Phổ Đà sơn linh trung Phật một văn bia quý ở Đà Nẵng - Nguyễn Hoàng Thân

05.10.2015

Phổ Đà sơn linh trung Phật một văn bia quý ở Đà Nẵng - Nguyễn Hoàng Thân

Theo sưu tầm và thống kê của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (É.F.E.O.), đất Quảng là địa phương có số lượng văn bia đứng vị trí thứ 2 ở miền Trung. Văn bia đất Quảng có nhiều đặc thù so với các vùng miền khác. Ngoài văn bia chữ Hán - Nôm phổ biến, văn bia đất Quảng còn có nhiều thể loại văn tự khác như văn bia chữ Phạn của người Chăm, văn bia chữ Nhật1, văn bia bằng các văn tự châu Âu2.

Văn bia đất Quảng rải rác ở nhiều nơi trên toàn địa bàn, song chủ yếu tập trung ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng). Trên báo Lao động - Miền Trung & Tây Nguyên (số Tết Canh Dần)3, chúng tôi đã giới thiệu một bài văn bia ca trù rất độc đáo ở Ngũ Hành Sơn. Nay chúng tôi tiếp tục khảo cứu bài văn bia bia 普 陀 山 靈 中 佛 (Phổ Đà sơn linh trung Phật) cũng ở cùng vị trí với văn bia ca trù nói trên.

1. Văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật trong diễn trình học thuật

Văn bia này được hình thành tương đối sớm trên đất Quảng. Song, cho đến đầu thế kỷ XX, Trường Viễn đông Bác cổ Pháp mới tiến hành tổ chức in rập, lập phiếu (ghi số ký hiệu). Về sau, thác bản văn bia này được chuyển lưu ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (số ký hiệu: N0 12623).

Có lẽ văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật lần đầu tiên được công bố đầy đủ nguyên văn, phiên âm và dịch nghĩa trong giáo trình Cơ sở ngữ văn Hán Nôm do GS. Lê Trí Viễn chủ biên4. Phổ Đà sơn linh trung Phật còn được các nhà nghiên cứu khai thác trong lĩnh vực học thuật của mỗi cá nhân. Nguyễn Trọng Hoàng đề cập văn bia này trong tác phẩm Danh thắng Non Nước - Ngũ Hành Sơn5. Lam Giang trong bài viết Văn bia tỉnh Quảng Nam, nguồn tư liệu giúp hiểu lịch sử văn hóa quá khứ cũng điểm qua tên văn bia này6. Nguyễn Phước Tương đã sử dụng tư liệu văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật để tìm hiểu danh xưng Hội An và tình hình thương mại của người Nhật ở phố cổ Hội An trong tác phẩm Hội An - Di sản thế giới7. Hòa thượng Thích Thông Đạt (tu ở chùa Non Nước) cũng không quên trích dẫn nội dung bài văn bia này trong khóa luận tốt nghiệp Phật giáo của mình8. Nhìn chung, hiện tại gần như các công trình nào viết về danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng đều đề cập đến văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật như là một thành tố cốt yếu song hành trong tổng thể của di tích nơi đây. Tuy nhiên vẫn chưa có bài viết nào nghiên cứu sâu, kỹ về văn bia này ở cả phương diện văn bản học và giá trị nội dung.

2. Vấn đề văn bản học của Phổ Đà sơn linh trung Phật

Về hình thức: Văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật thuộc hình thức văn bia ma nhai, tức được khắc trực tiếp trên vách đá. Văn bia này nằm ở bên trong cửa động Hoa Nghiêm của Ngũ Hành Sơn, ở độ cao khoảng 2m, bên phải bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát (theo hướng nhìn của pho tượng). Kích cỡ văn bia dài 96cm, rộng 59cm. Ngoài tiêu đề, văn bia này có 23 dòng, trung bình độ dài mỗi dòng gồm 48 chữ. Dòng có chữ ít nhất là 7 chữ, nhưng lại viết chữ to hơn gấp 2 lần so với các chữ ở những dòng khác. Trán bia theo họa tiết mặt nguyệt và tua lửa, diềm bia trang trí hình dây leo hoa cúc giật lùi (thuộc mô-típ hoa văn bia thời Lê).

Về tác giả: Văn bia này do Thiền sư Huệ Đạo Minh, tên thật là Phạm Văn Nhân, người xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia (nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), là trù trì chùa Phổ Đà biên soạn.

