Kỷ niệm thời học trò - Kỳ Nam

06.11.2019

Kỷ niệm thời học trò - Kỳ Nam

Mỗi lần muốn cằn nhằn con gái, Má tôi đều bắt đầu bằng “sinh ra đã ngược ngạo chẳng giống ai...”. Chắc vì cái nguyên nhân ngang ngược từ lúc chào đời (tôi ra đời bằng ngôi ngang nghĩa là mông sinh ra trước) nên tôi luôn luôn sống khác với hầu hết quy luật.

Khi vào lớp 1, chuyện khó khăn nhất của tôi không phải là học những con chữ. Chữ thì tôi đã biết đọc từ trước khi đi học, mặc dù cái thuở đó không có cái khái niệm học thêm học trước gì cả. Tôi đã được Má dạy nhận mặt chữ từ khi 4 tuổi và 5 tuổi là đã mê mẩn đọc các thể loại sách “con bảy tuổi con thích đọc”, tôi mê say nghiền từng con chữ, qua trang sách dẫn tôi đi đến vô vàn những khung trời kỳ lạ đối với một đứa bé 5 tuổi.

Má tôi chẳng bao giờ có dịp đọc truyện cho tôi nghe, vì bà quá bận, thứ nữa là tôi không thích nghe người khác đọc vì tôi không nhìn chữ thì tôi không tưởng tượng được câu chuyện diễn ra như thế nào. Không biết những đứa trẻ khác như thế nào chứ tôi đọc đến đâu thì âm thanh hình ảnh vang lên đến đó trong đầu, mọi thứ cứ hiện lên sống động như một cái rạp chiếu phim 3D vậy.

Lớp 1, tôi được học trước tuổi, tôi nhớ cả Ba và Má đều dặn đi dặn lại điều đó cùng với chuyện tôi phải nhớ rằng tôi có 2 ngày sinh, và một mớ lùng nhùng gì đó về cách tính tuổi của tôi. Đâm ra tới giờ này mỗi lần có ai hỏi tuổi của mình tôi vẫn ngơ ngác một lúc rồi mới trả lời được, điều này cho thấy ảnh hưởng của những năm đầu đời quan trọng vô cùng đến cả cuộc đời của một đứa trẻ. Tôi vẫn nhớ lúc bắt đầu vào học, tôi luôn là đứa có vóc dáng nhỏ bé nhất lớp và mãi về sau cho đến khi hết học phổ thông vẫn là như thế. Cho nên tôi luôn muốn là đứa nổi trội về tất cả mọi phương diện để bọn bạn không thể coi thường tôi. Ngày đầu đi học, tôi vô cùng phấn khích vì được đặt chân bước qua cánh cổng vĩ đại của ngôi trường có lớp 1 của tôi trong đó.

Trước đó nhiều lần Má chở tôi bằng xe đạp đi ngang qua và chỉ cho tôi biết rằng đó sẽ là ngôi trường của tôi, Má chỉ cho tôi đường nào để đi đến trường, qua ngã tư thì phải nhìn đèn xanh đỏ ra sao, đến chỗ nào thì quẹo trái, chỗ nào quẹo phải thì sẽ đến nhà Ngoại, nhà cậu, nhà mình... Tôi nhớ kỹ tất cả những gì của con đường đi đến ngôi trường “của tôi” và hồi hộp lắm chờ tới ngày được bước vào trường để “lên lớp 1”.

Buổi học đầu tiên kết thúc, trống trường vang lên, tất cả lục tục kéo ra khỏi cửa lớp. Tôi ngơ ngác giữa đám bạn bè lạ lẫm, không biết phải làm gì tiếp theo. Tôi chỉ được dặn là đến trường đi học, nhưng lại không đươc bảo cho biết là học xong thì làm sao. Ba Má tôi chắc mặc nhiên cho rằng tôi sẽ đứng ngoan ngoãn trong trường chờ được đến đón về, người nào có lường nổi đứa con gái mình luôn luôn chẳng đứng yên và chờ đợi bao giờ. Sau mấy phút đứng ngơ ngác và quan sát chung quanh, tôi thấy phần đông các đứa trẻ tuôn ra cổng, thế là tôi cũng đi theo dòng, bước dần ra cổng trường. Ồ đông quá, tôi đi giữa những đứa trẻ lớp 4 - 5 cũng chen lấn nhau đổ ra cổng trường, tôi chỉ mới có 5 tuổi bé lũn chũn, tay nắm chặt chiếc cặp yêu quý tuôn ra khỏi trường. Ra khỏi cổng tôi lọt ngay vào làn đường được các cô chú anh chị cầm ngang những chiếc gậy sơn đỏ trắng giăng ngang chặn dòng xe cộ cho học sinh băng qua đường, thế là tôi được đẩy gọn gàng băng qua con đường lớn trước cổng trường. Đứng bên kia đường, lúc mọi người chung quanh đã tản đi, tôi lại không biết mình phải làm sao.

