Lạc qua Non Nước... - Văn Thành Lê

05.10.2015

Lạc qua Non Nước... - Văn Thành Lê

Non Nước – Ngũ Hành Sơn trở nên nổi tiếng, có lẽ là vì vẻ đẹp kỳ vĩ với những huyền tích tự thân của năm ngọn núi. Những hang động thiên nhiên nơi đây đã được đánh thức khỏi giấc ngủ vùi trầm mặc mấy nghìn năm sau khi con người phát hiện ra chúng, tô điểm, phả hồn đầy sức sống bằng văn bia, tranh ảnh, điêu khắc...

1. Không ai nhẩm được đã có bao nhiêu lượt tao nhân mặc khách, giáo sĩ, khách thương hồ... đến vãng cảnh Ngũ Hành Sơn. Họ đến, bị cái kỳ vĩ đan xen với sự uyên nguyên thoát tục của nơi này níu kéo mà trải lòng theo cách riêng của mỗi người.

Bác sĩ Albert Sallet, nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp tại xứ Trung Kỳ đã ghi lại trong thiên biên khảo “Les Montagnes Marble” (“Những ngọn núi cẩm thạch”, nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy chuyển dịch và bổ chú) ở lời nói đầu “Gởi xứ Trung Kỳ thân yêu” vào cuối thế kỷ XIX: “Tôi mong muốn, bằng từng sự kiện chính xác, tập hợp nguồn cảm hứng bao la, đa dạng làm cho những cụm núi đá này trở nên đặc thù, trả lại mong muốn một cái quá khứ vinh quang, truyền kỳ và bí nhiệm của chúng”.

Cái sự mong muốn “tập hợp nguồn cảm hứng bao la” của Bác sĩ Albert Sallet xem ra là điều bất khả thi, bởi không ai đong đếm được xúc cảm từ bình dân đến bác học đối với một nơi mà cảnh quan thiên nhiên ghi dấu ấn khá sâu nặng vào lòng người như Ngũ Hành Sơn. Nữ sĩ Đà Nẵng Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896 – 1982), người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết ở Việt Nam, đã gửi lại lòng mình khi thăm thú Ngũ Hành Sơn: “Khách trần mơ cảnh Thiên thai/ Qua chơi Non Nước, nhớ hoài nước non”.

Có lần một cô gái người Non Nước chính hiệu đưa tôi dạo quanh năm ngọn núi để tìm những cảnh vật ngoài đời thực ngày nay so với hình hảnh trên bưu thiếp do các tác giả người Pháp chụp từ trên dưới một thế kỷ trước. Mấy bậc đá lên xuống các hang động nhiều chỗ nhẵn thín, chắc hẳn từng được mài mòn bởi những chiếc guốc mộc của các cư sĩ, sư sãi thuở trước. Cô gái, vốn đã nhiều lần lên xuống những bậc đá cao ngất trời này, nụ cười lúng liếng dù có cố giữ vẻ e ấp, khẽ khàng đến mấy cũng vang vọng khắp các hang động khiến lũ chim di trú ở đó hoảng hốt bay đi và lòng tôi thì dùng dằng những mong ở lại.

2. Với phong cảnh như thực như hư hòa quyện giữa cảnh tiên và cõi tục, Ngũ Hành Sơn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tao nhân mặc khách, từ các bậc vương giả đến hàng thường dân, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây,... một lần đến vãng cảnh là để lại những tác phẩm nghệ thuật làm xao xuyến lòng người.

Tôi muốn gửi lại lòng mình đâu đó trên cõi mông lung huyền hoặc của năm ngọn Ngũ Hành. Không đủ tứ để làm thơ, không đủ duyên để viết nhạc, chỉ biết dừng chân đâu đó giữa lưng chừng núi mà lắng lòng nhẩm lại những câu thơ xưa.

Nghe đâu hơn nửa thế kỷ trước, chàng trai Tường Linh đã sớm rời xa quê nhà Quế Sơn xứ Quảng qua phía bên kia đèo Ải rồi lưu lạc vào tận vùng sông nước Cửu Long. Nhà thơ có tên thật là Nguyễn Linh này đã góp nhặt xúc cảm làm nên Hai miền thương, bài thơ đã đi vào lòng người nhiều thế hệ với những câu thơ gắn với tình người, tình đất. Trong đó, có hai câu phác họa nên bức tranh thủy mặc vùng non soi bóng nước: Ngũ Hành Sơn năm cụm ngóng sông Hàn/ Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện.

