Đọc Lại chửi của Nguyễn Văn Xuân giữa tâm bão “loạn chửi” - Vũ Đình Anh

06.11.2019

Đọc Lại chửi của Nguyễn Văn Xuân giữa tâm bão “loạn chửi” - Vũ Đình Anh

Những ngày qua, dư luận đang ồn ào giữa tâm bão “loạn chửi” vì một nữ hành khách (hiện là đại úy công an) chửi, gây sự với nhân viên ở Ga hàng không Tân Sơn Nhất. Từ đó, mạng Internet tràn ngập cụm từ chửi, trên báo chí, bảng tin, mạng xã hội... Và chính hành khách này cũng thú nhận trên báo Tuổi trẻ rằng: “Mỗi ngày tôi nhận được hơn 1.000 cuộc điện thoại gọi đến chửi bới, xúc phạm làm tôi rất bức xúc, áp lực và bất an”. Hành khách này còn chia sẻ rằng: “Tôi bị nhân viên hàng không xúc phạm trước”... Nhân việc này, tôi chợt nhớ và tìm đọc bài viết Lại chửi của Nguyễn Văn Xuân đăng trên Tạp chí Vấn đề, số 29, tháng 12/1969 (Sài Gòn), thấy có nhiều điểm thú vị và đôi dòng suy tư xin được sẻ chia.

Sở dĩ bài viết có tên Lại chửi vì trước đó, Võ Phiến có bài với nhan đề Chửi  đăng trên Tạp chí Bách Khoa, số 271, ngày 15/4/1968 (Sài Gòn), dường như Nguyễn Văn Xuân chưa phục bài viết ấy, nên bàn tiếp về chủ đề này. Bài viết khá dài, tới 12 trang (từ trang 17 đến 28), ông đã khai thác rất nhiều chiều cạnh, góc nhìn, phương thức, nguyên nhân, mục đích, tương lai... của hiện tượng chửi. Vì vậy tôi chỉ xin tóm lại một số điểm chính, còn các ý dẫn dắt, chứng minh, triển khai thêm... khó để hệ thống hết được.

Trước tiên, ông cho rằng “chửi là một hiện tượng của văn hóa, là một loại phong tục, tập quán nhưng thiết yếu là một sự tranh đấu trong một hoàn cảnh xã hội”(1). Ông cũng định nghĩa: “Chửi là dùng những lời hỗn, rất hỗn bất chấp nặng đến thế nào đối với kẻ khác. Và khi có đối thoại thì đó là “chửi lộn”. Đặc biệt, ông phân thành hơn chục loại chửi, trong mỗi loại ông đều phân tích và có dẫn chứng, ở đây chúng tôi xin điểm qua một loại chính như sau:

“Chửi bới là đào bới những người bà con, ông bà kẻ đối thoại ra mắng...; Chửi rủa là trong lời chửi có bày tỏ những ước nguyện kẻ đối thủ sẽ gặp sự rủi ro, nguy hiểm...; Chửi thề là vừa chửi vừa thề để tự minh oan... có khi biến thành sự thề bồi…...cần thần linh chứng giám... (ông nói rõ chửi thề ở đây không phải kiểu gặp đâu “Đ... mẹ” đó - người viết)...; Còn chửi tục là... dùng những tiếng cụ thể, chỉ những vật cụ thể như các bộ phận sinh dục, kể cả những chất dơ ngày có kinh hoặc đẻ đái...; Chửi mắng phần lớn là dùng tiếng chửi và lời la rầy mắng nhiếc dạy dỗ của kẻ bề trên...; Chửi trộm là ghét mặt ai, khi nó đi qua, lén lút chửi vài tiếng cho đã giận...; Chửi đổng là chửi vu vơ, chửi giữa trời...”. Khi đọc đoạn này, chúng ta cảm nhận là đều biết qua, song để hệ thống hóa, khái quát hóa, nêu lên bản chất của từng loại chửi kết hợp với dẫn chứng khi cần thiết thì quả rất phục cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân.

