Bâng khuâng giữa Động Huyền Không - Thu Hà

05.10.2015

Bâng khuâng giữa Động Huyền Không - Thu Hà

Huyền Không bao hàm ý nghĩa huyền diệu của cái Không, một cái Không đầy thanh tịch trang nghiêm, truyền thống đầy cảm xúc “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, cái Không để đạt đến Đạo Quả Viên Thành. Có lẽ vì thế mà dù nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, Huyền Không là một trong những động đẹp nhất, huyền ảo nhất, có giá trị tâm linh to lớn.

 

Gắn bó với Ngũ Hành Sơn từ khá lâu, ông Lê Quang Tươi – Trưởng Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho rằng “Ngũ Hành Sơn như một nàng tiên bước ra từ quả trứng rồng thần thoại, những mảnh vỡ từ quả trứng hoang đường ấy đã hóa thân thành những hòn núi, để chúng ta có một danh thắng như ngày nay”.

Vượt qua 156 bậc tam cấp, phía bên trái chùa Tam Thai, lối đi vào khá bằng phẳng, trước cửa động có ba chữ “Huyền Không Quan”. Đi qua cổng Huyền Không Quan là động Hoa Nghiêm, một động nhỏ có thờ Quan Thế Âm với dáng đứng uy nghiêm, tay cầm bình cam lồ nhìn ra cửa động với đôi mắt từ bi. Bên trái tượng Phật, trên vách động là tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật quý hiếm do nhà sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn (1640), bia ghi lại việc trùng tu và tôn vinh công đức của các phật tử. Trong đó có nhiều gia đình người Nhật Bản, Trung Hoa sống ở Hội An đến làm công đức xây dựng chùa.

Để vào được động Huyền Không phải bước xuống hơn 20 bậc cấp nằm sâu hơn động Hoa Nghiêm khoảng 5m, Huyền Không giống như chiếc chuông úp sấp. Đây là một trong những động rộng, thoáng mát và đẹp nhất của quần thể Ngũ Hành Sơn, có vòm động tiếp xúc với không gian bên ngoài, khi trời nắng ánh sáng rọi vào làm động thêm lung linh huyền ảo. Ngày nắng, động được ví như chiếc điều hòa thiên nhiên bởi không khí mát mẻ, trong lành. Đây là điều làm nên sự khác biệt của động Huyền Không. Ở Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng… cũng có nhiều động đẹp, nhiều thạch nhũ nhưng phần lớn là động kín, ẩm, trong động phải thắp điện hoặc khi vào phải có đèn chiếu sáng. Động Huyền Không tuy ít thạch nhũ nhưng độ thoáng và ánh sáng tự nhiên thì không nơi nào bằng.

Có chu vi khoảng 25m, Huyền Không động được bày trí khá đa dạng, ngay bậc cấp bước xuống động, hai bên là tượng của các vị Thiện và Ác như nhắc nhở con người phải luôn thánh thiện, từ bi đến cõi sắc không của Phật.

Trên cao nhất là tượng Phật Thích Ca, được dựng vào năm 1960 bởi nghệ nhân Nguyễn Chất, nổi tiếng làng đá mỹ nghệ Non Nước, bên dưới là bàn thờ Phật Địa Tạng Vương Bồ Tát... Ngoài ra, dưới nền có khối đá điêu khắc tượng của người Chăm, trong động có đền thờ bà Ngọc Phi (bà Chúa Tiên), đền thờ bà Lôi Phi, Ngọc Phi (Chúa Thượng Ngàn), ở đó còn có đền Trang Nghiêm Tự cổ kính được xây dựng năm 1825. Trang Nghiêm Tự có ba gian, gian chính thờ Phật Quan Âm, bên trái thờ 3 vị quan Thánh tượng trưng cho đức độ, trí dũng và lòng trung thành, đặc biệt gian bên phải thờ Ông Tơ Bà Nguyệt, nơi các đôi trai gái đến cầu duyên, mong được Nguyệt Lão buộc sợi chỉ hồng trăm năm hạnh phúc.

Quanh vòm động có nhiều nhiễu đá bám vào vách tạo nên những hình thù lạ, đó là khuôn mặt ông già nhìn nghiêng, là hình con chim hạc hay đà điểu, hình hai đầu voi với chiếc vòi thả xuống, là con cò cùng chiếc mỏ dài nhọn ép vào vách động, là một bàn tay...

