Kết quả khai quật Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 2015 - Hồ Tấn Tuấn, Phạm Văn Triệu
Di chỉ vườn đình Khuê Bắc thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, nằm bên cạnh núi Ghềnh, phía đông là núi Thổ Sơn, phía nam là núi Kim Sơn nằm trải dài vươn ra sông Cổ Cò, phía tây là đồng ruộng trũng. Di chỉ cách sông Cổ Cò hiện nay khoảng 200m, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 9km về phía nam.
Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, theo đường Lê Văn Hiến đến khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn, sau đó đi vào di chỉ theo 2 đường: thứ nhất là từ trung tâm hành chính quận Ngũ Hành Sơn, theo đường khu dân cư Sơn Thủy; thứ hai là từ đường Sư Vạn Hạnh sau đó rẽ phải theo đường khu dân cư sẽ dẫn đến di chỉ.
I. Kết quả khai quật:
Công tác khai quật năm 2015 được thực hiện theo Quyết định số 1314/QĐ-BVHTTDL ngày 22/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ học tại di tích vườn đình Khuê Bắc với diện tích 100m2.
Vị trí hố khai quật được hoạch định nằm ở vị trí cách hố khai quật năm 2001 khoảng 10m về phía nam, cách đình Khuê Bắc ở phía tây 49m, cách đường nhựa phía đông là 7m, cách đường nhựa phía nam, hướng ra sông Cổ Cò,
là 26m.
Hố khai quật được mở với diện tích 100m2 (chiều bắc - nam dài 20m, chiều đông - tây rộng 5m), gồm 2 hố H1 và H2, mỗi hố có diện tích 50m2.
Cos 0:0 giả định của hố khai quật được lấy từ nền miếu của làng Sơn Thủy, nằm về phía nam của khu di chỉ hiện nay.
1. Địa tầng hố khai quật:
Kết cấu đất của địa tầng là đất cát hạt thô, theo diễn biến của địa tầng từ trên xuống dưới có màu sắc khác nhau, đất cát trong tầng văn hóa chứa các di tích và di vật liên kết chặt, khá cứng.
Trên tổng thể, địa tầng hố khai quật được chia thành 2 khu vực rõ rệt: khu vực phía bắc, và khu vực phía nam.
Nếu như địa tầng phía bắc của hố khai quật tương đồi ổn định và thấp thoải dần về phía nam, thì ở phía nam địa tầng có sự xáo trộn mạnh của thời sau. Phạm vi tiếp giữa hố khai quật được xác định là triền của một dòng chảy bắt nước từ khu vực xung quanh phía đông, chảy dọc theo ghềnh Núi đổ ra sông Cổ Cò.
Nhìn chung, địa tầng được chia thành 2 lớp văn hóa, có diễn biến khác nhau: vách phía nam là lớp văn hóa 1; vách bắc là lớp văn hóa 2; vách đông và vách tây có tính chất tương tự nhau, thể hiện đầy đủ nhất địa tầng của hố khai quật.
Kết cấu địa tầng hố khai quật từ trên xuống dưới như sau:
a) Lớp đất mặt: nằm ở độ sâu từ 0,04m đến 0,3m so với cos 0:0, dày trung bình từ 0,15m đến 0,25m. Đất cát có màu trắng bạc. Bề mặt hố khai quật có các khóm cây bụi và cỏ, rễ cây ăn sâu xuống, kết cấu đất cát của lớp mặt tơi xốp.
Hiện vật trong lớp tìm được gồm: một số mảnh gốm vụn có văn thừng, các mảnh gạch, đá hiện đại lẫn xuống.
b) Lớp văn hóa 1: là lớp văn hóa chứa các di vật của giai đoạn lịch sử, quan sát được trên vách nam, vách đông và vách tây của hố khai quật. Lớp văn hóa này chủ yếu nằm trong phạm vi hố H2, một phần thuộc phía nam của hố H1. Căn cứ kết cấu và màu sắc, lớp văn hóa 1 được chia thành 2 lớp nhỏ:
- Lớp văn hóa 1a: nằm ở độ sâu từ 0,30m đến 0,78m so với cos 0:0, dày ở phía nam (từ 0,4m đến 0,43m), sát với vách nam của hố khai quật, mỏng dần về phía bắc trong phạm vi hố H1 (trung bình 0,1m), đất cát có màu nâu đen nhạt, kết cấu không chặt. Di vật phát hiện được trong lớp này chủ yếu là các hiện vật ở giai đoạn lịch sử: các mảnh gốm Chăm (thế kỷ 2-4), sành sứ có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 14, các tiền đồng thời Tống và thời Minh, niên hiệu “Khai Nguyên thông bảo”, “Hồng Vũ thông bảo”, các mảnh gốm men niên đại thế kỷ 17-18,…
Trên địa tầng vách tây cho thấy, có 4 hố đen xuất lộ từ lớp 1a, ăn sâu xuống sát với sinh thổ, đất cát trong các hố này có màu nâu đen nhạt hoặc xám nhạt, không chứa các di vật khảo cổ.
