Hương cau quê mẹ - Duy Vinh

02.12.2019

Hương cau quê mẹ - Duy Vinh

Thế là Hiền đã đi khỏi làng từ hơn mấy tháng nay. Hôm Hiền ra đi, tôi không có mặt ở cái làng thân yêu này. Khi tôi về đây, nhìn ngôi nhà của Hiền từng ở trở nên buồn bã, tôi như thấy hình bóng của cô bé lẩn khuất đâu đó, cha tôi nói:

- Con nhỏ qua nói với cha để đi mà hắn khóc thật tội nghiệp. Tôi không hỏi gì hơn nữa, nhưng biết rằng Hiền ra đi mang theo biết bao tâm sự.

Ôi cái quê hương nhỏ bé này, hình như không nhốt nổi chúng tôi nữa rồi. Ngày tháng chúng tôi sống bên nhau thật êm đềm. Khi còn học trường làng hai đứa đã như một đôi chim, mỗi ngày chúng tôi đều gặp nhau, hoặc đi học hoặc là dẫn nhau đi tìm những bông hoa dại ven đường, có khi cùng lũ bạn chơi trò trốn kiếm và bao nhiêu trò chơi trẻ thơ khác biết bao thú vị.

Lúc đã lớn lên những trò chơi ngây ngô không còn nữa, chúng tôi lại có những đam mê khác. Đó là những đêm trăng thường cùng chúng bạn rủ nhau ra sân trường làng ngồi kể nhau nghe những chuyện nghe được ở những người lớn đã kể. Tôi còn biết Hiền rất thích kéo nhau về những con đường làng dưới bóng trăng chập chờn huyền ảo để tìm cảm giác lãng mạn như những câu chuyện liêu trai.

Hiền sống với mẹ và đứa em gái trong tuổi thơ vô tư như thế. Không được may mắn như chị, Châu đứa em gái bị tật nguyền khi còn nhỏ, Châu gần như bị câm chỉ biết nói ngọng nghịu và ngại tiếp xúc với người lạ. Khi nói với ai, cô ấy chỉ  ra dấu và cô có thể nghe được, cô học lên lớp chín rồi nghỉ ở nhà với mẹ. Nhưng bù lại cô cũng xinh gái không kém chị bao nhiêu. Khi đã thành những thiếu nữ, Hiền và Châu đẹp nhất nhì trong xóm, mẹ Hiền khi thấy chúng tôi chơi thân và biết quí nhau, nên coi tôi như con cháu trong nhà.

Và những ngày được nghỉ học, tôi thường về nhà của chị em Hiền để trò chuyện hát hò, có khi đến nửa đêm tôi mới trở về. Những lần đến nhà hai cô gái để vui chơi, trò chuyện Hiền bao giờ cũng sôi nổi chuyện trò, ngược lại Châu chỉ ngồi yên lặng nghe, đôi lúc tôi cảm thấy như cô ta buồn, khi thấy chúng tôi thân mật và vui chuyện với nhau.

Thường thì tôi cố không nói chuyện nhiều với Châu, bởi vì sợ cô e ngại khi phải nói chuyện với mình. Tôi có biết chút ít về âm nhạc và hát cũng khá hay. Châu thường chỉ cây đàn ghi ta bảo tôi hát cho cô nghe. Cây đàn cũ mà Hiền mua lại của người ta để mỗi lần tôi đến đây hát cho vui và cũng làm cho chúng tôi gần nhau hơn. Tôi còn dạy cho cả Châu biết đàn chút ít, nhiều khi cưng chiều Châu hơi quá, đôi lúc cũng làm cho Hiền phải ghen tỵ và tôi cũng từng giải thích cho Hiền biết Châu là người phải được chiều chuộng nhất nhà, bởi vì cô bé là út oi nên Hiền cười và chấp nhận.

