Nền tảng văn hóa trong Sức bền của đất - Lê Quang Sinh

06.11.2019

Nền tảng văn hóa trong Sức bền của đất - Lê Quang Sinh

Sau gần 43 năm ngày trường ca Sức bền của đất của nhà thơ Hữu Thỉnh được giải A báo Văn nghệ, tôi mới có dịp đọc lại trường ca này lần thứ hai. Lần thứ nhất, khi đó tôi còn là cậu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, một cách vô thức tôi đã thuộc làu bản in thời đó. Cuốn hút, ngưỡng mộ là cảm xúc của tôi lúc bấy giờ về một Hữu Thỉnh mới lạ mà gần gũi. Anh am tường rành rẽ văn hóa dân tộc, sáng tạo làm mới văn hóa truyền thống. Và lần đọc thứ hai này là bản trường ca năm khúc với gần 600 câu. Có thể nói với độ lùi ngần ấy năm, về mặt thời gian đủ hiện rõ tầm mức che phủ của một tác phẩm văn học cũng như độ chín của người thẩm định.

Sức bền của đất là trường ca đầu tiên của Hữu Thỉnh, được biết anh viết trong một thời gian kỷ lục: “Tôi viết một mạch hết đêm giao thừa năm Ất Mão 1975, cả ngày mồng một và đến quá nửa đêm hôm ấy thì xong tại một tiểu đoàn xe tăng thuộc lữ đoàn tăng 273 anh hùng. Lúc đó, tiểu đoàn làm nhiệm vụ nghi binh chiến dịch phía Bắc thị xã Công Tum chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên. Tôi chép nó trong sổ tay và mãi đến khi kết thúc chiến tranh (30/4/1975) mới giở ra xem lại và gửi tới cuộc thi thơ 1975 - 1976 của Tuần báo văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam”. Vào thời điểm đó tác giả đã hơn mười năm tuổi quân, và cũng từng bấy nhiêu năm làm thơ. Trường ca Sức bền của đất ra mắt bạn đọc với giải thưởng cao nhất, uy tín nhất lúc bấy giờ là báo Văn nghệ, nó khẳng định một dấu mốc quan trọng của thơ Hữu Thỉnh.

Vẫn là hình ảnh chủ đạo người lính trong chiến tranh! Nhưng không phải cảnh “Tùng tùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”, cũng không phải là người lính áo vải “Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm/ Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó” của Nguyễn Đình Chiểu, hay của Hồng Nguyên “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”, và cũng không như của Chính Hữu “Súng bên súng đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri”, mà cái khác của trường ca này là ở chỗ Hữu Thỉnh khai thác sức mạnh vô hình nhưng vô cùng mãnh liệt làm nên khí phách và vẻ đẹp tâm hồn của người lính và xem đó là sự dồn đúc sức sống nguồn cội của văn hóa dân tộc. Một thế hệ người lính được học hành, được trang bị những kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật, hiểu biết lịch sử, có cách cảm vừa gần gũi mà cũng rất mới lạ “Nằm trên võng vẫn thèm nghe tiếng võng/ Có một điều như thế dưới vòm cây”.

Ở khúc một, mở đầu Trường ca là hình ảnh con sông quê in đậm bóng hình người mẹ, nơi diễn ra cuộc tiễn đưa, chia tay vừa bịn rịn lại vừa đầy ắp nhớ thương. Với giọng thơ khỏe, hoạt, hoàn toàn mới mẻ khác với những gì ta từng được thưởng thức thời kỳ thơ trước đó - Không còn ồn ả, không phơi phới mà thay vào đó là những lắng đọng, với nhiều suy tư:

Đom đóm bay ra hoa gạo đỏ

mẹ ở nhà đã cất áo bông

mẹ có ra bờ sông

qua bến đò tiễn con dạo trước

đường xuống bến có mười sáu bậc

mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu...

Tôi đã đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm nhiều về trường ca này, lần nào cũng phải dừng lại khá lâu ở mấy câu thơ sau:

Sức lực nào từ mạch đất ông cha

truyền đến tận chiến hào hăm hở thế?

ánh sáng nào từ mênh mông lòng mẹ

soi cho ta qua khe ngắm đầu ruồi?