Về niên đại: Văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật không ghi thời gian cụ thể thuộc triều đại nào mà chỉ ghi năm can chi: 歲 次 庚 辰 年 (Tuế thứ Canh thìn niên). Rất nhiều tác giả và tài liệu đều xác định Canh thìn niên ở đây là năm 1640, song không chứng minh vì sao lại như vậy. Chỉ có giáo trình do GS. Lê Trí Viễn (chủ biên) là đưa ra minh chứng cụ thể. Các tác giả này đã căn cứ vào chính nội chứng của văn tự trên văn bia mà xác định niên đại Canh thìn niên trong văn bản này là năm 1640. Theo các tác giả này, trong văn bia có một chữ 臻 (Trăn) trong câu: 柏 澗 社 阮 福 臻 字 福 正 (Bá Giản xã, Nguyễn Phúc Trăn, tự Phúc Chính…) không viết với dạng kiêng húy. Chứng tỏ văn bản này ra đời trước “nhiệm kỳ” 1687 - 1691 của chúa Nguyễn ở Đàng Trong là Nguyễn Phúc Trăn (阮 福 溱). Chúng tôi đã kiểm tra lại minh chứng trên, đồng thời căn cứ vào họa tiết và nội dung của văn bia, đối chiếu với tình hình lịch sử thương mại của người Nhật ở phố cổ Hội An vào giữa và cuối thế kỷ XVII, hoàn toàn đủ cứ liệu để tin tưởng văn bia này được hình thành vào năm 1640.

Về bố cục: Nhìn chung, bố cục của một văn bản bia thường gồm 5 phần9: tiêu đề, văn bia (phần văn xuôi kể lai lịch của di tích hoặc tiểu sử một nhân vật), bài minh, phần cuối (niên hiệu, người soạn văn bản, tên người viết và người khắc chữ), phần công đức.

Trên thực tế, văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật có 4 phần:

- Phần tiêu đề: chỉ 1 dòng: 普 陀 山 靈 中 佛 (Phổ Đà sơn linh trung Phật)10

- Phần văn bia: gồm 5 dòng

- Phần công đức: có số dòng nhiều nhất, gồm 49 dòng, chiếm gần 90%.

- Phần cuối: 1 dòng: 歲 次 庚 辰 年 仲 冬 節 吉 日 字 道 明 禪 師 立 碑 記 傳 (Tuế thứ Canh Thìn niên, trọng đông tiết, cát nhật, tự Huệ Đạo Minh thiền sư lập bi kí truyền).

Về chữ khắc bia: Đây là văn bia theo thể chữ Hán. Nhưng trong đó vẫn có một số chữ Nôm (bao gồm chữ Hán đọc theo âm Nôm) dùng ghi tên người và tên đất. Chữ Nôm ghi tên người có: Vãi (Tiên), (Phan Thị) Xây, (Lê Thị) Xanh, (Trần Văn) Nở, (Trần Thị) Nụ, (Nguyễn Thị) Gánh, (Đỗ Thị) Mượn/Mặn11, (Võ Thị) Ả, (Lê Thị) Ba, (Trà Thị) Gắng, (Nguyễn Thị) Lành, (Phạm Thị) Nước, (Lê Thị) Ghép, (Nguyễn Thị) Nụ, (Nguyễn Thị) Nở. Chữ Nôm ghi tên đất có: Giếng Bộng (nay thuộc phường Bình Hiên, thành phố Đà Nẵng), (Bồ) Mưng (nay thuộc làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Tồn tại với thời gian, cộng với nguyên nhân khách quan và chủ quan (?), văn bia này có một số chữ bị mòn mờ, thậm chí bị đục (!), gồm 6 chữ; có một số chữ không rõ nét, gồm 10 chữ.

3. Giá trị nội dung của văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật

Giá trị nội dung tiêu biểu nhất của bài văn bia này là giá trị về mặt sử liệu.

