Đêm cuối cùng của thế giới - Ray Douglas Bradbury

06.11.2019

Đêm cuối cùng của thế giới - Ray Douglas Bradbury

Ray Douglas Bradbury (sinh ngày 22 tháng 8 năm 1920, mất ngày 05 tháng 6 năm 2012) là tác giả Hoa Kỳ chuyên viết thể loại khoa học viễn tưởng, kinh dị và trinh thám.

Ông nổi tiếng với tiểu thuyết viết về cuộc sống khốn cùng ở nơi mà người ta tưởng tượng rằng mọi chuyện đều tệ hại, chỉ thấy toàn những cảnh đói khổ, những cảnh áp bức và khủng bố, địa ngục trong trí tưởng tượng. Đó là tiểu thuyết Fahrenheit 451 (451 độ Fahrenheit/xuất bản năm 1953), ông cũng nổi tiếng về những tập truyện kinh dị và khoa học như The Martian Chronicles, 1950 (Ghi chép biên niên về người sao Hỏa), The Illustrated Man, 1951 (Người được minh họa), và I Sing the Body Electric, 1950 (Tôi ca ngợi nhân điện). Bradbury là một trong những nhà văn Mỹ nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20 và 21.

Với nhiều giải thưởng, trong số đó có giải thưởng danh giá Pulitzer Citation năm 2007, Bradbury cũng viết và tư vấn cho nhiều kịch bản điện ảnh và truyền hình, trong số đó là Moby Dick và It Came from Outer Space (Nó đến từ ngoài không gian). Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành sách tranh truyện, dựng thành phim truyền hình và điện ảnh.

Khi ông mất vào năm 2012, báo The New York Times đã ca ngợi Bradbury là “nhà văn có trách nhiệm nhất trong việc đưa thể loại khoa học hiện đại vào dòng văn học chính thống”.

Truyện ngắn dưới đây in lần đầu trong tạp chí Esquire số tháng 2 năm 1951. Esquire in lại lần thứ hai trong số ra ngày 6 tháng 6 năm 2012.

 

Đêm cuối cùng của thế giới

 

"Em sẽ làm gì nếu em biết đêm nay là đêm cuối cùng của thế giới?”

“Em sẽ làm gì ư; anh nói nghiêm chỉnh đấy chứ?”

“Phải, nghiêm chỉnh đấy”.

“Em không biết - Em đã không nghĩ đến điều đó”. Nàng xoay quai bình

cà phê về phía anh và đặt hai cái tách

vào đĩa.

Anh rót cà phê. Hai cô con gái nhỏ đang chơi xếp gạch bằng những khối vuông nhỏ trên thảm phòng khách trong ánh đèn xanh của mấy cây đèn bão. Có mùi hương thoang thoảng của cà phê trong không khí buổi tối.

“À, hãy bắt đầu nghĩ về điều đó đi”, anh nói.

“Anh muốn thế à?” người vợ nói.

Anh gật đầu.

“Sẽ có chiến tranh à?”

Anh lắc đầu.

“Không phải là bom khinh khí hay bom hạt nhân chứ?”

“Không”.

“Hay là chiến tranh vi trùng?”

“Không có gì về những thứ đó”, anh nói, chầm chậm khuấy tách cà phê và nhìn vào chất nước màu đen trong tách. “Mà, ví dụ, chỉ cần gấp một quyển sách lại”.

“Em không hiểu”.

“Thực sự anh cũng không hiểu. Đó chỉ là một cảm xúc, thỉnh thoảng nó làm anh sợ, nhưng thỉnh thoảng anh không sợ chút nào - mà thư thái”. Anh nhìn qua phía hai cô con gái, màu tóc vàng của chúng óng ánh trong ánh đèn sáng, và hạ thấp giọng. “Anh đã không nói gì với em. Chuyện xảy ra lần đầu cách đây khoảng bốn đêm”.

“Sao cơ?”

“Anh đã có một giấc mơ. Anh mơ rằng mọi chuyện sẽ kết thúc và một giọng nói bảo rằng đúng vậy; không phải là một giọng nói anh quen, nhưng đúng là một giọng nói, và nó nói mọi chuyện sẽ kết thúc ở địa cầu này. Anh đã không nghĩ nhiều về điều đó khi anh thức dậy sáng hôm sau, nhưng khi anh đi làm thì cảm xúc đó cứ vương vấn anh suốt ngày. Anh gặp Stan Willis nhìn ra cửa sổ lúc giữa buổi chiều và anh nói, “Anh đang nghĩ gì thế, Stan”, và anh ấy nói, “Đêm qua tôi có một giấc mơ”, và ngay cả khi anh ấy chưa nói gì với anh, anh biết ngay giấc mơ đó là gì. Lẽ ra anh có thể kể với anh ấy, nhưng để anh ấy kể và anh lắng nghe”.