Có thể xem đây là chìa khóa để đi vào thế giới cảm xúc của trường ca. Tác giả huy động toàn bộ vốn sống và trải nghiệm để lý giải ngọn nguồn sức mạnh của chiến thắng! Một cách đặt vấn đề như thế thì việc chọn cách mở đầu như vậy là thích hợp và rất gợi. Ta để ý bên cạnh người lính, người mẹ có một dòng sông. Trong cả năm khúc của trường ca, khúc nào dòng sông cũng hiện ra thành một dòng chảy văn hóa để tác giả tha hồ bay bổng, ngược xuôi, đi về với những liên tưởng, những cảm xúc cùng tâm trạng đa thanh, đa sắc... tạo nên một bản hợp tấu trữ tình của người lính.

Dòng sông tiễn đưa mở đầu trường ca, thoắt đấy đã thành dòng sông trận mạc:

Trận địa của con nối tới bến sông

có cái khát của nhiều trận đánh

có niềm vui trước mỗi cơn mưa

khum bàn tay vốc đom đóm bay ra

kỷ niệm lập lòe những đêm bám chốt

Cụ thể hóa hơn một bước, tác giả đưa ta về với chiến trường ác liệt của

Tây Nguyên:

Sóng đánh cao trên mặt nước Sa Thầy

pháo giặc hầm hầm Đắc Siêng,

Đắc Mót

đường mười tám như sợi dây bị đứt

rơi rụng hai bên những ung nhọt

quân thù

Sông có lúc lắng lại đầy tâm sự:

Anh như con sông vừa ở lại vừa đi

những bến chia tay những bờ gặp gỡ

có một điều ở trong chiều cháy đỏ

đâu cũng gặp những người đang

nhớ quê

Lại có lúc đầy ngẫm ngợi ưu tư:

Sông nhỡ đò là con sông rộng nhất

là con sông tuổi trẻ vẫn thường qua

...

Đối diện với hình tượng dòng sông chảy từ đầu đến cuối trường ca là mạch xúc cảm về đất tạo thành một cặp đối xứng thẫm mỹ truyền thống, một sự đồng điệu:

Cây cối thưa dần

màu ngụy trang cuối cùng là màu

của đất

Hay:

Đất chiến hào như một người

hay chuyện

ta chưa một lần thư thả đất ơi!

ta chưa một lần nói được nên lời

lòng của ta với mẹ!

Hay:

Đất bận rộn quanh năm điệp khúc

mùa màng

chị búi tóc cao hơn chịu thương

chịu khó

mẹ vẫn đong bữa ăn bằng chiếc lon

nho nhỏ

quá nửa cánh đồng dành cho

đứa con xa

Đọc đến đây hình hài của trường ca đã hiện ra trong sự gắn kết, hài hòa của một thực thể thống nhất làm nên đất - nước, làm nên cuộc sống của nhân dân. Và hình ảnh người lính hiện lên cùng với không gian rộng lớn của đất nước thật khoáng đạt, hào sảng, phơi phới thiết tha:

Ta đi từ đầu sông Lô đến cuối

sông Thương

từ thung lũng Sa Thầy ra sông Trường 

trắng cát

đất vẫn đất của dân ca và mía mật

gió thổi rừng lồ ô xao xuyến bao nhiêu

 

Vẫn chiếc cối xay cười ra hạt

trắng tinh

vẫn cây chuối cuối vườn hay

ngẫm nghĩ

con dao băm bèo cái sa cuốn chỉ

phấp phới buồm nâu chiều mỏng tang

Ta đi từ đầu sông Lô đến cuối sông Thương... nói một cách khác ta đi từ miền dân ca với điệu xoan đến miền dân ca quan họ, hay khái quát hơn ta đi từ miền văn hóa này đến miền văn hóa khác đất vẫn đất của dân ca và mía mật... Một cấu trúc với Ta - Đất - Sông hay  nói đúng hơn là cấu trúc THIÊN - ĐỊA - NHÂN đã hiện lên rõ rệt, khẳng định một bút pháp dân gian thuần thục của Hữu Thỉnh, ám ảnh chảy suốt cùng anh cả về sau này, đưa anh chính thức bước ra khỏi dàn đồng ca thành người lĩnh xướng cho phong cách dân gian hiện đại.