 

Bên cạnh thế giới tâm linh, động Huyền Không còn có giá trị lịch sử to lớn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đây là căn cứ hoạt động bí mật của cán bộ lãnh đạo địa phương và du kích. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã biến Huyền Không thành nơi huấn luyện biệt kích đồng thời cũng là nơi đồn trú của nhiều đơn vị. Năm 1968 quân giải phóng đã đánh bật chúng ra khỏi nơi đây, đồng loạt tấn công nhiều căn cứ lân cận và sân bay quân sự Nước Mặn. Huyền Không trở thành trạm giải phẫu và nơi cất giấu thương binh của quân giải phóng. Nơi đây còn ghi dấu những trận đánh oai hùng của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, tiêu biểu là trận đánh của anh hùng Phan Hiệp (người Hòa Quý) rạng sáng ngày 23/8/1968. Đại đội trưởng Phan Hiệp được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đổi tên thành Phan Hành Sơn.

Mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, cùng với những điều kỳ diệu mà thiên nhiên dành tặng, động Huyền Không có sức hút mạnh mẽ đối với du khách đến thăm Ngũ Hành Sơn.

Anh Lê Văn Hòa có hơn 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, có ngày dẫn khách lên động Huyền Không tới hai lần mà không hề cảm thấy chán. Dường như có một chút tâm linh trong đó, mỗi lần bước chân vào động là một lần anh thấy sảng khoái, khỏe khắn. Anh cũng cho biết thêm “Mỗi lần thuyết minh cho khách là một lần thấy hạnh phúc vì giúp được du khách hiểu rõ hơn về các giá trị văn hóa, lịch sử nơi mình đang đứng”.

Có thể nói, vẻ đẹp của Huyền Không động khó có thể tả hết bởi sự kỳ diệu của không gian huyền ảo. Ông Phan Bân – Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết “Ngũ Hành Sơn là danh thắng không thể bỏ qua trên con đường di sản miền Trung, nó là biểu tượng vĩnh hằng trong lòng mỗi người con quê hương Đà Nẵng”. Rất nhiều người lưu luyến, bâng khuâng trước vẻ đẹp này đã xuất khẩu thành thơ.

Xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Tản Đà để nói về sức “quyến rũ” của động Huyền Không:

“Rủ nhau lên động Huyền Không

Bụi trần rũ sạch như không có gì”

T.H

Bài viết khác cùng số

Gửi núi Non Nước - Vũ Quần PhươngTân binh phố Đá - Trần Quốc CườngCát cháy - Thanh QuếTĩnh lặng Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Văn ChungTản mạn chuyện nước non - Như HạnhBâng khuâng giữa Động Huyền Không - Thu HàHòn Thủy - “cố nhân” của khách lãng du - Dã ChâuLần theo dấu đá trăm năm - Nguyễn Nhã TiênLạc qua Non Nước... - Văn Thành LêNgũ Hành Sơn đang vươn mình để trở thành đô thị hiện đại - Ban biên tậpThăm lại Ngũ Hành Sơn - Tường LinhBên vú đá Ngũ Hành Sơn - Trinh Đường (1917 - 2001)Ngũ Sơn lĩnh phạm âm - Chí Đình Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868)Cẩm thạch Ngũ Hành - Lê Bá Trinh (1878 - 1934)Huyền sử Non Nước mây - Tô Như ChâuThạch khí danh lam - Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)Viếng cảnh Non Nước - Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu (1853 - 1927)Hoài cảm chùa Non Nước - Phan Bội Châu (1867 - 1940)Viếng động Ngũ Hành – Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)Vịnh Tam Thai - Thích Đại Sán (1633 - 1704)Viết ở Ngũ Hành Sơn - Trần Văn ThọNon Nước chiều xưa - Phan Hoàng PhươngChuông chiều Huyền Không - Phụng LamChiều Ngũ Hành Sơn - Mai Hữu PhướcTrên Ngũ Hành Sơn - Ngân VịnhNgười tạc tượng Bác Hồ ở chân núi Ngũ Hành Sơn - Ngô Văn PhúKhí thiêng Ngũ Hành Sơn những giá trị văn hóa cộng hưởng - Nguyễn Quang Trung TiếnĐôi nét sơ lược về vùng văn hóa Hóa Khuê - Mỹ Thị - Ngũ Hành Sơn - Phan Duy NhânBàn về việc xây dựng Lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư và Lễ hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Bùi Văn TiếngPhổ Đà sơn linh trung Phật một văn bia quý ở Đà Nẵng - Nguyễn Hoàng ThânLăng Ông Tân Trà - Đinh Thị TrangKết quả khai quật Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 2015 - Hồ Tấn Tuấn, Phạm Văn TriệuXây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện - Lê Quang TươiDòng sông Cổ Cò - Trương Văn KhoaTrăn trở làng đá Non Nước - Trần Trung Sáng