Bàn về việc xây dựng Lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư và Lễ hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Bùi Văn Tiếng
Theo chân những tiên dân Quảng Nam có nguồn gốc Thanh - Nghệ ở Đàng Ngoài, làng nghề đá Non Nước được hình thành tại vùng đất Ngũ Hành Sơn chừng bốn trăm năm nay. Từ một làng nghề chuyên chế tác sản phẩm bằng đá phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của con người như cái cối xay lúa xay bột, cái chày đâm tiêu giã ớt, hòn đá buộc dây neo thuyền…, hoặc đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người như bia mộ…, đến một làng nghề chuyên chế tác sản phẩm bằng đá mang tính mỹ thuật tinh xảo hơn như tạc bộ ấm chén trà, tượng linh vật, khắc văn bia…, rồi đến một làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã trải qua mấy thế kỷ thăng trầm cùng lịch sử. Và nói đến làng nghề là nói đến Tổ nghề và lễ giỗ Tổ nghề. Từ năm 1971 đến nay, những người thợ đá Non Nước thống nhất chọn ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ Thạch nghệ Tổ sư tại Nhà thờ tổ dưới chân ngọn
Mộc Sơn.
Tín ngưỡng thờ cúng Tổ nghề - một hoặc nhiều người có công lớn đối với việc sáng lập và truyền bá một nghề nào đó, ở đây là thờ Thạch nghệ Tổ sư của làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - xuất phát trước tiên từ ý thức cố kết cộng đồng của người Việt/người Quảng. Xét riêng ở cấp độ vi mô, ý thức cố kết cộng đồng là chất keo kết dính tạo thành sức mạnh tập thể của những người cùng họ, cùng làng nghề, cùng làng... Ý thức cố kết cộng đồng của những người cùng họ, những người cùng làng nghề và những người cùng làng là động lực tinh thần để hình thành và phát triển làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn trong quá khứ nhưng có nơi có lúc cũng có thể trở thành trở lực của phát triển, chẳng hạn như tâm lý giấu nghề…
Trước hết đó là ý thức cố kết của những người cùng họ. Ở Đàng Trong nói chung không có những làng mang tên một họ như kiểu Bùi Xá, Đào Xá… nhưng ý thức cố kết của những người cùng họ trong một làng vẫn rất rõ - thể hiện qua niềm tự hào về dòng họ, về công đức của các bậc tiền nhân trong dòng họ, hay qua tập tục dẫy mả/chạp mả hằng năm của chi/phái/tộc. Tiếp theo là ý thức cố kết của những người cùng một làng nghề. Làng Quán Khái về sau tuy tách thành hai làng - Quán Khái Đông giáp và Quán Khái Tây giáp - như ghi nhận của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục nhưng chỉ làng Quán Khái Đông, còn được gọi tắt là làng Khái Đông, mới chuyển đổi từ “nhất làm nông, nhì đục đá” thành “nhất đục đá, nhì làm nông”
và phát triển nghề điêu khắc đá từ đó
đến giờ.
Những người Khái Đông luôn tự hào về làng nghề “thổi hồn vào đá” của mình (người trong làng nghề vẫn lưu truyền câu hát dân gian: “Lấy chồng thợ đá ăn chi/ Mang ba mũi xó xách đi xách về/ Em ơi, đừng nói mà quê/ Lấy chồng thợ đá có nghề trong tay/ Ra đi chân dép chân giày/ Làng nào xã nấy vòng tay: Thưa thầy). Có thể nói làng nghề này không thể được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nếu không có ý thức cố kết cộng đồng của bao thế hệ người cùng làng nghề Quán Khái. Tiếp nữa là ý thức cố kết của những người cùng một làng, cùng quần cư trên một địa bàn sinh sống. Làng Quán Khái chủ yếu vẫn là một làng thuần nông, nghĩa là còn có nghề làm ruộng chứ không chỉ có nghề đục đá. Người làng Quán Khái cùng đi chung trên một dòng lịch sử, luôn tự hào về công lao khai sơn phá thạch của ông cha mình nói riêng và của các tiền hiền trong làng nói chung, đặc biệt đều tôn vinh và thờ cúng Thành hoàng làng.. .
