Trăn trở làng đá Non Nước - Trần Trung Sáng

05.10.2015

Trăn trở làng đá Non Nước - Trần Trung Sáng

Là một làng đá mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng cả nước, đặc biệt trong hơn một thập niên gần đây, làng nghề Non Nước chủ yếu phát triển nhờ các mặt hàng mỹ nghệ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Trong đó, không thể phủ nhận  mặt hàng sư tử đá (có hình mẫu giống con lân) là một trong những mặt hàng bán rất chạy, giúp cho hộ gia đình , nhiều cơ sở sản xuất tại địa phương nâng cao đời sống rõ rệt. Chính vì vậy, đến nay, khi có khuyến cáo vận động không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì những mẫu linh vật ngoại lai này không tiếp tục sản xuất ra được nữa. Những nghệ nhân và các cơ sở sản xuất  tại làng đá Non Nước thực sự đứng trước những thách thức khó khăn nhất định, bởi những sản phẩm linh vật ngoại lai sản xuất hàng loạt trước kia rơi vào tình trạng ứ đọng, còn linh vật thuần Việt chưa có mẫu mã để tiếp cận thị trường.

Theo thống kê của Ban Quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước, hiện nay làng nghề có khoảng 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ với hơn 3.000 lao động, có đến 60 - 70% là thợ chuyên làm nghề tạc tượng lân, sư. Mỗi năm sản phẩm làng đá bán ra được hơn 130 tỷ đồng, thì cũng hết 70% trong đó là doanh thu từ mặt hàng lân, sư. Ông Huỳnh Chín - Trưởng Ban Quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước cho hay: “Chủ trương không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam là đúng. Nên bây giờ nếu  không cấm sản xuất thì người thợ làng nghề cũng phải nghỉ tay. Bởi sản phẩm làm ra không ai mua nữa.... Đa phần thợ làng nghề chuyên làm mặt hàng lân, sư muốn chuyển qua chế tác các sản phẩm khác như tượng Phật, Bồ Tát… cũng phải mất vài ba năm để thạo tay nghề chế tác sản phẩm. Về định hướng mẫu sản phẩm thay thế thì rất khó. Sản phẩm làng nghề làm ra phải có người mua thì làng nghề mới sống được. Hiện những mẫu linh vật ngoại lai đã rơi vào tình trạng ế ẩm. Định hướng chuyển đổi mẫu sản phẩm thế nào, là năng lực của từng cơ sở sản xuất, và quan trọng là thị hiếu của thị trường”. Ông Chín cho biết, trước đó, ông đã từng tranh luận với một số cán bộ ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sự khác nhau giữa con sư tử và lân trong điêu khắc.  Cụ thể, theo ông Chín : “Đồng ý với Bộ là nên cấm đưa các linh vật ngoại lai vào chốn tâm linh, di tích, thờ tự. Nhưng họ ưng làm con sư tử thì kệ họ chứ sao lại khuyến cáo. Mấy anh bên Bộ nói lại với mình là Trung Quốc người ta coi con sư tử cũng là con lân. Tôi nói con sư tử mà anh nói là con lân là không được. Con sư tử hoàn toàn khác con lân chứ. Con lân không có thật, nó là truyền thuyết còn con sư tử là có thật. Nhiều nước có con sư tử chứ đâu phải chỉ Trung Quốc. Do không phân biệt được đâu là lân, đâu là sư tử nên nghề điêu khắc sư tử cũng bị vạ lây, điêu đứng vì công văn” .