Sử liệu về danh xưng Ngũ Hành Sơn và các danh xưng làng xã đất Quảng:

Danh xưng Ngũ Hành Sơn chỉ ra đời từ những thập niên đầu của thế kỷ XIX. Từ giữa thế kỷ XVII, Ngũ Hành Sơn (hiện tại) có tên gọi là Phổ Đà sơn, mang một ý nghĩa và giá trị hết sức sâu sắc (trình bày ở phần sau). Cùng với địa danh Phổ Đà chỉ Ngũ Hành Sơn mà tục hay gọi là Non Nước, bài văn bia này còn cung cấp cho chúng ta nhiều địa danh làng xã cổ xưa của đất Quảng: xã Tân An, xã Trà Đông, xã Trà Lộ, xã Cẩm Phô, xã Nam An, xã Giếng Bộng, xã Hội An, xã Bồ Mưng, xã Hải Châu, xã Phú Triêm, xã Bồ Bản, xã Diệm Sơn, xã Bất Nhị, xã An Phước. Tư liệu này đóng góp cho việc nghiên cứu địa danh (khởi danh, cải danh, diên cách) làng xã đất Quảng, khẳng định lại và bổ sung cho tài liệu Ô châu cận lục và Phủ biên tạp lục cũng như các bộ địa chí liên quan đến đất Quảng của triều Nguyễn sau này (Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí...).

Ngoài ra, trong bài văn bia còn có nhiều tên xã khác, chưa rõ thuộc địa phương nào, như: xã Đào Vệ, xã Bá Giản, xã Phước Hải, xã Cảnh Dương, xã Trí Việt, xã Đơn Hải, xã Phú Kiều, xã Du Nha, xã Mộ Hoa, xã Trí Dũng. Từ tư liệu này, chúng ta sẽ có hai hướng nghiên cứu: (1) các xã này có phải thuộc xứ Quảng Nam xưa?; (2) nếu các xã này không thuộc xứ Quảng Nam thì chứng tỏ thời điểm ấy có nhiều người ở nơi khác từng vãng lai đến đây vì những lý do nào đó, đúng như nhận định của một số người lúc bấy giờ gọi xứ Quảng Nam là “nước Quảng Nam” - thể hiện sự giao lưu rộng rãi.

Sử liệu về người nước ngoài ở đất Quảng:

Vấn đề người nước ngoài đến lưu trú, sinh hoạt, giao thương tại đất Quảng từ thế kỷ XVI, XVII đã được ghi chép tương đối nhiều trong sử sách nước nhà cũng như các quyển “kí” của những người nước ngoài đã từng đến đây. Điều này một lần nữa được thể hiện chân xác trong bài văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật. Trong bài này có nhắc đến 2 đối tượng người nước ngoài là Nhật Bản và Đại Minh “định cư” tại đất Quảng. Trong đó có ít nhất 10 “gia đình” người Nhật Bản: 平 三 郎 (Heizaburo), 宋 五 郎 (Shogoro), 峻 門 (Shunmon), 阿 知 子 (Achiko), 茶 屋 竹 島 (Chaya Takeshima), 川 上 家 兵 衛 (Kawakami Kaheie), 淺 見 八 箸 (Asami Yasuke), 七 郎 兵 衛 (Shichiro Bei), 何 奇 采 (Akiu), 平 左 衛 門 (Heiza Emon) và 2 “gia đình” người Hoa: 葉 公 堅 (Diệp Công Kiên) và 呂 宗 吳 (Lã Tông Ngô). Đồng thời cũng có một số người Nhật khác đến buôn bán mà không “định cư” ở đây, văn bản sử dụng cụm từ: 日 本 國 (Nhật Bản quốc). Đặc biệt, văn bản bài bia sử dụng cụm từ: 日 本 營 (Nhật Bản doanh), cho thấy những người Nhật ở đây là những thương gia, thậm chí có cả dòng họ đại thương gia như Chaya. Họ chính là những người góp phần thúc đẩy nền thương nghiệp Hội An phát triển vang bóng một thời.

 Sử liệu về hôn nhân người Việt với người nước ngoài:

Người Nhật và người Hoa đến sinh sống và buôn bán ở Hội An như nói trên đã kết hôn với phụ nữ Việt. Bài văn bia này có 9 lần nhắc đến Nhật Bản doanh, 1 lần松 本 營  (Tùng Bản doanh, tương tự như Nhật Bản doanh). Trong đó có 5 cặp hôn nhân giữa chồng người Nhật với vợ người Việt: ông Heizaburo lấy bà Nguyễn Thị Chức, ông Shunmon lấy bà Đỗ Thị Mượn, ông Achiko lấy bà Ngô Thị Chủng, ông Shichiro Bei lấy bà Nguyễn Thị Nụ, ông Heizaemon lấy bà Nguyễn Thị Nở. Như vậy tư liệu này cho thấy mối quan hệ hôn nhân gia đình giữa người Việt và người ngoại quốc đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, chí ít cũng từ nửa đầu thế kỷ XVII.