 Nếu so với trường ca Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh viết sau đó hai, ba năm lấy cảm hứng trực tiếp từ chiến dịch Hồ Chí Minh mà nhân vật trữ tình và nhân vật tự sự kết hợp với nhau làm nên diện mạo trường ca, thì ở Sức bền của đất chỉ duy nhất nhân vật trữ tình làm xương sống cho mọi cảm xúc với bối cảnh là khoảng lặng của người lính trước giờ nổ súng bước vào chiến dịch. Những khắc khoải suy tư chộn rộn, vừa lặng lẽ bí mật, vừa sôi sục quyết liệt nghiền ngẫm chiêm nghiệm về giá trị văn hóa, về số phận dân tộc bằng lòng lạc quan, niềm tin thắng lợi vào cuộc chiến đấu sắp diễn ra. Đó là thái độ yêu nước có trách nhiệm mang dấu ấn văn hóa của người lính:

Kẻ thù làm cho ta thương nhớ nhiều

hơn sôi sục gấp trăm lần

Con gái nhớ con trai qua bãi bom

tọa độ

màu mạ non thành màu che chở

hang đá không đèn nuôi chí tạo

thời cơ

Con gái nhớ con trai - Đó là câu chuyện bình thường tự thuở xa xưa, là hợp nhẽ tự nhiên có lẽ cũng chẳng cần phải bàn nếu như không xuất hiện năm từ cuối qua bãi bom tọa độ - Nỗi nhớ không còn tuân theo trật tự cũ, nó khác lạ bằng sự bất thường, bằng tốc độ thơ được đẩy lên đột ngột tạo hiệu ứng gay gắt với hình ảnh chênh vênh, “rợn người” của chiến tranh. Câu thơ vừa đượm chất truyền thống vừa ắp đầy dấu ấn hiện đại.

Người lính biết cách để tồn tại, chiến đấu, vượt lên mọi sự nghiệt ngã, khốc liệt của chiến tranh bởi họ có một điểm tựa vững chắc từ hậu phương lớn:

Đất nước ngày có giặc

mẹ vẫn đỏ miếng trầu

ấm một vùng tin cậy phía sau.

Sự điềm tĩnh can trường của mẹ tổ quốc trước hiểm họa xâm lăng “Đất nước ngày có giặc/ mẹ vẫn đỏ miếng trầu”, là nhân tố tạo dựng đức tin, sự tin cậy, sức mạnh chiến thắng của người lính trên chiến trường. Đây cũng là nhân tố tác động mạnh mẽ lên sự hình thành tính cách, tình cảm, lý tưởng của người lính hôm nay. Nhân tố đó phản ánh mối quan hệ tương hỗ, bền chặt vừa tự nhiên vừa trách nhiệm, nó như triệu triệu giọt máu hồng thấm đẫm cơ thể nuôi lớn tầm vóc dân tộc:

Đất chiến hào như một người

hay chuyện

ta chưa một lần thư thả đất ơi

ta chưa một lần nói được nên lời

lòng của ta với mẹ!

Hay:

Cây cối thưa dần

màu ngụy trang cuối cùng là màu

của đất

và mẹ là người chúng con thương

nhớ nhất

Ở khúc hai, Hữu Thỉnh dẫn ta trở về với nguồn cội văn hóa dân tộc - nhân tố làm nên sức bền của đất. Nếu như hình ảnh dòng sông trong khúc một là dòng sông của những hồi ức, tiễn đưa, của những nhớ thương, thì ở khúc hai cũng dòng sông ấy nhưng là dòng sông của lịch sử mang số phận con người. Tác giả đưa ta về một quá khứ rất xa, trong đó con người vừa phát hiện ra thiên nhiên vừa phát hiện ra chính mình để tồn tại (bao nhiêu đám tang mới tìm được rau rền/người ăn phải lá ngón người quệt phải lá han/ người vồ cóc chết vì gan cóc), để ứng xử (Kim chỉ có đầu hoa thơm có cội/ bèo trôi lôi bến tiễn đưa nhau), hình thành những phong tục tập quán (quệt chìa vôi vạch ngang lời điêu hớt), những mỹ tục (con gái ở bền không chê tấm vá/ con trai ở bền như đá muối dưa), đút rút những kinh nghiệm từ đời sống (tre làm nhà ba năm mới vớt/ớt cựa gà ba vụ mới cay), lấy câu chuyện nhân tình thế thái để động viên, an ủi nhau (trời có mưa có nắng/ giếng có cạn có đầy), văn hóa tín ngưỡng (cầu trời khấn phật/ kiếp người mong manh/cúng cơm cúng canh/ ông bà ông vải) văn hóa mở đất (ai đi mở đất phương xa/sáu câu vọng cổ sầu muốn khóc/ ai bước qua điều phản phúc/ vun một cành nhân nghĩa cuối chiều thu), chuyện đánh giặc giữ nước (sông ta quăng lưới giặc đến đằng sông/ núi ta lấy nâu giặc tràn qua núi), chuyện tình yêu (chúng ta với bạn bè cùng lứa/ vẫn yêu nhau thăm thẳm ở nơi nào), chuyện người (sợi chỉ bền từ cây tre cây trúc/ sợi chỉ bền từ cây sui cây gai), chuyện đời (tối lửa tắt đèn/ người thấp nhìn lên/ kẻ trên trông xuống)..., ở đây cảm hứng lịch sử và cảm hứng nhân văn đan quyện vào nhau tạo nên chất sử thi mang tính nguồn cội của các giá trị:

Đất ông bà

bước chân trâu lồng vào dấu

chân voi

đi một bước đều kể bao sự tích

cây vối đứng bờ ao, cặp thừng treo

gác bếp

bồ muối để dành vần cạnh bếp tro

cái cối cái chày đếm nhịp nhỏ to

bao truyền thuyết được kể ra từ đấy

 

Ông bà đi xa ruộng nương để lại

làm sẵn ca dao dạy cách ở ăn

nhà có anh, có em

ruộng có sào có thước

lấy ngày giỗ cha làm ngày xum họp

nước lã hương trầm thanh bạch bảo

ban nhau

...

 Đi qua chỗ lội

bước lên nhịp cầu

đâu cũng gặp những người hay

làm phước

Đi qua chỗ lội vượt qua hiểm họa, bước lên nhịp cầu đâu đâu ta cũng gặp những con người giàu lòng nhân ái, sẻ chia. Người Việt Nam coi đó là việc thiện, là tích phước. Thông qua ca dao, tục ngữ các thế hệ truyền lại cho nhau những kinh nghiệm sống, những tinh hoa được tích lũy, được sàng lọc làm nên nét riêng biệt đậm chất văn hóa Việt Nam.

Hữu Thỉnh say mê ca dao, tục ngữ nhưng ông không dừng lại ở đó mà cố gắng làm mới, nâng tầm lên:

Con leo bão mẹ ở nhà giữ gốc

(Người leo cây không sợ bằng người dưới gốc)

Hay:

Ăn trông nồi, là nhường nhịn anh em

Ngồi trông hướng là biết thù

bóng tối

(Ăn trông nồi, ngồi trông hướng)

...

Rõ ràng là trên nền những câu ca dao tục ngữ, câu thơ đã được làm mới, biên độ của trí tưởng tượng được mở rộng. Hữu Thỉnh cố ý và có ý thức làm trường ca theo kiểu này, đó là cái bền của một cách cảm hay nói một cách khác là cách cảm của một sức bền, rất truyền thống mà cũng rất hiện đại, rất sáng tạo.

Lấy ví dụ câu“Ăn trông nồi, là nhường nhịn anh em/ Ngồi trông hướng là biết thù bóng tối”. Đây là một câu thơ có tầm khái quát lớn, có biên độ rộng, nó không mang ý nghĩa nhất thời trong chiến tranh đánh thắng kẻ thù mà nó mang ý nghĩa bền như chính ý nghĩa Sức bền của đất. Một vấn đề được đặt ra: Trong chiến tranh cái gì là bóng tối? Trong hòa bình cái gì là bóng tối? Bóng tối ở đây là cái xấu cái ác, là “bão hắt ra từ những người đứng cạnh”. Như vậy, từ một câu tục ngữ “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” dạy ta cách ăn ở, làm người có tính thụ động đã được mở rộng chiều kích, sống động hơn dưới tư duy của Hữu Thỉnh.

Có những câu thơ ta soi thấy bóng dáng ca dao dân ca ở phía sau, nhưng có nhiều câu nhiều đoạn ta không thấy bóng dáng xuất xứ gì cả, nhưng nó vẫn làm ta đắm say trong cảm thức văn hóa dân tộc. Hóa ra ở trên là làm mới lại giá trị thành văn, còn những câu sau đây là làm mới chất liệu dân gian:

Tre làm nhà ba năm mới vớt

ớt cựa gà ba vụ mới cay

trời có mưa có nắng

giếng có cạn có đầy

con gái ở bền không chê tấm vá

con trai ở bền như đá muối dưa

Hay:

Bao nhiêu kiếp người mới tìm ra

miếng ăn

trên ngọn hết thì lần xuống gốc

ở trên ngọn giành giật với chim

lần xuống gốc quần nhau cùng

thú dữ

 

Này hạt này cây này mầm này củ

bao nhiêu đám tang mới tìm được

rau rền

người ăn phải lá ngón người quệt

phải lá han

người vồ cóc chết vì gan cóc.

