Xây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện - Lê Quang Tươi

05.10.2015

Xây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện - Lê Quang Tươi

Ngũ Hành Sơn - năm cụm núi cẩm thạch sừng sững bên bờ biển Đông là một thắng cảnh nổi tiếng, nơi đây chứng kiến bao tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam với những bước chân sơ khởi về phương Nam của người Việt, cũng là lưu dấu trước tác của các bậc tiền nhân ưu tú. Ngày nay, Ngũ Hành Sơn là điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình đến với Đà Nẵng và các di sản miền Trung.

Làm gì để phát huy, lan tỏa những giá trị to lớn, sâu sắc ấy của Ngũ Hành Sơn trong tiến trình xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng nói chung, quận Ngũ Hành Sơn nói riêng, là trách nhiệm lớn lao, cũng là niềm suy tư, trăn trở của nhiều thế hệ.

 

Trong những năm qua, Ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã nỗ lực thực hiện khá tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời không ngừng đổi mới, sáng tạo trong việc bảo vệ, quảng bá hình ảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn đến với du khách trong và ngoài nước. Công tác quản lý, bảo vệ và khai thác dịch vụ du lịch từng bước đi vào nề nếp, tinh thần, thái độ, cung cách ứng xử, phục vụ du khách đã có những chuyển biến tích cực; nạn bu bám, chèo kéo khách đã kịp thời được ngăn chặn, đẩy lùi; môi trường văn hóa, văn minh du lịch được đảm bảo, để thu hút du khách đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Các dự án đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo cảnh quan để phát triển du lịch cũng đã được Thành phố và quận Ngũ Hành Sơn quan tâm, làm tăng thêm vẻ đẹp vốn có của danh thắng Ngũ Hành Sơn. Thành phố đã nâng cấp, mở rộng đường Huyền Trân Công Chúa, Sư Vạn Hạnh, Non Nước, xây dựng thang máy lên tham quan ngọn Thủy Sơn, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước… là những điều kiện thuận lợi để du khách đến với Ngũ Hành Sơn.

Đã có nhiều hoạt động kích cầu du lịch, tham gia các chương trình Roadshow, cùng các đài truyền hình Trung ương và địa phương thực hiện nhiều chuyên đề, phóng sự, tài liệu về Ngũ Hành Sơn, làng nghề đá mỹ nghệ và lễ hội Quán Thế Âm… xây dựng trang thông tin điện tử để đưa tin, quảng bá du lịch; tham gia viết bài trên các tạp chí và các loại hình báo chí, đặc biệt là chuyên đề “Huyền bí Ngũ Hành Sơn” trên báo Đà Nẵng, phát hành tập sách “Một thoáng Ngũ Hành” và các bài viết giới thiệu văn hóa Phật giáo trong triển lãm tại Bảo tàng Đà Nẵng; cấp phát hàng vạn tờ rơi, tập gấp, bưu ảnh để phục vụ khách du lịch; thực hiện các chương trình liên kết, mở rộng quan hệ giao dịch với các tour, công ty lữ hành ký kết hợp đồng nhằm đưa khách trong và ngoài nước đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn….

Từ năm 2010 đến 2015, Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón trên 3 triệu lượt khách (trong đó khách nước ngoài là trên 1 triệu lượt) đến du sơn, viếng cảnh. Đã có gần 1,3 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ thang máy để tham quan ngọn Thủy Sơn, lượng khách tăng bình quân hằng năm hơn 15%.

