Tân binh phố Đá - Trần Quốc Cường

05.10.2015

Tân binh phố Đá - Trần Quốc Cường

1. Rời trường đại học mỹ thuật với mảnh bằng tốt nghiệp loại khá, gã vẽ ra trước mắt mình con đường xán lạn. Chuẩn bị mấy bộ hồ sơ đựng trong những chiếc bì màu vàng, gã đinh ninh mệnh của gã là bích thượng thổ hợp với màu vàng sẽ gặp nhiều may mắn. Gã chọn lúc 9 giờ sáng vào một ngày đẹp trời, cái thời khắc trạng thái tâm lý của cán bộ thư thái, dễ chịu nhất để đến Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch xin việc làm.

Tiếp gã là một phụ nữ xinh xắn, nhưng giọng nói lạnh như tiền: “Cậu muốn gặp ai? Có việc gì không?”. Gã như gà mắc tóc: “Dạ… Dạ thưa! Em… nộp hồ sơ xin việc ạ!”. Người phụ nữ có cái tên na ná với các ca sĩ nổi tiếng hiện thời: NGUYỄN THỊ MỸ LINH (gã nhìn lướt qua cái bảng tên chữ trắng kẻ trên nền nhựa màu tím đặt trên bàn) thay đổi tư thế ngồi, phán một câu xanh dờn: “Ai mách với cậu đến đây xin việc? Chúng tôi đang có chủ trương tinh giản biên chế”. Gã như người đang đi trên đường, bước chân bỗng sụp xuống hầm chúi nhủi: “Dạ! Thôi ạ! Em về!”. Câu nói chưa dứt, gã đã quay lưng, ngao ngán.

Gã lấy tục ngữ Việt Nam ra tự an ủi mình “Có công mài sắt có ngày nên kim”, thua keo này ta bày keo khác. Lần này gã chọn lúc 16 giờ, thời điểm người cán bộ đã giải quyết xong những việc lớn trong ngày, chắc dễ mềm lòng trước nguyện vọng thiết tha của gã. Gã dừng xe, tắt máy, dắt bộ  chiếc Dream cũ quắt vào cổng Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh theo bảng hướng dẫn. Viên bảo vệ gọi giật ngược: “Ê! Cái ông này đi sàn sạt như vào chỗ không người ấy? Cần gặp ai?”. Gã tấp vội chiếc xe vào tường, đưa tay quệt mồ hôi trán: “Dạ! Em đi nộp hồ sơ xin việc làm. Phòng tổ chức hành chính ở chỗ nào? Anh làm ơn chỉ giúp em với”. Viên bảo vệ nhìn gã từ đầu đến chân giống như ban giám khảo chấm thi hoa hậu: “Muộn rồi chú em. Đài đã chấm dứt việc tuyển nhân viên từ tháng trước”. Gã như người đang cần tiền bị mất thẻ ATM: “Có thật không anh?”. Viên bảo vệ gật đầu, thương hại: “Giá như chú em đến đây sớm hơn biết đâu còn có hy vọng”. Gã cố vớt vát: “Anh làm ơn cho em gặp cán bộ phòng tổ chức, nếu họ không nhận hồ sơ, em ra về ngay!”. Viên bảo vệ xiêu lòng: “Thôi được, chú đi theo anh!”.

Gã cầm hồ sơ cuốc bộ lên tầng 2. Viên bảo vệ đưa gã vào gặp trưởng phòng tổ chức hành chính, nói gởi mấy câu rồi đi ngay. Ông trưởng phòng có vẻ xởi lởi với gã: “Em học ngành gì? Sao không đến sớm hơn?”. Gã thất vọng ê chề: “Dạ, ngành mỹ thuật”. Ông trưởng phòng lắc đầu: “Đài tuyển phóng viên, chứ không tuyển người thiết kế mỹ thuật. Em có nộp đơn trước đây một tháng, anh cũng chịu!”.

Sau đó, gã còn xách hồ sơ đi gõ cửa mấy cơ quan nữa. Đến đâu, gã cũng nhận được những cái lắc đầu quầy quậy. Quẫn chí, gã đầu quân cho một công ty quảng cáo.

Giám đốc Công ty quảng cáo Thẩm Mỹ là một trung niên cao to như vận động viên quyền Anh hạng nặng. Tên cúng cơm của anh ta là Thẩm, vợ tên Mỹ, ráp hai cái tên lại thành thương hiệu kinh doanh. Thẩm là họa sĩ nghiệp dư. Cứ nhìn bức họa của anh ta vẽ về vợ mình kỹ thuật hình họa về cơ thể học không chuẩn xác là đủ hiểu.