Học giả đã dẫn dắt vào vấn đề sâu xa hơn của sự chửi, đó là đi tìm nguyên nhân của hiện tượng này. Ông có nêu một số luận điểm về nội dung này của Nguyễn Văn Trung trong Ca tụng thân xác của Võ Phiến trong Chửi. Qua đó, ông phân tích điểm hợp lý, chưa hợp lý, có dẫn chứng cụ thể, để từ đó nêu lên quan điểm của mình. Rằng, trong xã hội có nhiều sự bất công, tranh chấp, ấm ức không được giải quyết thỏa đáng thì hiện tượng chửi sẽ còn diễn ra nhiều. Bởi “từ ý nghĩa tranh chấp, chửi đã xuất hiện như hình thức thô sơ nhất rồi tự tìm lấy lối phát triển riêng và chậm tiến bên cạnh những lối khác, chẳng hạn dùng bạo lực và chính trị”.

Nhà văn phân tích một ví dụ rất điển hình, khá kỹ nên cũng khá dài, tuy nhiên, để hiểu đầy đủ ý nghĩa của sự chửi, thiết nghĩ không thể không đề cập. Tôi xin tóm lược như sau: trong xóm có một bà rất nghèo nhưng hay chửi, bà bị mất một con gà, “thôi thì bà kêu đủ tam đại những đứa ăn trộm gà” để rủa. Bởi bà biết con gà là “báu vật” của bà nhưng đi thưa làng thì “những ông tai to mắt lớn không thèm để ý”, cũng không đi tìm hộ hay bênh vực bà. Nếu thưa kiện hay nằm vạ thì “nguyên hay bị gì cũng bị phạt hay thiệt thòi ráo cả”. Vậy nên giải pháp tốt nhất dù biết hay không biết đứa trộm gà thì vẫn chửi. Bởi chửi cũng có nhiều tác dụng. Tác dụng thứ nhất là “hả giận lăng nhục đối phương”, thứ hai là “ít bị hậu quả tai hại”, thứ ba là kẻ trộm gà lần sau cũng ngại đụng đến gà nhà bà vì “nghe nó chửi cho sướng cả ông bà à?”... Qua ví dụ này, Nguyễn Văn Xuân kết luận: “chửi trước hết chính là hình thức tranh đấu của kẻ yếu, cô thế, kẻ bị chèn ép và lời chửi là phương tiện để đạt được mục tiêu của nó”.

Tất nhiên, nói như vậy, không phải chỉ kẻ yếu mới chửi. Mà kẻ “bề trên” vẫn chửi để đạt mục đích, tuy mục đích có khác. Chửi khi ấy nhằm tạo “áp lực dùng để sửa đổi, miệt thị hay thúc đẩy công việc và thêm uy quyền cho mình”. Đây là những người có chức quyền với kẻ dưới; ông bà chủ với người làm thuê; ông bà, cha mẹ, anh chị...đối với cháu, con, em...

Vậy phải chăng “cần chửi thì họ chửi”. Điều đó tuy đúng nhưng chưa trúng. Bởi thường trước khi chửi phải tiên liệu trước hậu quả. Có trường hợp ức “trào máu” nhưng biết đối thủ là người lão luyện trong nghề chửi, còn mình ít xông pha trận mạc, ngôn từ, vốn liếng chửi ít thì tốt nhất là nên rút sớm. Có trường hợp chửi nhưng tự biết là không thể “cạn tình” hoặc không thể “từ nhau” thì “chửi cũng phải biết tự kìm hãm”... Muốn chửi để giành phần thắng phải được rèn luyện, phải có nghệ thuật. “Chửi cũng phải quen như đánh lộn, lâm trận luôn mới dạn dĩ, chửi khắp thiên hạ mới có đủ ngón hay, từ ngữ mới, cách đặt câu gây xúc động, cách tạo hình ảnh khiến khiếp sợ...”. Nghệ thuật chửi được Nguyễn Văn Xuân khái quát, phân tích chỉ ra: họ như những nghệ sĩ, những diễn viên có tài năng và phải tôi luyện...

