Cát cháy - Thanh Quế

05.10.2015

Cát cháy - Thanh Quế

LTS: Tiểu thuyết Cát cháy của Thanh Quế lấy chất liệu từ những hoạt động của Đội du kích thiếu niên Hòa Hải, vùng chân núi Ngũ Hành Sơn, giàu truyền thống cách mạng và văn hóa.

Tập sách đã được giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1981 và là một trong hai tác phẩm đoạt giải thưởng Nhà nước năm 2012 của nhà văn Thanh Quế…

Sau đây, tạp chí Non Nước xin trích giới thiệu chương 2 của tiểu thuyết, miêu tả sinh động một cuộc họp kiểm điểm công tác của Đội du kích thiếu niên.

N.N

 

Đội thiếu niên họp trong một cái đình ở giữa xã, núp dưới bóng mát của những cây mù u. Ngày xưa, đây là nơi thờ cúng thâm nghiêm của bà con. Bây giờ, đại bác Mỹ bắn sụp một mái. Ngói vỡ nát bay tứ tung. Quanh tường, rêu đã mọc lên một lớp dày. Lũ trẻ con qua đây thường dùng tay nạy rêu ném nhau tạo trên tường những mảng loang lổ.

Hôm nay, Đội thiếu niên họp để kiểm điểm công việc trong tuần và bàn nhiệm vụ mới.

Ba bước vào đình giữa lúc các bạn đang tranh luận về một trận đánh nào đó của Đội. Chợt một đứa trẻ tóc bù xù, mặt mày đỏ lửng hẳn vì cãi nhau ngẩng lên nói:

- A, đồng chí Ba đã về. Đồng chí trả tôi ba quả US (1) nghe.

Một cậu bé khoảng mười bốn tuổi, người dong dỏng cao, có mái tóc cúp cua đang ngồi ở góc đình với chị Bảy phụ trách Đội, quay lại hỏi:

- Đồng chí Ba đi với chú Chín về công tác đó hử?

Ba nói nửa đùa nửa thật:

- Báo cáo đồng chí Thấn đội trưởng, tôi đi có một mình. Tôi về xã công tác luôn đây.

Thấn nhìn Ba chằm chằm:

- Giấy giới thiệu của đồng chí đâu?

- Không có giấy tờ gì hết. Tôi về công tác với các đồng chí mà, cần gì giấy tờ.

Thấn tái mặt đi một lúc rồi nói:

- Không có giấy tờ gì tức là đồng chí trốn về. Thay mặt Đội, tôi xin tuyên bố đồng chí không được họp.

Những tiếng cười, tiếng ồn ào rộ lên:

- Nó ngại gian khổ ác liệt, chạy về chiêu hồi như mẹ nó đó.

- Nghe nói ở vùng ranh dạo này bị địch ràng (2), các cơ quan không mang gạo lên căn cứ được, nó đói, nó về kiếm bụng cơm đó.

Chị Bảy có dáng cao to nhưng nước da xanh bủng, vốn là một trong những đội viên đầu tiên của Đội, bây giờ là

cán bộ phụ trách, vỗ tay đốp đốp ra hiệu im lặng.

Ba nhìn chăm chăm vào miệng chị Bảy. Bao giờ, trước khi vào cuộc họp, chị Bảy cũng nhắc đến truyền thống Đội. Theo chị, Đội thiếu niên xã này được hình thành từ những ngày trước đồng khởi. Hồi đó nhiều cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp bị Mỹ Diệm bắt tù hoặc giết. Nhưng xã này có truyền thống đánh Pháp, lại là cửa ngõ Đà Nẵng, nên gây dựng được cơ sở ở đây thì ta mới có điều kiện để mở rộng phong trào ra cả vùng Đông. Những đồng chí còn sống sót, quyết tâm về bám lại xã. Họ được bà con nuôi giấu ngay trong nhà mình. Con cái của họ, những em trạc tuổi các em bây giờ đã dò la tin tức của địch, canh gác hoặc lo cơm nước cho các chú. Tới ngày đồng khởi, Đội ra công khai, gồm mười bảy em. Sau đó, Đội kết nạp thêm đến hàng trăm em. Các em lớn lên tham gia du kích, đi thoát ly hoặc hy sinh. Lớp sau lại thay thế. Nhưng hôm nay, chị Bảy không nhắc truyền thống Đội. Chị chỉ ngồi im, mắt đỏ hoe. Một lát sau, chị mới nói:

- Các em! Hôm nay là bữa họp cuối cùng của chị với các em. Chị bị đau gan nặng nên ở trên cho ra Bắc chữa bệnh. Cấp ủy sẽ cử người thay chị phụ trách các em. Trong khi chưa có ai, chú Năm Hà, Bí thư xã sẽ giúp đỡ cho Đội. Đội ta đã trưởng thành rồi. Các em làm công tác Đội đã quen. Chị rất tin tưởng các em. Chị đi, sẽ cố gắng chữa bệnh cho mau lành để về với các em. Mong các em cố gắng. Bây giờ, chị nói điều này: Chúng ta sẽ tìm hiểu việc bạn Ba sau. Bạn Ba là một đội viên tốt trước đây. Ba xa chúng ta một thời gian. Giờ về không có giấy sinh hoạt, ta cho Ba dự thính. Chúng ta báo cáo xong công việc, sẽ bàn việc này, có khi phải hỏi ý kiến chi ủy nữa. Các em đồng ý không?

