Tục “Về hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ” - Phan Nam Sinh

02.12.2019

Tục “Về hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ” - Phan Nam Sinh

Tạp chí Non Nước số 259 phát hành tháng 9 năm 2019, tôi có bài “Về hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ. Sau đó, bài này được dẫn lại trên trang facebook của tạp chí.         

Đọc bài của tôi tại trang facebook, ông Phí Biên Định đã đăng hai bình luận khá dài, trong đó có chỗ ông tỏ ra còn phân vân, muốn cùng tôi trao đổi thêm.

Và gần đây, ông Phạm Phú Cường, cháu năm đời của cụ Phạm Phú Thứ có gửi tặng tôi mấy trang tư liệu viết tay, trong có câu đối chữ Hán và bản dịch ra tiếng Việt của ông Phạm Phú Tiết mà tôi từng đề cập trong bài đăng ở “Non Nước”.

Nhận thấy đây là dịp tốt để tôi phát biểu ý kiến nhằm làm vấn đề sáng tỏ hơn; vả lại đến lúc này, việc không chỉ có quan hệ tới tôi, tạp chí “Non Nước” mà còn quan hệ tới họ tộc Phạm Phú, lãnh đạo thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam nên tôi thấy mình có trách nhiệm trao đổi thêm một vài ý kiến, lần lượt như dưới đây:

1- Người Hoa có dùng từ “liệt tiên” (烈 先) thay thế cho từ “tiên liệt” (先 烈) không?

Tại bài của tôi, có đoạn nói: câu “hải ngoại bồng doanh hữu liệt tiên” mà chữ “tiên” viết là 先 như trên cột cổng mộ cụ Phạm Phú Thứ hiện nay là sai, mà phải viết là 仙 mới đúng; lấy cớ rằng chỉ có chữ “tiên” (仙) là “thần tiên” mới đi được với hai chữ “bồng doanh” (蓬 瀛) là chỗ mà theo truyền thuyết là nơi của tiên ở.

Ông Phí Biên Định không tán thành mà cho rằng hai chữ “liệt tiên” (烈 先) đó là do hai chữ “tiên liệt” (先 烈) nói ngược cho phù hợp với luật đối trong phép làm câu đối, không liên quan gì đến chữ “tiên” (仙) mà tôi nói cả.

Về chỗ này, tôi xin được thưa lại cùng ông như sau:

Tôi đã tra tất cả các từ điển Hán Việt mà tôi hiện có, tra tiếp tới “Hiện đại Hán ngữ từ hải” (现 代 汉 语 辞 海) tái bản tại Trung Quốc năm 2017, đọc sang một số bài thơ chữ Hán của các nhà thơ đời Đường bên Tàu cũng như của các cụ ta xưa, cũng chẳng thấy ở đâu có từ “liệt tiên” (烈 先) mà chỉ có từ “tiên liệt” (先 烈), với nghĩa là “người có công nghiệp ở đời trước”. Nhờ thêm một lưu học sinh đang làm luận án Tiến sĩ tại một Trường Đại học Trung Quốc tra cứu giúp thì vị Tiến sĩ tương lai này cho biết: chưa thấy người Trung Hoa nào dùng từ “liệt tiên” (烈 先) trong khẩu ngữ cũng như trong văn chương thay thế cho từ “tiên liệt” (先 烈) cả.  Vậy, nếu câu đối chữ Hán trên cột cổng nơi phần mộ cụ Phạm Phú Thứ là do một ông bạn người Tàu tặng cụ Phạm Phú Thứ như lời con cháu cụ thuật lại thì hóa ra là quá vô lý hay sao?

Vậy nên tới lúc này tôi vẫn nói quyết rằng hai chữ “liệt tiên” nơi cột cổng mộ cụ Phạm Phú Thứ phải viết là 烈 仙 mà không thể viết là 烈 先 được vậy, thưa ông!

2- Bốn chữ “hải ngoại bồng doanh” có phải là hình ảnh tượng trưng cho con thuyền vượt biển đầy khổ ải khi Phạm Phú Thứ đi sứ sang Pháp và Tây Ban Nha năm 1863 hay không?

Trong bài có đoạn tôi nói rằng: “bồng doanh” (蓬 瀛) còn gọi là “bồng lai” (蓬 萊) hay “bồng đảo” (蓬 島), và “hải ngoại bồng doanh” (海 外 蓬 瀛) là để chỉ núi Bồng Lai ngoài biển, theo truyền thuyết là nơi tiên ở.