Sử liệu về việc quyên góp xây dựng di tích:

Chúng tôi thống kê có đến 52 đơn vị (cá nhân, nhóm) góp cúng để trùng tu và khai sáng cơ sở thiết chế tín ngưỡng ở đây. Có thể phân loại việc góp cúng thành 4 loại:

- Góp cúng bằng công lao động (?): 6 đơn vị

- Góp cúng bằng tiền: 41 đơn vị. Tổng số tiền góp cúng là: 1745 quan. Trong đó đơn vị cúng ít nhất là 5 quan của bà Nguyễn Thị Hồng, hiệu Từ Hảo ở xã Mộ Hoa; đơn vị cúng nhiều nhất là gia đình ông Heizaburo và bà Nguyễn Thị Chức ở Nhật Bản doanh với số tiền lên đến 500 quan. Tổng số tiền đơn vị người Nhật góp cúng chiếm trên 2/3.

- Góp cúng bằng bạc nén: 4 đơn vị, tổng cộng 55 lượng.

- Góp cúng bằng đồng: 1 đơn vị (nhóm Chaya Takeshima, Kawakami Kaheie, Asami Yasuke) với 570 cân.

Qua số liệu trên, chúng ta thấy người Nhật góp cúng nhiều nhất, chiếm trên 80% tổng giá trị. Những người tham gia góp cúng chủ yếu ở vùng Hội An (ngày nay), với số tiền góp cúng bình quân tương đối cao, trong khi đó lại có rất ít người thuộc vùng đất Đà Nẵng hiện tại tham gia góp cúng. Điều này cũng là tư liệu đóng góp đáng tin cậy về bức tranh kinh tế vùng miền của xứ Quảng Nam xưa12.

Sử liệu về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn:

Từ nội dung văn bia, chúng ta thấy trước thời điểm 1640, ở Ngũ Hành Sơn đã có cơ sở thiết chế, di tích Phật giáo, cụ thể là chùa Bình An13. Nhưng thời điểm này các di tích đó “phả hữu đồi tệ: quá sụp nát”14, thiền sư Huệ Đạo Minh phải “khuyên mời những người hiểu biết chung bỏ của nhà, hết lòng việc thiện để sửa chữa và dựng mới, trên là động núi Phổ Đà mới xây, dưới là chùa Bình An làm lại”, kết quả “hai cảnh hoàn thành”.

Đặc biệt, Phổ Đà sơn là một địa danh Phật giáo hết sức có ý nghĩa như đã giới thiệu ở trên.

Theo Từ điển Phật giáo, 普 陀 山 (Phổ Đà sơn/Potalaka), cũng được gọi là Tiểu Bạch Hoa, Mai Sầm Sơn, là một ngọn núi trên đảo Phổ Đà, một trong “Tứ đại danh sơn” của Trung Quốc. Núi này là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng tại đây và được xem là trú xứ của Quán Thế Âm bồ tát. Một vài truyền thuyết kể lại việc Phổ Đà sơn trở thành trú xứ của Quán Thế Âm. Tên Phổ Đà vốn xuất phát từ chữ Potalaka của Phạn ngữ, tên của một hòn đảo tại Ấn Ðộ dương. Hòn đảo này cũng được biết là trú xứ của Quán Thế Âm. Năm 847, một vị tăng người Ấn Ðộ bỗng nhiên thấy Quán Thế Âm xuất hiện trong một hang động trên một ngọn núi. Sau đó, vị này đặt tên cho núi này là Potalaka, dịch âm là Phổ Đà. Một truyền thuyết khác kể rằng, vào khoảng năm 850, một vị tăng đốt hết những ngón tay của mình để cúng dường. Nghe ông than thở, đức Quán Thế Âm hiện ra cứu giúp, vì ông mà thuyết pháp. Một truyền thuyết rất nổi tiếng khác bảo rằng, một vị tăng người Nhật muốn thỉnh một tượng Quan Âm từ Ngũ Đài sơn sang Nhật. Trên đường trở về nước thì thuyền của ông không may gặp bão. Ông nguyện trước bức tượng Quan Âm rằng, nếu thoát khỏi nạn này ông sẽ xây dựng một ngôi chùa để cúng dường. Ngay sau đó thì thuyền của ông - như được một bàn tay vô hình - được dẫn ngay đến núi Phổ Đà. Ðể báo ân, ông bèn lập một ngôi chùa tại đây và từ đó, Quan Âm cũng được xem là vị bồ tát chuyên giúp những người đi biển.