- Đồng ý, nhưng bao giờ chị đi?

- Mấy bữa nữa.

- Đừng đi chị à.

- Chị cũng không muốn đi, nhưng các anh ép mãi. Chữa xong bệnh, chị về làm việc với các em tốt hơn.

Cả Đội im lặng. Mấy bạn gái thút thít khóc.

Thấn nói, giọng cảm động:

- Sao chị không nói trước cho chúng em tổ chức liên hoan - Thấn nhìn các bạn - Hay mai ta liên hoan nhé, các bạn?

- Thôi, chị ra Bắc hẳn sướng hơn các em nhiều. Thành tích của các em làm cho chị vui rồi. Chị chữa bệnh xong, thế nào cũng xin được gặp Bác Hồ, báo cáo với Bác về thành tích của Đội ta.

Tất cả bỗng rộn lên:

- Chị ra chị báo cáo với Bác rằng em nhớ Bác lắm. Em có xem ảnh Bác trong tờ tín phiếu (1) của bà em một lần. Bác có chòm râu trắng nè, có mắt sáng nè.

- Chị nói tụi em đánh Mỹ còn ít lắm. Bác đừng buồn nhen. Chúng em sẽ cố hơn nữa.

- Chị nói thiếu nhi xã mình thương Bác nhất nước. Thống nhất Bác vô xã mình trước tiên nghe.

- Nếu chị chưa biết nhà Bác, thì chị đến chỗ ba em, nói ba em dẫn chị đi -Thấn góp thêm vì có một lần cha Thấn viết thư về bảo ông đã được gặp Bác.

Cả Đội ồn ào rồi im lặng. Có một cái gì đó đang đến, lắng sâu vào lòng từng em. Một lát sau, chị Bảy nói:

- Chị sẽ báo cáo với Bác tất cả. Bây giờ các em báo cáo công tác đi.

Tất cả vẫn ngồi im. Một chặp sau thì thằng Mười, một thằng bé khoảng mười hai tuổi, có cái đầu tròn vo như hòn bi, giơ tay lên:

- Hôm nay tôi ăn cắp được một khẩu ARI5 của Mỹ, có mang nộp đây. Hết.

- Không nên nói là ăn cắp, mà phải gọi là thu chiến lợi phẩm chớ -  Con Hoa trạc tuổi Mười, mặc áo hồng, chữa lại.

Một thằng bé to ngang, giọng mới vỡ nói ồ ồ:

- Tổ tôi có nhiệm vụ diệt thằng Đáng. Nhưng vì tôi hồi hộp quá, để dây cháy chậm hơi dài, nên xe nó qua, mìn mới nổ. Nó còn sống nhăn răng. Tôi xin nhận phiết điểm. Tôi làm lần khác.

- Đến ơi, về chơi trò vọc đất với con Xoài em mày cho rồi, đánh với chác - Mười lên giọng chế giễu.

Thằng Đến quát:

- Mày giỏi lắm hở Mười? Bữa nay mới lấy được có một khẩu súng mà mày đã làm tàng rồi.

- Tao không giỏi nhưng cũng chẳng thua mày.

- Tại sao bữa trước, mày đứng gác cho tụi tao đặt mìn vô đầu máy ô tô thằng Mỹ, nghe xe khác rồ rồ mày bỏ chạy?

- Mày ngu quá, tao đi kêu tụi nó đem mìn đến đánh tiếp mấy xe kia chớ bộ.

Chị Bảy lại vỗ tay đốp đốp:

- Thiếu niên yên…

- Lặng.