Cuộc sống của gia đình tôi và chị em Hiền có phần giống nhau, mẹ tôi qua đời cách đây mấy năm, anh và chị tôi có chồng có vợ và họ ở xa, chỉ có tôi và cha tôi lặng lẽ trong ngôi nhà nằm lọt thỏm trong vườn cây xanh mát từ bao đời nay. Nhiều khi thấy tội nghiệp cho cha tôi, ông cần mẫn chu đáo lo cho tôi, tôi cảm thấy cha tôi như hình bóng mẹ tôi ngày xưa, nhất là khi tôi phải xa nhà hay rong chơi vô ý để ông vò võ một mình như thế.

Khi tôi vào đại học, hôm trước lúc lên đường, là người hàng xóm mẹ Hiền và Châu có đến nhà thăm, bà nhìn cha tôi ái ngại:

- Hắn phải nhập học, ở một mình anh thấy có khó không? Cha tôi cười:       

- Khó là khó thế nào được, ở nhà tôi vẫn phải nấu cho hắn ăn chớ có sao đâu?  Tôi biết nói là nói như thế, nhưng tôi thấy cha tôi cô quạnh và khó khăn thật, nhưng ông nói mạnh là để cho tôi yên tâm đi học. Cha tôi và cả mẹ của Hiền không nói ra những gì trong lòng họ nhưng tôi biết họ đang nhìn chúng tôi về một tương lai sau này là nên đôi, nên lứa.

Mẹ Hiền bộc lộ tình cảm đặc biệt dành cho tôi, khi đó Châu, đứa  em gái tật nguyền của Hiền ngồi đưa mắt nhìn về xa xăm và hình như cô đang có điều gì không vui. Mẹ Hiền nhìn đứa con gái của mình và nói:

- Phải chi anh không ngại, con Hiền  hoặc là con Châu nhà tôi khi rảnh rỗi, hắn sang giúp nấu nướng cho anh được chứ? Cha tôi biết lòng tốt của người hàng xóm, nhưng ông không dám nhận. Thế mà khi tôi đi rồi không phải là Hiền mà là Châu vẫn thường đến, khi thì đem vài thứ quà, khi làm giúp mấy việc vặt vãnh mà cha tôi chưa làm được. Việc cô Châu đến làm cho cha tôi cảm động. Nhất là khi cô ngập ngừng hỏi về tôi, và có lúc tìm trong những tập ảnh có tôi trong đó săm soi trìu mến. 

Tôi cảm thấy trong lòng có được những điều an ủi về tình làng nghĩa xóm, về mẹ con của Hiền đối với gia đình tôi khi cha tôi viết thư báo những thông tin như thế.  

Nhưng lần này về nghe tin Hiền đã bỏ làng ra đi tôi thật sự bị xốc. Tôi tưởng về đây, có được những ngày thảnh thơi, tôi với Hiền sẽ kể cho nhau nghe chuyện của nhau khi hai đứa xa nhau hơn một năm. Tuy không nói ra lời nào nhưng tôi biết Hiền đang biết tôi yêu cô ta, tình yêu trong sáng nhưng bồng bềnh làm cho hai đứa lúc nào cũng thấy bay bổng bằng những ước mơ lãng mạn, như những men say ấy, lòng tôi luôn ao ước được sống gần Hiền. Những ngày xa quê tôi luôn tìm cách để biết tin tức về cô gái cùng quê, cùng xóm, thế mà tin tức ngày một thưa dần. Giờ về lại nơi đây thì Hiền ra đi. Tôi đến nhà mẹ cô, thấy tôi bà như nhớ đến con rồi nói:

- Con nhỏ đi được hơn mấy tháng rồi, phải chi cháu về gặp hắn, trước thì hay lắm. Bà nói về Hiền từ ngày chúng tôi xa nhau:

- Hắn nói không còn muốn học và làm một việc gì đó thì hay hơn, rồi bà nhìn tôi và hỏi:

- Cháu có biết con nhỏ thương cháu như thế nào không? Tôi yên lặng nghe lòng mình trào dâng xúc động. Châu thấy tôi về cũng mừng và ngồi bên mẹ lắng nghe câu chuyện, cô thỉnh thoảng liếc nhìn tôi với đôi mắt u buồn. Nhất là khi nghe mẹ cô nói những điều có liên quan đến Hiền và tôi.