Tài liệu của nhóm Lê Trí Viễn cũng cho biết, “trong một bức tranh của gia đình nhánh Nakajima của họ Chaya ở Nhật Bản trước kia có người đã từng buôn bán ở Hội An hồi thế kỷ XVII, có vẽ phong cảnh cửa biển Đà Nẵng với một cụm núi đá, bên cạnh có chú mấy chữ: 達 摩 坐 禪 岩 (Đạt Ma tọa thiền nham). Và cuốn hồi ký của một người Nhật khác tên là 德 兵 衛 (Tokubei) cũng ở thế kỷ XVII, khi nói đến Đà Nẵng, có ghi: “Từ đó thấy nhiều núi cao: đó là nơi sinh của Đạt Ma. Đạt Ma nói đầy đủ ở tiếng Phạn là Bodhidharma, Trung Quốc phiên âm là 菩 提 達 摩 dịch nghĩa là Giác Pháp hoặc Đạo Pháp là pháp danh của một vị cao tăng Ấn Độ, con trai của một ông vua nước Thiên Trúc, khoảng đầu thế kỷ thứ VI, sang Trung Quốc truyền đạo và chết ở đó, sau được suy tôn là đầu tiên của phái Thiền tông miền Đông. Đó là Quan Thế Âm bồ tát mà dân gian phương Đông gọi tắt là Quan Âm và hình dung thành một người đàn bà ngồi trên tòa sen. Sở dĩ vậy vì truyền thuyết kể rằng kiếp trước hoàng tử là một nàng công chúa bị vua cha sai đưa đi dìm nước, nhưng được Phật cứu đặt trên tòa sen đưa về đảo Phổ Đà. Vì vậy Phật bà Quan Âm trở thành vị phúc thần cứu mọi khổ đau của chúng sinh, đặc biệt là che chở cho những người đi biển”15.

Từ cứ liệu Từ điển Phật giáo và ý kiến của nhóm Lê Trí Viễn như trên, chúng ta có thể tạm đưa ra giả thuyết chủ quan: Từ thế kỷ XVII, Ngũ Hành Sơn (Phổ Đà sơn) trở thành một trung tâm thờ Quan Âm mang tính quốc tế hoặc có vị trí quốc tế. Minh chứng cho việc đó là người Nhật đã góp cúng một khối lượng đồng rất lớn (570 cân) và số tiền trên 2/3 trong tổng số tiền góp cúng của tín chủ, ngoài ra người Hoa cũng tham gia góp cúng xây dựng Phổ Đà sơn để “dấu vết của Phật lưu truyền mãi mãi”.

Núi Phổ Đà nằm trong quần thể di tích - danh thắng Ngũ Hành Sơn, một trung tâm văn hóa, du lịch và giải trí nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng, góp phần tạo nên các giá trị đặc sắc mang tầm quốc tế của khu di tích - danh thắng này. Núi Phổ Đà có giá trị, lẽ nào bia Phổ Đà sơn linh trung Phật lại không có giá trị? Cho nên chúng ta lấy làm tự hào về một tấm bia quý cổ xưa còn tồn tại trên quê hương Đà Nẵng. Đồng thời, chúng ta cũng phải có ý thức bảo tồn, cụ thể trước mắt phục tu những chữ bị đục, mờ nét. Chí ít không đối xử “thậm tệ” như đối với tấm bia ca trù mà chúng tôi đã từng trăn trở.

 

N.H.T

 

Chú thích:

1 Nhật Bản mộ bi (N0 8352) ở phường Tân An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

2 Mộ chí bi (N0 8349) ở Sơn Phố, Hội An, bia mộ giáo sĩ Tây Ban Nha (N0 8364) tại Hội An. Hoặc 2 tấm bia viết về cha cố mà chúng tôi đã nhìn thấy ở nhà thờ Phú Thượng (Hòa Sơn - Hòa Vang - Đà Nẵng), hay tấm bia mộ Hàn lâm viện Thị độc Nguyễn Văn Mẫn ở nghĩa địa thuộc phường Hòa Hiệp Nam - Liên Chiểu -

Đà Nẵng.

3 Phan Anh Dũng - Nguyễn Hoàng Thân, “Đi tìm bài ca trù khắc trên Ngũ Hành Sơn”, Lao động - Miền Trung & Tây Nguyên, Số Tết Canh Dần (2010), 52.

