Lần theo dấu đá trăm năm - Nguyễn Nhã Tiên
Cho dù vùng thắng tích Ngũ Hành Sơn bây giờ đang từng ngày khoác lên mình chiếc áo mới lộng lẫy, những con đường Huyền Trân Công Chúa, Sư Vạn Hạnh, Lê Văn Hiến…mở rộng thênh thang như những xa lộ hiện đại tiến thẳng về phía tương lai, thế nhưng âm vang chạm khắc vào đá của một làng nghề truyền thống lại cứ dẫn dắt tôi đi giữa bốn bề đá núi ! Em ru gì lời ru cho đá, đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian…Lang thang dưới ngọn Thủy Sơn hát thầm như hòa ca cùng gió biển thổi tạt vào vách đá, chợt nghe tiếng âm âm u u của biển nghìn trùng dội lại, tôi ngước nhìn những vết xước, những dấu mòn của gió, của nắng mưa dầu dãi mà hiểu ra cái lẽ “ vết sẹo thời gian” như một triết lý biến dịch qua thực chứng của thời gian. Thực ra, kinh nghiệm sống đã vẽ ra con đường thời gian, cái dòng chảy miên viễn “ sông cạn đá mòn” tự ngàn xưa cha ông ta đã đúc kết rồi, nói gì đến xa xôi vĩnh cửu. Ấy vậy mà vẫn cứ phải lấy đá làm biểu tượng cho sự bền bỉ, sự lâu đời, sự ký thác chuyện vàng phai thiên thu
đá tạc.
Thực ra không phải cho đến bây giờ cái làng đá mỹ nghệ Non Nước mới xuất hiện để tô vẽ thêm một nét son đời sống góp phần làm đẹp cho danh thắng Ngũ Hành Sơn, mà từ xa xưa, kể từ buổi cái địa danh làng Quán Khái xuất hiện trên bản đồ của vùng đất Quảng. Có người cho rằng, nếu xếp thứ hạng các làng nghề thủ công nổi tiếng ở Đà Nẵng thì làng đá Non Nước ở Ngũ Hành Sơn có tuổi đời thuộc vào hàng anh cả. Đúng sai nhường nào tôi không rõ lắm, nhưng quả thực những vườn tượng nổi tiếng lâu đời ở Non Nước như của nghệ nhân Nguyễn Long Bửu thì quả không mấy ai không biết tới. Cũng có thể nói không ngoa, đây là cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ thuộc loại hàng đầu của hơn ba trăm cơ sở sản xuất và buôn bán đá mỹ nghệ ở quận Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng.
Có lẽ từ xa xưa, thuở lập làng cho đến bây giờ chưa từng có một dự án lớn quy hoạch làng nghề nào như làng đá Non Nước đang thì hiện tại. Tất nhiên thành phố không ngừng mở mang phát triển thì một làng nghề như làng đá mỹ nghệ Non Nước không thể đứng ngoài cuộc. Chính những lớp nghệ nhân bây giờ tiếp nối vào con đường thời gian dằng dặc hơn bốn thế kỷ, kể từ thuở các bậc tiền nhân xa xưa từ Thanh Hóa, trên đường mở đất lập nghiệp phương Nam đã mang theo nghề đá cổ truyền vào làng Quán Khái - Hòa Vang tạo dựng cơ nghiệp buổi đầu. Ai cũng hiểu rằng, thuở đầu khai sơn phá thạch, mở mang lập nên làng, nghề đá chưa phải là nghề chính đủ sức nuôi dân làng, mà chính là cày cuốc như bao làng quê nông nghiệp khác. Những lúc nông nhàn rảnh rỗi, người dân làng Quán Khái mới lấy nguyên liệu từ đá núi Ngũ Hành Sơn về đục đẽo,mài giũa làm nên những dụng cụ sinh hoạt trong gia đình như: cối xay, cối giã, chày đá…Cũng có nhiều địa phương khác ở khắp nơi nghe tiếng thợ đá làng Quán Khái tạc bia mộ, chạm trổ, khắc chữ đẹp, họ đã đến tận nơi mời về làng mình chạm trổ đình miếu, bia mộ. Dựa vào những năm dựng bia mộ cho các bậc tiền hiền họ Huỳnh, họ Lê nơi đây, ta có thể hiểu được bề dày lịch sử của làng Quán Khái và sự phát triển của nghề đá vào những năm thuộc thế kỷ XVII. Văn bia “Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lạc” được khắc vào vách đá động Vân Thông năm Tân Tỵ (1641) trên hòn Thủy Sơn, và văn bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” được khắc vào vách đá động Hoa Nghiêm năm Canh Thìn (1640), có thể xem đây là những dấu tích khởi nghiệp của những bàn tay tài hoa của lớp nghệ nhân đầu tiên làng đá Quán Khái.