Còn với những người dân làng đá Non Nước hầu hết đều mang tâm trạng lo lắng. Một nghệ nhân nhiều năm theo nghề nói rằng : “Văn hóa tứ linh (long - lân - quy - phụng) vốn có từ lâu đời. Trước đây, thường trưng bày tứ linh ở các đình, chùa, miếu mạo. Theo trào lưu phong thủy, nay nhiều nhà hàng, khách sạn… cũng thường mua trưng bày ở trước cửa. Sau khuyến cáo không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích, công sở…, chính quyền địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con làng nghề chuyển đổi sản xuất mặt hàng thay thế linh vật ngoại lai. Nhưng phải nói, chuyển đổi sản xuất mặt hàng nào, và thoát khỏi thực trạng khó khăn của làng nghề hiện nay không phải chuyện một sớm một chiều”.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, họa sĩ - nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Phan Cẩm Thượng nêu nhận định : “Ở Trung Quốc, tất cả những hình mẫu cổ đều được vẽ ra thành sách vở, làm sách công cụ cho tất cả hoạt động văn hóa và thợ thủ công. Những sách này làm rất chuẩn về mọi mặt, được đồ họa hóa hoàn toàn, tiện sử dụng sao chép bằng tay hay bằng máy. Còn nước ta không làm việc này, không hề chú trọng đến việc này, nên khi người thợ làm hình mẫu gì đó hoàn toàn dựa vào sách của Trung Quốc. Nên không chỉ có linh vật gác cửa mà còn rất nhiều hình mẫu khác cũng bắt chước của Trung Quốc, như các tượng Phật bà Quan Âm bằng đá hay thạch cao trưng bày khắp cả nước bây giờ. Theo tôi biết, nhiều làng nghề hiện nay sử dụng các hình mẫu trong sách của Trung Quốc để chuyển sang sản xuất. Có thể nói đây là cái lỗi của ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam và sự chú ý quảng bá văn hóa dân tộc trong nước, chỉ nói suông mà không có biện pháp gì cụ thể”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng: “Những biện pháp quyết liệt tại các địa phương thời gian qua cũng tốt nhưng có nhiều cái chưa thuận. Việc đưa ra vị trí khác phải được tính toán sao cho phù hợp với từng địa phương, không thể yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “tính” giúp. Quan trọng là giải thích vì sao không bày các linh vật ngoại lai ở đền, chùa Việt”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao việc nhiều địa phương đã chủ động, tích cực hưởng ứng công văn 2662 của Bộ. Song bên cạnh đó, bà cũng khẳng định, công tác triển khai cần linh hoạt hơn, quan trọng là công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, sự thống nhất trong nhận thức về nét đẹp của linh vật Việt, về cái đúng, cái chưa đúng của linh vật ngoại lai và từ đó, các Bộ, ngành, các cơ quan, công sở cũng sẽ vào cuộc chứ không chỉ là ở các điểm di tích.

Do đó, đến nay có thể khẳng định rằng, việc vận động mẫu linh vật mới mang bản sắc Việt do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp quận Ngũ Hành Sơn tổ chức là việc làm khá kịp thời, ngoài ý nghĩa tôn vinh văn hóa dân tộc còn nhằm tìm thêm đầu ra cho sản phẩm làng đá mỹ nghệ Non Nước. Ngay từ những ngày đầu triển khai cuộc vận động, nhiều nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất tại địa phương đã nhiệt tình hưởng ứng tích cực. Anh Huỳnh Văn Trung, chủ cơ sở Trung Cường trên đường Lê Văn Hiến cho biết, bản thân anh sẽ tham gia cuộc vận động và mong muốn tới đây làng nghề sẽ có được mẫu sản phẩm mới, đẹp, tiêu biểu nhưng tạo hình và chi tiết nên đơn giản hóa chứ đừng cầu kỳ quá, kẻo tốn quá nhiều công sức và kỹ thuật tạo tác, khiến giá thành quá cao, khách sẽ khó mua. Nghệ nhân Trần Văn Xuất cho hay để gỡ khó cho làng nghề không chỉ sớm mở đợt sáng tác, hỗ trợ thăm dò, nghiên cứu thị trường, thị hiếu và tuyên truyền, vận động người dân sử dụng mẫu tượng được chọn, mà tự thân mẫu tượng phải sống được trên thị trường. Do đó, nếu lấy các mẫu sư tử, nghê thuần Việt trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam làm chuẩn, thì thợ làng đá cần phải cải biên, sáng tạo thêm đường nét, hoa văn vì sản phẩm tượng đá cần có tính thương mại, được khách hàng ưa chuộng thì làng nghề 400 năm tuổi và hơn 3.000 lao động mới sống được.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, hưởng ứng chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày 10/7 đến 10/10/2015, các hộ sản xuất, nghệ nhân, các nhà điêu khắc thuộc Hội Mỹ thuật Đà Nẵng tham gia sáng tạo mẫu sư tử, nghê mới bằng đá hoặc thạch cao, composit (cao tối thiểu 80 cm). Ban Tổ chức quy định, mẫu mới dựa trên các tư liệu truyền thống của Việt Nam, nhưng không được rập khuôn mà phải có sự sáng tạo. Nếu đạt yêu cầu thẩm mỹ và sử dụng, các mẫu mới sẽ được cung cấp rộng rãi cho các cơ sở sản xuất chứ không đòi hỏi phải trả tiền bản quyền. Sau khi hội đồng nghệ thuật xét chọn tác phẩm, dự kiến từ ngày 20/9 đến 10/10 sẽ diễn ra lễ trao giải, triển lãm các mẫu có chất lượng tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cùng những nơi công cộng của thành phố, phổ biến cho thợ làng nghề sản xuất.