Câu thơ của Tường Linh không cho biết cụ thể nhà thơ đến những đâu khi vãng cảnh Ngũ Hành Sơn, nhưng một nhà thơ xứ Quảng khác, Phạm Hầu, lại xác định vị trí của mình khi cảm tác những câu tuyệt bút trong bài “Vọng Hải đài”: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai? Cái cảm giác chông chênh, nhẹ hẫng khi đứng trên đài trông ra biển ấy đã nâng nhà thơ người Điện Bàn lên với gió với mây, chạm đến khoảnh khắc hiện tồn mà bất giác neo một câu hỏi nửa thực nửa hư vào bao la vô tận.

Hai câu thơ bất hủ đó đã lọt vào mắt xanh của Hoài Thanh - Hoài Chân, hai nhà phê bình văn học này đã “tạc” chân dung vẫy ngoài vô tận của Phạm Hầu vào cuốn Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941 từ năm 1942 với bản in lần đầu do Nguyễn Đức Phiên xuất bản. Ở nơi cao xanh nào đó, Phạm thi sĩ hẳn đã tỏ lòng cảm ơn Ngũ Hành Sơn nói chung, Vọng Hải đài nói riêng, với cảnh sắc trời mây non nước, đã khiến mình “phải lòng” mà cảm tác nên những câu thơ được người đời nhắc hoài đến… vô tận!

3. Ai về Non Nước thì về/ Trước sông sau biển, núi kề một bên. Chỉ một vần lục bát thôi, dân gian đã tóm góp cả thiên nhiên Ngũ Hành Sơn kỳ vĩ. Với địa thế thuận lợi ngay bên con sông từng là đường thông thương giữa Đà Nẵng và Hội An một thời, vùng sông-núi-biển này đã đi vào lịch sử dân tộc với những dòng bi tráng đậm nét.

Thủy Sơn, ngọn núi đẹp nhất, nhiều chùa chiền, hang động nhất trong năm cụm Ngũ Hành, ở đó có chùa Tam Thai, ngôi chùa được xem là cổ nhất nơi đây. Du khách đến viếng ngôi chùa được phong là quốc tự này không quên ghé lại phía hậu đường để tận mục sở thị tấm kim bài hình trái tim lửa có khắc lời tôn vinh quyền năng siêu nhiên của Đức Phật và ân sủng của ngài dành cho nước An Nam theo ngự bút của vua Minh Mạng.

5 năm trước, các thiền sư chùa Jomyo từ xứ sở Phù Tang đã đến Đà Nẵng và tặng cho chùa Tam Thai phiên bản bức tranh vẽ tượng Phật “Thác kiến Quán Thế Âm”. Bản gốc bức tranh quý này hiện ở Nhật Bản, tương truyền, được một vị vua An Nam thỉnh từ một ngôi chùa nổi tiếng ở Ngũ Hành Sơn để tặng cho thuyền Châu Ấn thuộc dòng họ thương nhân Chaya khi thuyền này đến thương cảng Hội An buôn bán cách đây 400 năm.

Có lẽ, chẳng đâu có nhiều địa danh mà mỗi địa danh gắn với một truyền thuyết, một chuyện tích như Ngũ Hành Sơn. Có những chuyện tích mà mỗi lần được nghe đến, khách hành hương bỗng thấy mình gần lại hơn với Chân, Thiện, Mỹ. Ngay cả bậc đế vương như vua Minh Mạng mà những ba lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn, để rồi bị cảnh giới nơi này mê hoặc, đã hạ bút ngợi ca trong lần cuối cùng: “Phong cảnh Non Nước đối với ta vẫn lạ, tựa hồ như mới xem lần đầu”.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn, với những truyền thuyết, giai thoại mê đắm lòng người, ngoài cảnh trí sơn kỳ thủy tú hài hòa giữa núi non - chùa chiền - bờ biển, nơi đây còn để lại ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước bởi những phù điêu, tượng đá được chế tác bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân một làng nghề đã có tuổi đời trên 300 năm.