Theo các nhà nghiên cứu, cũng theo tiến trình thời gian, do sự sắp xếp tự nhiên, tất cả những người làng nghề ở liền với nhau để tiện các sinh hoạt, truyền nối tiếp tục nghề nghiệp cha ông, từ đó đã có những tổ chức quy hoạch đầu tiên, làng Quán Khái được tách ra thành hai làng: Quán Khái Tây và Quán Khái Đông. Chuyên về nghề đá, dân làng Quán Khái Đông khai thác các loại đá cẩm thạch, hoa cương tại núi Ngũ Hành Sơn để sản xuất, chế tác, làm nên những sản phẩm mỹ nghệ đá như đồ trang sức, trang trí, trưng bày giao lưu buôn bán với nhiều địa phương khác. Kinh thành Huế do các vua triều Nguyễn xây dựng cũng đã có nhiều đóng góp của những người thợ đá làng Quán Khái Đông. Nhờ luôn học hỏi và mở rộng giao lưu khắp mọi nơi và sự thông minh sáng tạo cùng với đức tính cần cù lao động, làng nghề Quán Khái Đông đã đánh dấu một bước phát triển trong thời kỳ này.
Làng nghề đá Non Nước ngày nay là sự kế thừa tiếp nối làng nghề đá Quán Khái ngày xưa. Do bởi suốt một thời đất nước chiến tranh, dân làng Quán Khái đã chuyển ra sinh sống ở làng mới Khuê Bắc nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn lập nên làng mới Non Nước. Ngày nay, sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đã trở thành thương hiệu quen thuộc, không chỉ trong nước mà còn có mặt nhiều nơi trên thế giới. Người khắp nơi mua sắm làm kỷ niệm trong những chuyến du lịch đến Đà Nẵng cũng có, hoặc sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước được xuất khẩu sang các thị trường: Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ, Úc, Hồng Kông… cũng có. Mặt hàng làng đá Non Nước phong phú, đa dạng. Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước ngày nay không chỉ qua bàn tay thủ công tài hoa của các nghệ nhân, mà còn là sự tiếp sức qua các quy trình máy móc hiện đại, đặc biệt còn có tranh khắc đá và tượng nghệ thuật có giá trị mỹ thuật cao tạo dựng nên thương hiệu độc đáo trong lòng du khách. Tôi đã thử cầm lên một tượng Chăm theo vũ điệu Áp-sa-ra trong một cửa hàng nằm trên đường Hoàng Sa, hỏi giá thành. Cô gái chủ cửa hàng vừa duyên dáng cười vừa trò chuyện với tôi: “Cũng còn tùy theo khách. Có lần một vị khách người nước ngoài hỏi mua một tượng như thế này, người bán hàng vì không biết tiếng nước ngoài đã ra dấu trên bàn tay ý chừng 300.000 ngàn đồng, không ngờ vị khách ấy đã rút tiền trong ví ra trả đến những 300 đô-la. Tất nhiên, người bán hàng không vì thế mà đánh mất đi sự trung thực về cái giá của từng loại sản phẩm ấy. Oái oăm là ở cái chỗ…nghệ thuật đó, bởi vì khi nói giá thành thấp xuống đúng với quy định, người khách nước ngoài đã lặng lẽ bỏ đi. Thế nên, nói đến giá thành có khi nó…vô giá thật, có thể hiểu là cứ thấy thuận là bán.” Nghe câu chuyện cứ như là giai thoại mà lại là hiện thực. Tôi có người bạn thân rất say mê trò chơi mà anh gọi tên là “ cổ tích đá”. Anh không là người có tay nghề chế tác các loại đá, anh chỉ yêu đá tự nhiên, thường hay lên núi lặn lội nơi các dòng suối săn lùng các loại đá có dáng dấp đủ các hình thù, rồi đặt tên như người sáng tác đặt tên cho tác phẩm: Thiền sư, Cô gái quê, Trăng rằm…Ấy vậy mà có viên đá được người thích thú bằng lòng mua đến cái giá cả chục triệu đồng. Kể ra trường hợp này, cũng là cách để tôi chứng minh cái điều cô chủ cửa hàng đá nói về sự vô giá của mặt hàng đá mỹ nghệ là không có gì khó hiểu.
