Miền Tây ký sự - Diệp Dân Hùng

06.11.2019

Miền Tây ký sự - Diệp Dân Hùng

Cũng khá lâu rồi tôi mới có dịp vào Nam bộ, vùng đất mà mọi người, nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh trở vào thường gọi là miền Tây, viết gọn của miền Tây Nam bộ, gồm các tỉnh từ Long An đến Cà Mau. Lần du lịch “ngắn ngày” này tôi lại có cơ hội thăm lại miền Tây, được “vi vu” sông nước đích thực và thăm một số địa danh mà trước đây chỉ biết qua báo chí hay xem  tivi... Miền Tây, so với cách đây hơn 30 năm, khi tôi còn là một anh sinh viên nông nghiệp đi thực tập giáo trình ở đây thì bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Tuy cũng có dịp đến lại cách đây một vài lần, lần thì toàn là đi công tác, gần thì một vài lần gần đây ở Cần Thơ, còn xa hơn thì cũng đã hơn 11 năm ở An Giang, mà chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn nên hầu như không có thời gian để thăm thú, khám phá cái mới lạ của vùng sông nước này. Lần này tranh thù kỳ nghỉ phép hiếm hoi, tôi mới có dịp gọi là “đi đây đi đó” tuy với thời gian vỏn vẹn chưa đến 4 ngày những cũng có nhiều điều để kể và cảm nhận.

Điều đầu tiên có thể nhận thấy ở miền Tây là hầu như không còn thấy bóng dáng của những cây “cầu khỉ” bắc qua kênh rạch nữa. Những cây “cầu khỉ” lắt lẻo qua kinh, tuy có vẻ không an toàn nhưng lại là hình ảnh quen thuộc và đặc trưng của sông nước, miệt vườn phương Nam. “Cầu cá”, một loại “nhà vệ sinh” lộ thiên cũng vắng bóng nhường chỗ cho những nhà vệ sinh “văn minh”, kín đáo hơn... Những chuyến phà qua sông, mà trong này hay gọi là “Bắc” từ “Bắc” Mỹ Thuận” đến “Bắc” Cần Thơ, Rạch Miễu v.v... đã được thay thế bằng những cây cầu hoành tráng. Những chiếc cầu quy mô nhỏ hơn, đã được xây kiên cố, nối hai bờ kinh, liên xóm, liên ấp đều đã bê tông hóa.

Tuy cảnh vật có thể thay đổi nhưng bản chất con người miền Tây thì vẫn thế. Chỉ qua vài ngày tiếp xúc thôi, nhưng không khó nhận thấy, người miền Tây vẫn vậy, giản dị, chân tình, phóng khoáng, hào sảng và dễ mến. Phóng khoáng như dòng sông Hậu, sông Tiền mênh mông hiền hòa. Họ không nói lấy một lời mất lòng và cũng không kiểu cọ, khách sáo, cho dù ai đó chỉ chọc ghẹo hay hỏi giá cả cho vui, cho biết. Xin đi vào một vài nét chấm phá mang tính chi tiết một chút về một số địa danh mà người viết từng đi qua.

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Cái câu “Cần Thơ gạo trắng nước trong” thì nhiều người đã được nghe, vế đầu thì không bàn cãi nhưng vế sau thì hầu như tôi chưa thấy nước trong lần nào, mặc dù đã có vài lần đi trên con sông Hậu và ra bến Ninh Kiều. Nước sông lúc nào cũng đục, có lẽ do phù sa từ thượng nguồn Mê Kông đổ về. Xung quanh cái Chợ nổi và con sông Hậu cũng có chuyện để nói. Thú vị nhất là được đi Chợ nổi Cái Răng. Chợ chỉ mở buổi sáng, ghe chở trái cây, nông sản đủ loại, bán loại nào thì trên đầu con sào cắm trên ghe, treo loại trái cây, loại nông sản ấy. Vui nhất là những chiếc xuồng máy chạy thoăn thoát theo những chiếc thuyền du lịch để mời gọi bán các món ăn sáng nóng hổi, từ hủ tíu đến bún riêu, cà phê, bánh mì, phở, bánh... thứ gì cũng có. Tiếng rao, tiếng mời gọi vang cả khúc sông. Trên các con sông và kênh rạch bây giờ hầu như không còn thấy những chiếc ghe chèo bằng tay nữa, toàn là ghe máy, từ loại nhỏ chạy máy đuôi tôm đến những chiếc thuyền lớn hay còn gọi là tàu và đặc biệt là trên dọc ngang sông nước xuất hiện nhiều chiếc thuyền chuyên chở khách du lịch, đông nhất là khách châu Âu, họ đi thành từng đoàn hoặc thuê ghe máy đi từng cặp vợ chồng hoặc người yêu. Trên các con sông mà tôi đi qua, rất ít thấy hình ảnh liên quan đến khai thác thủy sản, quăng chài tung lưới, ngoài những chiếc bè cá tra dọc những con sông, đã trở thành đặc trưng mới của một số địa phương miền Tây. Được biết, cá tôm bây giờ cũng bớt “đông đúc”, phần vì nguồn nước không còn trong lành như trước, phần cũng vì ảnh hưởng do khai thác thủy điện quá mức của các nước phía thượng nguồn sông Mekong và những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu... Sự trù phú đã phần nào mất đi, nhường chỗ cho cái hiện đại nhưng tiềm ẩn những hậu quả khó lường.