4. Hôm rồi vô tình lật lại cuốn Tạp chí Non Nước số ra tháng 9 năm 1999, đọc ở trang 54 bài Đêm sao - Vọng Hải đài của nhà thơ lão thành Vũ Minh đất Hội An, thấy có câu Cuối hè ve gọi trời mưa/ Mùa hoa lử rụng cũng vừa sang thu! Cái tứ ve gọi trời mưa có vẻ lạ, nhưng xem ra vẫn không đủ để níu tâm tưởng người đọc bằng cái hoa lử trong câu bát tiếp sau đó. Có vẻ như đã bị lỗi mo-rat ở đây chăng? Hoa lử là hoa gì? Hay là hoa lửa đã bị “anh chàng/ chị nàng đánh máy” gõ nhầm?!

Lang thang trên mạng, tìm hỏi “cỗ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới” Gúc-gồ hồi lâu mới thấy trang congviencayxanh.vn giải thích có loại cây tên là Phượng Vàng, còn có mấy tên khác là cây Lử Vàng, cây Muồng Kim Phượng, cây Lim Xẹt. Cây có nguồn gốc từ vùng duyên hải Malaysia. Khi du nhập vào Việt Nam cây này phân bố chủ yếu ở miền Trung và Nam Bộ, chịu được mọi thời tiết nên được trồng trên đường phố, công viên để lấy bóng râm.

Nghe cái tên Lim Xẹt có vẻ quen quen, a-lô cho kỹ sư lâm sinh Nguyễn Hữu Kim thì ông Phó Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng này xác nhận thông tin trên là đúng, chỉ duy tên gọi cây Lử Vàng là lần đầu tiên ông được nghe tới. Một điều ngẫu nhiên là, cây Muồng Kim Phượng, theo ông Kim, có tên gọi tiếng Anh là Yellow Flame tree – cây Ngọn Lửa Vàng. Thành thử, câu thơ trên nếu có gõ sai thành Mùa hoa lửa rụng cũng vừa sang thu thì có sai nhưng cũng không đến nỗi nào!

Thế mới phục tài lão thi sĩ phố Hội (và cả những người phụ trách biên tập ở Non Nước). Truyền kỳ của Ngũ Hành Sơn đã đi vào dân gian, gần thì có: “Quê em đất rộng dân nghèo/ Có hòn Non Nước, có đèo Hải Vân”; xa hơn: “Quảng Nam có núi Ngũ Hành/ Có sông Chợ Củi, có thành Đồng Dương”… Có lẽ, từ cái vụ hoa lử/ hoa lửa nói trên mà vùng Non Nước này lại có thêm một truyền kỳ thời hiện đại nữa chăng?

5. Danh sĩ Nguyễn Dữ chỉ một tác phẩm duy nhất là Truyền kỳ Mạn lục mà lưu tên tuổi vào hậu thế. Trong tác phẩm “Sao chép tản mạn những truyện lạ” này, có nhân vật huyền thoại Từ Thức mà chuyện của ông khiến không ít người sau những muốn chìm đắm vào những giấc mơ bồng bềnh giữa đôi bờ cõi tiên, cảnh tục.

Từ Thức cứu Giáng Hương - cô gái lỡ tay làm gãy cành mẫu đơn bị người ta trói lại để chịu phạt. Sau, chàng lạc vào cõi tiên, gặp lại nàng và được chư Tiên nương tác thành giai ngẫu. Ở tiên được một năm, chàng nhớ nhà, chia tay Giáng Hương quay về thì cảnh cũ người xưa đã thay đổi hoàn toàn, chỉ duy ngọn núi xanh quê chàng thì vẫn vậy. Hỏi ra, chàng mới hay mình lưu lạc cõi tiên chỉ một năm nhưng dưới trần gian đã ngót nghét hai thế kỷ trôi qua…