Nhiều cơ sở sản xuất làng đá Non Nước hiện nay nổi tiếng trong cả nước như: Xuất Ánh, Tiến Hiếu, Nguyễn Hùng, Phan Chi Lăng, Nguyễn Sáng… Khách thưởng lãm làng nghề có thể đi dọc theo con đường Hoàng Sa nhìn cơ ngơi đồ sộ của các cơ sở ấy để hiểu ra sức sống của làng nghề đá Non Nước của thời hiện đại bây giờ. Chỉ có điều, từ vài chục năm nay, nguồn nguyên liệu cho cả làng nghề sản xuất là mua từ khắp nơi vận chuyển về, tuyệt nhiên không ai được phép khai thác nguyên liệu phá vỡ cảnh quan của vùng thắng tích Ngũ Hành Sơn. Từng cơ sở, tùy thuộc vào từng loại sản phẩm chế tác mà mua đá nguyên liệu. Đá trắng mua ở Nghệ An, đá vân gỗ, đá hường, đá đỏ hoa, đá firo mua ở Hà Tây, đá cẩm đen mua ở Ninh Bình. Đặc biệt điêu khắc tượng Chăm phải dùng chất liệu đá sa thạch ở Quảng Nam. Nói đến điêu khắc tượng, dân làng nghề đá Non Nước dường như không ai là không biết đến bàn tay nghề bậc thầy chuyên làm tượng nghệ thuật Chăm của cụ Lê Bền. Với tôi, hình ảnh đẹp của lão nghệ nhân Lê Bền có lẽ mãi mãi song hành cùng với làng nghề đá Non Nước này. Cố nhiên trước cụ, hay đồng hành với lớp của cụ còn nhiều bậc nghệ nhân sáng danh khác, nhưng cái ấn tượng buổi đầu tôi gặp cụ Lê Bền có lẽ là hình ảnh đã khảm khắc vào tôi như… đá núi ! Theo cụ nghệ nhân Lê Bền, đến đời cụ là đời thứ sáu của dòng họ Lê làm nghề điêu khắc đá cổ truyền ở làng đá này. Câu chuyện vào một buổi trưa mùa hạ cách nay gần hai mươi năm rồi, vậy mà nhắm mắt lại là tôi hình dung cái nụ cười phúc hậu của ông già làng đá luôn tươi tắn trên môi. Cụ hào hứng kể chuyện đời, chuyện nghề mê say đến nỗi, đang giữa chừng câu chuyện, cụ Lê Bền chuyển qua hát mấy câu hò khoan mà tôi còn thuộc lòng cho đến tận bây giờ: Quê tôi Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng/ Quán Khái Đông – Hòa Hải, sinh thành / Nho phong nền nếp gia đình/ Thạch nghệ điêu khắc, nghệ tinh cổ truyền…/ Tạc tượng Phật, chạm rồng lân/ Chuyên điêu khắc tượng đồ Hời cổ xưa/ Mặc dãi dầu chiều mưa nắng sớm/ Vẫn cuộc đời thầm lặng yêu thương… Hóa ra cụ Lê Bền còn soạn cả một bài biền ngẫu ngót mấy trăm câu, mà cụ đặt tên là “Bài hạnh thuật cuộc đời”.