Trong một phút, cả Đội bỗng im bặt. Nghe rõ tiếng pháo địch từ hạm tàu ngoài biển bắn lên căn cứ của ta. Những loạt cối của bọn Mỹ đóng trong xã cũng đột ngột nổ "oạch oành” như đang giật mình. Chị Bảy nói:

- Các em ạ, bữa nay các em hơi ồn hơn mọi hôm đó. Các em phải chú ý cảnh giác vì đồn địch ở gần ta, bọn điệp lại hay trà trộn trong dân. Bây giờ đã khuya rồi, theo chị, các em sẽ báo cáo cho Thấn ghi vô sổ truyền thống của Đội ta sau. Chị chỉ dặn thêm thế này: các anh ở trên bảo sắp tới sẽ căng hơn trước nay nhiều. Địch nó làm dữ đấy. Mà mình thì nhất định không chịu thua nó. Chúng ta phải cố gắng hơn để giúp đỡ các anh cán bộ, du kích. Các em ạ, các anh lớn vẫn bảo, trong gian khổ ác liệt, con người mới thể hiện hết phẩm chất cao quý hay sự hèn kém của mình. Các em nhớ nghe.

Các em ngồi im. Thật ra, các em chưa hiểu hết "Phẩm chất" là gì. Chỉ biết mình làm theo cái tốt cái hay, bỏ đi cái xấu. Thằng Đến giơ tay:

- Thi đua với bạn Mai Thị Rân, đội viên cũ của Đội ta, giờ công tác ở an ninh quận, vừa diệt một thằng cảnh sát loại bự, lần sau tôi sẽ diệt được tên Đáng.

Giờ đây, trong cái đêm hè nóng nực của năm 1969 này, Đến và các bạn chưa thể biết trước được rằng, người bạn mà Đến vừa hứa sẽ thi đua, người đã cùng sinh hoạt Đội, cùng công tác với các em, sau ngày miền Nam giải phóng đã được Đảng và Chính phủ tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng công an nhân dân. Nhiều tiếng xì xào:

- Có làm được hay không thì nói. Kẻo lại đổ cho dây cháy chậm nữa đấy.

- Được - Đến cất giọng ồ ồ nói -Không được tôi đứt đầu.

Thằng Mười ngọ nguậy cái đầu tròn như hòn bi ngó xung quanh rồi nói:

- Tôi xin diệt một con chó.

Con Hoa mặc áo hồng lại “xì” vào tai nó:

- Diệt chó mà cũng nói.

Mười đỏ mặt:

- Chó là địch, không biết mà cứ xì xì.

- Tôi sẽ diệt được năm tên Mỹ.

- Tôi sẽ mót được năm giạ lúa.

Thằng Thấn ngồi trước bàn, cúi sát bên ngọn đèn ghi chép, ngẩng lên nói:

- Nói từ từ cho người ta ghi chớ.Làm gì mà gào dữ vậy. Gào lắm rồi làm không được cho coi.

Một lát sau, việc thách thức thi đua coi như đã xong. Thấn gập sổ lại, nhìn về phía Ba. Từ nãy giờ, Ba vẫn ngồi im lặng. Ba thấy từ khi mình lên căn cứ đến giờ, ở nhà, các bạn làm được nhiều việc quá. Còn mình thì chẳng làm được gì cả. Ba vừa mừng vừa ghen với thành tích của các bạn. Ba cảm thấy mình bỗng dưng xa lạ, vô tích sự trong cuộc họp. Đôi lúc, nghe các bạn đùa vui Ba cũng mỉm cười, nhưng chợt nhớ mình có quyền gì vui hay buồn trong đó, Ba bỗng mím môi lại, ngồi sâu vào góc tối.

- Bây giờ - Thấn nói - chúng ta quyết nghị việc đồng chí Ba. Đồng chí Ba báo cáo đi, vì sao đồng chí về?

Ba ấp úng:

- Tôi lên căn cứ... lúc đầu làm giao liên... sau phục vụ chú Chín. Tôi ớn việc bưng cơm bưng nước quá trời. Tôi xin về công tác với Đội thôi.

- Đồng chí xin về hay tự ý về?

- Tôi trốn.

- Có phải đồng chí ngại gian khổ ác liệt ở căn cứ không?

- Không.

- Có phải đồng chí về để đi chiêu hồi không?

- Nói bậy - Ba cáu tiết.

Một giọng con gái thanh thanh cất lên:

- Đồng chí ấy ngại gian khổ nên bỏ về đấy.

- Ai bảo - Ba gằn giọng - ai bảo thế hử đồng chí Một?

- Tôi đi trực, tôi nghe các chị ở huyện nói.

- Nói láo - Ba nổi khùng lên - Tôi thích về là tôi về đấy, làm gì tôi.

Cả Đội lại ồn ào:

- Con Xuân làm giao liên cho an ninh quận cũng bỏ về, bảo xin tham gia công tác Đội như mày. Thế mà mới nghe bọn ác ôn hăm he đã cúp đuôi chạy vô Đà Nẵng rồi đấy.

- Tôi đề nghị khai trừ con Xuân. Nghe người ta nói bây giờ nó ăn mặc sang lắm: Đi guốc cao gót nè, má phấn môi son nè. Đồng chí Ba có ngày cũng... cũng thế cho coi.