Không biết những tao nhân mặc khách đến với Ngũ Hành Sơn, có ai từng mộng làm Từ Thức như “chàng” thi sĩ phố Hội? Từ Thức lạc bước lên tiên

khi còn trai trẻ, còn Vũ thi sĩ thì cảm tác

Đêm sao - Vọng Hải đài khi đương độ ngoại thất tuần. Giấc mơ không hề có tuổi. “Chàng” thất tuần vẫn thả hồn thơ bồng bềnh vào cõi mộng: Anh đi tìm mấy vần thơ/ Lạc qua Non Nước bao giờ gặp em?/ Đá mòn núi lở mòn thêm/ Còn đâu giây phút êm đềm thuở xưa!/ Cuối hè ve gọi trời mưa/ Mùa hoa lử rụng cũng vừa sang thu!..

Mấy lần lên Ngũ Hành Sơn với tâm thế của kẻ hành thiền, tôi tha thẩn qua những bậc đá, những nếp chùa, những hang động… mà tưởng mình là kẻ lạc bước lên tiên. Không mơ làm Từ Thức, chỉ đơn giản là Vũ thi sĩ, tôi đi tìm những cánh hoa lử rơi đâu đó khi mùa thu vừa chạm những áng mây trời trên nóc Thượng Thai, nơi cao nhất của ngọn Thủy Sơn. Tiếng cười của cô gái hôm nao chừng như còn vang vọng đâu đó trên những lối đi trải đá vắt ngang lưng chừng núi. Những con đường tắt dần tiếng ve, chỉ còn tiếng chim đập cánh mơ hồ trong hang động báo hiệu thu về. Chỉ còn câu thơ vọng vào lòng một nỗi niềm hoài niệm: Lạc qua Non Nước bao giờ gặp em?... 

Chớm Thu 2015

V.T.L

Bài viết khác cùng số

Gửi núi Non Nước - Vũ Quần PhươngTân binh phố Đá - Trần Quốc CườngCát cháy - Thanh QuếTĩnh lặng Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Văn ChungTản mạn chuyện nước non - Như HạnhBâng khuâng giữa Động Huyền Không - Thu HàHòn Thủy - “cố nhân” của khách lãng du - Dã ChâuLần theo dấu đá trăm năm - Nguyễn Nhã TiênLạc qua Non Nước... - Văn Thành LêNgũ Hành Sơn đang vươn mình để trở thành đô thị hiện đại - Ban biên tậpThăm lại Ngũ Hành Sơn - Tường LinhBên vú đá Ngũ Hành Sơn - Trinh Đường (1917 - 2001)Ngũ Sơn lĩnh phạm âm - Chí Đình Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868)Cẩm thạch Ngũ Hành - Lê Bá Trinh (1878 - 1934)Huyền sử Non Nước mây - Tô Như ChâuThạch khí danh lam - Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)Viếng cảnh Non Nước - Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu (1853 - 1927)Hoài cảm chùa Non Nước - Phan Bội Châu (1867 - 1940)Viếng động Ngũ Hành – Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)Vịnh Tam Thai - Thích Đại Sán (1633 - 1704)Viết ở Ngũ Hành Sơn - Trần Văn ThọNon Nước chiều xưa - Phan Hoàng PhươngChuông chiều Huyền Không - Phụng LamChiều Ngũ Hành Sơn - Mai Hữu PhướcTrên Ngũ Hành Sơn - Ngân VịnhNgười tạc tượng Bác Hồ ở chân núi Ngũ Hành Sơn - Ngô Văn PhúKhí thiêng Ngũ Hành Sơn những giá trị văn hóa cộng hưởng - Nguyễn Quang Trung TiếnĐôi nét sơ lược về vùng văn hóa Hóa Khuê - Mỹ Thị - Ngũ Hành Sơn - Phan Duy NhânBàn về việc xây dựng Lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư và Lễ hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Bùi Văn TiếngPhổ Đà sơn linh trung Phật một văn bia quý ở Đà Nẵng - Nguyễn Hoàng ThânLăng Ông Tân Trà - Đinh Thị TrangKết quả khai quật Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 2015 - Hồ Tấn Tuấn, Phạm Văn TriệuXây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện - Lê Quang TươiDòng sông Cổ Cò - Trương Văn KhoaTrăn trở làng đá Non Nước - Trần Trung Sáng