Tản mạn chuyện nước non - Như Hạnh
Ai về Quảng Cái sang sông. Viếng chùa Non Nước tiên bồng bạn ơi!
Câu ca xưa như một lời mời chí tình của non xanh nước biếc. Ngọn núi cẩm thạch ngàn năm của xứ Quảng được bao bọc bởi một huyền thoại đẹp từ ngày hiện hữu giữa cõi trần. Chuyện giao long hạ sinh trong một đêm giông gió bên bờ biển Đông để rồi từ đó người con gái bay về trời, bỏ lại sau lưng những mảnh vỡ của trứng thần hóa thành năm ngọn núi đá hoa cương lấp lánh. Trong mạch suy tưởng trầm tư của đá núi, dân gian còn truyền cho nhau điều tưởng chừng như vô cùng phi lý ấy…
Trong một lần rong chơi cùng mấy người bạn ở xa về, cả nhóm cùng rủ lên chơi Non Nước như hành trình tìm về chốn cũ. Tình cờ nghe người hướng dẫn viên du lịch đọc bài thơ Thề non nước của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu để biện giải cho cái tên gọi Non Nước hữu tình: Nước non nặng một lời thề/ Nước đi đi mãi, không về cùng non/ Nhớ lời nguyện nước thề non/ Nước đi chưa lại, non còn đứng không… Đây không phải lần đầu có người nhầm tưởng rằng thi phẩm nổi tiếng của Tản Đà là viết về núi Non Nước của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) nay là thành phố Đà Nẵng trẻ trung sôi động. Hình ảnh Nước, Non hợp rồi tan, gặp gỡ rồi ly biệt trong suốt bài thơ như một nỗi niềm nhớ mong đến tận cùng khô cạn tâm linh: “Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày…”. Chẳng hiểu vì nhầm tưởng ấy hay vì một lý do nào khác nữa mà nhiều người tin rằng: Những người yêu nhau không nên đưa nhau đến vãn cảnh Non Nước, bởi Nước đi đi mãi, không về cùng non.
Khi tìm đến những người già chung quanh vùng Non Nước để tìm hiểu thực hư về chuyện này thì hầu như ai cũng cho rằng, chuyện xưa kể lại thế thì biết thế… Lời đồn cứ thế lan đi như cơn gió. Kẻ yếu bóng vía thì rùng mình ớn lạnh, người vô ưu chỉ thấy là hư vô. Trước câu hỏi: “Bạn có tin về chuyện lên chơi núi Non Nước sẽ khiến những người yêu nhau chia lìa không?” Thì một số bạn thật thà gật đầu với một lô lốc những câu chuyện người thật việc thật đã xảy ra… Nhiều bạn hồ nghi tính xác thực của câu chuyện nhưng vẫn e ngại không dám thử một lần leo núi thưởng ngoạn nước non tiên bồng cùng với người yêu.
Trong khi đó, một số bạn trẻ khác lại có những phản hồi hết sức tích cực. Bạn Nguyễn Hà Tịnh Giang, sinh viên khoa Xã hội Nhân văn Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình trước vấn đề nhạy cảm này: “…Nếu yêu thương nhau thật lòng thì không việc gì phải lo sợ… chia tay. Trái lại, mỗi lần cùng nhau đi viếng cảnh Non Nước hữu tình thì càng thêm cơ hội để tình yêu càng gắn bó và bền chặt hơn!”.
Trong một lần trà dư tửu hậu cùng mấy người bạn ở phường Hòa Hải dưới chân Ngũ Hành Sơn, chúng tôi đem chuyện này “chém gió” thì được nghe lời bàn vô cùng chí lý của một anh bạn địa phương nổi tiếng dí dỏm: “…Có khi chuyện ấy cũng đúng phần nào. Ngày trước chưa có thang máy, muốn lên núi Ngũ Hành phải leo lên leo xuống tổng cộng 264 bậc đá ở cổng 1 và cổng 2. Đó là chưa kể còn tìm đường lên trời, xuống địa ngục nữa. Leo miết, rã cả chân, khát cả họng… Nên đâm ra phát cáu giận dỗi, rồi cãi nhau… Thế là Nước đi đi mãi, không về cùng non!”.
Những lời đồn ma mị đậm chất liêu trai kể trên không chỉ là trường hợp riêng ở thắng cảnh Non Nước ở Đà Nẵng mà còn lặp lại ở nhiều địa danh khác như chùa Thiên Mụ (Huế), chùa Bà Đế (Hải Phòng), chùa Châu Thới Sơn (Bình Dương)… Thực lòng mà nói, theo quan niệm của nhà Phật, con người đến được với nhau là do nhân duyên mà có. Nếu đủ duyên thì sẽ thành, chưa đủ thì ắt phải tán. Hơn nữa, đến Non Nước là đến với cõi Phật, đến không gian thanh khiết đậm màu tâm linh. Phật dạy con người chung thủy, tránh tà dâm vậy hà cớ gì phải chia lìa tình yêu đôi lứa?!…
Bài thơ của Tản Đà tuy mở đầu bằng hai câu rất “không đẹp đôi” là “Nước non nặng một lời thề/ Nước đi đi mãi, không về cùng non”, nhưng đã có một kết thúc có hậu với lời thề chung thủy sắt son: “Nghìn năm giao ước kết đôi/ Non non nước nước chưa nguôi lời thề”. Non và nước giao ước kết đôi đến nghìn năm cơ đấy, vậy thì, hỡi những người yêu nhau, còn chần chờ gì nữa mà không đưa nhau lên chơi Non Nước - Ngũ Hành Sơn?
N.H