Một số giá trị về nội dung đề tài và ngôn ngữ văn học của lý Quảng Nam - Đà Nẵng - Vũ Thị Tuyết Lan

06.11.2019

Một số giá trị về nội dung đề tài và ngôn ngữ văn học của lý Quảng Nam - Đà Nẵng - Vũ Thị Tuyết Lan

Mang những đặc điểm chung của dân ca người Việt nên nội dung và đề tài của thể loại lý Quảng Nam - Đà Nẵng cũng rất gần với các thể loại dân ca khác đó là phản ánh các giá trị về tư tưởng tình cảm của con người, phong tục tập quán, các vấn đề về đạo đức và ứng xử trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với cảnh quan thiên nhiên và môi trường xung quanh, thông qua đó có thể nói lên nguyện vọng và ước mơ của người lao động. Ở bài viết tác giả đề cập đến các giá trị về mặt nội dung đề tài và nghệ thuật ngôn từ đặc sắc trong các bài lý Quảng Nam - Đà Nẵng để bước đầu có cái nhìn chung nhất về các đóng góp của loại hình văn học này đối với kho tàng văn hóa Việt Nam.

1.  Một số giá trị về nội dung đề tài của lý Quảng Nam - Đà Nẵng

Lý Quảng Nam - Đà Nẵng ở đề tài nói về sự việc, cảnh vật như cây cối, các con vật, thường cho thấy con người không đứng ngoài sự việc mà có mặt trực tiếp trong hoàn cảnh đó. Tên cây cối hoặc con vật nhiều khi được mượn để nói lên tâm tư, tình cảm của con người chứ không đi sâu vào mô tả đặc điểm, hình dáng của sự vật như tên gọi của bài.

Xem lên hòn núi Thiên Thai

Thấy đôi chiền chiện ăn xoài chín cây

(Lý Thiên Thai)

Giang tay bắt bướm đậu hoa

Bướm bay đâu mất bỏ hoa một mình

(Lý bắt bướm)

Nổi bật là các giá trị đề tài và nội dung ở khía cạnh nhân nghĩa sống của con người, tình cảm, tình yêu nam nữ... những đề tài này chiếm số lượng lớn về bài bản. Thường là những nội dung tức cảnh sinh tình, trông cảnh vật mà có tâm tình, giãi bày tâm tư cho vơi nhẹ nỗi lòng nên thường mang tính chất bi sầu nhiều hơn, trên cơ sở này cũng nói lên chân lý sống có thủy, có chung, nặng nghĩa, nặng tình trong tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng:

Trên trời có đám mây xanh

Chính giữa mây trắng xung quanh

mây vàng

Ôi là phụ tình phàng

Chừ là duyên mà chi lắm bấy

Chừ cái dạ em trông chàng

Mà không thấy ông chàng đâu.

Mấy câu sau của bài nhắc đi nhắc

lại lời than van của người phụ nữ, tuy là

sự trách cứ nhưng vẫn tràn đầy lòng thương yêu và vị tha đối với người chồng của mình.

Chi mà bạc bạc lắm chàng

Chi mà tệ tệ lắm chàng

(Lý vọng phu)

Những công việc rất bình dị như trèo lên cây hái trái, đi chợ mua bán rau quả là những thực phẩm thiết yếu cho bữa ăn hàng ngày... qua cách sáng tạo chân thực với những âm thanh sống động toát lên sự vui nhộn và hài hước trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bình dân.

Rủ nhau đi chợ Sông Hàn

Trước thời bán vặt sau thời mua ăn

Thuận trời cả gánh đầy đường

Tôm cua bí mướp bạn hàng thiếu chi

Xung xăng kẻ lại người qua

Mua may bán đắt vui đà nên vui

(Lý đi chợ)

Trèo lên cây khế mà rung

Rớt xuống đì đùng trái chua trái ngọt

(Lý cây khế)

Nội dung trong các bài lý còn có giá trị giáo dục, uốn nắn những tư tưởng sống bon chen không lành mạnh của con người trong xã hội.

Bông hoa thơm nở vắng trên đèo

Kẻ chọc người khèo chẳng đặng

một bông

Ở người đứng giữa thinh không

Tự dưng lại gặp một bông ba lài

Giá trị trong nội dung đề tài của thể lý còn được thể hiện ở tính nhân văn, nhân đạo điển hình là sự lên án, xót xa cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến với quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", hôn nhân theo ý cha mẹ nên đã gây nhiều nghịch cảnh trái ngang, bẽ bàng cho người con gái.

