Đôi nét sơ lược về vùng văn hóa Hóa Khuê - Mỹ Thị - Ngũ Hành Sơn - Phan Duy Nhân
1. Hóa Khuê (còn có tên gọi khác Hóa Quê), là một vùng đất lịch sử - văn hóa có tính nguồn gốc và tính truyền thống quan trọng của thành phố Đà Nẵng nói riêng, và lãnh thổ quốc gia phía Nam (Đàng Trong) nói chung. Nơi đây lưu truyền rất nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa và cách mạng của nhân dân Đà Nẵng. Vùng Hóa Khuê cũ ngày nay thuộc khu vực Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải, Khuê Trung, Hòa Cường, một phần Hòa Quý và lân cận.
Từ trước khi trở thành lãnh thổ của Đại Việt, Hóa Khuê là vùng đất áp sát cửa khẩu Đà Nẵng, nằm ngay hai bên sông Hàn (phần lớn là diện tích phía quận Ngũ Hành Sơn ngày nay), chủ yếu nhân dân Đà Nẵng (gốc từ Đà Nẵng là Ea Nang: con sông già) thời xưa sinh tụ chủ yếu ở vùng Hóa Khuê (tức vùng Mỹ Thị, Non Nước, Khuê Trung, Cẩm Lệ ngày nay). Ở đây, khảo cổ học Việt Nam đã đào thám sát và phát hiện địa tầng văn hóa Sa Huỳnh và địa tầng văn hóa Chăm, về sau đan xen văn hóa Việt.
Từ năm 1308, Đà Nẵng trở thành phần đất cực Nam của Tổ quốc thuộc châu Hóa. Triều đình nhà Trần, do quan hành khiển Đoàn Nhữ Hài hướng dẫn, đã đưa những đợt lưu dân Việt đầu tiên từ miền Bắc vào khai khẩn đất và sinh cơ lập nghiệp, sống đan xen với người Chăm. Chủ yếu ở rải rác ven các dòng sông nằm phía bắc sông Thu Bồn. Riêng Đà Nẵng, cư dân sinh tụ ở ven sông Hàn làm nghề nông, nghề đánh cá, nghề khai thác lâm sản và một số nghề thủ công. Vùng Hóa Khuê là một trong những khu có cư dân tập trung lúc bấy giờ do địa lợi và điều kiện sinh sống, sản xuất cho phép.
Từ Hóa Khuê phát triển rộng ra, hoặc phát triển đồng thời với các vùng An Hải, Hải Châu, Thạc Gián, Thạch Thang… từng bước tiến triển theo thời gian hình thành thành phố Đà Nẵng, và mở rộng dần qua các thời kỳ về sau.
Đời các Chúa Nguyễn và sơ kỳ triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng…) các Chúa và nhà vua đã cho đào duyên giang nối Hóa Khuê với Hội An (và từ Hội An đào tiếp về phía Nam thành sông Trường Giang). Khi Hội An thành thương cảng quốc tế thì duyên giang đã lưu thông nhộn nhịp: các tàu buôn vào cảng Đà Nẵng, rồi theo duyên giang ra vào Hội An.
Các giáo sĩ Tây phương và các vị thiền sư Hoa Nam vào Đàng Trong đều đi theo đường này. Đó là Lộ Cảnh giang, còn gọi là sông Cổ Cò.
Do đường giao thông thuận lợi trực tiếp từ cảng Đà Nẵng, sông Cổ Cò, các sông Vu Gia và Vĩnh Điện đổ về sông Cẩm Lệ, rồi cùng chảy vào sông Hàn, một tụ điểm cư trú và giao thương đã tự nhiên hình thành. Đó là Mỹ Thị, tụ hội bên dòng sông Hàn, sầm uất chỉ sau Hội An. Mỹ Thị ở phía bắc Hóa Khuê, là khởi phát nề nếp sinh hoạt phố phường thị xã, và lớn dần lên hòa nhập thành thành phố Đà Nẵng sau này.