Thời gian gần đây, Ngũ Hành Sơn được tôn vinh nhiều danh hiệu cao quý. Năm 2000, Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận lễ hội Quán Thế Âm là một trong 15 lễ hội Quốc gia. Năm 2011, Tổ chức kỷ lục Việt Nam từ đề cử, giới thiệu của Hiệp hội du lịch đã chọn Ngũ Hành Sơn là Top 10 điểm du lịch tâm linh thu hút nhất. Năm 2014, làng đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia (sản phẩm làng nghề gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn). Điều đó một lần nữa khẳng định Danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Chính môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện mà những năm qua khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã có sức hút lan tỏa đối với du khách, đem lại nguồn lợi lớn cho địa phương. Sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, có cuộc sống ổn định và ngày càng khấm khá hơn. Điều đó khẳng định, khi di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy, làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch, môi trường du lịch được đảm bảo thì đời sống, thu nhập của cư dân tại đó sẽ không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng việc nâng cao chất lượng văn hóa để phát triển du lịch tại danh thắng vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa xứng tầm với một điểm du lịch nổi tiếng và đầy tiềm năng này. Tình trạng bu bám, chèo kéo du khách, các hành vi tiêu cực làm xâm hại môi trường du lịch, việc ép giá sản phẩm dịch vụ vì lợi nhuận cá nhân đã tạo nên sự phản cảm đối với du khách; việc ô nhiễm môi trường do nguồn nước, bụi đá, tiếng ồn của các cơ sở sản xuất đá gây ra chưa được giải quyết dứt điểm.

Thừa hưởng một di sản quý giá như Ngũ Hành Sơn, việc ứng xử văn hóa trước di sản là điều quan trọng và là mối quan tâm không những của lãnh đạo các cấp, của những người quản lý trực tiếp mà còn là của cả cộng đồng xã hội. Hơn thế nữa, khi di sản đã trở thành sản phẩm du lịch thì việc xây dựng thiết chế văn hóa và ứng xử văn hóa trước di sản là yêu cầu cấp bách trong xu thế hiện nay. Yêu cầu ấy ngoài sự đầu tư phát triển của xã hội còn có trong từng hành vi ứng xử hằng ngày của mỗi người để chung tay xây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến “An toàn, Văn minh, Thân thiện”.

 

L.Q.T

Bài viết khác cùng số

Gửi núi Non Nước - Vũ Quần PhươngTân binh phố Đá - Trần Quốc CườngCát cháy - Thanh QuếTĩnh lặng Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Văn ChungTản mạn chuyện nước non - Như HạnhBâng khuâng giữa Động Huyền Không - Thu HàHòn Thủy - “cố nhân” của khách lãng du - Dã ChâuLần theo dấu đá trăm năm - Nguyễn Nhã TiênLạc qua Non Nước... - Văn Thành LêNgũ Hành Sơn đang vươn mình để trở thành đô thị hiện đại - Ban biên tậpThăm lại Ngũ Hành Sơn - Tường LinhBên vú đá Ngũ Hành Sơn - Trinh Đường (1917 - 2001)Ngũ Sơn lĩnh phạm âm - Chí Đình Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868)Cẩm thạch Ngũ Hành - Lê Bá Trinh (1878 - 1934)Huyền sử Non Nước mây - Tô Như ChâuThạch khí danh lam - Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)Viếng cảnh Non Nước - Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu (1853 - 1927)Hoài cảm chùa Non Nước - Phan Bội Châu (1867 - 1940)Viếng động Ngũ Hành – Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)Vịnh Tam Thai - Thích Đại Sán (1633 - 1704)Viết ở Ngũ Hành Sơn - Trần Văn ThọNon Nước chiều xưa - Phan Hoàng PhươngChuông chiều Huyền Không - Phụng LamChiều Ngũ Hành Sơn - Mai Hữu PhướcTrên Ngũ Hành Sơn - Ngân VịnhNgười tạc tượng Bác Hồ ở chân núi Ngũ Hành Sơn - Ngô Văn PhúKhí thiêng Ngũ Hành Sơn những giá trị văn hóa cộng hưởng - Nguyễn Quang Trung TiếnĐôi nét sơ lược về vùng văn hóa Hóa Khuê - Mỹ Thị - Ngũ Hành Sơn - Phan Duy NhânBàn về việc xây dựng Lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư và Lễ hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Bùi Văn TiếngPhổ Đà sơn linh trung Phật một văn bia quý ở Đà Nẵng - Nguyễn Hoàng ThânLăng Ông Tân Trà - Đinh Thị TrangKết quả khai quật Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 2015 - Hồ Tấn Tuấn, Phạm Văn TriệuXây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện - Lê Quang TươiDòng sông Cổ Cò - Trương Văn KhoaTrăn trở làng đá Non Nước - Trần Trung Sáng