Nước đứng mà đựng chậu thau

Tiếc mâm sơn tử đơm rau thài lài

Tiếc em da trắng tóc dài

Mẹ cha ép gả cho người phàm phu

Mình vàng xuống tắm ao tù

(Lý nước đứng)

2. Một số giá trị về ngôn từ văn học của lý Quảng Nam - Đà Nẵng

Tuy rằng nghệ thuật sử dụng ngôn từ bóng bảy, ý nhị không phải điểm mạnh trong thi pháp ca dao dân ca của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng nhưng sự đặc sắc tạo thành nét riêng của ngôn ngữ ca dao, dân ca ở đây lại là dấu ấn được tạo ra từ cách sử dụng ngôn từ ít chau chuốt, chân chất gần như thô mộc như vậy. Do đó, dù không giàu hình ảnh trữ tình, ngọt ngào như ca dao, dân ca miền Bắc nhưng cũng dễ đi vào lòng người bởi sự dung dị và mặn nồng nghĩa tình.

Vẳng nghe chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều

ruột đau

(Lý Hồ nô)

Ngôn ngữ sử dụng trong ca từ của thể lý không nằm ngoài đặc điểm chung của ngôn ngữ ca dao dân ca vùng này khi phản ánh chất lưu dân xa xứ rất rõ nét.

Một mai mai một ngó chừng

Ngó chuông chuông rậm, ngó rừng

rừng sâu

(Lý qua truông)

Tính bông đùa, trào phúng của người dân ở đây là nét độc đáo tạo ra sự đậm đà bản sắc riêng cho ngôn ngữ văn học dân gian của vùng này. Đa số người dân rất uyên bác trong việc dùng ngôn từ để chơi chữ, nói lái mà câu, từ luôn có hai nghĩa đối lập nhau, lúc ẩn dụ, lúc trào lộng, hàm ý sâu xa cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với các nội dung hài hước, phồn thực... làm cho cuộc sống của con người thêm thi vị. Ở thể lý tuy không thấy có nhiều bài thể hiện theo đề tài mang ý nghĩa phồn thực, nói hoang, nói nghịch như thường thấy ở thể loại hát đố... nhưng cũng có những bài đầy ẩn ý toát lên phong cách bông lơn đầy hóm hỉnh, vui vẻ cho bài lý:

... Con ngựa kim có chứng lăng loàn

Nó cất một cái

Nó đá một cái, đau cha chả

(Lý ba con ngựa)

... Bốn kiển chùa chạm bốn con rồng

Hai con rồng lộn, hai rồng lên mây

Chùa này sao vắng ông thầy

(Lý lên chùa)

Nghệ thuật dùng từ tuy mộc mạc, giản dị nhưng cách dùng từ để diễn tả những âm thanh trong cuộc sống sinh hoạt của nhân dân nghe cũng rất hiệu quả:

... Xung xăng kẻ lại người qua

(Lý đi chợ)

... Rớt xuống đì đùng trái chua trái ngọt                                             (Lý cây khế)

Sự mộc mạc con người xứ này cũng thể hiện rất rõ vào trong ca dao - dân ca nên ngữ điệu của thể thơ bộc lộ tự nhiên, không mấy cầu kỳ, trau chuốt. Vì vậy, trong Lý cây khế họ đã dùng "trái chua trái ngọt" chứ không phải là "trái ngọt trái chua" để nghe có thể thuận tai và vần điệu hơn.

Ta cũng đã biết, tính cách người Quảng Nam, qua bao đời nay đã được đúc kết thành câu thành ngữ: Quảng Nam hay cãi. Tính hay cãi, hay lý sự ở đây chắc chắn không phải thể hiện ở sự hơn thua, cãi lấy được, mà phản ánh tính bộc trực, thẳng thắn, thích lẽ phải, cùng óc suy luận nhanh nhạy mà nhờ nó họ đủ lý lẽ để biện luận, bảo vệ cho chính kiến của mình:

Ăn giỗ theo trước lội nước đi sau

Nghe đám giỗ bên bàu hỏi chàng

 đi trước đi sau bớ chàng?

(Hát đố)

Con cu bay bổng qua sông

Hỏi thăm thím ả có chồng hay chưa?

Có chồng năm ngoái năm xưa

Năm nay chồng để như chưa có chồng.

