Dòng sông Cổ Cò - Trương Văn Khoa

05.10.2015

Dòng sông Cổ Cò - Trương Văn Khoa

Thế kỷ 19, Cửa Đại (Hội An) ngày càng bị thu hẹp, phù sa bồi lấp khiến các thuyền lớn không ghé được cảng. Kể từ đó, Cổ Cò trở thành “dòng sông chết” trôi qua hàng thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử. Người Quảng gần như quên lãng miền sông nước “trên bến, dưới thuyền”, nơi đã từng đưa người Đà Nẵng trở về với phố cổ. Và hôm nay, câu chuyện nối lại một dòng chảy lịch sử, văn hóa giữa hai vùng đất xứ Quảng lại được khơi dậy với nhiều tâm huyết của một thế hệ.

 

Một thời phồn thịnh

Đại Nam nhất thống chí ghi rằng, Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò) nằm ở cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang. Sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía Bắc, đến phía Tây núi Tam Thai (tức Non Nước ngày nay) và nhập với sông Cẩm Lệ. Ngày xưa, sông Cổ Cò chạy dọc theo phía nam hòn Hỏa Sơn, nay dấu vết chỉ còn lại một dải nước hẹp nối liền hai đoạn sông Ba Chà và Bãi Dài ở phường Hòa Hải (Đà Nẵng). Nơi đây có một bến sông một thời rất đông đúc. Trên bờ, sát chân hòn Dương Hỏa Sơn có miếu Ông Chài, hiện đã đổ nát, trở thành phế tích theo năm tháng.

Dòng sông nối liền tiền cảng Đà Nẵng với thương cảng Hội An rất sầm uất vào thế kỷ 16 đến 17. Ngày ấy, các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa thường sử dụng thủy lộ này để ra vào, buôn bán giữa 2 miền đất này. Do ở vị trí cuối sông và đầu biển, Cổ Cò là một vùng nước lợ có nhiều thủy sản, người dân gần đó sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt. Những người già ở Hội An nhớ lại, nước sông Cổ Cò trong xanh, cảnh vật hai bên bờ rất đẹp, thuyền bè tấp nập, buôn bán sôi động chứ không giống như bây giờ. Khi hỏi về sự tích của dòng sông, các bậc cao niên ở Điện Bàn cho biết, Cổ Cò còn gọi là sông Ưng. Ngày xưa, nước sông rất sâu, mỗi năm đến mùa lũ lụt, người dân trong vùng phải di tản, sợ bị nước cuốn trôi. Nhà cửa ven sông có năm nước dâng cao gần nóc nhà. Đoạn sông Hà Sấu chảy qua làng Hà Lộc (Hà My, Điện Dương) có nhiều cá sấu to. Năm nào, người trong làng cũng bị cá sấu ăn thịt một người. Vì vậy, dân làng đặt tên là Hà Sấu để tưởng nhớ những người dân bị chết oan.

Mùa xuân năm Ất Hợi (1695), nhận lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, Thích Đại Sán (Thạch Liêm Lão Hòa Thượng, hiệu Đại Sán Hán Ông, một trong những vị thiền sư nổi tiếng của Trung Hoa vào cuối thế kỷ XVII) đã đến vùng Thuận Quảng. Ông lưu trú tại Hội An và du ngoạn  dọc theo các miền đất duyên hải miền Trung. Trong khoảng thời gian này, ngoài việc sáng tác nhiều tác phẩm thi ca, Thích Đại Sán còn ghi chép toàn bộ sự việc có liên quan đến văn hóa, xã hội ở những nơi ông đã đi qua. Trong đó, có những đoạn mô tả thú vị về thương cảng quốc tế Hội An cũng như Cù Lao Chàm vào cuối thế kỷ XVII. Tất cả được tập hợp thành “Hải ngoại kỷ sự” với bài tựa giới thiệu do Đại Việt quốc vương Nguyễn Phúc Chu đề. Tác phẩm này được Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam thuộc Viện Đại học Huế phiên dịch sang tiếng Việt (xuất bản năm 1963). Nói về Cổ Cò trong một lần đáp thuyền dọc dài theo sông từ Hội An, Thích Đại Sán kể rằng, chợp ngủ trên thuyền chừng nửa giờ, ông đã thấy phương Đông sáng bạch, bèn khoác áo choàng đứng dậy, thấy sóng yên nước lặng. Định thần, vị thiền sư mới nhìn ra, thuyền đã đến Vũng Thùng (Đà Nẵng). Một vùng nước mênh mông có núi bao bọc quanh bờ biển, đá lởm chởm, trên cây vượn trắng nhảy nhót từng bầy, cây trái sum suê, cột buồm lô nhô như rừng rậm. Khi hỏi những người gần đấy, ông mới biết đây là nơi trú ẩn, tránh gió của nhiều đoàn thuyền chở lương thực vào Hội An. Nói thế để thấy rằng, từ xa xưa, Cổ Cò là một con sông đẹp, có vị thế chiến lược về thương mại, du lịch, thủy lộ chính để nối liền Đà Nẵng với Hội An.

