Virus chiến tranh, sex và những cái chết đa chiều - Hoàng Thụy Anh
1. Những người lính nhiễm virus chiến tranh
Những người đi qua chiến tranh thực chất đều là những người đã “chết trong dòng chảy của lịch sử”. Thương tổn khủng khiếp trong chiến tranh không ngừng đeo đẳng, bám riết cuộc đời họ. Mỗi số phận mỗi bi kịch. Mỗi nhân vật mỗi nỗi đau. Văn của Nguyễn Quang Lập khai thác khá nhiều kiểu con người này. Ông xác tín hậu quả chiến tranh bằng cách gọi riêng: Virus chiến tranh. Tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng”(1) là nền móng để “Tình cát”(2) thực chứng những mặt nạ trá hình bất diệt của virus chiến tranh.
Hoàng, Lý, Nụ, Thùy Linh, Lương, thằng Béo, chị Rá, Xê Trưởng,... và cả những con người trong mười một ngôi nhà nơi Xóm Cát đã hứng chịu những tàn khốc, mất mát của chiến tranh. Những tưởng hơn hai mươi năm sau nỗi đau bom đạn sẽ chấm dứt. Nhưng Hoàng vẫn bị con virus chiến tranh lây nhiễm và hành hạ. Hoàng - nhân vật chính trong “Tình cát”, bị nhiễm virus chiến tranh. Virus ấy sống trong Hoàng và đeo đuổi Hoàng đến hơn hai mươi năm sau, khiến anh trở thành kẻ ương ương dở dở.
Hoàng rơi vào tình trạng hôn mê mọi lúc mọi nơi. Anh không thể kiểm soát được những cử chỉ, hành động của mình. Bên cạnh cô nhà báo trẻ, năng động, nhiệt huyết, háo hức truy tìm đến cùng những kẻ giả mạo hai ngàn ngôi mộ liệt sĩ nhằm trục lợi. Ly Ly, anh vẫn bị quá khứ xâm nhập, len lỏi. Dần dần, anh trở thành kẻ khát quá khứ. Quá khứ chực chờ anh, sẵn sàng nhảy vào quấy đảo phá phách anh khi có cơ hội.
Hoàng có hai cái tôi song hành: Cái tôi ý thức và cái tôi vô thức. Chúng vừa nỗ lực chống đối, vừa quấn, siết chặt vào nhau, khiến Hoàng luôn sống trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Hoàng không phải là kiểu nhân vật sống bằng kí ức, càng không phải là nhân vật bị thương tích về thể xác, mà anh là một kiểu người bị vụn vỡ với những chấn thương tâm hồn.
Tình yêu thời chiến, với Thùy Linh, đã tạo nên không gian nội cảm với những ảo giác, rạn nứt, đổ vỡ. Những ám ảnh chia cắt về mối tình đầu với Thùy Linh, việc tìm kiếm bé Thùy Dương, cùng với những cái chết kinh hoàng của Lý, Nụ, Lương, chị Rá, thằng Béo,... khiến anh dù đang sống trong hiện tại mà phải gánh chịu tình trạng vong thân bất khả kháng. Những giây phút anh vong thân, phân thân, vượt qua ngưỡng “cái tôi”, “cái siêu tôi”, đến với “cái ấy” là những giây phút anh được cởi bỏ chính mình, đối thoại với lịch sử một cách chân thực nhất.
Hoàng là một nhà văn. Anh có thể giải phóng những chấn thương qua các trang viết. Tuy nhiên, Nguyễn Quang Lập không để Hoàng dễ dàng thoát khỏi nỗi khổ đau như thế! Xóm Cát nơi Hoàng cùng Ly Ly đến điều tra cũng là nơi anh thường xuyên chịu truy vấn bất chợt của những cơn mê sảng. Hoàng không hề kể lại câu chuyện thời chiến. Những cái mà chúng ta nhận thức về cuộc chiến được lẩy từ trạng thái hoang mê, từ những chấn thương bề sâu của Hoàng. Đây là cách xây dựng nhân vật hết sức tinh tế và sâu sắc của nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Chiến tranh tàn bạo, khủng khiếp vô cùng. Nó vượt ra khỏi ý thức của con người và hành hạ, chế ngự con người ngay cả trong giấc mê, nơi con người cứ tưởng là tự do nhất, an toàn nhất. Hoàng không đuổi được virus chiến tranh ra khỏi người mình. Hoàng thực sự bị mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại, bị giằng xé trong bi kịch kẻ đào ngũ, bỏ trốn khỏi quân ngũ, bị kí ức Xóm Cát vây chặt.