Ông Phí Biên Định không tán đồng ý kiến của tôi và đã đưa ra một cách hiểu hoàn toàn khác.

Ông cắt cụm từ “hải ngoại bồng doanh” thành hai từ là “hải ngoại” và “bồng doanh” rồi giải thích: “hải ngoại” là “ngoài biển”, giống như ngày nay ta nói “người Việt hải ngoại” vậy. Còn “bồng” là “mui thuyền”, “doanh” là “biển” nên bốn chữ “hải ngoại bồng doanh” có thể hiểu là “ngồi trong mui thuyền vượt biển ra nước ngoài”, chỉ chuyến vượt biển đầy gian truân khi cụ Phạm Phú Thứ đi sứ sang Pháp và sau đó là Tây Ban Nha, năm 1863.

Về chỗ này, tôi buộc phải thưa lại cùng ông như sau:

“Hải ngoại bồng doanh” vốn nó là một danh ngữ nên không thể cắt rời thành hai là “hải ngoại”, “bồng doanh” và giải nghĩa theo như cách của ông! Vả lại, chữ “bồng” mà ông nói đó nó là “mui thuyền”, chữ Hán phải viết là 篷 (bộ trúc) mà không thể viết là 蓬 (bộ thảo) như nơi cột cổng tại phần mộ cụ Phạm Phú Thứ hiện nay được!

Vậy nên, cho đến nay tôi vẫn nói quyết rằng: “hải ngoại bồng doanh” là “non Bồng ngoài biển” mà không thể hiểu như cách ông từng giải thích, thưa ông!

3- Vì sao tôi đề nghị thay câu chữ Hán ở mộ phần cụ Phạm Phú Thứ bằng câu đối của Nguyễn Tường Tiếp?

Trong bài tôi có nói: nếu gia tộc cụ Phạm Phú Thứ và các cơ quan hữu trách của thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam thấy điều tôi nói là đúng thì nên thay hai câu chữ Việt lẫn chữ Hán nơi phần mộ cụ Phạm Phú Thứ hiện nay bằng hai câu khác sao cho xứng tầm với đức độ, công lao cụ Phạm Phú Thứ hơn.

Về câu chữ Hán, tôi đã đề nghị thay câu của ông người Tàu tặng cụ Phạm Phú Thứ bằng câu của Tú tài Nguyễn Tường Tiếp (1831 - 1890). Đấy là câu này:

Nguyên văn chữ Hán:

蕙 政 奇 熏 六 頭 江 東 下 千 萬 里

雄 文 吏 筆 五 行 山 南 中 第 一 峯

Phiên âm Hán Việt:

Huệ chánh kỳ huân lục đầu giang đông hạ thiên vạn lý

Hùng văn lại bút ngũ hành sơn nam trung đệ nhất phong

Tạm dịch tiếng Việt:

Chánh trị danh thơm đông Lục Đầu sông trăm ngàn dặm

Văn chương khí mạnh nam Ngũ Hành núi vạn trượng cao

Lý do thì như tôi đã nói: Nó không chỉ tiêu biểu cho tài năng văn chương, chính trị, đức độ cũng như những đóng góp của cụ Phạm Phú Thứ cho đất nước, mà quý hơn cả, nó là của người Việt viết về danh nhân người Việt.

Nay xin được nói thêm một hai điều về câu đối đó:

Câu của Nguyễn Tường Tiếp theo tôi là một câu đối hay mà chưa chắc ngày nay đã có người làm được. Nó hay bởi nó không quá gò bó, không quá chỉnh chu như “kỳ huân” (奇 熏) đối “lại bút” (吏 筆), “thiên vạn lý” (千 萬 里) đối “đệ nhất phong” (第 一 峯). Bởi vậy, tuy là câu đối nhưng nó vẫn giữ được cái vẻ tự nhiên. Tự nhiên thì thường gần với cái đẹp hơn là khắc hoạch. Cái đẹp ấy có được một phần do Nguyễn Tường Tiếp là người cùng thời với Phạm Phú Thứ, phụ tá của Phạm Phú Thứ, hiểu và thông cảm với Phạm Phú Thứ hơn bất cứ ai thời ấy, kể cả với chúng ta và con cháu cụ bây giờ.

Còn như lấy lý do Nguyễn Tường Tiếp là người họ Nguyễn Tường, có truyền thống chống cộng mà không dùng câu của ông thì quả là hẹp hòi và cũng rất không công bằng. Có thể họ Nguyễn Tường có nhiều người chống cộng nhưng vào thời Nguyễn Tường Tiếp lấy đâu ra cộng sản để cụ chống?