À, bây giờ học xong thì phải về nhà thôi, cửa trường đóng rồi. Thế là tôi một mình tung tăng đi bộ về nhà gần nhất là nhà Ngoại của tôi. Tôi vẫn nhớ là tôi thấy mình thật là tuyệt, biết đi học và bây giờ biết đường để đi về, chứng tỏ rằng tôi rất là người lớn và Má nói gì tôi đều nhớ và làm đúng. Tôi cẩn thận nhìn từng chiếc đèn xanh đèn đỏ, khẽ khàng băng qua từng ngã tư theo đúng “bài học lý thuyết” mà Má tôi đã dạy. Tôi chưa được thực hành việc đi bộ băng qua đường lần nào, bây giờ mới được áp dụng. Thật là sung sướng làm sao khi thấy cả làn xe ngừng lại nhường đường cho con bé tí xíu xách cặp cũng tí xíu băng qua đường. Bây giờ nghĩ lại chắc người ta cũng kinh hãi lắm khi nhìn thấy một con bé lũn cũn xách cặp, đi một mình tung tăng giữa đường như vậy. Con bé chỉ mới 5 tuổi. Tôi đi bộ về tới nha Ngoại, kiễng chân gọi Ngoại om sòm để mở cửa cho tôi. Ngoại tôi bước ra, trố mắt khi thấy con cháu gái bé tẹo đứng một mình trước cửa, tôi hồ hởi khoe ngay: con đi bộ về đó Ngoại! Học xong rồi! Ngoại chưa kịp dắt vào nhà thì Ba tôi đỗ xịch xe trước cửa, gầm lên: con đi đâu? Và tặng tôi một cái tát tai đầy bất ngờ. Con bé ngơ ngác không hiểu vì sao và thế là oà khóc và hứa trong lòng là sẽ giận Ba mình mãi mãi. Đó chính là lần đầu tiên nó biết như thế nào là hiểu lầm và nỗi oan ức có thể làm người ta đau khổ đến thế nào.

Tới bây giờ chắc Ba tôi cũng không biết rằng bài học vô hình về sự oan ức mà ông đã dạy cho tôi qua cái tát ấy. Sau này tôi đặc biệt nhạy cảm với những sự minh bạch, lúc nào cũng đòi hỏi người khác muốn gì phải nói cho tôi thật rõ ràng, đúng nghĩa, đúng lý, không được mập mờ, tự đoán... thì tôi mới chịu. Việc kế tiếp là ông ôm chầm lấy tôi như vừa tìm lại được một thứ bảo bối quý giá. Sau này lâu lắm tôi mới hiểu được là Ba tôi đã phải lo sợ đến điên cuồng khi mà đứa con gái bé bỏng biến mất tăm ngay ngày đầu tiên đi học. Ông chẳng thể đoán nổi việc con bé có thể một mình về nhà, mà nghĩ rằng nó đã bị bắt cóc mất. (Lúc đó vừa mới xảy ra chuyện bắt cóc con của nghệ sĩ Thanh Nga).

Thế mới biết, có một đứa con quá... gan dạ cũng gây ra nhiều sự kinh hãi cho phụ huynh biết nhường nào. Cuộc đời tôi đã gây ra rất nhiều những trận đứng tim cho hai bậc sinh thành từ nhỏ đến lớn, cũng bởi những điều tôi đã làm với cái kiểu không phù hợp với tuổi tác như vậy. Khi những trẻ con khác chưa biết nói, tôi đã đọc thuộc vanh vách ca dao; Khi người ta chăm chỉ học thì tôi đã kiếm ra được tiền; Khi các cô gái khác tròn mắt ngây thơ thì tôi đã yêu đương như trang tiểu thuyết; Khi bạn bè còn đi xe đạp thì tôi đã mua chiếc xe hơi đầu tiên năm 21 tuổi bằng tiền của mình; Khi bạn trang lứa chỉ mới đủ tiền uống bia đối chứng Sài Gòn thì tôi đã uống Martell Chivas theo kiểu mang chai ra xếp hàng trước mặt; Khi những bạn bè doanh nhân còn vất vả để có tên trên mặt báo thì tên tôi đã được ca trên hầu hết báo chí có hạng (thời của tôi chưa có báo mạng như bây giờ)... Và khi người cày cuốc khai phá trên cánh đồng của mình thì tôi bỏ tất cả sau lưng để ngao du năm châu bốn biển... Má tôi và hầu hết mọi người thì cho rằng trẻ đi học, lớn kiếm tiền, tích luỹ và về già thì đi chơi hưởng thụ thành quả rồi chết... Tôi thì lại nhào vào kiếm tiền khi người ta còn đi học và tích luỹ kinh nghiệm trong công việc; Khi người ta bắt đầu tạo dựng sự nghiệp thì tôi làm việc như thể đó là cơ hội cuối cùng; Khi người ta chăm chỉ kiếm đường đi trong khủng hoảng thì tôi bỏ tất cả để đi rong chơi khắp nơi trên quả đất, và khi mọi người choáng váng vì cuộc chiến khốc liệt kéo dài trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu tôi sẽ bắt đầu lại một sự nghiệp mới... Và khi những phụ nữ khác đã toan về già thì tôi lại bắt đầu một tình yêu say đắm như chưa yêu lần nào... Nếu phụ huynh của tôi thấy tôi lại yêu như ngày 16 tuổi, không biết họ có lại đứng tim nhìn con gái cưng như ngày xưa ấy?

Có chuyện gì là muộn khi trái tim vẫn tuổi thanh xuân?

K.N