Tín ngưỡng thờ Thạch nghệ Tổ sư của làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước cũng xuất phát từ quan niệm Tôn sư trọng đạo/Uống nước nhớ nguồn của người Việt. Quan niệm Tôn sư trọng đạo/Uống nước nhớ nguồn trong dạy - học chữ thì rõ rồi. Người xưa cho rằng Nhất tự vi sư, bán tự vi sư/Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Xem là thầy cũng là biểu hiện của truyền thống Tôn sư trọng đạo/Uống nước nhớ nguồn trong dạy-học chữ. Dạy-học nghề có số lượng người dạy và người học ít hơn so với dạy-học chữ và phạm vi cũng thu hẹp trong từng nghề, nên tình cảm thầy-trò càng thân thiết hơn, do vậy ngoài việc tôn sư trọng đạo/uống nước nhớ nguồn trong quan hệ thầy-trò trực tiếp, người học nghề còn thể hiện lòng tôn kính và biết ơn đối với Tổ nghề, kể cả những Tổ nghề xuyên quốc gia như Hippocrates trong nghề y, hay như Lỗ Ban trong nghề xây dựng…
Tín ngưỡng thờ Thạch nghệ Tổ sư của làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước còn xuất phát từ quan niệm Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - một quan niệm phổ biến của người Việt đối với nghề nghiệp. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh xét theo nhãn quan của từng người làm nghề là tinh thông một nghề, giỏi giang một nghề thì tấm thân được sung sướng; còn xét theo nhãn quan cố kết cộng đồng của cả làng nghề, nhất nghệ tinh nhất thân vinh nghĩa là một làng nghề có thương hiệu, có nhiều sản phẩm chất lượng cao thì người trong làng được giàu sang.
Chính quan niệm này là động lực để từng người trong làng có thể chuyên tâm theo đuổi nghề truyền thống của làng và quan trọng hơn là chuyên tâm học nghề để có tay nghề cao, có sáng tạo trong nghề, góp phần tạo nên thương hiệu của làng nghề mình; đồng thời cũng là động lực để người trong làng tự hào về làng nghề mình, về nghề truyền thống của làng mình. Tổ nghề được hậu thế tôn vinh bởi trước hết đây là một người giỏi nghề, là bậc thầy trong nghề, là bằng chứng hùng hồn cho quan niệm Nhất nghệ tinh nhất thân vinh xét theo nhãn quan của từng người làm nghề; đồng thời cũng bởi đây là người có công truyền dạy nghề cho người cùng dòng họ, người cùng làng nghề, không chỉ trao truyền về kỹ thuật, nghệ thuật mà chủ yếu là trao truyền tình yêu nghề và bản lĩnh vượt qua những thách thức trong nghề, góp phần khẳng định quan niệm Nhất nghệ tinh nhất thân vinh theo nhãn quan cố kết cộng đồng của cả làng nghề.
Tín ngưỡng thờ Thạch nghệ Tổ sư của làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước còn xuất phát từ quan niệm về vai trò của cá nhân đối với nghề và làng nghề truyền thống. Điều này cho thấy người Việt/người Quảng vẫn luôn đề cao những cá nhân xuất chúng có công mang lại cho cộng đồng làng một thương hiệu để tự hào và quan trọng hơn là để được giàu sang. Vấn đề ở đây là cộng đồng chọn tôn vinh ai? Câu trả lời là người Việt/người Quảng thường chọn tôn vinh người có công trực tiếp với làng nghề mình, chứ không hẳn là chọn tôn vinh người có công sáng lập và truyền bá nghề này trên phạm vi rộng hơn. Chẳng hạn Đặng Huy Trứ được xem là ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam, là người có công sáng lập và truyền bá nghề nhiếp ảnh vào nước ta - ngày 14 tháng 3 năm 1869 ông đã mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội. Tuy nhiên làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội lại tổ chức lễ giỗ Tổ vào ngày 20 tháng 4 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công lao của ông Nguyễn Đình Khánh - người mở hiệu ảnh Khánh Ký vào năm 1892 ở Phố Hàng Da, Hà Nội - bởi ngoài việc chuyên chụp hình chân dung, ông Nguyễn Đình Khánh/Khánh Ký còn mướn và huấn luyện cho nhiều người - mà đa số là từ làng Lai Xá - nghề chụp ảnh, và có thể nói làng Lai Xá ngày nay có truyền thống nghề nhiếp ảnh là nhờ ông Khánh Ký.
Cũng chính vì thế mà có khi cùng một nghề nhưng mỗi làng nghề lại thờ một vị tổ nghề khác nhau, chẳng hạn như cùng là nghề điêu khắc đá mỹ nghệ, nhưng trong khi làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Bửu Long - Biên Hòa thì thờ tổ nghề là ông Ngũ Đinh - một người Hoa Minh Hương, còn làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân - Hoa Lư lại thờ tổ nghề là ông Hoàng Sùng quê gốc Thanh Hóa… Điều đáng chú ý là mấy chục năm nay, người làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn khi cúng giỗ Tổ nghề, do chưa minh định được ai là Tổ của làng nghề mình, hỏi các bậc cao niên trong làng cũng không ai còn nhớ, nên đành khấn bằng một danh xưng rất chung là Thạch nghệ Tổ sư…
Có thể nói đây là món nợ tinh thần cần phải trả của giới sử học Đà Nẵng đối với người dân làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Thật ra nhiều lần giới truyền thông cũng đã nhắc đến tên tuổi cụ Huỳnh Bá Quát với tư cách là Tổ nghề đá Non Nước, nhưng sử liệu đang được công bố vẫn chưa đủ sức thuyết phục các tộc họ khác trong làng nghề. Ở đây không có chuyện các tộc họ khác muốn giành sự tôn vinh cao quý này cho người họ mình, chẳng qua do cảm thấy sử liệu đưa ra nhằm tôn vinh cụ Huỳnh Bá Quát là Tổ nghề chưa đủ độ tin cậy và khách quan. Có người còn lập luận rằng trong những thế hệ nghệ nhân giỏi nghề/nổi tiếng trong làng nghề mấy chục năm nay không có hậu duệ tộc Huỳnh Bá, chứng tỏ ít có khả năng… một Tổ nghề là người tộc Huỳnh Bá.