Xưa đến nay chúng ta nói nhiều về cái chết, về sự hy sinh. Nhưng có bao nhiêu người đã chết lặng lẽ, bao nhiêu người đã ngã xuống vô tăm tích để tìm ra cái để mà ta ăn được, tìm ra cái để mà ta mặc được. Hữu Thỉnh thông qua số phận từng con người để tri ân quá khứ, đó là nét đẹp văn hóa, là cách nhìn xuyên thấu lịch sử.

Truyền thống là văn hóa, bản chất của văn học dân gian là văn hóa, cũng là sức bền. Làm sáng rõ nội dung sức bền của đất là yêu cầu của chủ đề tư tưởng, bằng cách dựa vào truyền thống, vận dụng hài hòa và làm mới nó là một lựa chọn đắc địa, khôn ngoan của Hữu Thỉnh, đồng thời nó cũng phản ánh tầm mức, “độ ngấu” văn hóa truyền thống của ông.

Thơ ông tha thiết, miên man tinh khôi như suối vắng, lại nhiều lúc hồn nhiên mà rất gợi theo xu hướng thiên nhiên hóa con người:

Ta sang xóm chùa

giếng đông người tắm

con gái con trai đàn ông đàn bà

họ chỉ mặc buổi chiều cho đỡ vướng

anh và em cùng nhau đến tắm

đứng như khoai như sắn giữa

đông người

Thơ hay nhất là thơ có thể nhớ một cách vô thức, nó cất lên từ, được xây nên trên cơ sở liên quan đến một nhịp điệu trong vô thức. Hữu Thỉnh có lối tư duy lạ mà ở đó phần cảm lấn át phần nói nên hình ảnh trong thơ Hữu Thỉnh sống động, có sức ám ảnh cao. Các sắc thái văn hóa tương tác với nhau mang dấu ấn đời sống con người, giữa con người với đất đai, với thiên nhiên cây cỏ, vừa tồn tại để phản chiếu, vừa sinh sôi để trường tồn. Đó là bà bán dứa không chuyên gọt vỏ đứt tay, là ông hoạn lợn hay nổ muốn thiến cả trời, là điệu kèn đám ma buồn đến nỗi cây phướn muốn lăn mình xuống huyệt, là chuyện cổ tích cái túi tám gang răn đứa lọc lừa, là cuộc mưu sinh vì miếng ăn mà phải treo con trên cây tránh hiểm họa thú rừng thì lại gặp tai ương kiến bâu đầy mặt, là ông khổng lồ mà dấu chân thành giếng thành ao, là những vị anh hùng vì dân vì nước, đánh giặc lấy kế đầu tiên là kế nhân hòa, là ông đùng bà đoàng làm sấm làm chớp, là kẻ thù rình rập làm ta già trước tuổi... Đó là tất cả những chất liệu làm nên văn hóa, nó như những dòng suối nhỏ trong vắt dồn nước cho một dòng sông lớn làm nên tâm trạng cốt cách người lính giải phóng:

Ta hoãn cưới một năm rồi lại hai năm

đi đánh giặc chân trời in màu thiếp

có miếng cao nai không sao gửi được

mẹ đã ngoài bảy mươi!

 

Nguyên nỗi nhớ thương này

đủ nuôi lớn cho ta thành dũng sĩ

Chiến tranh đã đẩy cái “màu thiệp cưới” hiển nhiên thành nỗi ám ảnh, thành khát khao ở cuối chân trời. Không phải họ muốn vậy càng không phải họ cố tình làm vậy! Những người con trai con gái tự nguyện xa nhau, đất nước ngày có giặc không gì khác hơn là mọi con dân Việt phải ra trận, phải lấy việc đánh giặc cứu Tổ quốc là hạnh phúc đầu tiên. Đó là lòng yêu nước vô bờ bến, là nếp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân Việt Nam ngay từ những ngày đầu dựng nước.