Vậy ai là người hay chửi? Nguyễn Văn Xuân đã xem xét ở nhiều góc độ, chúng ta cùng điểm qua. Xét về nghề nghiệp, người mà thường hay chửi nhất là “đàn bà rổi cá”, ông phân tích có điều này do nghề nghiệp sinh ra, họ “buôn phải món hàng dễ ươn, dễ thối một cách nặng nhọc nên hay sinh nóng tính, hỗn hào”. Sau hạng đầu bảng này thì ông cho rằng tiếp đến là “hạng ở ghe, hạng bán thịt, hạng cho vay nhỏ, hạng thu thuế chợ, bán rau hành...”.  Xét về vị trí trong xã hội thì những tay khá giả, đầu nậu cho vay..., họ không thèm chửi, bởi “vừa bẩn miệng, vừa phí sức, vừa tự hạ mình” mà họ thuê người chửi chuyên nghiệp. Người được thuê chửi thường là những kẻ bần cùng, “có giòng dõi ăn mày”, “ăn không ngồi rồi, hay bày mưu đặt kế”... Xét về giới tính và độ tuổi, thì đàn ông ít chửi hơn, tuy cũng có người “chửi ngon lành”, hay có người mượn rượu để chửi. Đàn bà thường chửi hơn, nhưng độ tuổi chửi hay nhất là khoảng trên dưới bốn mươi, khi đó kinh nghiệm đã nhiều, “sức lực cương cường, và không quan tâm mấy đến sự e thẹn”. Điều này các cô gái còn thiếu do ít kinh nghiệm và có sự e thẹn. Xét về yếu tố địa lý, thì ông cho rằng người “ở các thành thị lớn”, chốn kinh kỳ như Hà Nội, Huế, Sài Gòn thì môn chửi thuộc hàng có thứ hạng. Còn “Các tỉnh lẻ thì lời chửi chưa mấy nơi được điêu luyện bằng”. Xét về địa điểm thì nơi hay chửi rõ nhất là ở các chợ, “chợ nào thường cũng có một vài bà chửi được thiên hạ ngán lắm”...

Nguyễn Văn Xuân còn luận về lịch sử hình thành và tương lai của hiện tượng chửi. Ông cho rằng, thời xưa thì thường hay chửi nhiều, bởi “từ ý nghĩa tranh chấp, chửi đã xuất hiện”. Mà xã hội phong kiến thì luật bị xem nhẹ, chủ yếu “cai trị bằng lệ”, nên trong xã hội đầy rẫy bất công, bất bình đẳng, điều ngang trái xảy ra. Vì vậy, hiện tượng chửi khá phổ biến. Còn tương lai, ông cho rằng bộ môn này tương lai không sáng sủa. “Trước 1945, nó rất phồn thịnh. Sau đó, những sự cải cách trong làng xã...” thì “tiếng chửi vẫn còn, nhưng chỉ còn sức thu hút như tiếng thút thít của đứa trẻ con sau khi khóc song chưa chịu nín hẳn...”.

Và điều quan trọng là chửi dù có hay thì vẫn có ý nghĩa tiêu cực, nên dân Việt “ai cũng mong đẩy nó vào dĩ vãng bằng những cảnh sát viên đứng đắn, những vụ phân xử nghiêm minh, những luật lệ tôn trọng danh dự và quyền lợi cá nhân... và nhất là bằng chính sự thảo luận. Vì không hay thảo luận, không có tập quán thảo luận nên phải chửi, chứ nếu đã thảo luận giỏi, tranh luận hay thì có thể dàn xếp được, không đến nổi cọc, nổi đóa, nổi hỗn, nổi chửi”. Song trong cái dở lại có điều hay: đó là “Những kẻ quen chửi, những vùng quen chửi là kẻ dám đương đầu và vùng có tài đấu khẩu”; đó là cuộc chửi đạt đến độ hay thì “đôi khi đầy ý nghĩa mà nhà văn học, xã hội học phải lưu ý”... Viết đến đây, thấy bài viết hơi dài, song do nội dung Lại chửi dồi dào ý tưởng, chúng tôi không nỡ cắt đi quá nhiều bởi sợ mất đi cái hay và sâu sắc của tác giả.