Tình yêu của chúng tôi trong sáng với bao mơ ước cháy bỏng về tương lai, vì thế tôi phải cố thi và học cho xong đại học. Hiền thường nói với tôi những khi hai đứa cùng bên nhau dưới những đêm trăng bên hàng cau mùa ra hoa ngào ngạt đưa hương: “Anh vào được đại học thì mừng lắm, còn em có lẽ sẽ mất anh”. Tôi nói với cô ấy.

- Sao em lại nói những điều như thế? Anh học xong là về với quê mình, chúng ta sẽ cùng sống trên quê hương như hôm nay thôi mà. Không biết Hiền có tin những điều tôi nói hay không nhưng tôi thấy Hiền buồn đến thương hại. Bà mẹ Hiền chợt hỏi tôi:

- Cháu có khi nào nhận được thư của em nó gửi cho không? Dạ chỉ có em Châu gửi thôi bác ạ. Tôi nhìn Châu thấy cô quay mặt trốn tránh cái nhìn của tôi. Mẹ Hiền nhìn con gái tật nguyền tỏ ra thương hại:

- Nó như thế, nhưng có tình lắm, những ngày cháu đi rồi nó thường hay nhắc đến tên cháu mãi. Tôi thưa với mẹ cô gái:

- Bố cháu cũng nói với cháu như thế. Thật ra tôi cũng biết Châu rất quý mến tôi, nhưng hình như cô cũng không muốn cho chị Hiền của mình biết là mình để ý đến một người. Cũng qua những sự việc trên, mà trong thư cha tôi gửi cho tôi khi còn ở trường đại học, và qua việc mẹ của Hiền nói về Châu đối với  tôi, tôi thấy hình như Châu đã có một tình yêu mãnh liệt với tôi, từ lúc còn có Hiền ở nhà.

Những con người tật nguyền thường có những tình yêu như thế và đã âm thầm chịu đựng. Có điều tôi không hình dung được chị em họ đang cố nén những nỗi niềm riêng trong lòng, họ đang nghĩ về một đứa con trai, mà người con trai ấy chính là tôi chăng? Hôm tôi chuẩn bị trở lại học đường. Mẹ Hiền có đến thăm, lần này Châu không đi với mẹ. Bà nói:

- Con Châu mấy bữa nay bị bệnh, nó gửi cho cháu cái gì đây. Bà lấy ra quyển sổ nhỏ viết dở dang cùng cái thư xếp rất gọn đưa cho tôi  nói thêm:

- Khi con nhỏ bỏ nhà ra đi, còn quyển này nó để trong ngăn tủ, lúc trước bác có thấy, nó bảo là của cháu.

Khi mẹ Hiền ra về, tôi mới đọc trước thư của Châu. Thư chỉ có mấy dòng “Chị Hiền bỏ nhà ra đi, anh cũng về lại trường, còn Châu thì chỉ biết buồn mà thôi. Anh cố gắng học và đừng quên chúng em” Trong bức thư ngắn mà Châu viết cho tôi cô gạch bỏ chữ chúng. Tôi biết tại sao Châu lại gạch bỏ chữ  “chúng” trong bức thư ngắn kia và Châu không đến gặp tôi lần này. Tôi thật sự ái ngại về tình cảm của cô em gái của Hiền đối với tôi.