Tiếc thay, một dĩ vãng phồn thịnh giờ đây không còn nữa. Người ta có thể lý giải, do lịch sử, chiến tranh, quá trình phân hóa, bồi đắp của thiên nhiên mà Lộ Cảnh giang thanh bình ngày ấy đã trở thành một “dòng sông chết”. Thế nhưng, điều đáng nói hơn là rất nhiều thế hệ đã vô tình bỏ quên miền sông nước đầy tiềm năng du lịch này. Và như thế, nếu không có ai đó nhắc đến, “khởi động” lại câu chuyện của mấy trăm năm về trước, “Lộ Cảnh giang” sẽ bị xóa nhòa như chính tên gọi của nó từ khi mới khai sinh.

Cổ tích được viết lại ?

Dường như thấm đẫm thân phận của một dòng sông nên nhiều nhà văn hóa, lịch sử, kinh tế của Quảng Nam và Đà Nẵng đã dày công nghiên cứu nhiều phương án khả thi nhằm “vực lại” một địa danh đã bị lãng quên. Theo năm tháng, con sông dài 27 km từ Đà Nẵng đến Hội An (trong đó đoạn chảy qua Đà Nẵng 7,4 km, Quảng Nam hơn 19,7 km) đã bị bồi lắng, chỉ còn lại một vài khúc sông cạn, ngắn. Riêng khu vực giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam đã bị lấp hoàn toàn, thậm chí chính quyền hai địa phương trong nhiều năm đã cấp đất cho nhà đầu tư bất động sản, chiếm hết một đoạn sông. Chính vì vậy, khi có ý tưởng khơi thông Cổ Cò, các cơ quan, đơn vị của Quảng Nam và Đà Nẵng đã cùng nhau, tìm biện pháp tháo gỡ, tiến hành đổi đất cho nhà đầu tư để có mặt bằng nạo vét lòng sông.

Cuối năm 2012, tại Palm Garden Resort (Hội An), chính quyền của 2 vùng đất xứ Quảng đã quyết tâm xúc tiến dự án khơi thông Cổ Cò. Trên tinh thần khẩn trương, hợp tác, các đối tác đã thống nhất ranh giới, cắm mốc thực địa và chọn nhà đầu tư tham gia các hạn mục nạo vét. Về cơ bản, quy hoạch sẽ theo hướng bám sát hiện trạng, chiều rộng dòng sông đoạn hẹp nhất 90 mét, rộng nhất 160 mét. Tháng 3/2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò qua địa phận tỉnh Quảng Nam với tổng mức đầu tư lên đến 625 tỷ đồng.

Về phía Đà Nẵng, thành phố đã và đang chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện nạo vét sông với chiều dài toàn tuyến là 8,5km. UBND thành phố cũng phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng dự án khơi thông sông Cổ Cò từ Đà Nẵng vào Hội An, Quảng Nam (đoạn 300m tính từ phía Đà Nẵng) với tổng mức đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng theo hình thức BT (Xây dựng – Chuyển giao).

Có những hoài nghi về tính khả thi của dự án khơi thông toàn tuyến dòng sông Cổ Cò. Thế nhưng trong tâm tưởng của nhiều người dân xứ Quảng, khởi động tuyến du lịch đường sông này sẽ giống như câu chuyện cổ tích được viết lại. Có nhiều gian nan, tốn kém, thậm chí dự án có thể kéo dài trong nhiều năm nhưng với quyết tâm của các cấp lãnh đạo, mọi người tin rằng, trong tương lai, dòng sông Cổ Cò sẽ là một danh thắng của miền Trung. Nơi ấy sẽ có rất nhiều đoàn thuyền du lịch từ Đà Nẵng xuôi mái về phố cổ Hội An như thời Thích Đại Sán ghé thăm hơn 300 năm về trước.