Công việc thường ngày của gã là dán giấy decal khẩu hiệu, pano, trang trí tường nhà…chẳng động não tí nào đến chuyên môn của hơn bốn năm mài đũng quần trên ghế trường đại học. Ông chủ thấy gã giỏi giang cứ tăng việc, quên khuấy tăng lương. Gã không so đo chuyện tiền nong, chỉ bực bõ cái thói huênh hoang của một người chẳng hiểu mô tê gì về hội họa lại lên mặt dạy đời. Nghe người ta nói ở núi Ngũ Linh Ngọc có nghề khai thác đá quý. Thế là gã bỏ ngang công việc, nhảy tàu ra tận miền Trung.

2. Tương truyền thuở xa xưa, trên thiên đình có năm cột đá ngũ sắc nằm một bên cổng trời, ngày ngày lấp lánh muôn dặm. Đêm đêm năm cột đá như năm cột minh châu rực rỡ, huyền ảo một góc trời, được Ngọc Hoàng ban tặng cái tên mỹ miều: NGŨ MINH NGỌC. Thần giữ đá quý vốn có cố tật hay nhậu nhẹt say sưa. Một hôm, trong cơn say, thiên thần xô ngã năm cột đá lộn nhào xuống trần gian. Năm cột đá trở thành năm ngọn núi. Dân gian đặt tên là núi Ngũ Linh Ngọc. Đây là núi đá nhiều hơn cây cối. Thời xa ngái,  người dân đã biết lên núi Ngũ Linh Ngọc đục đá làm cối xay, cối giã, đá buộc, neo thuyền. Vì ở phía đông là biển Đông bao la, ngút ngát chân trời, nơi có những hòn đảo kỳ vĩ với những bãi cát vàng óng ả.

Dưới chân núi Ngũ Linh Ngọc là làng đá mỹ nghệ có tuổi đời hơn ba trăm năm, chuyên chế tác đá cz, granét, cẩm thạch, hồng ngọc, đá trắng… với hàng trăm công nhân bận rộn suốt ngày đêm. Lần đầu tiên mắt nhìn, tay sờ tượng các vị phật, thánh, chúa, thần vệ nữ, các linh vật: kỳ lân, sư tử, nghê, rồng… bằng đá đủ loại màu sắc, đường nét, hoa văn, mắt gã sáng lên. Làng đá không hề có nam châm, vậy mà cứ hút gã, biến gã thành công nhân khai thác đá quý.

Ông Bảy Tâm, Chủ nhiệm Hợp tác xã đá mỹ nghệ lần đầu gặp gã đã có cảm tình: “Cái thằng được đấy! Dong dảy, đẹp trai, nhanh nhẹn”. Thời gian sau đó, ông còn dành cho gã nhiều mỹ từ khác: “Cái thằng nhẹ vía, làm việc xốc vác, khéo léo”. Gã gia nhập xã viên chưa bao lâu đã vươn lên dẫn đầu về hiệu quả khai thác đá quý bởi độ nhạy cảm phát hiện đá quý khác thường. Người ta tìm được đá cz đã mừng quýnh, còn gã khai thác ngóc ngách nào cũng trúng granét, cẩm thạch, hồng ngọc. Một hôm, nữ doanh nhân thành phố Thùy Dương là Kim Thoa mua khối đá hồng ngọc do gã khai thác giá mười lăm triệu đồng. Gã được hợp tác xã thưởng bốn triệu rưỡi. Hôm sau, vừa ăn cơm chiều xong, gã nhận được cuộc gọi giọng con gái ngọt như mía lùi: “Em chào anh! Em là Kim Thoa hôm qua mua đá hồng ngọc của anh. Tối nay, lúc 19 giờ em gặp anh có được không?”. Gã lúng túng: “Có chuyện gì chị hãy nói đi”. Tiếng cười như ngọt ngào hơn: “Em có tin vui cho anh đây. Con trai chi mà ngại ngùng vậy?”. Gã nổi máu tự ái: “Thôi được, tôi sẽ gặp chị, nhưng chúng ta gặp nhau ở đâu?”. Giọng nói như reo vui: “Cảm ơn anh! Anh biết nhà hàng Thủy Tề sát biển chứ ạ!”. Gã sôi nổi: “Trước nhà hàng có hai hàng xà cừ và quả địa cầu đá trắng, đúng không?”. Tiếng cười lại vang lên ròn rã : “Đúng rồi anh! Em chờ nha!”. Gã không hiểu vì sao cô gái xinh đẹp, sang trọng, vui tánh ấy lại muốn gặp gã. Nàng mang đến cho gã tin vui gì đây? Đầu óc gã rối tung lên.

