm rả của những phụ nữ chân quê mộc mạc.

Nhìn đôi quang gánh đã cũ của những người phụ nữ vùng quê, tôi lại nhớ về đôi quang gánh của mẹ, nhớ về những chiếc gióng gánh đã cùng mẹ qua bao năm tháng cuộc đời. Gióng gánh không chỉ là những chiếc gióng được đan quấn bằng tre dùng để gánh những chiếc giỏ, những chiếc thúng nặng nhọc mà gióng gánh có lẻ cũng là vật dụng, đồ dùng quen thuộc trong nhà bếp mà ở thế hệ trước sẽ luôn nhớ mãi. Gióng gánh tiện dụng vô cùng. Vào mùa gặt, gióng gánh luôn đi kèm cùng quang gánh như chân với tay chẳng thể tách rời. Những chiếc giỏ tre cao hay những chiếc thúng dây được đặt gọn trong lòng những chiếc gióng gánh, được mẹ gánh những giỏ lúa từ ruộng về đến nhà. Chiếc gióng gánh cũng làm nhiệm vụ cực kỳ quan trọng giúp cho những chiếc giỏ, những chiếc thúng luôn đảm bảo sự cân bằng mà không bao giờ đổ. Nội tôi cũng dùng những chiếc gióng gánh này để giúp cho những thúng cá tươi xanh roi rói mùa biển về, gánh từ thuyền vào bờ biển, trao đổi buôn bán với những thương lái.

Ngày đó, mỗi khi ra đồng tôi hay được mẹ cho ngồi vào trong chiếc thúng dây để mẹ gánh đi. Chiếc thúng đằng trước mẹ để cho tôi ngồi lọt vào trong đó, chiếc thúng đằng sau nào là đồ ăn, cơm, canh, chén, bình nước mà mẹ đã chuẩn bị sẵn để mang ra đồng cho ba đang mùa đồng áng hoặc những hôm mùa đậu phải ở ngoài nương rẫy để canh chừng. Dưới đôi quang gánh đong đưa nhịp nhàng theo bước chân của mẹ, tôi ngồi nắm chặt tay vào từng sợi gióng để không bị té. Bốn sợi dây tre cọc bốn bên tạo nên sự cân bằng cho chiếc giỏ mà không thể nào té. Những sợi gióng được buộc rất chắc chắn và cực kỳ dẻo dai, có thể chịu đựng được sức nặng vài chục ký. Gióng gánh cũng có nhiều loại to nhỏ khác nhau giống như quần áo có size lớn, size nhỏ. Những chiếc gióng gánh lớn, người ta hay dùng cho việc buôn gánh bán buôn, gánh những thúng đồ nặng. Còn những chiếc gióng gánh nhỏ tôi thường thấy chúng xuất hiện trong gian bếp.

Nhắc về những chiếc gióng gánh treo lủng lẳng với những chiếc xoong, chảo đựng thức ăn đã nấu sẵn. Những thức ăn sau buổi cơm chiều còn thừa lại để dành cho hôm sau ăn, mẹ hay cho những chiếc chảo thức ăn này vào gióng. Và một điều đặc biệt là gióng luôn được treo trên cao, cách mặt đất chừng hai mét, không kề bất cứ một thứ gì để mèo không thể thò vào thức ăn được. Những hôm nào đồ ăn quên treo lên thì cũng tự động hiểu “không cánh mà bay” mà bay chẳng đâu xa đó là vào bụng những chú mèo. Từ ngày có những chiếc gióng gánh, đồ ăn luôn được treo cất cẩn thận trên cao. Những chiếc gióng gánh cũng đi kèm với những chiếc rế tre để lót xoong, chảo cho khỏi dính lọ nồi. Những chiếc lọ nồi được nấu bằng bếp củi đèn như than, không lẫn vào đâu được. Có những hôm quên lót chiếc rế tre dưới chiếc chảo, tôi chỉ bỏ lọt cái chảo vào bên trong gióng gánh. Mom men dưới bếp không để ý, đứng thẳng lên một là bao nhiêu lọ nồi dính hết trên đầu. Ấy vậy mà mẹ tôi luôn để hờ những chiếc rế vào trong gióng gánh để cho chúng tôi tiện treo đồ ăn lên. Những chiếc gióng gánh được treo khắp gian bếp nên qua thời gian gióng gánh cũng nhuộm màu khói bếp, rắn chắc hơn, dẻo dai hơn qua từng năm tháng của thời gian.

Gióng gánh cũng tiện lợi lắm. Những ngày mưa gió, không có chỗ treo đồ. Những chiếc gióng được mẹ treo ở gian bếp hay gian nhà giữa để treo những giỏ đồ thì đó cũng là nơi treo quần áo rất tiện lợi vào mùa mưa mà không cần phải móc vào bất cứ nơi đâu. Bốn góc của chiếc gióng có thể treo được bốn cái móc rồi. Những ngày mưa, quần áo đi học không khô, anh em tôi thường hay treo đồ trên những chiếc gióng. Vì vậy mà khi nhắc về gióng gánh như nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm tuổi ấu thơ đầy non dại ngọt ngào.

Ở xã hội hiện đại để tìm được những chiếc gióng gánh cũng thật là khó. Người ta không còn “Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”. Không còn ai gánh lúa, gánh cá để đi từ nhà lên chợ bán. Tất cả đã có xe máy, xe đạp... Chiếc quang gánh cũ kỹ cũng được cất gọn vào trong góc nhà. Những chiếc gióng gánh cũng được treo gọn dưới mái chài hoặc bên hiên nhà. Cũng chẳng còn mấy nhà dùng gióng gánh để treo đồ ăn vì bây giờ đã có tủ chén, nhà cửa kín cửa cao tường chẳng con mèo nào có thể chui lọt. Phải chăng những chiếc gióng bây giờ chỉ còn là những chiếc gióng gánh đi kèm với những chiếc giỏ, quang gánh bé bé xinh xinh dùng để làm vật trang trí trong nhà, trong các quán cà phê... Gióng gánh bây giờ đã khác xưa!

Dù qua bao năm tháng của thời gian, gióng gánh vẫn luôn là những kỷ niệm ngọt ngào nhất của tuổi thơ, những ký ức thời gian về mẹ và đâu đó trong cuộc đời gióng gánh sẽ mãi là hình ảnh đẹp nhất trên dòng đời ngược lối.

L.T.C.T