Ngồi nghe cụ Lê Bền kể chuyện, lúc cao hứng cụ hò khoan như để hả dạ, tôi và người bạn cùng đi cứ há mồm ra xuýt xoa khen lấy khen để. Cái thanh âm hào sảng của người nghệ sĩ già vang vang, từ bấy trong lòng tôi, cứ như một lời phúng dụ trăm năm đá tạc, vừa mạnh mẽ vừa bền bỉ nhưng ngất ngây lãng mạn như từng cơn gió biển dội vào đá núi thi thố với thời gian. Ngày còn trẻ trung cụ từng là giáo viên dạy điêu khắc thực hành tại trường Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Trong các công trình phục chế tượng cổ ở Huế và nhiều nơi khác, nơi đâu cụ cũng được mời tham gia. Cái tác phẩm lớn nhất để đời của cụ Lê Bền là tượng chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu dựng tại đài tưởng niệm ở Hội An. Tượng có chiều cao 5 mét, đứng trên bục cao 10 mét, bằng chất liệu đá sa thạch. Bữa đó, vui nhất là nghe cụ Lê Bền kể chuyện đóng phim làng nghề. Những đoàn làm phim đến quay cảnh sinh hoạt làng nghề đá Non Nước, đoàn nào cũng nhờ cụ diễn lại vai người thầy truyền dạy nghề cho lớp con cháu. Cụ kể: “Ở trần trùng trục dạy học trò tạc tượng, lấy đâu ra mồ hôi mà thể hiện sự cực khổ gian nan của nghề thợ đá, vậy là phải lấy nước đổ lên mình cho nó…ra mồ hôi”. Tôi nói đùa theo: “Thế là ngoài một nghệ nhân điêu khắc, cụ còn là một tài tử điện ảnh nữa rồi”. Vẫn nụ cười phúc hậu tươi tắn nở trên môi, dù thời điểm đó tuổi cụ đã cao, lại vừa trải qua một cơn bệnh tai biến hiểm nghèo, người nghệ nhân già vẫn thường ở bên đàn con cháu truyền dạy những tinh hoa cao quý của nghề nghiệp đúng như những vần thơ biền ngẫu của cụ: Đức để đời quý hơn vàng bạc/ Nghề cho con ấm mát cuộc đời/ Trăm năm một cuộc đầy vơi…Với cụ Lê Bền là một trăm năm có hậu, bởi nhiều thế hệ cháu con, học trò của làng nghề đá Non Nước rồi sẽ khảm khắc tiếp vào đá cái bài trường ca “Hạnh thuật cuộc đời”, như thế hệ cụ Lê Bền từng nối tiếp vào những bốn trăm năm bước đi của làng nghề, kể từ buổi lập nên cái làng Quán Khái xa xưa cho đến làng Quán Khái Đông, và tiếp đến làng đá Non Nước ngày nay.
Đi dọc con đường Huyền Trân Công Chúa trong cái màu nắng tháng tám chói chang, hầm hập và khét nồng mùi nhựa đường mới. Ai đó, nếu xa làng đá vài ba năm vừa trở về rất có thể sẽ ngỡ ngàng trước những đổi thay đến lạ lẫm của từng con đường. Tôi cũng vậy, dường như sự lấn át của phố phường hiện đại đã phần nào che khuất cái đẹp của gương mặt thường hằng nét trầm tư của làng nghề đá. Lòng hoài cảm hay là gì tôi không biết, hay là có một giống loài đá từ lâu trên Ngũ Hành Sơn đã dạy tôi bài học về sự lặng câm mà dường như thăm thẳm lời tịch ngôn vô tận. Không, đá nói đấy chứ lặng câm nỗi gì. Có điều đá mượn hình nhân của con người để ký thác lời của thiên thu, ví như thi sĩ Bertol Brecht đã cất lên thành thơ: Nếu viên sỏi nói sẽ rơi trở lại, lúc anh ném nó lên không. Anh có thể tin vào viên sỏi… Vâng, viên sỏi sẽ rơi trở lại, cái quy luật ấy là vĩnh cửu. Hãy ký thác hết vào đá sức vóc và tâm hồn của anh, đá sẽ ở lại với đời. Thiên nhiên đấy, hãy tin vào đá ! Nó vừa là xác vừa là hồn, biết chăm sóc và gìn giữ thì…bốn trăm năm rồi một làng đá vẫn kiêu hãnh dưới bóng núi Ngũ Hành Sơn đẹp mê hồn một góc trời Đà Nẵng.
N.N.T