Tương ứng với tâm trạng của Hoàng, “Tình cát” giao thoa hai lớp truyện. Lớp truyện gắn với không gian quá khứ là kí ức kinh hoàng của chiến tranh. Lớp truyện gắn với không gian hiện tại là chuyện Hoàng và Ly Ly điều tra vụ làm giả 2 ngàn mộ liệt sĩ. Hai lớp truyện này chồng chéo nhau, rượt đuổi nhau thông qua di chứng hoang mê của Hoàng. Anh đi tìm Thùy Linh, người mà anh suốt đời thương nhớ, và Thùy Dương, con của Thùy Linh, nhưng cuối cùng, anh lại tiếp tục hứng chịu đớn đau của nghịch cảnh. Một trong số 40 người tình của anh, có Thùy Dương, mà Thùy Dương chính là Ly Ly.
Khi điều tra những kẻ tạo dựng mộ giả liệt sĩ bằng xương động vật và xương từ những ngôi mộ khác, anh không ngờ Xê Trưởng, người đồng đội một lòng một dạ với cách mạng của anh hơn 20 năm trước, phải mang vác lỗi lầm của người khác, phải nhận án tử hình. Anh cũng không ngờ Trần Hới, cha của Thùy Dương/ Ly Ly, bây giờ là Phó Chủ tịch Văn xã thông đồng với Trưởng phòng Thương binh Xã hội, chuốc hết mọi tội lỗi cho Xê Trưởng.
Quá khứ chứa nỗi đau chia lìa, mặc cảm lầm lạc. Hiện tại còn bồi thêm nhức nhối, rát buốt cho quá khứ. Hoàng như quả bóng nảy bên này rồi nảy bên kia, anh rơi vào tình trạng oái ăm: tự sự của kẻ bị chấn thương nhưng không ý thức được chấn thương. Sau mỗi cơn hoang mê, Hoàng chẳng nhớ gì và chẳng biết gì. Những vết thương chiến tranh như được kéo dài thêm trong hiện tại và pha trộn với hiện tại, rồi cùng nhau hủy hoại con người Hoàng.
Hay nói cách khác, Hoàng vĩnh viễn tàn lụi, chết trong cơn hoang mê khi đu mình trên sợi dây cheo leo, ngoảnh bên này là máu và nước mắt của quá khứ, ngoảnh bên kia là sự nham hiểm, đố kị của hiện tại.
Chiến tranh đã tự nó len lỏi, xuyên da xuyên thịt, đâm vào tâm can, xâm nhập vào cả cơn mê của con người. Con người không có cách gì ngăn cản được con virus chiến tranh. Hội chứng chiến tranh ăn sâu vào cái hiện tại mà Hoàng đang hiện hữu, khiến cái hiện tại của anh trở nên chông chênh, méo mó, loạn biến. Cuộc đời Hoàng vì thế là những chuỗi vật vã, phức tạp mà anh không thể lường trước được. Và còn gì nghiệt ngã hơn khi Hoàng đau mà không chạm được đến nỗi đau của mình. Theo tôi, thủ pháp xây dựng nhân vật Hoàng như thế này mới là nét độc đáo, sáng tạo của Nguyễn Quang Lập so với các cây bút khác. Con người bị kịch nhất khi không nắm bắt, ý thức được bi kịch của chính mình.
