Lặng thầm trên bàn phím - Mạc Ly

02.12.2019

Lặng thầm trên bàn phím - Mạc Ly

Một ca khúc đến với công chúng bằng nhiều cách. Có khi chỉ cây guitar người hát vẫn thể hiện ca khúc thành công. Hay tăng độ trang trọng, người trình bày ca khúc hòa điệu cùng tiếng dương cầm. Đơn giản hơn, một chiếc organ điện tử, người hát vẫn thể hiện tốt những sáng tác mới... Nhưng chuyên nghiệp (pro) vẫn là những ca sĩ lướt trên sàn diễn hoặc trong phòng thu âm hiện đại với nhạc phẩm đã được phối khí bài bản. Một tác phẩm thành công nhờ có sự lặng thầm của người nhạc sĩ phối khí.

Có thể ví von, nếu nhạc sĩ là người cưu mang đứa con tinh thần đầy khó nhọc thì nhạc sĩ phối khí là người đỡ đầu để đứa con thoát ra từ vòng tay “ôm ấp” bấy lâu. Hay nói một cách khác nhờ sự “mát tay” của người nghệ sĩ phối khí mà “đời sống” của ca khúc được thông dòng. Một trong những nghệ sĩ phối khí để lại ấn tượng với tôi nhất, đó là nhạc sĩ Cao Tâm - nhạc sĩ trẻ của thành phố Đà Nẵng. Cao Tâm kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017. Anh vừa là thầy giáo vừa là nhạc công, vừa là Giám đốc Công ty Sự kiện đào tạo và sản xuất âm nhạc. Ở lĩnh vực nào nhạc sĩ Cao Tâm cũng là người hoàn thành tốt nhất công việc của mình.

Có bữa chúng tôi ghé đến Phòng thu âm Cao Tâm đúng lúc nhạc sĩ đang thả hồn. Những ngón tay mềm mại nhẹ lướt trên phím đàn và dòng suối thanh âm tuôn như bất tận. Âm thanh réo rắt, dặt dìu. Người nghệ sĩ trong khoảnh khắc thăng hoa tưởng những gì ngủ yên bấy lâu nay được đánh thức. Giai điệu “Trở về mái nhà xưa” trong trẻo, ngọt lành như dòng sông quê mẹ đượm nghĩa ân tình, khắc khoải yêu thương: “Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan/ Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan...” Ca từ lắng sâu, trong như tiếng suối róc rách từ phía đầu nguồn!   

Tôi còn nhớ trong cái đêm giao lưu với bà con Nông Sơn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức vào đêm 25 tháng 07 năm 2018, Nhạc sĩ Cao Tâm với vai trò một nhạc công vẫn tiếp hiện trong tiếng đàn điêu luyện ấy để hòa nhịp cùng các nghệ sĩ violon, saxophone... kịp thời chắp cánh cho tiếng hát  của ca sĩ Quang Hào bay cao, khi nhạc beat gặp sự cố. Những tiết mục lần lượt trình bày đậm chất ngẫu hứng của ban nhạc và ca sĩ đã làm khán giả vỗ tay tán thưởng. Đêm giao lưu sôi động, hưng phấn và ấm áp đến lạ thường!

Có một lần, tôi gửi một ca khúc thiếu nhi đến phòng thu của Cao Tâm, tôi nghe giọng Cao Tâm qua điện thoại:

- Chị ơi! Có vài chỗ nghịch phách ca sĩ nhí rất khó hát, cho em được chỉnh sửa.

Tôi giật mình, đối tượng mình viết là thiếu nhi, mà sao mình không cẩn thận:

- Không có chi! Miễn sao ca sĩ nhí hát tốt là được.

Còn đến bài “Nơi Người ra đi”, Cao Tâm cũng chân thành:

- Em nghĩ đoạn điệp khúc theo nhịp quân hành sẽ hay hơn...