Ở khúc ba, Hữu Thỉnh dành để phác thảo bộ mặt kẻ thù, dù không cụ thể một gương mặt nào như trong các trường ca ông viết sau này nhưng cũng đủ cho ta thấy rõ sự hèn nhát, tàn bạo đi liền với những mưu mô, xảo trá của chúng:

Kẻ thù lẩn nhanh hơn, thụt đầu trong

vỏ cứng

lấy pháo và bom để xua cơn

hốt hoảng

tung truyền đơn trắng dã những

âm mưu

dây thép gai quấn dày bao nhiêu

đối với chúng vẫn còn quá trống

Kẻ thù không ưng ta gọi anh em

đừng chú bác ông bà gì ráo

muốn phá vỡ quê hương bền dai

trong máu

chúng nhổ làng đi dồn vô ấp tân sinh

Trong cuộc đối mặt với kẻ thù hiểm ác, tác giả còn linh cảm thấy một chiến trường khác, một cuộc đọ sức khác xem ra còn khốc liệt và dai dẳng hơn nhiều:

Những giọt sao trời sau mưa tạnh

nhắc ta hoài biển đang vỡ dưới kia

 

Mây thật gần mà cũng quá xa xăm

có bao điều đáng quên mà thật

khó quên

bão hắt ra từ người đứng cạnh

ta đã bao phen gọt mình và vót nhọn

bao dốc dựng vượt qua chẳng

thú vị gì

Cũng chính từ linh cảm này đã tạo tiền đề cho những cảm xúc của ông về sau này khi viết Đường tới thành phố và đặc biệt là Trường ca biển.

Văn hóa chính là nhân tố then chốt làm nên gốc rễ, diện mạo một dân tộc. Mỗi  khi văn hóa được khơi thông biến thành sức mạnh vật chất, thì khi ấy nó sẽ cuốn phăng đi tất cả mọi rêu rác mà không một thế lực đen tối nào đủ sức để cản phá. Không cần tìm đâu xa, mỗi cách đánh giặc của ngày hôm nay đều được rút tỉa, được làm mới từ nhưng chỉ vẽ của người xưa:

Diệt cứ điểm bắt đầu bằng bóc vỏ

phục kích bất ngờ bắn giặc xóc xâu

đánh bộc phá theo đội hình

cuốn chiếu

đột kích xe tăng đập rắn trúng đầu

Tác giả cho ta thấy những người lính vừa kế thừa lịch sử vừa tạo nên lịch sử. Lịch sử phản chiếu gương mặt một dân tộc. Sự lôi cuốn, hấp dẫn của những câu thơ trên làm cho nó hấp dẫn và lôi cuốn hơn chính là cách mà Hữu Thỉnh nghĩ, Hữu Thỉnh cảm về lịch sử, về văn hóa truyền thống:

Kim nhể gai kim càng phải nhọn

mẹ dạy con như thế tự bao đời

 

Xa mẹ chúng con vỡ nhẽ trăm điều

ăn trông nồi là nhường nhịn anh em

ngồi trông hướng là biết thù bóng tối

Nếu so với Đường tới thành phố là bản hợp tấu của nhiều số phận (Những người mẹ, người vợ, người chị, người lính xe tăng, xạ thủ trung liên, vị tướng tư lệnh, về những thằng Đại Việt, lũ hội đồng, về hậu phương, về tổ quốc...) dội về khốc liệt hơn so với trong Sức bền của đất. Điều đó cũng không thể nói là người lính trong Sức bền của đất không có cái phong trần, từng trải, không chịu nhiều bão táp phong ba... Một vài chấm phá của Hữu Thỉnh đủ gợi lên tất cả:

Những đoàn xe

thét bụi

những đoàn xe

cuộc rồng rắn của tháng ngày

khốc liệt

rút bó trăng ngàn ta đốt hết

soi những binh đoàn vào chỗ

ém quân

Và cũng có một điều dễ hiểu sức bền của đất mới là chủ đề chính của trường ca chứ không phải là trận mạc, là chiến tranh mà Hữu Thỉnh muốn đi sâu.

Sức bền của đất là sức bền của một dân tộc, được tạo bởi những phẩm chất văn hóa truyền thống đã nhuần thấm, lặn sâu vào từng phẩm chất cá nhân làm nên sức mạnh dân tộc.

Cả khúc bốn của trường ca là sự cá thể hóa dòng chảy văn hóa thành tâm trạng của người lính, thay thế cách nhìn thấy bằng cách cảm thấy:

Sông nhớ đò là con sông rộng nhất

là con sông tuổi trẻ vẫn thèm qua

Hay:

Còn bao sách chúng ta chưa đọc đến

nhỡ hẹn liên miên với các

giảng đường

nhỡ hẹn với mưa phùn ải Bắc

mai một cành thắt ruột kẻ tha hương.