Thành phố bên bờ Thái Bình Dương về đêm như một bức tranh lộng lẫy. Từ lâu gã được biết đây là thành phố năng động nhất miền Trung. Nơi có bãi biển đẹp nhất thế giới theo bình chọn của Tạp chí FORBES của Mỹ và là đô thị bảo đảm an ninh với nhiều chính sách an sinh xã hội tốt nhất hiện nay. Gã ao ước một ngày nào đó được làm công dân của thành phố có nhiều đá quý và con người thân thiện. Dừng xe trước nhà hàng Thủy Tề, gã đã thấy cái ngoắt tay của Kim Thoa. Cô nàng tiến nhanh về phía gã, chìa bàn tay nõn nà. Gã cảm nhận sự quyến rũ từ bàn tay mũm mĩm, ấm áp của Kim Thoa: “Chị đợi tôi có lâu không?”. Cô nàng cười khanh khách: “Em cùng lứa với anh, đừng gọi em bằng chị nghe dễ tủi thân lắm!” Gã cũng bật cười, lém lỉnh: “Tại vì anh sợ em nghĩ anh thấy người sang bắt quàng làm họ”. Người đẹp có vẻ thật thà: “Em tìm đến anh cơ mà! Với lại, em đâu có sang trọng như anh nghĩ. Mình vào trong đi anh!”.

Trong phòng VIP tầng 2 đã bày sẵn các món nhậu với chai CHIVAS REGAL 18 trên chiếc bàn phủ vải trắng. Gã choáng ngợp trước bức tranh gắn đá ruby treo trên tường. Kim Thoa sành sỏi: “Để hoàn thành bức tranh đá quý như bức tranh anh đang chiêm ngưỡng là một kỳ công qua nhiều công đoạn của những tay thợ lành nghề, bắt đầu từ việc thăm dò cho đến khâu bảo dưỡng. Hôm nay em gặp anh cũng vì chuyện đá quý”. Gã nhìn Kim Thoa, thăm dò: “Chuyện đá quý?”. Mặc kệ gã khát cháy thông tin, người đẹp thư thả rót rượu ra hai cái ly thủy tinh, màu rượu vàng đậm hổ phách, nâng ly trao cho gã, cười chúm chím: “Dạ! Em chúc mừng anh khai thác được khối đá hồng ngọc ở trong lõi có đá đỏ huyết bồ câu!”. Gã như người từ trên trời rơi xuống: “Sao? Khối đá hồng ngọc của anh bán cho em có đá đỏ huyết bồ câu ư? Em đùa với anh đấy à?”. Kim Thoa nhoẻn miệng cười tình tứ: “Em biết hợp tác xã đá mỹ nghệ có nội quy, hễ người nào khai thác được đá quý thì thưởng ba mươi phần trăm tổng giá trị vật chất khai thác được. Anh có biết giá tiền của viên đá đỏ huyết bồ câu bao nhiêu không? Một trăm năm mươi triệu!”. Gã há hốc miệng: “Nghĩa là gấp mười lần khối đá anh bán cho em?”. Người đẹp cười hiền: “Em không muốn chiếm đoạt những gì thuộc về công sức của anh. Làm như vậy thất đức lắm! Em xin gởi anh số tiền còn lại” (gã nhủ thầm: đúng là văn hóa, phong cách của người đô thị có khác). Kim Thoa nâng ly ngang mày: “Em mời anh!”. Gã nghe hương thơm của rượu như có nhiều tầng, nhiều lớp với mùi trái cây khô và kẹo bơ. Tận hưởng sâu hơn nghe nồng nàn, ngọt ngào, êm dịu. Gã gắp miếng khô nai cho vào chén cô gái, hắng giọng: “Anh không thể tham tiền bỏ nghĩa Thoa à! Ngày anh đến thành phố này lang thang tìm việc bữa đói bữa no, chính chú Tâm đón nhận anh vào làm việc. Anh làm sao phụ lòng tin của chú. Con người mất niềm tin vào nhau thì cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì cả. Cảm ơn lòng tốt của em. Anh sẽ nộp số tiền còn lại cho hợp tác xã”. Kim Thoa chớp mắt liên hồi: “Anh thật thà quá!”. Gã bật cười hồn nhiên: “Cô bé này sống trong sáng lại xúi người ta làm điều đen tối. Thật thà là cốt cách văn hóa Việt mà em”. Kim Thoa chợt đăm chiêu: “Anh có thấy thời bây giờ có những người cổ súy cho những kẻ lươn lẹo, ma mãnh? Thậm chí họ đánh giá những kẻ ấy là khôn ngoan(!), còn ai sống thật thà thì họ cho là khù khờ. Khi sự dối trá không được lên án, loại bỏ thì đời sống xã hội sẽ bất ổn. Anh có nghĩ vậy không?”. Gã cười buồn: “Biết làm sao được em. Hồn ai nấy giữ”. Kim Thoa lại rót rượu. Dường như men rượu khiến cho cô trở nên hoạt bát hơn: “Em là nhà doanh nghiệp, nhưng không phải lúc nào em cũng nghĩ đến lợi nhuận. Nhiều lần em tham gia công tác từ thiện. Anh biết không? Viên đá đỏ huyết bồ câu ấy không chỉ có giá trị về vật chất mà còn có giá trị về tinh thần. Em mua được viên đá, em mừng lắm! Em rất biết ơn anh! Em tuổi Tý rất hợp với đá đỏ huyết bồ câu. Còn anh là họa sĩ sao không học nghề chế tác đá quý thu nhập cao lại bớt lao động nhọc nhằn? Em tính mở công ty kinh doanh đá quý. Khi đó anh về làm việc với em nha!”. Gã cười khùng khục: “Anh là thần tài của chú Tâm, còn lâu chú mới cho anh đi làm việc nơi khác. Vả lại, anh không có hộ khẩu ở đây”. Người đẹp an ủi: “Anh hết lòng vì sự cường thịnh của thành phố này rồi người ta cũng nghĩ đến anh thôi”. Gã lại bật cười. Lần này gã cười hết cỡ: “Biết có cô nào rủ lòng thương hại lấy anh không nhỉ! Khi ấy anh sẽ có cơ may trở thành công dân của thành phố Thùy Dương”. Kim Thoa nhìn gã, bất chợt nàng thẹn thùng, bối rối.