Kết cấu đồng hiện trong “Tình cát” phần nhiều bị cuốn vào dòng hoang mê bất định của Hoàng, vào không gian chiến tranh hơn là thực tại mà Hoàng đang sống, không gian đời tư. Càng về sau không gian hồi ức càng chiếm ưu thế, sự hoang mê của Hoàng theo đó cũng được đẩy lên cao. Anh trở thành kẻ lạc loài ngay cả với chính mình. Anh không chủ tâm đào xới quá khứ đau thương của chiến tranh nhưng cái quá khứ ấy đeo bám, gây nên những xúc cảm bấn loạn, bất chợt. Những mảnh hoang mê của anh đứt gãy, rời rạc. Giữa những mảnh ấy, nhà văn còn ghép vào tiếng của con cú què, tiếng chim “Đi... soạn cho hết”, tiếng đàn cò của ông Rúm,... như gia tăng trạng thái hoang tưởng của Hoàng. Để rồi, đỉnh điểm của hoang tưởng ấy là cái chết của Hoàng.
2. Sex của nước mắt và máu
Nơi chỉ có nước mắt và máu. Nơi sự sống và cái chết gần kề trong gang tấc. Nơi con người khao khát được yêu nhất. Nơi nhu cầu bản năng nguyên thuỷ nhất của con người như phơi bày hết thảy. Đó là không gian chiến tranh. Trong chia cắt, đớn đau, mất mát của chiến tranh, nhu cầu tình dục càng thêm phần cháy bỏng, cuồng nhiệt. Tình dục nảy nở từ tình yêu. Có tình yêu mới có tình dục. Nhưng trong bom đạn mịt mù, tình dục có thể không xuất phát từ tình yêu mà xuất phát từ bản năng người, nỗi cô đơn, sự cảm thương và chia sẻ. Bởi lẽ, tình dục vốn dĩ biểu thị sự sống. Tình dục giúp con người giải tỏa những ẩn ức đang bị bom đạn kìm nén, tước đoạt, được sống đúng với nhu cầu chính đáng của mình và vươn lên nỗi cô đơn, nỗi sợ hãi cái chết.
Trong “Những mảnh đời đen trắng”, Nguyễn Quang Lập không dưới hai lần nhắc đến chuyện “rối rít trong cuộc tìm kiếm đực cái muôn năm của người đời” (1; tr.210). Đến “Tình cát”, chuyện rối rít đực cái dồn dập, bạo liệt hơn. Nếu tình yêu và tình dục của Hoàng - Thùy Linh, Họa sĩ Tư - thím Hoa trong “Những mảnh đời đen trắng”, còn chịu áp chế của đạo đức thì đến “Tình cát”, chuyện đực cái giữa Hoàng và Ly Ly cùng những người phụ nữ trong chiến tranh đã khác.
Một con đực có thể khỏa lấp, dập tắt “cơn động rồ bất thường”, “những cơn extri tập thể”. “Đấy là nỗi thống khổ của đàn bà. Những thèm khát lương thiện đã bị giáo lý đương thời bủa vây, lâu ngày kết tủa thành khối u chèn ngang ngực, đau buốt. Đau quá hóa điên...” (2; tr.28). Tình yêu và tình dục của “Tình cát” do đó phóng khoáng và giàu tính nhân văn hơn. Khát khao tình yêu và tình dục giữa Hoàng - Thùy Linh là khát khao dữ dội nhất, vì xuất phát từ tình cảm đầu đời, vì nỗi đau bị gia đình cản trở, chiến tranh ngăn cách.
Những hoang mê tình dục của Hoàng đều đi ra từ cuộc tình với Thùy Linh. Những cuộc giao hoan giữa Hoàng và Ly Ly thể hiện cách sống năng động, thoải mái, không có sự gò bó. Những cuộc giao hoan giữa Hoàng với Lý, Nụ, Lương, chị Rá,... tuy không xuất phát từ tình yêu nhưng biểu đạt nhiều giác độ: Lên án chiến tranh phi nghĩa, đòi quyền tự do, quyền sống, khẳng định nhu cầu tự nhiên chính đáng của con người.
Từ góc nhìn bản năng, dục vọng, từ cơn hoang tưởng của Hoàng, nhà văn còn xếp chồng ân ái giữa Hoàng - Ly Ly với Hoàng - Thùy Linh, Lý, Nụ, Lương, chị Rá,... Chuyện đực cái hôm nay gợi chuyện đực cái quá khứ. Tất cả đều đê mê, cuồng nhiệt. Kiểu kết cấu đồng hiện thời gian hiện tại - quá khứ này đã thiết tạo ba diễn ngôn tình dục: Diễn ngôn tình dục cảm tính (Hoàng và Thùy Linh), diễn ngôn tình dục lí tính (Hoàng và Ly Ly), diễn ngôn tình dục hoang dã.