Thực ra bộ ấm chén bằng đá cẩm thạch đỏ được chế tác theo yêu cầu của vua triều Nguyễn từng gắn liền với tên tuổi của người thợ đá Quán Khái Huỳnh Bá Triêm. Và tất nhiên ở đời cũng không hiếm trường hợp cha làm thầy con đốt sách, hiểu theo nghĩa có khi truyền nhân đích thực của Tổ nghề không phải là con cháu trực hệ, cũng không phải là con cháu trong họ - bởi với một nghề vừa mang tính kỹ thuật lại vừa mang tính nghệ thuật đòi hỏi vừa đôi tay tài hoa vừa đôi mắt thẩm mỹ, con cháu trực hệ/con cháu trong họ không phải ai cũng có thể theo đuổi được - mà là những đệ tử thuộc họ tộc khác trong làng nghề. Chính vì thế mà Lễ giỗ Tổ nghề còn là dịp để người cùng làng nghề tưởng nhớ các đệ tử tài năng thuộc thế hệ sau - cả người cùng họ lẫn người khác họ với Tổ nghề, chẳng hạn như Huỳnh Bá Triêm, Nguyễn Chất… Hy vọng trong một thời gian không xa nữa, giới sử học Đà Nẵng sẽ xác định được một cách đầy thuyết phục về danh tính vị Thạch nghệ Tổ sư cùng các bậc “hậu hiền” đáng kính của làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước.
Lễ giỗ Tổ nghề và Lễ hội dân gian làng nghề là hai quy mô khác nhau, trong đó Lễ giỗ Tổ nghề - yếu tố trung tâm của Lễ hội dân gian làng nghề - có quy mô nhỏ hơn. Chính vì thế Lễ giỗ Tổ nghề có thể phát triển mà cũng có thể không phát triển thành Lễ hội dân gian làng nghề. Nếu Lễ giỗ Tổ nghề không trở thành một sinh hoạt tinh thần không thể thiếu của người làng nghề, được đông đảo người làng nghề háo hức tham gia thì khó có thể phát triển thành Lễ hội dân gian làng nghề. Nói cách khác nếu không quan tâm đúng mức đến vấn đề chủ thể tham gia lễ hội thì không thể có một sinh hoạt văn hóa dân gian đúng nghĩa. Nhiều năm nay, lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm của làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước rất thành công trong việc huy động được đông đảo người làm nghề tham gia. Chỉ cần mỗi người làm nghề đến trước bàn thờ Tổ thành kính thắp một nén nhang thì lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư đã đạt yêu cầu như mong đợi rồi. Động thái này nhằm ba mục đích: giáo dục lòng yêu nghề; nâng cao ý thức Tôn sư trọng đạo, Uống nước nhớ nguồn; nâng cao ý thức không ngừng rèn luyện nâng cao tay nghề để chế tác những sản phẩm thực sự có chất lượng.
Mặt khác, song song với việc chờ đợi giới sử học xác định danh tính vị Thạch nghệ Tổ sư cùng các bậc “hậu hiền” với những chứng cứ thật sự khoa học, có thể tổ chức tốt hơn, hoàn thiện hơn phần hội ngay trong Lễ giỗ nhằm tạo tiền đề cho việc phát triển thành lễ hội làng nghề ở những năm sau, chẳng hạn như có thể tổ chức triển lãm sản phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ được giới chuyên môn đánh giá đẹp nhất, được khách hàng mua nhiều nhất, có lượng xuất khẩu cao nhất trong năm; hoặc tổ chức thi Bàn tay vàng dành cho các nghệ nhân… Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu còn gợi ý nên có tiết mục cưa đá bằng tay - chứ không phải bằng máy - và cho rằng tiết mục này cùng với những thao tác nghề nghiệp mang tính chất cổ truyền có sức hấp dẫn đối với du khách thập phương không chỉ trong các lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư hay lễ hội làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước mà còn ngay trong thời điểm du khách dừng chân hằng ngày ở sáu ngọn Ngũ Hành để tham quan và mua các mặt hàng lưu niệm độc đáo in đậm dấu vân tay tài hoa của những người thợ đá dưới chân Vọng hải đài…
B.V.T