Người đàn ông trên đèo Hải Vân - Hồ Thị Thùy Trang
Càng về đêm, gió thổi càng mạnh. Tôi cố gắng phóng xe thật nhanh lao ra khỏi đoạn đường đèo heo hút, xung quanh không một bóng người. Thỉnh thoảng từ đâu đó lại phát ra những tiếng kêu của thú rừng, tiếng lá cây xì xào, nghĩ về lời nguyền ma xô trên đèo Hải Vân khiến tôi rùng mình sởn gai ốc. Bởi Hải Vân là con đèo nối liền giữa Huế và Đà Nẵng, nơi đây đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người kinh hoàng. Vì thế từ khi xây dựng tuyến đường hầm Hải Vân rất ít người dám đi đường đèo vào ban đêm. Nhưng vì ngày mai có công việc quan trọng nên tôi đành đánh liều tự mình lái xe đi về trên con đường tử thần đó.
Thoạt nhìn đồng hồ đã gần 12 giờ đêm, tôi đã đi được hơn 10 km, chợt tôi nhìn thấy một đốm sáng ở phía trước. Tôi mừng rỡ vì nghĩ chắc bếp lửa đó là của một hộ gia đình sinh sống ven đường, tôi nghĩ có thể xin vào nghỉ chân một lát cho đỡ lạnh. Tiến lại gần, dưới ánh lửa hồng bập bùng, tôi nhìn thấy một người đàn ông tầm trên 60 tuổi đang ngồi uống rượu, nước da đen nhẻm, trên mặt có một vết sẹo dài trông rất đáng sợ, thân hình lại gầy nhẳng. Tôi tự hỏi là người hay ma mà lại ngồi một mình giữa đêm? Cố giấu đi vẻ sợ hãi, tôi cất tiếng:
- Chào chú! Cháu là người Đà Nẵng, đi công tác ở Huế, đang trên đường về lại thành phố, đi ngang qua đây thấy có ánh lửa nên ghé vào.
Người đàn ông lạ nhìn tôi khá lâu, đưa chai rượu lên miệng uống thêm vài ngụm rồi đứng dậy bước đi khật khưỡng xiêu vẹo. Có lẽ ông ta đã say. Người ông ta bốc ra một cái mùi hăng hăng, lờm lợm như mùi thức ăn để lâu ngày. Mãi một lúc sau, ông ta mới mời tôi lại gần.
Tôi rón rén lại ngồi gần bếp lửa, nhìn xung quanh chỉ thấy một túp lều nhỏ, bên trong có móc chiếc võng của bộ đội đã cũ và một cái thùng bằng sắt đã rỉ sét. Tôi nhìn người đàn ông với vẻ đầy thương cảm, tò mò tôi hỏi chuyện người đàn ông lạ.
- Sao chú lại sống một mình giữa núi đèo hoang vắng này?
Người đàn ông lạ nhìn tôi chằm chằm rồi cầm chai rượu lên uống tiếp, lần này ông uống nhiều hơn trước. Uống xong ông ta nhìn tôi bằng đôi mắt vô hồn cười ha hả khiến tôi hoảng sợ. Nhưng khi nhìn sâu vào đôi mắt ấy, tôi nhận thấy ông có rất nhiều nỗi buồn, có lẽ sự cô đơn đã khiến ông bị con ma men khát giục. Ông nói với tôi:
- Nếu con trai tôi còn sống chắc cũng bằng tuổi cậu bây giờ...
Rồi như có rượu vào, ông trầm ngâm kể chuyện cuộc đời mình với tôi như người bạn tâm giao. Ông là người Đà Nẵng, nhưng sống một mình trên đèo Hải Vân đã hơn 10 năm. Cha ông chết năm ông mới lên 12 tuổi. Năm đó cha ông theo đoàn dân công tải đạn ra mặt trận thì bị máy bay của Mỹ thả bom trúng. Xác của cha ông bị văng ra thành từng mảnh nhỏ. Mẹ ông khóc lóc như điên dại. Sau khi cha ông hi sinh, hằng ngày ông và mẹ chèo đò đưa người dân qua sông Hàn kiếm sống. Thế rồi mùa bão năm đó mẹ ông mất. Chiếc đò bị lật úp giữa dòng nước xoáy, ông đã không kịp cứu mẹ. Mai táng mẹ xong, người đàn ông bỏ nghề chèo đò tham gia cách mạng, quyết tâm trả thù cho cha, đánh đuổi bọn đế quốc hung ác. Một lần trong lúc đang vận chuyển lương thực cho bộ đội ta, ông bị lính Mỹ - Ngụy phục kích bắn thủng phổi. Một số chiến sĩ đi cùng ông cũng bị địch bắn trúng, nhưng đều không qua khỏi. Ông thấy ngực mình đau buốt, máu chảy xối xả, ướt đỏ cả người. Ông được người dân cứu sống, sau hơn 2 tháng điều trị, ông thoát chết một cách hy hữu. Năm 1965 khi đang từ chiến khu ra Đà Nẵng để chuẩn bị cho hoạt động đợt tới, ông bị địch bắt ngay tại bán đảo Sơn Trà. Chúng đưa ông về giam giữ lại nhà lao Hội An. Tại đây địch tra tấn ông vô cùng dã man nhưng ông kiên quyết không khai một lời. Chúng đổ nước xà phòng vào cổ họng ông rồi mang giày đinh đạp lên bụng, lên ngực làm nước trào ra miệng ra mũi. Có hôm chúng treo ngược ông lên, nhéo vào thịt và chích điện vào từng đốt xương sườn của ông rồi một tên lính Cộng hòa dùng dao rạch vào mặt ông, đau đến thấu óc... Sự đau đớn về thể xác khiến ông muốn tìm đến cái chết, thế nhưng khi nghĩ về người cha đã hi sinh anh dũng của mình, ông tự nhủ nhất định mình phải sống để được về với cách mạng, về với nhân dân. Kháng chiến thắng lợi. Ông được thả tự do sau gần 10 năm bị địch bắt giam, tra tấn, hành hạ.
Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông kết duyên cùng cô gái trẻ người Quảng Nam, nhỏ hơn cả chục tuổi. Hai vợ chồng sống yên ấm trong một căn nhà nhỏ đơn sơ. Hằng ngày ông làm ruộng, chăm nuôi bầy vịt đẻ, còn vợ bán rau ở chợ Cồn. Cuộc sống càng đầm ấm, hạnh phúc hơn khi cậu con trai kháu khỉnh ra đời. Ngôi nhà nhỏ, xiêu vẹo bên bờ sông Hàn luôn tràn ngập tiếng cười nói của trẻ thơ. Thế nhưng khi thằng bé vừa tròn 5 tuổi thì một tai họa ập xuống gia đình nhỏ. Hôm đó thằng bé theo ông ra đồng chơi thì dẫm phải mìn chết ngay tại chỗ. Ông hốt hoảng khóc ròng trong nỗi đau đớn tột cùng. Hai vợ chồng cố nuốt đau thương chôn cất đứa con thơ. Buổi sáng sau ngày mở cửa mả, người vợ đau buồn thắp nhang đứng vái lạy trước bàn thờ con rồi nhìn vầng hương khói nghi ngút trước bài vị thật lâu, thở dài rồi lặng lẽ bỏ đi. Ông không nói gì, nghiến răng chịu đau đớn, đứng nhìn bóng hình người vợ khuất xa. Đêm ập xuống. Ông mệt rã rồi chìm vào giấc ngủ chập chờn nửa mê nửa thức. Cảm giác đêm nhẹ tênh. Ông thấy vợ mình trở về nhà, không nói gì chỉ đứng nhìn ông âu yếm. Tỉnh dậy, mồ hôi nhễ nhại. Thì ra đó chỉ là mơ. Chợt có người trong xóm đến báo: “Vợ mày nằm chết ở bên bờ sông kìa!”. Ông bủn rủn chân tay, hốt hoảng chạy ra. Vợ ông nằm úp mặt dưới bờ mương, người cứng đơ, môi tím bợt...
Từ ngày vợ con mất, ông bắt đầu làm bạn với rượu. Hằng ngày khi trời vừa sáng là đã thấy ông cầm chai rượu, vừa đi vừa uống, mà càng uống ông lại càng chửi bới, nói mông lung như người điên dại, bước đi khật khưỡng, xiêu vẹo từ đầu làng đến cuối làng. Bởi thế trong xóm không ai ưa ông, thậm chí có người quở ông uống rượu như nước lã mà không chết sớm. Đợt đó ở trong xóm có một người đàn bà đã hơn 30 tuổi, không chồng bỗng dưng có chửa. Bà ta khai cái thai trong bụng là của ông. Gia đình của người đàn bà kéo đến đánh, chửi ông thậm tệ. Người trong xóm thấy ông bị người ta đánh, chửi rủa đều lắc đầu ngán ngẩm, ai nhìn thấy ông cũng đều bỏ đi. Vì quá cô đơn và bị người đời hắc hủi nên ông quyết định lên trên đèo Hải Vân dựng một cái chòi nhỏ, sửa xe cho khách đi trên đèo kiếm sống qua ngày.
Trời đã gần sáng. Người đàn ông quay sang nhìn tôi cười rồi chỉ tay về hướng cái thùng sắt đã rỉ sét. Ông nâng niu chúng như một báu vật rồi từ từ mở chiếc thùng ra, bên trong là một chiếc áo len đã cũ xếp ngăn nắp và một bức ảnh đen trắng. Tôi đoán trong bức hình đó là vợ và con trai ông. Tôi nhận thấy người đàn ông đang ngồi bên cạnh tôi thật kiên cường, bất khuất trước những đòn tra tấn vô cùng tàn bạo. Có phải chiến tranh đã cướp đi cuộc sống yên vui của một gia đình nhỏ. Cuộc đời ông đã phải trải qua quá nhiều đau thương mất mát, lẽ ra ông đáng được hưởng hạnh phúc. Nhìn ông uống rượu liên tục mà tôi chợt nghĩ, không chịu nổi những đau thương, ông đã dấn thân vào rượu, làm nô lệ cho rượu để bị người đời xa lánh... Bỗng cổ họng tôi nghẹn đắng, thương xót người đàn ông sống một mình giữa núi rừng hoang vắng.
Trong một lần đi công tác, tôi quay trở lại con đường dốc ngoằn ngoèo, uốn lượn trên đèo Hải Vân, nhìn xuống dưới là biển xanh mênh mông. Nhưng tôi lại không thấy bóng người đàn ông lạ đâu cả. Tôi nghe mấy đứa trẻ chăn bò nói: “Lão say bị trúng gió chết cong queo từ mấy ngày rồi!”. Hôm đó mây ùn đến rồi tản đi rất nhanh, chỉ trong chốc lát bầu trời trở lại trong veo. Dường như đó chính là sự giải thoát cho một kiếp người đầy bất hạnh.
H.T.T.T