Cứ thế những đứa con tinh thần của tôi càng được “nâng niu” hơn khi qua tay của Cao Tâm. Trong thẳm sâu, tôi luôn hàm ơn với tất cả. Riêng tôi, vẫn còn là những bước đi chập chững trong lĩnh vực âm nhạc, tôi thật sự ngưỡng mộ tài năng của họ. Khi họ đã dốc lòng thì nhạc play back sẽ  hoàn hảo. Tôi nghĩ đó là món quà đầu tiên họ dành cho người viết ca khúc và người hát thể hiện.

Có một dạo rất khuya, tôi nhận tin nhắn của Cao Tâm:

- Hai giờ rưỡi khuya nay sẽ thu bài của chị. Chúc chị ngủ ngon!

Chị ngủ ngon nhưng còn em cùng ca sĩ vẫn còn thức lúc nửa đêm về sáng để thu âm! Nhạc sĩ phối khí không có thời gian cho riêng mình, phải phụ thuộc vào thời biểu “chạy sô” của ca sĩ và sự hối thúc của người viết ca khúc. Nhạc sĩ phối khí thì ít mà người viết ca khúc thì nhiều. Khoảng ba năm trở lại đây (2017-2019), những cuộc thi sáng tác ca khúc như hoa mùa xuân nở rộ và lan tỏa cả không gian rộng lớn, tạo động lực hấp dẫn cho người viết ca khúc chuyên và không chuyên trong cả nước. Ở cấp bộ  như Bộ VH-TT&DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc ca ngợi về mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Lào. Cấp thành phố thì có Bình Dương, Hải Dương, Nghệ An, Hưng Yên, Đà Nẵng, Tam Kỳ... Ở cấp huyện thì có thị xã Hồng Lĩnh, riêng Quảng Nam năm 2017 có hai huyện tổ chức là Điện Bàn và Nam Trà My, chưa nói đến các cuộc thi sáng tác ca khúc khác như: Flamingo - Vùng đất tươi đẹp. Năm 2018 có những cuộc thi phát động với đề tài về biên giới, biển đảo và bộ đội biên phòng, viết ca khúc dành cho tuổi trẻ, sinh viên, thanh niên, biển xanh quê hương. Năm 2019, Nam Trà My vẫn tiếp tục phát động sáng tác ca khúc nhằm quảng bá sâm Ngọc Linh. Cuộc thi sáng tác ca khúc về thành phố Hải Phòng, sáng tác ca khúc về Truông Bồn... Quá nhiều các cuộc thi, ta không thể liệt kê hết.

Một bất cập khó tránh khỏi là thời gian dự thi sắp hết hạn, nên tác giả nào cũng muốn ca khúc của mình thu âm sớm hơn. Áp lực đè nặng lên vai nhạc sĩ phối khí. Không riêng gì Cao Tâm mà rất nhiều nhạc sĩ lặng thầm khác, với họ thời gian không còn là khái niệm, rất nhiều đêm trắng trôi qua, họ sẵn sàng chạy đua với thời gian để “hoàn thành nhiệm vụ” theo “đơn đặt hàng”.

Như vậy sự thành công của một ca khúc, nhạc sĩ phối khí có phần đóng góp không hề nhỏ. Có thể nói nhạc sĩ phối khí đã chắp cánh cho ca khúc bay cao và bay xa hơn.

Vậy tại sao Nhạc sĩ phối khí không được tôn vinh?

Trừ chương trình Bài hát Việt, trên các chương trình ca nhạc từ trung ương đến địa phương, MC chỉ giới thiệu tác giả viết ca khúc và ca sĩ thể hiện, không hề nhắc đến “người chiến sĩ thầm lặng” này. Tôi nghĩ, sao chúng ta không phát huy như tinh thần của bài hát Việt. Họ không chỉ giới thiệu nhạc sĩ phối khí cho ca khúc ca sĩ thể hiện, mà còn có phần thưởng cho nhạc sĩ phối khí xuất sắc nữa. Như vậy trong các chương trình ca nhạc, MC chỉ cần giới thiệu nhạc sĩ phối khí đồng hành cùng tác giả và ca sĩ, tôi tin người nghệ sĩ phối khí sẽ được ấm lòng và “sân chơi” sẽ được khán thính giả tin tưởng hơn...

M.L