Đêm đó tôi thao thức theo những trang nhật ký mà Hiền viết cho mối tình đầu vừa ươm mầm trong cô, cùng những trăn trở mà cô gọi là nghịch cảnh có liên quan đến người em gái đáng thương của mình. Hiền viết “Ngày... tháng... anh ơi! thế là em quyết định được rồi. Nếu còn bao nhiêu tình cảm anh dành cho em thì anh hãy dành cho em Châu. Đứa em đáng thương lắm! Anh biết không? Nếu em có thể nhận lãnh những thương tật mà em gái em đang phải chịu thì em không từ. Em nói thật lòng mình đấy anh ạ. Hôm nay em mệt lắm, có thể là do đêm qua em mất ngủ vì anh và em Châu đàn hát đến quá khuya mà em không dám gợi ý cho hai người”. Tôi đã hiểu phần nào chuyện Hiền bỏ nhà ra đi. Hiền viết ở một trang khác “Ngày... tháng... Châu ơi chị biết em đang buồn khi anh ấy đi chơi với chị tối nay. Sáng nay thấy em buồn lòng chị cảm thấy thật ân hận, chị đã hứa với lòng mình là không làm một việc gì để nữa cho đứa em gái bất hạnh phải buồn, thế mà...”. Tôi đọc lần hết những trang viết của Hiền mới biết hai chị em họ thương yêu nhau biết ngần nào. Đã thế còn có liên quan đến tình cảm của  tôi với bọn họ. Châu yêu tôi trong âm thầm nhưng tôi thật vô tư không hiểu, hoặc có hiểu cũng chỉ cho là chuyện trẻ con. Hiền biết đứa em gái đáng thương kia nên tìm một giải pháp mà cô ta bảo là đã tìm được cách đó sao?

Những ngày tôi trở lại với trường, thật ra tôi không yên tâm để học. Hình ảnh của bọn họ luôn quấn lấy tư tưởng của tôi. Thế rồi tôi nhận được thư của Châu gửi đến trường, đó là gần hơn một năm khi Hiền bỏ nhà ra đi.Trong thư Châu báo tin đầu tiên là đã tìm được chỗ ở của Hiền. Mẹ cô và cô đã đến thăm. Hiền mừng lắm mà Hiền thì không muốn về nhà nữa. Châu còn khoe “Thường đến nhà giúp cha tôi, ông quý mến cô lắm, động viên tôi ráng học để mau ra trường”. Tôi đọc, thư của cô làm cho tôi cảm động nhưng cũng bâng khuâng.

Rõ ràng Châu đã yêu tôi thật sự, có điều việc này tôi chưa hề nghĩ đến. Chưa nghĩ đến không phải vì tôi thấy cô gái tật nguyền mà chê bai gì, nhưng hình ảnh Hiền đối với tôi thật quá lớn, choáng hết phần còn lại trong đời tôi, hay có thể nói một cách khác là tình yêu của chúng tôi chớm nở từ hồi còn trẻ con cho đến bây giờ không dễ phai mờ, hay nói cho đúng là không thể thay đổi nhanh đến vậy.

Vào một dịp được nghỉ học dài ngày, và tôi quyết định không về nhà. Theo địa chỉ của Châu, tôi đi tìm cho được nhà để gặp Hiền.

Lòng tôi sẽ trăn trở biết bao nếu tôi gặp được cô ấy.

Trên đường đi tìm cô bạn gái mà tôi yêu thương như đi tìm con chim đã bay ra khỏi cái lũy tre xanh của làng quê ngày nào. Tôi như một thằng tham lam, cái gì cũng muốn quơ về mình, làm cho tôi khổ sở thế này chăng? Tôi nghĩ ngợi những kỷ niệm thấy tình người sao mà lắm phức tạp và cũng đáng trân trọng biết chừng nào. Phải chăng đó là chất xúc tác làm cho cuộc đời có nhiều ý vị đó chăng?