- Lớp văn hóa 1b: nằm ở độ sâu trung bình 0,78m trở xuống so với cos 0:0, bắt đầu xuất lộ ở vị trí cách vách bắc khoảng 3,8m (thuộc phạm vi hố H1) dày trung bình từ 0,1m đến 0,4m, thấp thoải dần về phía nam thuộc phạm vi của hố H2 (dày trung bình 0,4m). Đất cát trong lớp văn hóa này có màu nâu xám chuyển dần sang màu nâu hồng, chứa rất ít các di vật khảo cổ, gồm: các di vật đá, các mảnh gốm vụn văn thừng,…
c) Lớp văn hóa 2: xuất hiện từ vị trí vách bắc, thấp thoải dần về phía nam sang hố H2 và kết thúc ở vị trí cách vách nam của hố khai quật H1 và H2 khoảng 6,5m. Dựa vào kết cấu đất và màu sắc, lớp văn hóa này được chia phân chia thành 2 lớp nhỏ:
- Lớp văn hóa 2a: nằm ở độ sâu trung bình 0,3m trở xuống so với cos 0:0, xuất hiện trên vách bắc và phần phía bắc của vách tây, lớp văn hóa khá ổn định, nằm sát bên dưới của lớp đất mặt, đáy của lớp văn hóa lồi lõm không đều. Dày trung bình từ 0,45m đến 0,5m, đất cát trong lớp này có màu nâu đỏ, rất chặt, liên kết với nhau tạo thành khối khá cứng, chứa nhiều các di vật khảo cổ, gồm: các mảnh gốm văn thừng, các di vật đá,…
Bắt đầu từ vị trí cách vách bắc khoảng 4,0m, lớp văn hóa này thấp thoải dần về phía nam, kéo dài đến vị trí cách vách nam khoảng 6,5m. Trong khoảng này được xác định là triền của một dòng chảy cổ, chạy dài theo chiều đông-tây nối với sông Cổ Cò ở vị trí ruộng trồng rau hiện nay, ở đây đã phát hiện được các hiện vật với số lượng lớn: các công cụ đá đều tìm được trong phạm vi này, các mảnh gốm chiếm số lượng lớn, các mảnh nối gốm,…
- Lớp văn hóa 2b: xuất hiện ở độ sâu trung bình từ 1,2m đến 1,36m trở xuống so với cos 0:0, thuộc lớp đào 7 và 8, nằm bên dưới lớp 2a, dài khoảng 4,8m, trong phạm vi triền của dòng chảy. Dày trung bình từ 0,1m đến 0,35m, có màu xám nhạt và vàng trắng. Hiện vật trong lớp thưa hơn so với lớp 2a, tuy nhiên các mảnh gốm có kích thước lớn hơn và phân bố thành cụm, và một số các mảnh đá màu trắng xám.
Các di vật trong lớp này được xác định do quá trình sinh sống có thể người ta đã chôn xuống, tuy nhiên không tìm được biên của hố đào, hoặc do nằm ở vị trí triền của dòng chảy nên có thể các di vật đó bị rơi từ trên xuống.
d) Sinh thổ: là lớp đất có màu trắng, vàng trắng, hoàn toàn không chứa các di vật khảo cổ. Đất cát không liên kết với nhau, tự bở rời tạo thành các lỗ hổng lõm vào trên các vách hố. Theo chiều từ bắc xuống nam, lớp sinh thổ xuất hiện từ dưới độ sâu: 0,86m ® 1,2m (cách vách bắc 5m) ® 1,4m (cách vách bắc 7,0m) ® 1,6m (vị trí tiếp giáp H1 và H2) so với cos 0:0.
Từ vị trí cách vách nam 6,0m về phía nam bắt đầu xuất hiện dấu tích của dòng chảy, trong lớp đất cát của dòng chảy có dấu tích lá mục, thân cây nước lợ (thân mềm).