Tình dục giữa Hoàng và Thùy Linh nồng nàn, chân thành, khát khao đến bến bờ của hạnh phúc. Tình dục giữa Hoàng và Ly Ly không chịu bất kì sự trói buộc, gò ép nào, nhưng đã có sự sắp đặt, đã có phần toan tính. Tình dục giữa Hoàng và Lý, Nụ, Lương, chị Rá,... đến hoàn toàn tự nhiên, bản năng, chia sớt nỗi đau và giàu tính nhân văn. Trong ba diễn ngôn tình dục này, diễn ngôn tình dục của Hoàng và Thùy Linh là chủ âm chính, chi phối toàn bộ cảm xúc, hành động của Hoàng với những người phụ nữ khác. Vì thế, cuộc làm tình nào của Hoàng, dù chỉ vài phút chóng vánh dưới trời đạn bom, dù với người đàn bà điên,... cũng đều đắm đuối. Hoàng giải quyết sinh lý cho những người đàn bà bị vùi dập bởi chiến tranh đồng thời tự khỏa lấp những khát thèm, nhớ mong với người mình yêu thương - Thùy Linh.
Nguyễn Quang Lập tạo không gian sex tập thể không hề mang tính gợi dục. Xét trong hoàn cảnh trăm bề thiếu thốn, dày đặc khói lửa, chết chóc, Hoàng không đáng trách. Những người phụ nữ Xóm Cát hay những cô gái đôi mươi nơi chiến trường cũng thế! Đó là bản năng tự nhiên của con người. Hoàn cảnh chiến tranh đánh cắp nhu cầu của họ buộc họ phải tự tìm cách giải quyết, giữ lấy nhu cầu của chính mình. Diễn ngôn tình dục trong “Tình cát” vừa gắn với không gian đương đại vừa trì níu không gian chiến tranh. Nguyễn Quang Lập xây dựng diễn ngôn tình dục theo kiểu này hoàn toàn phù hợp với con người hoang mê của Hoàng.
3. Và những cái chết đa chiều
Theo cơn hoang tưởng của Hoàng, chúng ta có thể cảm nhận được muôn vàn kiểu chết trong chiến tranh. Bom đạn quyết định quyền sinh tử của con người. Trong thế giới máu me, tàn bạo ấy, Hoàng tuy không bị thương tích về thể xác nhưng ngược lại anh trở thành kẻ bị triệt tiêu về tâm hồn. Trạng thái hoang mang, lo sợ, khiếp đảm bao phủ cuộc đời Hoàng. Cái chết của Lý, Nụ, Lương, thằng Béo, chị Rá, anh Chiến, chị Rầm,... thường trực ám ảnh Hoàng. Sau cái chết của thằng Béo, Hoàng tự khai tử mình bằng cú đào ngũ. Và cũng từ đây, Hoàng đón nhận cái chết của bản ngã, cái chết của tâm hồn. Cái chết bản ngã bỡn cợt, trêu ngươi, bám riết phận số anh, dẫu anh đã đi qua chiến tranh, đã sống một cuộc đời bình yên. Cái chết bản ngã di căn, anh trượt dần vào những cơn mộng mị. Đây chính là thảm kịch đời anh.
Lồng cái chết tự nhiên (của những người lính, dân làng Xóm Cát) trong cái chết bản ngã (của Hoàng), Nguyễn Quang Lập khắc sâu hơn nỗi đau thân phận, sự mong manh của kiếp người. Cái chết của những người lính, dân làng Xóm Cát và của Hoàng không giống với cái chết nhân tính của Phó Chủ tịch Văn xã và Trưởng phòng Thương binh Xã hội. Một bên là cái chết không thể kiểm soát do virus chiến tranh. Một bên là cái chết do sự tham vọng, xảo quyệt thống trị.
Cái chết do chiến tranh là cái chết mà bất kì người nào cũng không thể cưỡng lại được định mệnh. Còn cái chết nhân tính mới đáng sợ. Cái chết nhân tính đẻ ra những cái chết nhân tính khác. Những ngụy biện hòng che đậy, lấp liếm bản thân cùng với sự bất lương, nhẫn tâm đỗ tội cho tổ quản trang chẳng phải đã đưa Phó Chủ tịch Văn xã lên ngồi ghế Bí thư Huyện ủy đó thôi.