Một lần, cách đây chưa lâu anh bạn cùng phòng tranh thủ lần đi công tác  ngắn ngủi ở Cần Thơ, có đi thăm Chợ nổi Cái Răng. Đến lúc ăn sáng trên thuyền, sau khi ăn xong, hỏi chủ ghe là bỏ rác ở đâu thì anh này trả lời rất tỉnh bơ: “anh cứ thảy đại xuống sông đi”!? Quả thật, chợ nổi tấp nập như vậy nhưng hầu như  không có chiếc ghe nào có chỗ để chứa rác mà tất cả đều vứt xuống sông. Còn chuyện vệ sinh thì khỏi phải nói... cũng xuống sông luôn. Ghe chở khách có toilet mini ở đằng sau đuôi ghe nhưng chịu khó “ló đầu” ra nếu “trút bầu tâm sự” ở đây nhé. Nhưng cũng có chiếc như chiếc tôi đi vừa rồi thì không có. May mà cả đoàn không có ai “xấu bụng” nên không có vấn đề gì. Gần đây có bài báo nói về Chợ nổi Cái Răng gần thành “Chợ chìm” vì nếu không cải tiến về cách thức hoạt động về vệ sinh v.v.. thì điểm du lịch độc đáo này chắc chắn sẽ dần vắng khách.

Trên đường đi từ Chợ Cái Răng về lại Bến Ninh Kiều, tôi đã mấy lần chứng kiến hình ảnh người dân đem rác đổ xuống sông từ hai bờ. Cũng có nơi ở đoạn trên thì người ta đổ rác, còn phía dưới một đoạn không xa thì một đám trẻ đang tắm, nô đùa tạt nước như không có chuyện gì xảy ra. Nói chung là con sông là nơi người ta vô tư làm đủ chuyện từ xả rác đến đi vệ sinh và tắm giặt, mặc dù hai bên bờ đa số đã là phường, là quận hết cả rồi.

Một đặc điểm ở Cần Thơ nữa là không dễ tìm ra các quán ăn nếu có nhu cầu, đặc biệt là tại các khu vực lân cận các khách sạn, đi tìm được quán ăn “chống đói” phải đi bộ khá xa mới có. Đến Cần Thơ bây giờ, có thể nói ngay, bạn sẽ đi thăm những đâu. Đó là: Bến Ninh Kiều, nhà hàng nổi, Chợ nổi Cái Răng, Khu du lịch Mỹ Khánh, Nhà cổ Bình Thủy và Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Ban đêm thì chủ yếu ra Bến Ninh Kiều dạo ngắm sông, ăn tối trên nhà hàng nổi chạy trên sông Cần Thơ, nghe ca cổ, giao lưu âm nhạc. Ngắn gọn như vậy nhưng đối với tôi, Cần Thơ vẫn là địa danh mình có nhiều thiện cảm, với khí hậu khá dễ chịu, phụ nữ thì trắng trẻo và dịu dàng. Mặt khác, đây cũng là nơi duy nhất của miền Tây Nam bộ có sân bay quốc tế. Đến đây có thể đi được nhiều nơi trong vùng đồng bằng trù phú này. Con người ở đây cũng mộc mạc, tuy có “thành phố” hơn chút ít. Phác họa một chút về Tây Đô để mọi người có cái nhìn khách quan về thành phố “thủ phủ” của miền Tây.

