Chuyện kể về Ba Hang - Phạm Lâm

06.11.2019

Chuyện kể về Ba Hang - Phạm Lâm

Tương truyền, từ khi đất trời được tạo dựng, dưới chân Hòn Kẽm - Đá Dừng, thôn Trà Linh, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam đã hình thành ba cái hang sâu thẳm, không có thước tấc nào đo cho xuể. Người dân nơi đây gọi tên địa danh này là Ba Hang. Khi mặt sông dâng cao, nước đổ vào bao nhiêu cũng không đầy. Để xem thử ba hang này đi về đâu, sâu đến cỡ nào, dân làng mang đến ba quả bòng được khắc chữ, thả vào miệng hang rồi cất công tìm kiếm, mãi ba ngày ba đêm mới tìm thấy ba quả bòng ấy xuất hiện ở Cửa Đại, Hội An.

Từ câu chuyện ấy lại được bắt đầu bằng một câu chuyện khác. Chuyện kể rằng, sau khi Ba Hang được hình thành một thời gian thì có một con thuồng luồng rất to khỏe, giống như một con rắn khổng lồ, nhưng lại có bốn chân, với những móng vuốt sắt nhọn, mõm nhô ra và hai hàm răng to khỏe với những chiếc răng nhọn hoắc quắp vào. Mỗi khi nó tóm được con mồi dù trên cạn hay dưới nước đều không có cơ hội thoát thân. Sức mạnh của nó thật vô song. Nó chỉ cần quẫy nhẹ chiếc đuôi trên mặt sông thì cả một vùng dậy sóng. Có rất nhiều truyền thuyết, giai thoại kể về thuồng luồng. Trong văn hóa Việt từ xưa đến nay, thuồng luồng xuất hiện như một loài thủy quái, chúng thường rình rập để kéo con người xuống nước ăn thịt. Cũng có nơi lại kể, thuồng luồng chỉ ăn thịt kẻ ác, còn đối với người lương thiện thì chúng dùng quyền năng của mình để ban phát bổng lộc, của cải, châu báu. Khác với những con thuồng luồng hung dữ, Thuồng Luồng ở Ba Hang lại tỏ ra hiền lành, thân thiện, không giết hại một ai. Nó còn thường cứu vớt những người gặp nạn trên sông nước. Đêm đêm nó lặn mò dưới lòng sông tìm kiếm thức ăn, ngày về hang ngủ nghỉ, giữ cho miệng hang quang sạch.

Thế rồi một hôm, bầu trời đang sáng trong bỗng dưng tối sầm mù mịt, mây đen vần vũ, sấm chớp ầm ầm. Và sau đó xuất hiện một con rắn hổ mang chúa khổng lồ, với sức mạnh phi thường. Nó phóng nhanh như chớp và lao thẳng đến miệng Ba Hang nhằm độc chiếm nơi cư ngụ của Thuồng Luồng. Trong giây phút sinh tử, Thuồng Luồng đã nổi cơn thịnh nộ, giương cao nanh vuốt quyết xông ra chống trả. Vậy là trong đêm tối mịt mùng, dưới chân Hòn Kẽm - Đá Dừng đã xảy ra một cuộc thủy chiến kinh thiên động địa. Cuộc chiến giằng co quyết liệt cả đêm hôm đó và cuối cùng cả hai đều tử trận. Máu đỏ loang cả một dòng sông. Thân xác của Hổ Mang Chúa và Thuồng Luồng đều xuôi về biển cả, để lại cảnh Ba Hang tiêu điều hoang vắng.

Sáng hôm sau, có một đôi vợ chồng ngư dân nghèo chèo thuyền giăng lưới. Khi chiếc thuyền lướt nhẹ qua khúc sông ấy thì trong những vòm núi cao văng vẳng vọng ra lời ta thán: “Ai về nhắn với Ba Hang, Thuồng Luồng đã bị Hổ Mang hại rồi!”. Đôi vợ chồng ngư dân nọ lấy làm lạ và cảm thấy tiếc thương cho Thuồng Luồng bạc mệnh, rồi mang câu chuyện ấy về kể lại với dân làng.

Lại nói về đôi vợ chồng ngư dân đánh cá. Ngay sau khi mẻ lưới đầu tiên được xóc lên, không hiểu sao cá tôm nhiều vô kể. Nhiều đến nỗi họ phải mang cả lưới và cá tôm về nhờ dân làng đến gỡ hộ. Dân làng hò reo vui mừng và được chia cho nhau từng ô tôm cá. Nhưng điều kỳ lạ thay, trong đống bùng nhùng rối bời của tấm lưới cá lại rất nhiều miếng kim loại, nhỏ, bẹp như các thỏi chì gắn câu, lại ánh màu vàng sẫm. Họ cũng được chia nhau làm quà kỷ niệm. Về sau người ta mới phát hiện ra đó là một loại vàng lá của người đời xưa để lại.

Sau ngày Thuồng Luồng bị hại, Ba Hang cũng bị sỏi cát lấp đầy. Và cũng từ ngày ấy, cứ sau những cơn mưa giông mùa hạ, thỉnh thoảng người ta nhìn thấy xuất hiện một cái cầu vồng bảy sắc. Gốc của nó xuất phát từ miệng Ba Hang và vắt vòng qua Hòn Kẽm, báo hiệu một mùa giông bão sắp đến, nhắc nhở người dân cảnh phòng chu tất. Cái vòng cầu vồng bảy sắc ấy người dân nơi đây thường gọi là Mống Ba Hang. Còn ở hướng Cửa Đại thi thoảng cũng xuất hiện những cái mống tương tự, nhưng nó lại báo hiệu cho những ngày trời quang mây tạnh. Vì vậy mà người dân có câu: “Mống Ba Hang tìm đàng mà chạy, mống Cửa Đại gãi dái mà nằm”.

Giờ đây, câu chuyện về Ba Hang và Thuồng Tuồng chỉ còn lại mơ hồ trong tâm khảm của người dân và được gợi nhớ bằng hai câu thơ đầy cảm  xúc: “Ai về nhắn với Ba Hang, Thuồng Luồng đã bị Hổ Mang hại rồi!..”.

P.L