Bảy Tâm là một trong những cư dân gốc gác của thành phố Thùy Dương. Mấy đời nhà ông đeo đuổi nghề khai thác đá quý. Ông nội của Bảy Tâm từng ra kinh đô Huế trang trí các lăng tẩm, cung đình. Tài nghệ chế tác đá quý của Bảy Tâm vào loại bậc thầy của thành phố. Điều đáng quý là ông dám từ bỏ ý định làm giàu một mình. Vận động nhiều người cùng hợp tác khai thác, chế tác đá quý để họ cùng giàu lên, để thành phố có thương hiệu làm mê đắm khách trong và ngoài nước và không phụ tâm nguyện của ông bà.

Gã được Bảy Tâm đưa về nhà xem như con cháu là vì gã quá yêu quý cái nghề gia truyền của ông. Lần đầu nhìn gã cầm viên đá đỏ vuốt ve, áp vào má, mắt cười hoan hỉ rồi qua nhiều lần khai thác đá, gã chưa bao giờ giấu giếm làm của riêng, Bảy Tâm nhận biết gã thật sự yêu nghề, yêu cái đẹp và không tham lam. Có lần Bảy Tâm đặt tay trên vai gã cười buồn: “Tiếc là chú không có con gái để gả cho cháu”. Gã cười hề hà: “Nếu chú có con gái mà cô ấy không thích cháu thì sao?”.

Những lúc rảnh rỗi, gã theo học nghề chế tác đá quý của Bảy Tâm (điều này Kim Thoa không hề biết). Gã chiêm nghiệm: Sản phẩm đá quý là kết tinh tất cả những tinh hoa của đất trời, tinh thần của thời gian và tài hoa cùng tâm huyết của con người. Công bằng mà nói Bảy Tâm còn yêu gã vì gã có khả năng ngoại cảm (nếu không nói là nhạy cảm, linh cảm) về khai thác đá quý. Gã đặt xà beng tới đâu là có đá quý tới đó. Vừa rồi, gã được Bảy Tâm biểu dương trước hàng trăm công nhân về chuyện gã tự nguyện nộp lại cho hợp tác xã một trăm ba mươi lăm triệu đồng, tiền bán viên đá đỏ huyết bồ câu. Tràng pháo tay dài bất tận. Một nữ công nhân, hai nữ công nhân, ba nữ công nhân… xinh đẹp lần lượt ào đến hôn lên má gã. Gã ngượng ngùng, chôn chân một chỗ, nhủ thầm (con gái thành phố bạo dạn có khác). Rồi gã lại tự bào chữa (nụ hôn của những cô gái dành cho một chàng trai trước đám đông nếu đó là nụ hôn đúng ý nghĩa, đúng thời điểm, nó sẽ mang đến niềm vui, cử chỉ văn hóa cho người hôn và người được hôn chứ có sao đâu!).