Đôi điều bình luận:

Thứ nhất, Nguyễn Văn Xuân luận về sự chửi như thế này, thì không nhiều người can đảm đặt bút viết về sự chửi nếu đã đọc bài này. Bài viết từ cách nay nửa thế kỷ, đọc vẫn có nhiều thông tin phong phú, hấp dẫn và có tính thời sự. Quả đúng như nhà sử học Dương Trung Quốc thường gọi Nguyễn Văn Xuân là nhà Quảng học. Nhà sử học phân tích, gọi như vậy vì ông là nhà Quảng Nam học cũng đúng, nhưng còn hiểu theo nghĩa khác là người học rộng, biết nhiều và hiểu sâu. Bút lực của nhà văn thật sung mãn, đã khai thác lĩnh vực nào là cố gắng “phải biết, biết hết (...), đạt được chỗ thâm viễn”(2). Không chỉ ở đề tài này, mà nhiều đề tài khác, nhà văn cũng cố gắng mong muốn đạt đến độ “thâm viễn”. Nguyễn Văn Xuân còn khá nhiều tác phẩm chưa được tập hợp để chúng ta khám phá một cách đầy đủ và toàn diện. Hy vọng, trong thời gian sắp tới “thiết tha mong có được một toàn tập Nguyễn Văn Xuân, dày dặn, đầy đặn, hoàn chỉnh. Sẽ là một tượng đài văn hóa của xứ Quảng, trân trọng góp cùng văn học và văn hóa dân tộc” (Nguyên Ngọc)(3).

Thứ hai, Nguyễn Văn Xuân cho rằng, chửi chẳng tốt đẹp gì, dù chửi có hay thì vẫn có ý nghĩa tiêu cực, nên dân Việt “ai cũng mong đẩy nó vào dĩ vãng”. Nên cần điều chỉnh để giảm sự chửi, giảm cái xấu, tăng phần tốt đẹp lên. Nhưng làm gì để giảm sự chửi? Chúng ta phải sửa tận gốc, tức là tìm về nguyên nhân của nó. Nhà văn của chúng ta đã chỉ ra rằng, trong xã hội càng nhiều bất công, ấm ức thì sự chửi càng nhiều. Vậy nên, những người có trách nhiệm lãnh đạo đất nước, quản lý xã hội cần chú ý, phải đẩy lùi sự chửi “bằng những cảnh sát viên đứng đắn, những vụ phân xử nghiêm minh, những luật lệ tôn trọng danh dự và quyền lợi cá nhân... và nhất là bằng chính sự thảo luận”. Chứ không phải của riêng ngành văn hóa, không chỉ là công tác tuyên truyền, vận động...

Thứ ba, từ góc độ xã hội, những ồn ào về sự chửi trong những ngày qua, hẳn một số người cho rằng lỗi không chỉ có ở vị nữ hành khách, mà suy cho cùng phải là: “Tại anh tại ả, tại cả đôi bên”. Bởi không phải tự nhiên mà người ta gây sự để chuốc lấy phiền phức. Cũng như một số bài báo đã viết về tâm lý người dân thường sợ nhân viên quản lý sân bay. Đành rằng tâm lý sợ là có thật nhưng chỉ ở một bộ phận không nhiều mà thôi.

Vậy tại sao họ sợ? Phải chăng do họ cố tình muốn vi phạm các quy định, nên biết mình sai mà sợ. Hay họ không biết các quy định nên sợ vi phạm. Hay sợ do nhút nhát, thiếu tự tin... Có thể còn nhiều lý do, song nhìn chung đều không tốt, đều phải khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết này. Nhất là bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập thế giới, còn phải đi nhiều quốc gia khác mà cứ như vậy thì sao được...?

Nhìn ở góc độ khác, có thể do các nhân viên quản lý, kiểm tra có thái độ trịch thượng, thiếu tôn trọng, ít thân thiện khi tiếp xúc, giao tiếp với hành khách nên họ sợ? Cũng hoàn toàn có thể. Và nếu vì lý do này mà người dân sợ thì lại càng phải sửa đổi, phải có thái độ thân thiện, nhiệt tình hơn...?

Suy đi, nghĩ lại, thấy cách gì thì chửi cũng không tốt, sợ cũng không nên, hách dịch là dở mà gây gỗ, gây sự, gây lộn càng phải tránh. Chúng ta trong một xã hội văn minh, cần có cách ứng xử lịch sự. Nếu chưa biết thì phải hỏi, nếu chưa giỏi thì phải học...