Con đường vào nhà Hiền ở, dài hun hút của một khu lao động nếu không hỏi thật kỹ thì mấy con số chồng chất đó khó có thể tìm được. “Nhà ông Tư Bông thợ hồ có anh Nam bị liệt”, cái địa chỉ nghe đến đã thấy họ đang sống trong nghèo túng. Thế mà tại sao mà Hiền lại tìm đến ở đây? Tôi thầm tự hỏi như thế nhiều lần và cuối cùng, khi gặp được Hiền đã làm cho tôi cũng thấy mình thật tầm thường trước tấm lòng của cô gái tôi yêu.

Khi tôi bước vào nhà, Hiền đang bón từng muỗng cháo cho một thanh niên trông cũng trắng trẻo đẹp trai lắm, nhưng tôi thấy tay và chân bị băng đầy khắp cả. Hiền thấy tôi, cô khựng lại vì quá bất

ngờ nhưng sau đó cô cười nhìn tôi với đôi

mắt buồn:

- Ôi anh! Sao anh tìm được mà đến đây? Hiền hỏi tôi rồi lại bón từng muỗng cháo cho người bệnh. Tôi ái ngại:

- Anh có địa chỉ của Châu mà. Hiền cúi xuống lau những tia nước cháo trên áo người đang được chăm sóc. Tôi thấy hai dòng nước mắt cũng tuôn trào trên má Hiền, không biết Hiền đang khóc vì sự có mặt của tôi hay vì thương người bệnh đang hồi quá nặng. Cô nói với tôi :

- Má và Châu có đến đây anh ạ. Tôi muốn hỏi tại sao Hiền lại đến ở đây nhưng ngại vì người mà Hiền đang bồng đỡ trên đôi tay cô gái, và người bệnh đó nhìn tôi với nỗi buồn bệnh hoạn.

Khi bón cháo xong Hiền xốc bồng anh vào trong buồng để nằm và trở ra rồi nắm tay tôi dẫn vào một chiếc bàn mời ngồi, tôi trông cô lúc này như là chủ nhân thật sự, cô rót nước mời tôi và  hỏi:

 - Anh có hay về nhà không? Không để tôi trả lời Hiền nói:

- Mẹ em và Châu khi biết em trốn đi, chắc là buồn lắm nhưng may mà họ tìm được và đến đây thì tốt rồi anh ạ! Hiền nói cố làm thật sự tự nhiên, nhưng tôi biết Hiền đang có nhiều tâm sự. Tôi trách:

 - Em làm thế là sao? Em không yêu những người yêu thương mình hay sao? Hiền cười buồn

-  Không phải đâu anh ạ. Nhiều lúc biết mình yêu thương ghê lắm, nhưng cũng cần phải biết hy sinh chứ anh. Tôi hỏi:

- Em muốn làm một con người cao thượng? Hiền nói có lẽ cũng thấy chưa thật với lòng mình:

- Không hẳn thế đâu anh ạ. Hiền cố cười nhìn tôi:

- Hy sinh cho những người mình yêu cũng là một việc làm có ý nghĩa trong tình yêu phải không anh? Hiền  nhìn tôi như cầu khẩn:

- Châu đứa em gái tật nguyền của em nó yêu anh, anh không biết sao? Hiền bộc bạch trong nỗi niềm, cô lấy tay quẹt nước mắt. Tôi ngồi yên lặng thấy lòng mình thật xúc động xót xa, nhưng không biết mình phải nói gì. Hiền bắt đầu kể:

- Ngày em  đi và đến đây quyết làm một việc gì đó tạm sống. Khi nào có dịp em sẽ tìm cách thuyết phục anh và Châu thành đôi bạn, như em với anh, và sau đó anh và Châu sẽ nên đôi chồng vợ, dù biết rằng em vẫn yêu anh, sau đó em sẽ về lại quê với mẹ. Hiền lại quẹt nước mắt. Anh biết em đau khổ bao nhiêu khi biết đứa em gái nó cũng yêu anh. Hiền lại bùi ngùi:

- Và cái quyết định đúng đắn nhất là em phải ra đi. Bây giờ thì em sẽ ở đây luôn anh ạ. Tôi hỏi:

-  Em làm như thế thật sao?