“Là giấc mơ đó hả?”

“Phải. Anh nói với Stan anh cũng đã mơ như vậy. Anh ấy không tỏ ra ngạc nhiên. Mà thực sự anh ấy thư thái. Rồi bọn anh đi lòng vòng trong cơ quan. Chuyện này không định trước. Bọn anh không nói gì, chỉ đi lòng vòng. Bọn anh đi chỉ vì muốn đi, và ở chỗ nào bọn anh cũng thấy những người khác hoặc là nhìn xuống bàn làm việc, hoặc là nhìn vào đôi tay, hay nhìn ra cửa sổ mà không thấy những gì ở trước mắt họ. Anh nói chuyện với mấy người trong số đó, và họ cũng như Stan”.

“Tất cả số người đó đều đã mơ?”

“Tất cả. Cùng một giấc mơ, không khác”.

“Anh có tin trong giấc mơ không?”.

“Có. Anh chưa bao giờ chắc chắn hơn thế”.

“Vậy thì bao giờ nó kết thúc? Em muốn nói là thế giới”.

“Đối với chúng ta thì là một lúc nào đó trong đêm nay, và rồi, khi đêm dần buông xuống từng nơi trên toàn thế giới, những nơi nào đêm đến trước, thì sẽ kết thúc trước. Sẽ mất hai mươi bốn giờ cho toàn thế giới kết thúc”.

Họ ngồi một lúc mà không đụng đến cà phê. Rồi họ chậm rãi nâng tách cà phê lên, uống, và nhìn nhau.

“Mình có đáng bị như vậy không?” nàng hỏi.

“Không phải là vấn đề có đáng hay không, chỉ là vấn đề những sự việc không còn hoạt động nữa. Anh đã lưu ý em đừng tranh luận về điều này. Sao không nghe?”

Nàng gật đầu. “Em đã không muốn nói gì. Em đã mơ đêm qua. Và phụ nữ ở khu phố đang nói về chuyện đó, chỉ với nhau thôi”. Nàng cầm tờ báo buổi tối lên và đưa cho anh. “Tin tức thì không có gì về chuyện đó cả”.

“Không có đâu, ai cũng biết cả, thì còn cần tin tức làm gì?” Anh cầm lấy tờ báo và ngồi dựa vào ghế, nhìn mấy cô con gái và rồi nhìn nàng. “Em sợ sao?”

“Không. Cũng không sợ cho các con. Em luôn luôn nghĩ em sẽ sợ chết điếng, nhưng mà lại không”.

“Vậy thì bản năng tự vệ mà các nhà khoa học nói nhiều đến ở đâu?”

“Em không biết. Anh đừng quá lo lắng khi anh cảm thấy các sự việc là hợp lý. Đây là sự hợp lý. Chẳng có gì khác nhưng điều này đã có thể xảy ra là vì cách chúng ta đã sống”.

“Chúng ta đã không quá tệ, có phải vậy không?”

“Không, mà cũng không tốt lắm. Em cho đó là vấn đề. Chúng ta không quan tâm nhiều đến điều gì khác ngoài bản thân chúng ta, trong khi một phần lớn của thế giới thì đầy những sự việc khá đáng sợ”.

Mấy cô bé đang cười ở phòng khách khi chúng phất tay làm đổ những ngôi nhà chúng đã xếp.

“Em luôn luôn tưởng tượng rằng người ta sẽ hét lên ngoài phố vào lúc có sự cố này”.

“Anh cho là không. Em không hét lên về một chuyện thực tế”.

“Anh biết không, em sẽ không nhớ gì hết ngoài anh và hai con. Em chưa hề thích các thành phố hay ô tô hay các nhà xưởng hay công việc làm của em hay bất cứ gì ngoại trừ anh và hai con. Em sẽ không nhớ gì hết ngoại trừ gia đình mình và có thể là sự thay đổi thời tiết và một ly nước mát khi thời tiết nóng, hay sự thoải mái của giấc ngủ. Thực sự đó chỉ là những việc nhỏ. Sao mình lại ngồi đây và nói chuyện như thế này?”.

“Vì không có việc gì khác để làm”.

