Tĩnh lặng Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Văn Chung
"Hình như trong tất cả những lần đi ngoạn cảnh hay đi lang thang ở Đà Nẵng, vô tình hay hữu ý nơi đến cuối cùng thường là bước vào cổng chùa tỉnh lặng. Du khách yêu cảnh vật Đà Nẵng hầu như cũng đồng nghĩa với yêu cảnh chùa ở nơi đây. Vô ngôn Phật đạm tâm hồn khách/Nhạc nhược tu thân khách tự giai”. Đó là lời giới thiệu của anh Lê Ngọc Nhất, Phó Ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng khi đưa chúng tôi đến với Chùa Linh Ứng (ngôi chùa trong danh thắng Ngũ Hành Sơn) Là di sản thiên nhiên “của trời cho”, đồng thời cũng là di sản văn hóa và hơn thế nữa còn là biểu tượng văn hóa của người Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là tên gọi mà vua Minh Mạng đặt cho cả cụm núi 6 ngọn ở ven bờ biển Đông, vẻ đẹp, lịch sử, văn hóa và truyền thuyết Ngũ Hành Sơn (Sự tích núi Ngũ Hành) từ bao giờ đã trở thành biểu tượng của đất Quảng (ngày xưa, người ta thường tôn vinh những người tài giỏi của đất Quảng bằng một danh xưng chung là Ngũ Hành Sơn chí sĩ). Đây cũng là điểm dừng chân, thả hồn của bao thi nhân mặc khách xưa, đó cũng là thói quen của không ít người Đà Nẵng và du khách thập phương khi đến với thành phố biển Đà Nẵng thanh bình.
Sau mười năm, chúng tôi lại có dịp về lại Đà Nẵng, lưu lại thăm thú và chiêm nghiệm danh thắng Ngũ Hành Sơn. Dừng chân nơi chốn thanh tịnh, đứng nghỉ nắng, và cảm nhận bóng nắng nghiêng trên triền núi Ngũ Hành, tiện thể vào chiêm ngưỡng tượng Phật, thăm thầy trụ trì, nghe một câu chuyện thiền trong một không khí ít lời, thong thả, mát dịu, ngẩn ngơ trong rừng cây cổ thụ cắm sâu vào lòng đá rêu phong nơi hồ sen, nơi tiếng ve kêu, nơi chùm khế sây trái, dừng lại nơi lá xanh reo, nơi hoa sen nở, nơi hoa mộc thơm hương, đắm chìm trong cõi u tịch, huyền ảo ngẫu nhiên sắp đặt của tạo hóa thiêng liêng; nào là cầu Nại Hà, khu Anh Linh Đài, đường lên Tiên Giới; nào là khu phán xét, khu xử tội, khu đày ải tội đồ dưới các tầng địa ngục đến khu Địa Tạng Bảo Tòa… Những khối đá sa thạch trong động Huyền Không cho đến những khối đá điêu khắc Chămpa có giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật mà còn là dấu tích minh chứng hùng hồn về những điều tâm linh từ các thế kỷ trước: Chùa đã làm cho động có sinh khí, động lại làm cho chùa thêm linh thiêng. Nghe tiếng hòa điệu rộn ràng của trăm thức hương lồng bóng nguyệt, sóng biển reo hay cảm được tiếng kinh Phổ trong một đêm trăng non tuần. Dù chỉ một vài giây vô niệm, không chủ ý nhưng cũng đủ để thể nghiệm sự tĩnh lặng thường còn trong vạn vật, ở đó thong dong đi về không còn ngăn cách là thấy và nghe, cảm và nghĩ, xúc giác và khứu giác trong một toàn thể bao hàm tất cả những mâu thuẫn của sự trôi đi và dừng lại... Chiêm nghiệm được trong khoảnh khắc tiếng yêu đương và tiếng yêu người. Bất chợt nhớ những câu hát của Trịnh: “tôi đã lắng nghe im lặng dòng sông... tôi đã lắng nghe im lặng ngọn đồi... tôi đang lắng nghe im lặng của tôi... tôi đã lắng nghe im lặng thở dài”. Bài hát sâu lắng như một buổi tọa Thiền quán sát hơi thở trên Ngũ Hành Non Nước.
Đến Ngũ Hành Sơn, trong một vài giây vô niệm chúng tôi còn có thể thả hồn, nhìn về bình minh rực sáng trên biển Đông, nhìn về Thành phố biển trên đỉnh Vọng Giang Đài và Vọng Hải Đài để cảm nhận, suy tư về vẻ đẹp của hồn thiêng non nước, của một phần lãnh thổ máu thịt của quê hương, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà ông cha ta từng bộc lộ rõ ý thức về chủ quyền Biển đảo qua tên gọi Vọng Hải Đài.
N.V.C