Dọc dài theo Cổ Cò là nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng, phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội. Những bãi biển đẹp, đèo Hải Vân, núi Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm, phố cổ Hội An, sông Thu Bồn,… đã tạo nên một bức tranh đẹp, lãng mạn thuộc loại bậc nhất của duyên hải miền Trung. Và như thế, chỉ có dòng sông Cổ Cò mới có thể len lỏi qua từng miền đất trù phú, hữu tình, kết nối các điểm du lịch nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến. Một khi thưởng ngoạn phong cảnh bằng đường bộ quá ồn ào, đông đúc, môi trường bị ô nhiễm, nhiều tai nạn,…người ta lại nghĩ ngay đến du lịch bằng đường thủy. Lúc đó, Cổ Cò sẽ trở nên “độc nhất vô nhị” nối liền hai địa danh nổi tiếng Hội An và Đà Nẵng.    

Trong điều kiện kinh tế còn bộn bề khó khăn, việc bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng cho một dự án là việc làm đáng suy ngẫm. Thế nhưng đối với Cổ Cò, hiệu quả kinh tế, du lịch đem lại chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều lần, chưa kể đến những định lượng về đời sống văn hóa, lịch sử trong những câu chuyện của một dòng sông chảy qua bao thăng trầm của thời gian. Cổ tích sẽ được viết lại bằng tâm và lực, bằng tất cả sự đồng lòng, nhiệt tình của một thế hệ đang có đủ điều kiện để tái tạo. Công chúng đang tin tưởng, hoài mong một ngày không xa, dòng sông Cổ Cò sẽ lấp lánh dòng chảy mênh mang nối liền Đà Nẵng và Hội An ngày đêm dập dìu du khách bốn phương và nghe dòng sông kể chuyện.

T.V.K

Bài viết khác cùng số

Gửi núi Non Nước - Vũ Quần PhươngTân binh phố Đá - Trần Quốc CườngCát cháy - Thanh QuếTĩnh lặng Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Văn ChungTản mạn chuyện nước non - Như HạnhBâng khuâng giữa Động Huyền Không - Thu HàHòn Thủy - “cố nhân” của khách lãng du - Dã ChâuLần theo dấu đá trăm năm - Nguyễn Nhã TiênLạc qua Non Nước... - Văn Thành LêNgũ Hành Sơn đang vươn mình để trở thành đô thị hiện đại - Ban biên tậpThăm lại Ngũ Hành Sơn - Tường LinhBên vú đá Ngũ Hành Sơn - Trinh Đường (1917 - 2001)Ngũ Sơn lĩnh phạm âm - Chí Đình Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868)Cẩm thạch Ngũ Hành - Lê Bá Trinh (1878 - 1934)Huyền sử Non Nước mây - Tô Như ChâuThạch khí danh lam - Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)Viếng cảnh Non Nước - Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu (1853 - 1927)Hoài cảm chùa Non Nước - Phan Bội Châu (1867 - 1940)Viếng động Ngũ Hành – Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)Vịnh Tam Thai - Thích Đại Sán (1633 - 1704)Viết ở Ngũ Hành Sơn - Trần Văn ThọNon Nước chiều xưa - Phan Hoàng PhươngChuông chiều Huyền Không - Phụng LamChiều Ngũ Hành Sơn - Mai Hữu PhướcTrên Ngũ Hành Sơn - Ngân VịnhNgười tạc tượng Bác Hồ ở chân núi Ngũ Hành Sơn - Ngô Văn PhúKhí thiêng Ngũ Hành Sơn những giá trị văn hóa cộng hưởng - Nguyễn Quang Trung TiếnĐôi nét sơ lược về vùng văn hóa Hóa Khuê - Mỹ Thị - Ngũ Hành Sơn - Phan Duy NhânBàn về việc xây dựng Lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư và Lễ hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Bùi Văn TiếngPhổ Đà sơn linh trung Phật một văn bia quý ở Đà Nẵng - Nguyễn Hoàng ThânLăng Ông Tân Trà - Đinh Thị TrangKết quả khai quật Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 2015 - Hồ Tấn Tuấn, Phạm Văn TriệuXây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện - Lê Quang TươiDòng sông Cổ Cò - Trương Văn KhoaTrăn trở làng đá Non Nước - Trần Trung Sáng