(Lý con cu)

Không phải ngôn ngữ ca từ trong các bài lý chỉ thể hiện sự mộc mạc và dung dị mà còn có những bài lý rất nổi tiếng về nghệ thuật ngôn từ rất đặc sắc có giá trị nghệ thuật cao như:

Thương nhau trường đoạn đoạn trường

Lụy lưu lưu lụy dạ dường kim châm

(Lý thương nhau)

Với cách đảo ngữ "trường đoạn" thành "đoạn trường", "lụy lưu" thành "lưu lụy" đã tạo nên những từ đồng âm khác nghĩa làm cho ngôn từ của Lý thương nhau cùng lúc có thể diễn tả tâm trạng thương nhớ, ngóng trông của cả hai người đang yêu với ấn tượng rất sâu sắc. Thủ pháp đảo ngữ độc đáo này rất hiếm gặp trong thơ ca dân gian, thông qua số lượng các từ đa phần là Hán - Việt trong hai câu thơ, chúng tôi cho rằng ca từ của bài lý này là sáng tạo của một nhà nho học bình dân. Điều này cũng đã được giáo sư Nguyễn Xuân Kính nhận định: "Trong dân chúng nhân dân, có cả những nho sỹ bình dân không làm quan"(1).

Hình thức đảo ngữ độc đáo ít gặp trong thi pháp ca dao kể trên còn được thấy trong ca từ của hai bài: Lý thương nhau (dị bản khác) và Lý qua truông với ý nghĩa nghệ thuật tương tự, càng giúp cho giả định của chúng tôi thêm tính thuyết phục:

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai

(Lý thương nhau)

Một mai mai một ngó chừng

Ngó truông truông rậm ngó

rừng rừng sâu

(Lý qua truông)

Điệp ngữ theo kiểu "Ngó truông chuông rậm ngó rừng rừng sâu" của "Lý qua truông" còn được thấy trong bài "Lý chiều chiều" cũng tạo được ấn tượng rất sâu sắc cho người nghe:

Chiều chiều ra ngẩn vào ngơ

Ngõ thời thấy ngõ mà không thấy người

Cách mượn hình ảnh, sự vật phân thành hai vế để so sánh ví von các giá trị không cân xứng với nhau, rất gần với nghệ thuật đối ngẫu đối lập trong thơ dân gian, thông qua đó nói lên mặt trái của lễ giáo gia đình trên tư tưởng nho giáo:

Nước đứng/ mà đựng chậu thau

Tiếc mâm sơn tử/ đơm rau thài lài

Tiếc em da trắng tóc dài/

Mẹ cha ép gả cho người phàm phu

Mình vàng/ xuống tắm ao tù.

(Lý nước đứng)

Như đã nói, người Quảng Nam - Đà Nẵng có cách chơi chữ rất thông minh, kiểu đảo chữ, nói lái... được sử dụng không ít trong thơ ca dân gian:

Gạo Đàng Ngoài bảy tiền một chén

Gạo Đàng Trong bảy chén một tiền.

 (Lý Đồng Nai)

Trong thể lý, hình thức đảo chữ, đối câu trên và câu dưới để so sánh giá trị vật chất, tạo ra sự đối nghĩa giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong; giữa giá trị đắt và rẻ cũng là thủ pháp rất hay được thấy trong bài Lý Đồng Nai.

Kết luận

Từ các giá trị về đề tài, nội dung và nghệ thuật ngôn từ trong những bài lý của Quảng Nam - Đà Nẵng, ta thấy dù ở thể thơ lục bát, lục bát biến thể hoặc thể thơ hỗn hợp,... đều thấy toát lên tính hiện thực của cuộc sống thể hiện qua nghệ thuật biểu đạt mộc mạc, cảm xúc rất hồn nhiên, chân thật gần gũi với đời sống của con người. Ngoài ra, cũng có không ít những bài mang đậm tư duy ngôn ngữ sâu xa, dí dỏm, trào lộng theo phong cách thơ ca bác học... thể hiện được đầy đủ các cung bậc tâm tư, tình cảm sâu sắc trong đời sống nội tâm cũng như khát vọng sống mãnh liệt của con người trên vùng đất này.

Tài liệu tham khảo

1. Hội văn nghệ dân gian Đất Quảng, Ca dao dân ca đất Quảng, 2006.

2. Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.

3. Phạm Phúc Minh, Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Viện âm nhạc, NXB Âm nhạc Hà Nội, 1994.

V.T.T.L