Từ Long Xuyên đến Châu Đốc

Rời Cần Thơ, đoàn trực chỉ An Giang, theo Quốc lộ 91, nối thành phố Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang, dài 142 km. Điểm dừng chân đầu tiên là thành phố Long Xuyên, tỉnh lỵ của An Giang. Nơi đây tôi đã đến một lần cách đây cũng mười mấy năm rồi, khi ấy còn thuê xe lôi dạo khắp thị xã vào buổi tối, lúc đó còn vắng vẻ đìu hiu lắm, còn bây giờ thì khác xưa rất nhiều, hầu như không còn thấy bóng dáng chiếc xe lôi đặc trưng của vùng miền Tây nữa. Long Xuyên người xe tấp nập, phố xá khang trang, cũng thuộc một trong những thành phố trực thuộc tỉnh tầm cỡ của miền Tây. Từ Long Xuyên đi tiếp Châu Đốc dọc đường mưa tầm tã nhưng mọi người cũng kịp thấy được con kênh Vĩnh Tế dài rộng chạy dọc quốc lộ 91, hoàn toàn do bàn tay con người làm nên từ những năm cuối Thế kỷ 19, ghi dấu ấn công lao danh tướng Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), người có lăng thờ tại Châu Đốc và có quê gốc ở huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn; nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà,  thành phố Đà Nẵng.

Đến Châu Đốc vào lúc gần 7 giờ tối cũng là lúc trời vừa tạnh mưa. Châu Đốc có Miếu Bà Chúa Sứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu và Núi Cấm. Dịp này chưa vào mùa Lễ hội vía Bà Chúa Sứ nên người đi hành hương cũng không nhiều. Xung quanh khu vực hai điểm thăm quan mang tính chất tâm linh này, là hàng loạt các hàng quán, nhà nghỉ, khách sạn. Hai bên đường, dậy mùi mắm, khô cá các loại. Và chắc chắn là không thiếu các loại hàng hóa liên quan đến chuyện cúng kiến. Đặc điểm ở đây là tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách rất phổ biến nhưng đa số người bán hàng rong, xe ôm khi không mời, nài được du khách nào cũng không tỏ thái độ khó chịu. Cũng không nghe câu chửi thề hay văng tục nào. Ngoài ra, cũng có cả tình trạng ăn xin trá hình, bán vé số dạo, xe ôm. Nói chung là hơi lộn xộn nhưng không cảm thấy bất an. Môi trường khu vực này cũng không được tốt, có cảm giác như công tác vệ sinh môi trường ở đây chưa được chú trọng cho lắm. Trên đường đi về huyện biên giới Tịnh Biên, mọi người có ghé Chợ cửa khẩu Tịnh Biên và dừng ở quán ven đường uống nước Thốt Nốt tươi, do một gia đình người Khơme bán. Lần đầu tiên được chứng kiến cách pha chế và được uống ly nước Thốt Nốt tươi, ngọt thơm đầy thú vị. Vùng này, gần biên giới với Cămpuchia nên cây Thốt Nốt rất nhiều và có khá nhiều ngôi chùa với lối kiến trúc kiểu Khơme với màu vàng rất đặc trưng.