Ba nói như hét:

- Xuân nào kệ nó, tôi không biết? Tôi mà thế à?

Thằng Đến nói bên tai Ba:

- Con này mày không biết đâu. Nó người xã mình nhưng gia đình sang ở Bình Dương. Nó vô Đội bên đó, đi giao liên từ bên đó. Gia đình về đây nó cũng về đây xin vô sinh hoạt Đội ta, có giấy giới thiệu hẳn hoi. Thế rồi nó đi. Mày lên núi rồi làm sao mày biết nó được.

- Tại sao bay coi tao giống như nó- Ba nói bực tức.

Chị Bảy góp ý:

- Theo chị, em Ba nói như thế, ta sẽ xét sau. Chúng ta hãy nhìn đồng chí trong công việc sau này. Đừng đánh giá bạn như vậy... Cả Xuân cũng vậy. Thôi... sau này các em sẽ hiểu.

Thấn chặc lưỡi một cái rồi nói:

- Thôi được, như chị Bảy nói, lúc này phức tạp. Nếu đồng chí Ba xét mình về có ý tốt (dù bỏ trốn là sai) thì tạm được. Còn đúng như lời đồng chí Một nói thì đồng chí Ba coi lại. Nếu như thế thì đồng chí đã sa sút phẩm chất người đội viên rồi đấy.

Ba cảm thấy buồn giận đến cực độ. Ở căn cứ Ba nhớ các bạn, muốn về với các bạn. Về đây, các bạn lại bảo mình sa sút phẩm chất, ngại gian khổ ác liệt. Muốn đi bộ đội cũng không thành.Muốn được gặp lại bạn bè vui vẻ kể chuyện cho nhau nghe cũng không thành. Sao cái gì cũng không như mình mơ ước thế nhỉ, buồn thật. Giá như lớn hơn, Ba sẽ hiểu rằng, trong cuộc đời, không phải cái gì mình mơ ước cũng có được. Phải phấn đấu không ngừng. Nhưng giờ đây, Ba của tôi còn bé quá, chưa hiểu hết đâu. Cậu ta chỉ đỏ mặt, làu bàu tức giận rồi chạy vù ra khỏi cuộc họp.

T.Q

Bài viết khác cùng số

Gửi núi Non Nước - Vũ Quần PhươngTân binh phố Đá - Trần Quốc CườngCát cháy - Thanh QuếTĩnh lặng Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Văn ChungTản mạn chuyện nước non - Như HạnhBâng khuâng giữa Động Huyền Không - Thu HàHòn Thủy - “cố nhân” của khách lãng du - Dã ChâuLần theo dấu đá trăm năm - Nguyễn Nhã TiênLạc qua Non Nước... - Văn Thành LêNgũ Hành Sơn đang vươn mình để trở thành đô thị hiện đại - Ban biên tậpThăm lại Ngũ Hành Sơn - Tường LinhBên vú đá Ngũ Hành Sơn - Trinh Đường (1917 - 2001)Ngũ Sơn lĩnh phạm âm - Chí Đình Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868)Cẩm thạch Ngũ Hành - Lê Bá Trinh (1878 - 1934)Huyền sử Non Nước mây - Tô Như ChâuThạch khí danh lam - Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)Viếng cảnh Non Nước - Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu (1853 - 1927)Hoài cảm chùa Non Nước - Phan Bội Châu (1867 - 1940)Viếng động Ngũ Hành – Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)Vịnh Tam Thai - Thích Đại Sán (1633 - 1704)Viết ở Ngũ Hành Sơn - Trần Văn ThọNon Nước chiều xưa - Phan Hoàng PhươngChuông chiều Huyền Không - Phụng LamChiều Ngũ Hành Sơn - Mai Hữu PhướcTrên Ngũ Hành Sơn - Ngân VịnhNgười tạc tượng Bác Hồ ở chân núi Ngũ Hành Sơn - Ngô Văn PhúKhí thiêng Ngũ Hành Sơn những giá trị văn hóa cộng hưởng - Nguyễn Quang Trung TiếnĐôi nét sơ lược về vùng văn hóa Hóa Khuê - Mỹ Thị - Ngũ Hành Sơn - Phan Duy NhânBàn về việc xây dựng Lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư và Lễ hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Bùi Văn TiếngPhổ Đà sơn linh trung Phật một văn bia quý ở Đà Nẵng - Nguyễn Hoàng ThânLăng Ông Tân Trà - Đinh Thị TrangKết quả khai quật Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 2015 - Hồ Tấn Tuấn, Phạm Văn TriệuXây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện - Lê Quang TươiDòng sông Cổ Cò - Trương Văn KhoaTrăn trở làng đá Non Nước - Trần Trung Sáng