“Dĩ nhiên là vậy, vì nếu có việc gì thì mình đã đang làm rồi. em nghĩ đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới ai cũng thực sự biết họ sẽ đang làm gì trong đêm cuối cùng”.

“Anh thắc mắc mọi người khác sẽ làm gì bây giờ, vào tối nay, trong vài giờ nữa”.

“Đi xem ca nhạc, nghe đài truyền thanh, xem truyền hình, chơi bài, cho con đi ngủ, tự mình đi ngủ, như thường lệ”.

“Như thường lệ, theo cách thức việc đó vẫn được cho là đúng”.

“Không phải tất cả chúng ta đều tệ”.

Họ ngồi yên một lúc rồi anh rót thêm cà phê. “Sao anh lại nghĩ đêm nay là đêm cuối cùng?”.

“Vì nó là đêm cuối cùng”.

“Sao lại không là đêm nào đó trong vòng mười năm cuối của thế kỷ trước hay năm hay mười thế kỷ trước?”.

“Có thể là vì chưa bao giờ có ngày 30 tháng hai năm 1951(*), chưa hề có ngày này trong lịch sử, bây giờ thì có và vì thế, hôm nay nhiều ý nghĩa hơn bất kỳ ngày nào khác và năm nay là năm các sự vật đích thực là chính chúng trên khắp thế giới và đó là lý do tại sao thế giới kết thúc”.

“Có nhiều máy bay ném bom đang trên hành trình bay hai chiều vượt đại dương đêm nay sẽ không bao giờ còn thấy lại mặt đất nữa”.

“Đó là một phần của lý do”.

“À,” anh nói. “Vậy mình nên làm gì đây? Rửa bát đĩa?”.

Họ rửa bát đĩa một cách cẩn thận và sắp xếp chúng với sự gọn gàng đặc biệt. Lúc tám giờ rưỡi hai cô con gái được cho đi ngủ, được hôn chúc ngủ ngon, mấy ngọn đèn nhỏ cạnh giường chúng được mở lên và cửa thì để mở hé.

“Anh thắc mắc”, người chồng nói khi đi ra, nhìn lại và đứng đó với tẩu thuốc trong một lúc.

“Anh thắc mắc gì?”.

“Không biết có nên đóng cửa hẳn hay nên để hé một chút phòng khi các con kêu mình có thể nghe”.

“Em không biết bọn trẻ có biết không - không biết có ai nói gì với chúng không?”.

“Dĩ nhiên là không. Nếu có thì chúng đã hỏi mình”.

Họ ngồi đọc báo, nói chuyện và nghe nhạc từ đài truyền thanh, rồi cùng nhau ngồi bên lò sưởi nhìn than hồng khi đồng hồ điểm mười giờ ba mươi, rồi mười một giờ, rồi mười một giờ ba mươi. Họ nghĩ đến tất cả những người khác trên thế giới đang trải qua buổi tối như họ, mỗi người theo cách riêng của mình.

“Thế đấy”, cuối cùng anh nói. Anh hôn vợ một nụ hôn dài.

“Dù sao đi nữa mình cũng đã đối xử tốt với nhau”.

“Em có muốn khóc không?” anh hỏi.

“Em không nghĩ thế”.

Họ đi xem xét hết nhà, tắt hết những ngọn đèn và khóa cửa, rồi đi vào phòng ngủ và đứng thay đồ trong đêm đen lạnh. Nàng lấy tấm khăn trải giường gấp cẩn thận để trên một chiếc ghế, như thường lệ, rồi thay tấm khác. “Mấy tấm khăn trải giường khá mát, sạch và dễ thương”, nàng nói.

“Anh mệt”.

“Cả hai ta đều mệt”.

Họ vào giường nằm ngửa.

“Chờ chút”, nàng nói.

Anh nghe tiếng nàng ngồi dậy, đi ra nhà sau, rồi nghe tiếng động nhỏ của cánh cửa bật. Một lát sau nàng trở lại. “Em quên để nước chảy trong nhà bếp”, nàng nói. “Em đi tắt vòi nước”.

Có gì đó trong việc đi tắt nước này vui vui làm anh bật cười.

Nàng cười cùng với anh, biết chuyện nàng vừa làm buồn cười vì điều gì. Họ thôi cười và nằm trong chiếc giường êm mát, hai bàn tay họ đan nhau, đầu tựa vào nhau.

“Chúc em ngủ ngon”, anh nói sau đó.

“Chúc anh ngủ ngon”, nàng nói, và dịu dàng thêm “anh yêu...”

Võ Hoàng Minh dịch

(Từ “The last night of the world”)