Rừng tràm Trà Sư

Rời Tịnh Biên, đoàn của chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá mùa nước nổi ở rừng tràm Trà Sư. Trước đây hầu như tôi chưa nghe đến địa danh này, có chăng chỉ biết Nam Bộ thì có rừng tràm U Minh của Cà Mau hay Tràm chim ở Đồng Tháp. Chỉ khi nghe người anh rể mình nói đến địa danh này với sự háo hức, tôi mới quan tâm đến nó và chuyến đi này mình đã “mục sở thị” điểm du lịch thú vị và độc đáo này. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, tuy thời điểm tôi đến, nước mới “nổi” sơ sơ nhưng cũng đủ đi thuyền trọn vẹn trên lộ trình trong tour đã vạch ra. Xe đến điểm tập kết, cả đoàn đi bộ khoảng 500m dọc con kênh khá rộng. Đến bến thuyền đầu tiên, cả đoàn lên một loại xuồng máy có tên là Tắc Ráng, xuồng chạy vun vút trong dòng kênh, hai bên là những hàng tràm xanh ngắt. Thoạt trông cứ tưởng là cây Bạch Đàn vì Tràm lá của chúng khá giống nhau nhưng tràm khác ở chỗ là nó sinh trưởng trong nước, nước dâng đến đâu nó lên tới đó, trẻ già, lớn bé các “thế hệ Tràm” lớn lên cùng dòng nước mênh mông. Ngoài ra còn được đi ngang qua những đám sen, tuy ít hoa vì mùa này chưa phải mùa sen ra rộ nhưng nhìn cũng khá đẹp. Đến một bến khác nhỏ hơn, mọi người lên xuồng Ba Lá, loại xuồng đặc trưng của Nam bộ, do những cô thôn nữ miền Tây chèo bằng tay. Các cô mặc đồng phục là áo bà ba xanh và quần lụa đen với nón lá trên đầu. Cô lái đò tính tình hiền hậu, ăn nói mộc mạc, dễ thương. Thuyền đi trên tấm thảm xanh của bèo tấm và lục bình, mà có người gọi là “dòng sông bèo”. Dọc đường thỉnh thoảng lại bắt gặp những đoàn khách đi theo chiều ngược lại, tiếng chào hỏi, cười đùa  âm vang cả một khúc kênh. Khu vực này cũng chính là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Tại đây có rất nhiều loài chim, thú, bò sát, cá... đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Lần này, loại chim gặp nhiều nhất là cò các loại và cả một số loại chim lạ khác mà lần đầu tiên tôi bắt gặp, có những con màu sắc sặc sỡ đi như lướt trên tấm thảm bèo. Đến điểm tập kết, mọi người leo lên vọng gác ngắm toàn cảnh khu rừng tràm trải rộng giữa cánh đồng nước nổi mênh mông, phía Đông là dãy Thất Sơn hùng vĩ. Tại đây, mọi người có thể câu cá thư giãn trên đồng nước và khoái nhất là được thưởng thức các món ăn dân dã đậm chất Nam Bộ trên một căn chòi bên dòng kênh. Ai cũng tấm tắc khen ngon, dù là người khó tính nhất. Các món ăn gồm chuột nướng (ngon “tuyệt cú mèo”), cá lóc đồng nướng chấm mắm me, gà luộc rắc lá chúc (một loại cây họ cam quýt nhưng còn thơm hơn là chanh) và món lẩu lươn rất hấp dẫn, cùng các loại rau sống rất đặc trưng và lạ lẫm đối với người Đà Nẵng, trong đó có bông Điên Điển... Xong bữa thì các món ăn cũng sạch trơn vì rất ngon, ngọt, không gây ớn do rất ít dầu mỡ. Ngoài ra cũng thấy được cách làm du lịch ở đây khá bài bản, chẳng hạn, dù là đường đi trong rừng tràm, xung quanh là sông nước nhưng dọc đường đều thấy có giỏ rác, nhà vệ sinh chứ không như một số nơi khác, cái gì cũng cho hết xuống sông rạch.

Tất cả không gian ở đây, từ âm thanh, ánh nắng đến món ăn miệt vườn dân dã đều có những hương vị rất riêng mà không phải nơi nào cũng có được.  Đến nơi này, người ta như quên hết lo âu của cuộc sống bộn bề. Đây là vùng đất lạ mà quen, bởi con người nơi đây luôn thân thiện và hiếu khách, sẽ mang lại cho du khách cảm giác như đang dạo chơi trong chính không gian của riêng mình.