T.T.S

Bài viết khác cùng số

Gửi núi Non Nước - Vũ Quần PhươngTân binh phố Đá - Trần Quốc CườngCát cháy - Thanh QuếTĩnh lặng Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Văn ChungTản mạn chuyện nước non - Như HạnhBâng khuâng giữa Động Huyền Không - Thu HàHòn Thủy - “cố nhân” của khách lãng du - Dã ChâuLần theo dấu đá trăm năm - Nguyễn Nhã TiênLạc qua Non Nước... - Văn Thành LêNgũ Hành Sơn đang vươn mình để trở thành đô thị hiện đại - Ban biên tậpThăm lại Ngũ Hành Sơn - Tường LinhBên vú đá Ngũ Hành Sơn - Trinh Đường (1917 - 2001)Ngũ Sơn lĩnh phạm âm - Chí Đình Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868)Cẩm thạch Ngũ Hành - Lê Bá Trinh (1878 - 1934)Huyền sử Non Nước mây - Tô Như ChâuThạch khí danh lam - Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)Viếng cảnh Non Nước - Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu (1853 - 1927)Hoài cảm chùa Non Nước - Phan Bội Châu (1867 - 1940)Viếng động Ngũ Hành – Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)Vịnh Tam Thai - Thích Đại Sán (1633 - 1704)Viết ở Ngũ Hành Sơn - Trần Văn ThọNon Nước chiều xưa - Phan Hoàng PhươngChuông chiều Huyền Không - Phụng LamChiều Ngũ Hành Sơn - Mai Hữu PhướcTrên Ngũ Hành Sơn - Ngân VịnhNgười tạc tượng Bác Hồ ở chân núi Ngũ Hành Sơn - Ngô Văn PhúKhí thiêng Ngũ Hành Sơn những giá trị văn hóa cộng hưởng - Nguyễn Quang Trung TiếnĐôi nét sơ lược về vùng văn hóa Hóa Khuê - Mỹ Thị - Ngũ Hành Sơn - Phan Duy NhânBàn về việc xây dựng Lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư và Lễ hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Bùi Văn TiếngPhổ Đà sơn linh trung Phật một văn bia quý ở Đà Nẵng - Nguyễn Hoàng ThânLăng Ông Tân Trà - Đinh Thị TrangKết quả khai quật Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 2015 - Hồ Tấn Tuấn, Phạm Văn TriệuXây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện - Lê Quang TươiDòng sông Cổ Cò - Trương Văn KhoaTrăn trở làng đá Non Nước - Trần Trung Sáng