- Đúng như thế, em sẽ lấy người thanh niên đang nằm trong phòng kia và sống ở đây. Tôi mơ hồ như mình lầm nhưng Hiền quả quyết:

- Anh ấy bây giờ đáng thương lắm, nếu không có em chắc bác Tư Bông và anh ấy chết mất. Hiền kể tiếp cho tôi nghe họ quen nhau. Hiền vào đây gặp được bác Tư Bông làm thợ hồ và những ngày đầu cô xin đi làm phụ hồ, cùng làm với bác, có người con trai của bác là Nam. Anh ấy thi đại học không đậu thế là anh cố đi làm với cha để rồi đi thi trở lại. Nhưng cách đây ba tháng anh Nam bị tai nạn đổ dàn giáo, tay chân bị gãy và không đi lại được, không tự làm một việc gì như anh đã thấy, bác sỹ nói cố gắng trong một thời gian xem sao, có khả năng bị liệt hết một chân, còn hai tay thì sau đó sẽ hoạt động bình thường, vậy là em phải giúp anh ấy.

Hiền nhìn tôi rồi cúi xuống che đi những giọt nước mắt. Tôi thật sự xúc động nhìn ngôi nhà tềnh toàng trong không gian yên tĩnh, nghe lòng xao xuyến về tấm lòng người con gái chọn cho mình cuộc sống có nhiều ý nghĩa cao cả như thế.

Hiền nghe người bệnh trở mình, cô chạy vội vào, một lúc sau cô dìu anh có cái tên gọi là Nam ra, anh ấy cố chào tôi, ráng ngồi bên Hiền. Hiền nói:

- Đây là bạn của em đang học đại học đến thăm em đấy. Hiền nói với người thanh niên bệnh tật.

- Anh ráng ăn uống, sau đó là phải tập để mau mạnh rồi về dự đám cưới của ảnh. Tôi nghe lòng mình xót xa quá đỗi, và rồi cũng cố cười lên để làm vui câu nói của Hiền. Hiền đoán biết tâm sự của tôi lúc này nên bảo:

- Có lẽ đến khi anh Nam hết bệnh là chúng em làm đám cưới anh ạ, anh nhớ đi dự đấy nhé! Nói xong cô nhìn người bệnh và nhìn tôi bằng đôi mắt xa xăm đến thương hại.

Tôi chia tay Hiền trở về, khi đã nói những gì muốn nói với cô gái mà tôi đã yêu mến. Bên tai tôi vẫn còn cái tiếng nói dịu dàng của Hiền “Anh hãy thương yêu Châu hơn nhé anh, nó là cô gái đáng thương hơn em mà”.

Chia tay Hiền mà lòng tôi bịn rịn không muốn rời nhau. Tôi nghĩ Hiền biết chia sẻ những khổ đau của người khác bằng tấm lòng cao cả vị tha, còn tôi đang đứng giữa hai ngả đường chưa biết phải đi hướng nào đây? Tôi mơ hồ như mình vừa trải qua một giấc mơ, hình bóng Hiền chập chờn, tiếng nói tiếng cười của Hiền vọng lại bên tai và như đang nghe cả tiếng chim đang hót đâu đó trên quê hương của tôi và chị em của Hiền ngày xưa.

Nhưng thôi rồi, những đêm trăng quê, đâu còn được cùng Hiền đi dưới làn hương cau thoang thoảng, những buổi chiều chúng tôi còn đâu được đi bên nhau để nghe lũ chim quê hót vang khi quay về tổ ấm.

Tôi thẫn thờ như thế với bao chuyện mất chuyện còn, cho đến khi tôi tìm lại được hình ảnh của những người thân nơi quê nhà trong đó có Châu đứa em gái tật nguyền của Hiền làm cho tôi bớt nặng trĩu trong lòng.

D.V