Hay:

Người của đợi chờ mang chờ đợi ra đi

anh nhớ em thích một mình tha thẩn

thư thuộc hết rồi không có việc gì làm

cái cây trước nhà cao ba mươi thước

anh nhớ em như cơn mưa tích nước

cứ chực òa chỉ một cớ không đâu

Đối với dân tộc khát vọng của người lính lớn lao bao nhiêu, thì mong muốn cá nhân lại thật gần và giản dị bấy nhiêu:

Sau cuộc chiến tranh này

ta chỉ mang về một chiếc vỏ đạn

làm cối giã trầu cho mẹ của ta

Khúc năm là linh cảm của người lính về thời điểm kết thúc cuộc chiến đã đến gần. Anh viết:

 Hình như là đã cuối cuộc chiến tranh

Nghe lá đạp trên đầu xao xác quá

Tác giả lấy văn hóa làm nền tảng để giải quyết những vấn đề trong chiến tranh hay chiến tranh chỉ là cái cớ để trở về một nền tảng? Vượt qua cơn bão chiến tranh cũng có nghĩa làm giàu thêm về một sức bền hay là đem cả sức bền đó để giải đáp tất cả những thách đố trước mặt? Nếu xem văn hóa là sức khỏe của một dân tộc thì sức khỏe đó như máu dồn trên đầu ngón tay. Ngày mai, cuộc chiến đấu có thể nổ ra bất cứ lúc nào, linh cảm như mách bảo người lính “Hình như là đã cuối cuộc chiến tranh/ Nghe lá đạp trên đầu xao xác quá”!. Tại sao chưa chấm dứt cuộc chiến mà người lính đã cảm nhận “Nghe lá đạp trên đầu xao xác quá!”. Lá đạp là bão tố của cuộc chiến tranh, xao xác là cái giá phải trả sắp tới. Hữu Thỉnh đã chọn diễn tả cuộc chiến tranh theo một cách rất riêng, đó là những liên tưởng kết hợp với những dự cảm, những chiêm nghiệm, không máu me, không tiếng bom đạn ùng oàng, nên anh vẫn giữ được cảm hứng nhân văn khi diễn đạt nhiều tình huống, nhiều khúc thức hướng đến việc đảm bảo cho sức khỏe tinh thần của văn hóa, sức khỏe tinh thần của người lính về đúng đích cuối cùng của mục đích. Đó là cống hiến văn hóa của Hữu Thỉnh thông qua trường ca này đối với văn học.

Nhà thơ không trực tiếp truyền thông cảm xúc, họ tạo ra tình huống hay hình ảnh sao cho cảm xúc ấy khi được thể hiện sẽ được truyền thông một cách thành công và hiệu quả. Nền tảng sức mạnh văn hóa của người lính hôm nay hay nói rộng hơn nền tàng sức mạnh văn hóa truyền thống Việt Nam trải dài suốt bốn nghìn năm lịch sử được Hữu Thỉnh thể hiện bằng ngôn ngữ - tiếng nói Việt giàu xúc cảm. Bốn câu kết của Sức bền của đất không thể hay hơn cả theo mọi chiều kích:

Ta chao chân trên những mảnh bờ

lặng lẽ nhận sức bền của đất

đạp cứ điểm lần theo từng dấu dép

ta nhận ra màu bùn của những cánh

đồng chiêm.

Đó là một cái kết thật bất ngờ và sáng tạo. Hóa ra dòng sông theo suốt trường ca đến đây đã hiện lên sức bồi của nó “đạp cứ điểm lần theo từng dấu dép/ ta nhận ra màu bùn của những cánh đồng chiêm”.

Tôi kết thúc bài viết này và gấp lại bản trường ca trong một chiều rực màu hoa gạo. Dòng sông tuổi thơ anh còn đó vẫn ngấn đỏ phù sa, mười sáu bậc dốc ám ảnh còn in dày dấu chân của mẹ. Chiến tranh đã lùi xa, cánh đồng chiêm đang rực mùa vàng. Bất giác, thơ anh lại ùa về:

Mẹ bảo: cơm chưa ăn thì gạo

vẫn để dành

vâng thưa mẹ: chiến tranh đừng

vô tận


L.Q.S