Đời Thiệu Trị, Hóa Khuê được chia thành những làng xã nhỏ hơn: Hóa Khuê Đông, tức Khuê Đông, Khuê Bắc và Khuê Trung…Trong đó làng Khuê Bắc với thôn Bà Đa ở phía Bắc, gần với làng Mỹ Thị. Đời Tự Đức, Mỹ Thị phát triển thành một thị tứ quan trọng, bao gồm Mỹ Thị phố và Mỹ Thị làng, được nhà vua khen tặng “Thiện tục khả phong” (Phong tục tốt đáng khen).
Ven sông Đà Nẵng ( tức sông Hàn), cuối đời triều Tây Sơn và đầu đời triều Nguyễn đã xuất hiện những nhân vật kiệt xuất hoạt động ở tầm cả nước như: Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu)…Đi sâu tìm tòi, có thể còn phát hiện thêm nhiều tài liệu về nhân vật và sự kiện đáng ghi nhớ khác. Ngày nay, các bi ký cho thấy chung quanh vùng Non Nước, chắc rằng ở Mỹ Thị, có nhiều gia đình giàu có người Hoa, người Nhật cư trú, buôn bán và đóng góp xây dựng các chùa chiền nơi đây lúc bấy giờ.
Thời Nguyễn, vua Minh Mạng nhiều lần đến vùng Hóa Khuê, đổi tên Ngũ Chỉ Sơn thành Ngũ Hành Sơn. Công chúa Như Hoa con vua Minh Mạng, tu ở hòn Hỏa Sơn, dưới chân núi có Bến Ngự bên sông Cổ Cò. Vùng Hóa Khuê - Mỹ Thị vào thời đó đã khá sầm uất các sinh hoạt làng nghề và giao thương.
2. Khi Pháp và Tây Ban Nha liên kết đánh chiếm Đà Nẵng, vùng Hóa Khuê - Mỹ Thị trở thành một trận địa vệ quốc oanh liệt. Nơi đây dân binh đã mai phục trong lòng đất ven sông, mình mặc giáp trụ hoặc ở trần, đeo băng vải đỏ, cầm giáo mác, đại đao…, từ trong lòng đất xông lên xáp lá cà, làm cho quân giặc vô cùng khiếp sợ. Tàu giặc Pháp nhiều lần vượt Điện Hải và An Hải, tấn công Hóa Khuê để tiến vào Vĩnh Điện (tỉnh lỵ đương thời), và Hội An hòng nối với Trà Kiệu, Vân Đỏa, Cồn Dầu v.v… nhưng kế hoạch Pháp thất bại, tất cả đều bị đánh lui. Thất bại ở Đà Nẵng sau 19 tháng tiến đánh, không vượt qua được trận địa Hóa Khuê. Đồn Mỹ Thị vẫn kiên cường trụ vững. Ngày 20/3/1860, liên quân Pháp và Tây Ban Nha phải rút lui, rút vào Nam bộ. Về phía ta, hàng nghìn nghĩa sĩ đã anh dũng hy sinh tại Hóa Khuê - Mỹ Thị, một phần đất thiêng liêng thần thánh của Đà Nẵng anh hùng. Đó là tổ tiên của K20 và của Hòa Hải ngày nay.
3. Phong trào Cần Vương và Văn Thân ở Quảng Nam gọi là Phong trào Nghĩa Hội. Bản doanh Nghĩa Hội đóng ở Trung Phước, lập căn cứ Tân Tỉnh ở Quế Lộc - Quế Sơn và mở rộng vùng kiểm soát, lập chính quyền ở khắp tỉnh. Phía Bắc, vùng kiểm soát của Nghĩa Hội duỗi ra tận Hóa Khuê đến núi Ngũ Hành Sơn. Cuộc chiến đấu của nhân dân vùng Hóa Khuê (lúc đó là thành Khuê Bắc, Khuê Trung, Khuê Đông, Khái Tây, Quán Khái, Đa Mặn v.v…) vô cùng anh dũng, đã được Nghĩa Hội tuyên dương (có vị hy sinh đã được Nghĩa Hội phong Quận công, nay còn phần mộ).
4. Trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội, tức cuộc khởi nghĩa Duy Tân, năm 1916 cùng với nhân dân các vùng: Thạc Gián, Hải Châu… vùng Hóa Khuê - Mỹ Thị là một địa bàn tham gia hoạt động sôi nổi. Các nhân vật Lê Châu Hàn, Lê Cảnh Vận… cùng đông đảo nhân dân Mỹ Thị đã trực tiếp hăng hái hoạt động dưới sự chỉ đạo của các chí sĩ Trần Cao Vân, Thái Phiên, Châu Thượng Văn…
5. Sau những năm 30, nhiều chi bộ Đảng Cộng sản lần lượt ra đời, lãnh đạo nhân dân các làng xã Ngũ Hành Sơn tiến lên cùng phong trào cách mạng chung của toàn tỉnh và thành phố Đà Nẵng.
6. Trong kháng chiến chống Pháp: Khi mặt trận Đà Nẵng vỡ, năm 1946, vùng Hòa Hải, Hòa Quý (tức Hóa Khuê ngày trước) là phòng tuyến rút lui của quân và dân thành phố, và phòng ngự kháng chiến suốt 9 năm. Nhiều liệt sĩ đã hy sinh ven sông Cổ Cò ở vùng núi Ghềnh cạnh đình Khuê Bắc.
7. Trong kháng chiến chống Mỹ: xã Hòa Hải anh hùng, K20 và một phần xã Hòa Quý nằm sát bên cạnh căn cứ quân sự Mỹ (sân bay Nước Mặn, Non Nước, Sơn Trà…) và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 Sài Gòn. Ở sát núi Ghềnh và đình Khuê Bắc là trận địa giao tranh giằng co ác liệt (có trận Mỹ thả bom xăng đốt cháy cả núi Ghềnh và một vùng rừng cây chung quanh đình Khuê Bắc để càn quét). Ngũ Hành Sơn còn là trận địa vang danh anh hùng Phan Hành Sơn v.v…
Vùng Hóa Khuê cũ (nay là Hòa Hải, Khuê Mỹ, Mỹ An, Khuê Trung, Hòa Cường…) nối liền với quận Sông Đà (chủ yếu trên sông Hàn) là một quận anh hùng của thành phố Đà Nẵng kháng chiến, có vai trò quan trọng, to lớn trong tổng tiến công - tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, và chiến dịch giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng 29/3/1975.
8. Vùng Hóa Khuê có vị trí gần cửa cảng và là một vùng nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, thủ công nghiệp, và công nghiệp liên kết, thời cận - hiện đại, đã hình thành và không ngừng phát triển thành vùng văn hóa phong phú, đa dạng. Đặc sắc nơi đây còn nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, có sông Hàn, sông Cổ Cò, bờ biển chạy dài từ nông thôn tiếp nối vùng đô thị. Đi sâu nghiên cứu, chắc chắn sẽ còn tìm thấy những nét đặc sắc về văn hóa trong quá trình hình thành và phát triển.
Vùng lịch sử - văn hóa Hóa Khuê - Mỹ Thị - Ngũ Hành Sơn đến ngày nay còn nhiều di chỉ, di tích. Song tiêu biểu hơn cả là Đình Khuê Bắc (ít nhất 300 năm tuổi), khu căn cứ K20, chùa Thái Bình, chùa Tam Thai, chùa Khuê Bắc, chùa Khuê Đông, miếu thờ Công chúa Huyền Trân, đền thờ Tam Vị Thổ thần Chăm, mộ mẹ Đô đốc Trần Quang Diệu, những địa điểm kỷ niệm đồng bào và chiến sĩ hy sinh qua các cuộc kháng chiến cứu nước.
Ngày nay, chúng ta tìm về nguồn cội và truyền thống lịch sử - văn hóa vùng đất Hóa Khuê của cha ông để nhớ ơn, hàm dưỡng và phát huy trong tiến trình đi lên xây dựng quận Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng kiên cường, văn minh và hiện đại.
P.D.N