3. Buổi sáng của một ngày đầu tháng Chạp. Khu phố chuyên kinh doanh đá mỹ nghệ dưới chân núi Ngũ Linh Ngọc, thành phố Thùy Dương xuất hiện một công ty kinh doanh đá mỹ nghệ mới với cái tên KIM THOA màu huyết bồ câu trên bảng hiệu bằng đá trắng. Trước cửa công ty treo đèn hoa rực rỡ. Hai bên lối đi, các cô gái mặc bộ áo dài màu đỏ. Phía bên trong các chàng trai mặc comple màu vàng. Quan khách đến chúc mừng dài dằng dặc tắc nghẽn cả đường phố. Kim Thoa trong bộ áo dài màu huyết dụ nói nói, cười cười, đi đi, lại lại tất bật. Gã mặc bộ veston màu vàng trông đĩnh đạc như chú rể. Bảy Tâm ôm chầm lấy gã, giọng nói lạc đi: “Chú chúc mừng cháu! Chúc mừng Phó Giám đốc Nguyễn Minh Khôi đã trưởng thành! Thoa vừa cho chú biết cháu đã nhập khẩu vào hộ cô ruột của Thoa. Kể từ đây cháu là lính mới của phố đá mỹ nghệ di sản cấp quốc gia”.

T.Q.C 

Bài viết khác cùng số

Gửi núi Non Nước - Vũ Quần PhươngTân binh phố Đá - Trần Quốc CườngCát cháy - Thanh QuếTĩnh lặng Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Văn ChungTản mạn chuyện nước non - Như HạnhBâng khuâng giữa Động Huyền Không - Thu HàHòn Thủy - “cố nhân” của khách lãng du - Dã ChâuLần theo dấu đá trăm năm - Nguyễn Nhã TiênLạc qua Non Nước... - Văn Thành LêNgũ Hành Sơn đang vươn mình để trở thành đô thị hiện đại - Ban biên tậpThăm lại Ngũ Hành Sơn - Tường LinhBên vú đá Ngũ Hành Sơn - Trinh Đường (1917 - 2001)Ngũ Sơn lĩnh phạm âm - Chí Đình Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868)Cẩm thạch Ngũ Hành - Lê Bá Trinh (1878 - 1934)Huyền sử Non Nước mây - Tô Như ChâuThạch khí danh lam - Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)Viếng cảnh Non Nước - Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu (1853 - 1927)Hoài cảm chùa Non Nước - Phan Bội Châu (1867 - 1940)Viếng động Ngũ Hành – Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)Vịnh Tam Thai - Thích Đại Sán (1633 - 1704)Viết ở Ngũ Hành Sơn - Trần Văn ThọNon Nước chiều xưa - Phan Hoàng PhươngChuông chiều Huyền Không - Phụng LamChiều Ngũ Hành Sơn - Mai Hữu PhướcTrên Ngũ Hành Sơn - Ngân VịnhNgười tạc tượng Bác Hồ ở chân núi Ngũ Hành Sơn - Ngô Văn PhúKhí thiêng Ngũ Hành Sơn những giá trị văn hóa cộng hưởng - Nguyễn Quang Trung TiếnĐôi nét sơ lược về vùng văn hóa Hóa Khuê - Mỹ Thị - Ngũ Hành Sơn - Phan Duy NhânBàn về việc xây dựng Lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư và Lễ hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Bùi Văn TiếngPhổ Đà sơn linh trung Phật một văn bia quý ở Đà Nẵng - Nguyễn Hoàng ThânLăng Ông Tân Trà - Đinh Thị TrangKết quả khai quật Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 2015 - Hồ Tấn Tuấn, Phạm Văn TriệuXây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện - Lê Quang TươiDòng sông Cổ Cò - Trương Văn KhoaTrăn trở làng đá Non Nước - Trần Trung Sáng