4 Lê Trí Viễn (Chủ biên), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, Tập 4, (Hà Nội: Giáo dục, 1987), 21.

5 Nguyễn Trọng Hoàng, Danh thắng Non Nước - Ngũ Hành Sơn, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 1997).

6 Lam Giang, “Văn bia tỉnh Quảng Nam, nguồn tư liệu giúp hiểu lịch sử văn hóa quá khứ”, Tạp chí Hán Nôm, Số 2/2002. Trong bài viết này, tác giả có sự nhầm lẫn về địa danh của văn bia này.

7 Nguyễn Phước Tương, Hội An - Di sản thế giới, (Thành phố Hồ Chí Minh: Văn nghệ, 2004), 21, 115.

8 Thích Thông Đạt, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Luận văn tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, 2001.

9 Lê Trí Viễn (Chủ biên), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, Tập 4, (Hà Nội: Giáo dục, 1987), 8.

10 Theo cú pháp Hán văn, lẽ ra phải là Phổ Đà linh sơn trung Phật (Phật ở núi thiêng Phổ Đà) hoặc Phổ Đà sơn trung linh Phật (Phật thiêng ở núi Phổ Đà).

11 Lê Trí Viễn phiên âm là Mượn, Nguyễn Phước Tương phiên âm là Mặn.

12 Nếu chúng ta biết đích xác một số xã còn lại thuộc địa phận nào sẽ có một kết quả thống kê rất thú vị!

13 Sau này chùa Bình An đổi tên là chùa Nhân Bình. Theo: Lê Trí Viễn (Chủ biên), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm,

Tập 4, (Hà Nội: Giáo dục, 1987), 31

14 Những đoạn trích như thế này đều là lời của bài văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật.

15 Lê Trí Viễn (Chủ biên), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, tập 4, (Hà Nội: Giáo dục, 1987), 26-27.

 

Bài viết khác cùng số

Gửi núi Non Nước - Vũ Quần PhươngTân binh phố Đá - Trần Quốc CườngCát cháy - Thanh QuếTĩnh lặng Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Văn ChungTản mạn chuyện nước non - Như HạnhBâng khuâng giữa Động Huyền Không - Thu HàHòn Thủy - “cố nhân” của khách lãng du - Dã ChâuLần theo dấu đá trăm năm - Nguyễn Nhã TiênLạc qua Non Nước... - Văn Thành LêNgũ Hành Sơn đang vươn mình để trở thành đô thị hiện đại - Ban biên tậpThăm lại Ngũ Hành Sơn - Tường LinhBên vú đá Ngũ Hành Sơn - Trinh Đường (1917 - 2001)Ngũ Sơn lĩnh phạm âm - Chí Đình Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868)Cẩm thạch Ngũ Hành - Lê Bá Trinh (1878 - 1934)Huyền sử Non Nước mây - Tô Như ChâuThạch khí danh lam - Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)Viếng cảnh Non Nước - Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu (1853 - 1927)Hoài cảm chùa Non Nước - Phan Bội Châu (1867 - 1940)Viếng động Ngũ Hành – Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)Vịnh Tam Thai - Thích Đại Sán (1633 - 1704)Viết ở Ngũ Hành Sơn - Trần Văn ThọNon Nước chiều xưa - Phan Hoàng PhươngChuông chiều Huyền Không - Phụng LamChiều Ngũ Hành Sơn - Mai Hữu PhướcTrên Ngũ Hành Sơn - Ngân VịnhNgười tạc tượng Bác Hồ ở chân núi Ngũ Hành Sơn - Ngô Văn PhúKhí thiêng Ngũ Hành Sơn những giá trị văn hóa cộng hưởng - Nguyễn Quang Trung TiếnĐôi nét sơ lược về vùng văn hóa Hóa Khuê - Mỹ Thị - Ngũ Hành Sơn - Phan Duy NhânBàn về việc xây dựng Lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư và Lễ hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Bùi Văn TiếngPhổ Đà sơn linh trung Phật một văn bia quý ở Đà Nẵng - Nguyễn Hoàng ThânLăng Ông Tân Trà - Đinh Thị TrangKết quả khai quật Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 2015 - Hồ Tấn Tuấn, Phạm Văn TriệuXây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện - Lê Quang TươiDòng sông Cổ Cò - Trương Văn KhoaTrăn trở làng đá Non Nước - Trần Trung Sáng