2. Hiện vật: trên diện tích 100m2 của hố khai quật, đã phát hiện được tổng số 4.554 hiện vật, bao gồm: 13 đồng tiền, 25 mảnh nhuyễn thể, 207 hiện vật đá và 4.309 hiện vật gốm.
a. Hiện vật đá: tổng số phát hiện được 207 di vật đá gồm các loại hình: công cụ sản xuất: rìu, bôn, bàn mài, hòn kê, bàn nghiền,… và các di vật đá khác: cuội, mảnh đá nguyên liệu, mảnh đá có dấu vết kỹ thuật chế tác, mảnh đá có dấu vết sử dụng, mảnh đá nguyên liệu chế tác đồ trang sức.
Trong số 207 di vật đá, phong phú nhất là loại hình rìu, gồm 12 hiện vật được chia thành các loại: rìu vai cân, rìu vai xuôi, rìu gót vuông, rìu mặt cắt hình chữ nhật.
Chất liệu: các công cụ đá được chế tác từ các loại đá: sa thạch (bàn mài), đá diệp thạch màu trắng đục hoặc màu trắng xám, đá qua-zit màu xám đen lẫn nhiều hạt mica và thạch anh, hoặc tận dụng các hòn cuội nguyên màu nâu đỏ hoặc trắng xám để làm các công cụ như chày, hòn kê. Các loại đá ở đây có độ cứng cao, đáp ứng được nhu cầu chế tác công cụ sản xuất.
Kỹ thuật chế tác: các công cụ sản xuất như: rìu, bôn được dùng các kỹ thuật ghè đẽo tạo thành dáng công cụ, mài toàn thân, mài rìa lưỡi, mài rìa cạnh tạo độ sắc bén cho công cụ.
Các di vật đá khác có thể là mảnh vỡ trong quá trình ghè đẽo, chế tác công cụ, hoặc là các nguyên liệu để sản xuất công cụ và đồ trang sức.
b. Đồ gốm:
Tổng số phát hiện được 4.554 hiện vật, trong đó có 4.309 mảnh gốm Sa Huỳnh, 175 mảnh gốm Chăm, 37 hiện vật gốm Việt Nam và 10 hiện vật gốm có nguồn gốc Trung Quốc.
+ Gốm Sa Huỳnh: trong số 4.309 hiện vật, có 626 mảnh miệng, 3.118 mảnh thân có hoa văn, 565 mảnh không có hoa văn trang trí và 65,3kg các mảnh gốm vụn có kích thước nhỏ, dưới 1cm x 1cm.
Các hiện vật gốm Sa Huỳnh ở đây có đặc điểm: xương gốm thô lẫn nhiều sạn sỏi nhỏ, dày trung bình từ 0,5cm đến 0,7cm, giữa có lõi đen (dày trung bình 0,05cm). Mặt ngoài và mặt trong được miết láng tạo thành lớp áo màu nâu đỏ hoặc xám đen.
- Loại hình hiện vật: trong tổng số 626 mảnh miệng được chia thành 11 kiểu, gồm: loe xiên, loe cong, miệng khum,… đều thuộc loại hình nồi đáy tròn, không có chân đế.
- Hoa văn trang trí: trong số 3.118 mảnh thân có hoa văn được chia thành các loại: hoa văn thừng thô, hoa văn thừng mịn, hoa văn khắc vạch, hoa văn chải, và kết hợp giữa hoa văn thừng và khắc vạch. 565 mảnh gốm không có hoa văn đều nằm ở vị trí cổ và vai của đồ đựng, do vậy chúng tôi cho rằng đồ gốm ở đây ban đầu đều có hoa văn trang trí.
- Nguồn nguyên liệu: Nguồn nguyên liệu chế tác gốm được khai thác tại chỗ, pha bã thực vật và các hạt sạn, sỏi nhỏ màu trắng. Độ nung gốm không cao, khoảng 8000C, nên rất dễ vỡ.
- Kỹ thuật chế tác: đồ gốm ở đây được sản xuất bằng bàn xoay, tuy nhiên các vết xước còn để lại trên một số mảnh gốm không liên tục do vậy kỹ thuật dùng bàn xoay ở đây có thể là “người xoay”.
+ Gốm Chăm (thế kỷ 2-4): tổng số phát hiện được 175 hiện vật gốm Chăm, trong đó có 110 mảnh gốm thuộc đồ dùng sinh hoạt có màu đỏ hoặc màu hồng nhạt, 63 hiện vật vật liệu kiến trúc là các mảnh gạch và ngói, 2 mảnh nắp của loại hình ấm. Tất cả hiện vật đều không có hoa văn trang trí.
Đồ dùng sinh hoạt ở đây có đặc điểm gốm có màu nâu đỏ, trắng xám, trắng hồng, xương gốm dày trung bình 0,6cm, khá mịn, không lẫn các hạt sạn sỏi, giữa có lõi đen do pha bã thực vật.