4. Lời cuối
Hoàng chết nơi Xóm Cát. Hai bàn chân anh vẫn nhô lên cát. Tại sao Nguyễn Quang Lập lại để Hoàng chết trong hoang mê, khi anh chưa thể cứu Xê Trưởng ra khỏi án tử? Hoàng biết mọi mánh khóe của Phó Chủ tịch Văn xã. Nhưng Hoàng mà đụng vào hắn thì con người hắn lại đẻ ra một chủ thể giả tạo khác, để vạch trần tội đào ngũ của anh hơn hai chục năm trước. Phó Chủ tịch Văn xã chọc khoét vào nỗi đau, sai lầm mà trong sâu thẳm tâm hồn anh chưa tìm được giải pháp nguôi ngoai.
Hoàng không cố tình đào ngũ. Trong tình thế bất đắc dĩ, suy sụp, hoảng sợ trước những tàn khốc mà chiến tranh mang đến, cùng với những khát khao kiếm tìm Thùy Linh, Hoàng trở về Xóm Cát. Ở Xóm Cát, Hoàng nhận lấy cái giá của việc đào ngũ sau việc chị Rầm bị rocket đánh cụt đầu. Năm chục phuy dầu không là áo giáp giúp anh che giấu lỗi lầm của mình. Mẹ con Thùy Linh cũng bỏ anh mà đi. Trên mặt trận, Hoàng đã chứng kiến vô vàn đớn đau. Sống trong Xóm Cát, anh cũng trở thành người thừa. Ấy thế mà, hơn hai mươi năm sau, nỗi dằn vặt ấy vẫn bị một kẻ từng chiếm đoạt Thùy Linh dấn thêm một nhát nữa.
Hòn đá Trịnh - Nguyễn phân tranh là một hình ảnh đã được nói đến trong “Những mảnh đời đen trắng”, nơi ghi dấu kỉ niệm giữa họa sĩ Tư và thím Hoa - mẹ của Thùy Linh, giữa Hoàng và Thùy Linh. Đến “Tình cát”, nhà văn nhắc đi nhắc lại những hơn chục lần, là nơi Hoàng và Ly Ly thường ân ái. Vậy, hòn đá ở Xóm Cát này đâu đơn thuần chỉ là cột mốc để Nguyễn Quang Lập xác định vị trí Trịnh - Nguyễn phân tranh? Theo tôi, hòn đá Trịnh - Nguyễn phân tranh như khẳng định sự chia cắt, vết chém lịch sử vẫn còn tồn tại trên thân thể Xóm Cát, hệ lụy đến những phận kiếp mỏng manh, chia lìa, đầy đau khổ. Xóm Cát cùng hòn đá Trịnh - Nguyễn phân tranh hoặc chi tiết thanh củi cháy dở trong tay Hoàng vì thế là biểu tượng của vết thương không bao giờ liền da, là chất liệu để Nguyễn Quang Lập giải phẫu chấn thương chiến tranh.
Viết về chiến tranh, Nguyễn Quang Lập không tiếp tục cày xới nỗi đau. Bởi lẽ, hiện nay mọi thứ đã được hòa - hóa giải rồi. Nhưng ai sẽ là người điều trị những chứng bệnh như Hoàng khi xã hội hôm nay vẫn không ngừng gieo chấn thương? Hai ngàn ngôi mộ liệt sĩ giả là một cái tát vào quá khứ đối với những con người còn mang trong mình những tổn thương chiến tranh như Hoàng. Lời tự vấn của Ly Ly phải chăng là câu trả lời thích đáng nhất: “Chứng bệnh của Hoàng là chứng bệnh mọi thời đại của người lính do virus chiến tranh gây nên hay là một lý do nào khác? Làm sao Ly Ly có thể biết khi cô đang ở kênh khác của cuộc đời. Thôi không biết nữa, đã quá nhiều mệt mỏi vì cái sự biết rồi, chuốc thêm nữa để làm gì?” (2; tr.99).