4- Từ tư liệu viết tay mới nhận được từ cháu năm đời cụ Phạm Phú Thứ

Tôi vừa nhận được mấy trang tư liệu viết tay từ ông Phạm Phú Cường, cháu năm đời của cụ Phạm Phú Thứ, trong có câu đối chữ Hán mà tôi đã nhắc đến trong bài đăng ở tạp chí “Non nước” hồi đầu tháng 9 năm nay. Tiện đây, xin chân thành có lời cám ơn ông Phạm Phú Cường.

Theo đó, câu đối này là của ông Lê Duy Tung, người Quảng Châu viết mừng cụ Phạm Phú Thứ. Xem chú thích ở cuối trang và qua trao đổi với ông Phạm Phú Cường thì được biết: Phần chữ Hán là của ông Phạm Phú Viết điền vào sau, nhờ dựa vào bản phiên âm Hán Việt và bản dịch ra tiếng Việt của cụ Phạm Phú Tiết trước đó.

Chữ Hán do ông Phạm Phú Viết điền vào:

天 南 文 物 同 中 國

海 外 蓬 瀛 有 埒 僊

Ông Phạm Phú Tiết phiên âm ra Hán Việt:

Thiên nam văn vật đồng Trung Quốc

Hải ngoại Bồng Doanh hữu liệt tiên

Và ông Phạm Phú Tiết dịch qua tiếng Việt:

Vạn vật ở trời Nam đồng nhất với Trung Quốc

Non Bồng Lai và Dinh châu ngoài biển có tiên nhơn

Như vậy là người điền chữ Hán là ông Phạm Phú Viết và người dịch câu đối là ông Phạm Phú Tiết đã có cùng một cách hiểu với tôi trong bài đăng ở tạp chí “Non Nước” hồi đầu tháng 9 như đã nói.

Trước tiên là chữ “đồng” (同) và cụm từ “đồng Trung Quốc” (同 中 國). Trong bài đăng ở tạp chí “Non Nước”, tôi hiểu chữ “đồng” là “giống như” và cụm từ “đồng Trung Quốc” là “giống như Trung Quốc”. Ông Phạm Phú Tiết dịch chữ “đồng” đó là “đồng nhất” và “đồng Trung Quốc” là “đồng nhất với Trung Quốc”. Như thế thì ông Phạm Phú Tiết với tôi chẳng có gì khác nhau!

Thứ đến là chữ “tiên”. Chữ “tiên”, theo bài tôi đăng ở “Non Nước”, không thể viết là “tiên” (先) với nghĩa là “trước” như nơi cổng mộ cụ Phạm mà phải viết là “tiên” (仙) với nghĩa là “thần tiên”. Thì ông Phạm Phú Viết cũng viết là 僊, một dạng khác của chữ 仙, như tôi đã từng viết trên “Non Nước”.

Tuy vậy có hai chỗ trong tài liệu nói trên mà tôi chưa hiểu. Xin nêu ra đây để tham khảo ý kiến các bạn am tường chữ Hán hơn tôi.

Trước hết là chữ “liệt” trong hai chữ “liệt tiên”. Chữ “liệt” đó, theo tôi phải viết là 烈 như nơi cột cổng mộ cụ Thứ hiện nay. Vậy mà không hiểu sao ở tài liệu tôi vừa nhận được, chữ “liệt” đó lại được ông Phạm Phú Viết phiên thành 埒. Bởi chữ “liệt” này (埒) có nhiều nghĩa nhưng không có nghĩa nào đi được với chữ “tiên” (仙) là “thần tiên” cả.

Thứ nữa là cái cách ông Phạm Phú Tiết dịch hai chữ “bồng doanh” (蓬 瀛).   Theo tôi “bồng doanh” hay còn gọi là “bồng lai” (蓬 萊), “bồng đảo” (蓬 島) là tên một hòn núi ngoài biển, theo truyền thuyết là nơi của tiên ở. Thế mà chẳng hiểu tại sao, ở tài liệu tôi vừa nhận được từ ông Phạm Phú Cường, ông Phạm Phú Tiết lại cắt làm hai là “bồng” và “doanh” rồi dịch là “Bồng lai” và “Dinh châu”? Trong khi đó, Dinh Châu hay Doanh Châu (瀛 洲) chỉ là tên một ngọn núi cùng với hai ngọn kia là Bồng Lai (蓬 萊), Phương Trượng (方 丈) theo truyền thuyết là nơi của tiên ở!

 P.N.S