Vật liệu xây dựng gồm có gạch (9 mảnh) và ngói (54 mảnh). Các mảnh gạch không còn đo được kích thước, hình dạng không xác định. Các di vật ngói có màu đỏ hoặc màu trắng hồng, xương gốm mịn có lõi đen (dày trung bình 0,6cm), không có dấu vải do có thể đã bị mòn.
+ Gốm Việt Nam: tổng số phát hiện được 37 mảnh, trong đó có 7 mảnh gốm men và 30 mảnh thân của đồ đựng bằng sành. Trong số 7 mảnh gốm men, có 2 mảnh gốm men ngọc thuộc thế kỷ 14-15, 2 mảnh gốm men trắng vẽ lam thuộc thế kỷ 17-18 và 3 mảnh gốm men trắng vẽ lam có niên đại thế kỷ 19-20.
Trong đó đáng lưu ý là bát gốm men ngọc, miệng được cắt khấc hình bông sen, trong lòng có 5 dấu kê. Niên đại thuộc thời Trần, thế kỷ 14.
Các di vật nêu trên phát hiện được từ lớp 4 trở lên, sự có mặt của các di vật này có thể do hai khả năng: đây là địa điểm cư trú của cư dân, hoặc là do trong quá trình sinh hoạt lẫn xuống.
+ Gốm Trung Quốc: tổng số phát hiện được 10 mảnh gốm men ở độ sâu từ lớp mặt đến lớp 4, niên đại kéo dài từ thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ 20.
Trong số đó có 2 mảnh gốm men ngọc của lò Việt Châu (Quảng Đông), 1 mảnh gốm thế kỷ 14 nằm trong hố đen H2.L2.HĐ03, và 7 mảnh gốm men tráng vẽ lam thuộc thế kỷ 19-20.
c. Tiền cổ: phát hiện được 13 hiện vật nằm trong hố đen H2.L2, trong đó bao gồm 12 đồng tiền còn nguyên và 1 mảnh vỡ. Chủ yếu là tiền thời Tống có niên đại từ năm 1024 đến năm 1100, và duy nhất 1 đồng tiền của thời Minh (1368-1398).
Trong số đó, có 9 đồng niên đại thuộc thời Tống, gồm các niên hiệu: “Hoàng Tống thông bảo”, “Hy Ninh nguyên bảo”, “Nguyên Phong thông bảo”, “Nguyên Hựu thông bảo” và “Thiệu Thánh nguyên bảo”; 1 đồng thời Minh, niên hiệu “Hồng Vũ thông bảo”; 2 đồng và 1 mảnh vỡ không xác định được niên đại.
II. Giá trị lịch sử - văn hóa:
- Tính chất của di chỉ: qua kết quả khai quật năm 2015, so sánh với kết quả khai quật nghiên cứu năm 2001, chúng tôi thấy có tính thống nhất với tính chất của di chỉ như sau: đây là di chỉ cư trú, mộ táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, với sự có mặt bàn mài với số lượng lớn trong tổng thể các loại hình công cụ, cùng với các mảnh đá nguyên liệu sản xuất công cụ và đồ trang sức thì khả năng đây có thể còn là nơi chế tác công cụ, trang sức phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của cư dân.
Địa tầng hố khai quật cho thấy người Sa Huỳnh đã cư trú trên gò đất cao, gần với sông suối, thuận lợi cho việc khai thác các điều kiện tự nhiên phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt, thuận lợi trong việc giao thương với cư dân ở các khu vực khác. Di vật để lại vô cùng phong phú với nhiều loại hình khác nhau, hoa văn trên gốm thể hiện phong phú phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của cư dân.
- Niên đại: gồm 2 lớp văn hóa:
+ Lớp văn hóa 1: bắt đầu từ khoảng thế kỷ 2, và kéo dài liên tục đến thế kỷ 19-20, trực tiếp trên địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh.
+ Lớp văn hóa 2: địa tầng hố khai quật và các di tích, di vật phát hiện được cho thấy đây là lớp văn hóa Sa Huỳnh, thuộc giai đoạn văn hóa Long Thạnh, có nhiều nét tương đồng với Bãi Ông (Cù Lao Chàm), Long Thạnh (Quảng Ngãi), niên đại khoảng trên 3000 năm BP.
Đây là di chỉ cư trú điển hình của văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn Đà Nẵng, làm nền tảng cho sự phát triển của các nền văn hóa ở các thời kỳ tiếp theo. Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phản ánh bề dày lịch sử văn hóa của vùng đất, góp phần dựng nên diện mạo văn hóa của Đà Nẵng trong nền văn hóa chung của dân tộc.
H.T.T - P.V.T