Bến Tre

Dù có một khoảng thời gian khá dài học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng tôi lại chưa từng đến Bến Tre, mặc dù bạn thân cùng lớp ở Bến Tre cũng không ít. Chỉ biết nhiều đến Bến Tre qua những mẩu chuyện, bài học lịch sử, bài hát như Dáng đứng Bến Tre của Nguyễn Văn Ty, anh hùng Nguyễn Thị Định, rồi là “xứ dừa”, “quê hương đồng khởi” v.v... Chỉ có lần này tôi mới được đến Bến Tre, nguyên nhân cũng là vì tại Bến Tre có khá nhiều bạn học cũ ở đây. Xe chạy từ Vĩnh Long đi Bến Tre, sau khi qua phà Đình Khao là đến Bến Tre với điểm đầu là huyện Chợ Lách, nơi nổi tiếng với Vườn cây trái Cái Mơn, nơi mà mùa nào cũng có các loại trái cây để ăn. Được biết, Làng nghề Cái Mơn hàng năm còn cung ứng cho thị trường nhiều triệu cây giống các loại như sầu riêng, măng cụt, xoài cát, nhãn tiêu, bòn bon và các loại cây có múi. Cái Mơn cũng là nơi có nhiều nghệ nhân, nhân giống chiết cành tạo nên các loại cây cảnh và hình bó nai, hình con hươu, nai, rồng, phượng... rất đẹp mắt. Sản phẩm được bán nhiều ở Thủ Đức, Biên Hòa... và xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Dọc hai bên tỉnh lộ đâu cũng thấy vườn chôm chôm, sầu riêng, nhiều vườn ươm cây ăn trái và các loại hoa kiểng. Tôi được ông bạn học, người vừa trúng Bí thư và Chủ tịch huyện Mỏ Cày Bắc tổ chức đón đoàn ngay tại Cái Mơn và mời mọi người uống nước dừa “3 vát” tại một vườn cây chuyên tạo các loại cây kiểng khá tinh xảo. Trái dừa xanh “3 vát” không to lắm nhưng nước nhiều và ngọt, được bàn tay khéo léo của cô chủ quán với 3 nhát dao rất gọn và dứt khoát là có được trái dừa “3 vát” 10 trái như chục, chỉ việc cắm ống hút vào để thưởng thức. Đến đây, mọi người được chiêu đãi ở Nhà hàng nổi trên sông Bến Tre với các món ăn đa số có “yếu tố dừa”, trong đó có món Cổ hũ dừa và đặc biệt là con Đuông dừa  ngon và lạ... Đúng là ở xứ dừa có khác. Dù chưa có thời gian đi hết thành phố Bến Tre nhưng có thể cảm nhận đây là một mảnh đất hiền hòa, người dân giản dị và gần gũi. Buổi sáng vợ và bà chị tôi đi mua đồ ở chợ, chủ yếu chỉ xem và hỏi cho có nhưng các chị tiểu thương ở chợ Bến Tre vẫn vui vẻ, không một lời nói ánh mắt khó chịu. Chia tay Bến Tre rồi đọng lại trong tôi là những cảm nhận thật dễ chịu và sảng khoái.

Chuyện nhặt trên đường

Dọc ngang miền Tây gặp nhiều người dân, từ anh lái xe đến anh cán bộ, người bán quán ăn... Khi nghe đoàn của tôi từ Đà Nẵng vào, có người đã nói ngay “Đà Nẵng tuyệt vời và có ông Nguyễn Bá Thanh là số 1!”. Rồi người ta tâm tắc khen bài nói chuyện của anh Thanh trước hàng nghìn cán bộ công chức Đà Nẵng, nhớ rõ và chi tiết nhiều đoạn trong bài nói chuyện cũng như rất ấn tượng về cách nói của ông. Có người sau khi nhắc đến tên anh Thanh là nói vanh vách như mình là người Đà Nẵng vậy, chẳng hạn: “không có ông Bá Thanh thì không có Đà Nẵng hôm nay”, mặc dù có người chưa từng ra đến Đà Nẵng lần nào, chỉ đọc báo hay xem tivi mà biết thôi. Nghe vậy trong lòng cũng vui và cảm động. Rất tự hào nhưng cũng thấy lo lo và thầm mong Đà Nẵng giữ mãi được tiếng thơm như vậy.

Cũng có người “liên hệ” đến tỉnh của mình, về miền Tây và họ ước “nếu mà có một ông đứng đầu tỉnh như Ông Thanh thì không nghèo như thế này”. Rồi là chuyện cây trái miền Tây dồi dào như thế nhưng nông dân vẫn sống bấp bênh, không giàu lên được. Điển hình là chuyện trái dừa. Dừa ở nơi khác đắt, có khi đến mười mấy nghìn một trái, còn ở đây có lúc chỉ vài ba nghìn đồng, nông dân phải chặt dừa để trồng cây khác. Thế nên cũng không trách nông dân cứ bán cho thương lái Trung Quốc vì những người này mua với giá cao ngất ngưởng, chẳng hạn như mầm trái dừa v.v... và v.v...

Tản mạn về chuyến đi miền Tây, tuy ngắn ngủi nhưng cũng “thu hoạch” được nhiều điều lý thú. Hẹn gặp lại vùng đất và con người dễ mến này trong một dịp không xa, để biết thêm về những điều thú vị còn tiềm ẩn.

D.D.H