Thứ tư, Nguyễn Văn Xuân cho rằng, sau những cải cách của xã hội thì “tiếng chửi vẫn còn, nhưng chỉ còn sức thu hút như tiếng thút thít của đứa trẻ con sau khi khóc song chưa chịu nín hẳn...”. Điều này chúng ta thấy đúng, hiện nay ở ngoài xã hội thì sự chửi đã được hạn chế, không quá thường xuyên. Như không vì vậy mà ít tác hại đâu nhé. Chúng tôi cho rằng, sự chửi hiện nay “như tiếng thút thít” trong các gia đình. Có một số gia đình hơi một chút là chửi, thậm chí trở thành thói quen khó chữa. Có người (tôi không nói là mấy ông, vì nhiều bà chẳng kém) khi ra ngoài như một con người khác hẳn, nói năng lịch sự. Ấy vậy khi về nhà thì cáu gắt, la mắng thường xuyên, đến mức nhiều người nói “vui mà rất buồn” rằng: “nghe chửi quen rồi, khi vắng lại nhớ...!”.

Mà thói xấu này tác hại ghê gớm lắm đó, khiến gia đình, bất hòa, mất đoàn kết, lục đục... rồi đến lúc không chịu được nữa thì ly hôn. Không phải tôi suy diễn đâu nhé, đã có thống kê rằng, hiện nay tỉ lệ ly hôn hiện nay ở Việt Nam đang ở mức báo động với tỉ lệ 31,4%(4). Trong đó có gần 80% ly hôn có nguyên nhân liên quan đến bạo lực gia đình(5), mà ngày nay thì ai cũng biết, chửi theo tính đa dạng của nó là hình thức bạo lực phổ biến nhất.

Bàn thêm, một số người rất tốt với người ngoài mà xem nhẹ giữ gìn hòa khí trong gia đình là sai lầm rất lớn. Ta thử cùng ngẫm lại mà xem, khi ốm đau “thập tử nhất sinh”, thử hỏi có bao nhiêu người bạn thức quá 3 đêm ở bệnh viện mà phục vụ? Về cơ bản, vẫn chỉ là vợ, chồng, con cái, xa hơn nữa là anh em ruột thịt chăm sóc lẫn nhau. Qua đó để thấy, người trong gia đình cũng xứng đáng được hưởng những lời lẽ tốt đẹp lắm chứ?

Lại nữa, nhiều người cho rằng la, mắng, chửi đã thành thói quen thì khó sửa. Đành rằng là khó, nhưng thói quen xấu thì phải cố sửa. Muốn sửa phải tìm ra nguyên nhân hình thành thói quen? Chẳng phải do lời nói, hành động lặp đi lặp lại nhiều lần mà thành ư? Nên chúng ta phải điều chỉnh từng lời nói, từng hành động, khi lặp lại nhiều lần thì từ từ sẽ hình thành thói quen mới tốt đẹp thay thế thói quen cũ...

Trên đây chỉ là những suy tư của bản thân khi đọc Lại chửi của Nguyễn Văn Xuân, có mạo muội liên hệ vài ý về hiện tượng chửi trong xã hội hiện nay. Bài không nhằm chỉ dạy ai, song ai thấy hợp lý thì cũng là điều hay, nếu không thích thì bỏ qua, mong đừng chửi!

(1) Các trích dẫn trong bài này được dẫn từ: Nguyễn Văn Xuân (1969), “Lại chửi” in trong Tạp chí Vấn đề, số 29, tháng 12/1969, tr. 17 - 28.

(2) Nguyễn Văn Xuân (1969), “Khi những lưu dân trở lại: Một thời mới (kỳ 6)” in trong Tạp chí Bách khoa, số 260, ngày 01/11/1967, tr. 20.

(3) Nguyên Ngọc (2010), “Nguyễn Văn Xuân, nhà văn, nhà văn hóa, học giả lớn và độc đáo của xứ Quảng” in trong Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam, Tạp chí Xưa & Nay và Công ty TNHH Sách Phương Nam xuất bản, năm 2010, tr. 211.

(4) Tuấn Anh, Hoảng hốt tỷ lệ vợ chồng ly hôn ở Việt Nam, http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/hoang-hot-ty-le-vo-chong-ly-hon-o-viet-nam-1234606.html (Báo điện tử Kiến Thức, ngày 11/06/2019).

(5) Viết Thịnh, Gần 80% số vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình, https://plo.vn/xa-hoi/gan-80-so-vu-ly-hon-co-nguyen-nhan-tu-bao-luc-gia-dinh-704567.html (Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26/5/2017).

V.Đ. A