Cùng thành phố vượt qua thách thức, tiếp tục phát triển
Nhân dịp kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX tiến hành vào đầu tháng 12 năm 2019, Ban biên tập tạp chí Non Nước có buổi trao đổi với bà Đặng Thị Kim Liên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng một số nội dung về công tác xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQVN thành phố. Tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
* Thưa bà Đặng Thị Kim Liên, công tác giám sát, phản biện, xây dựng chính quyền trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra nhiều nhiệm vụ nóng, cần được tiến hành kịp thời, mạnh mẽ để góp phần xây dựng chính quyền các cấp thực sự của dân, do dân và vì dân. Trước hết, chúng tôi muốn nghe ý kiến của bà về những nội dung kiến nghị của Ủy ban MTTQVN thành phố với Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tháng 7 vừa rồi. Các nội dung kiến nghị đó đến nay đã thực hiện như thế nào?
Tại Kỳ họp giữa năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã kiến nghị với HĐND thành phố 03 vấn đề, đó là: Xây dựng thành phố môi trường; Quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; Đảm bảo an ninh trật tự. Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp, quyết liệt xử lý nhưng ô nhiễm môi trường vẫn đang là vấn đề “nóng” gây bức xúc trong nhân dân, nhất là việc thu gom và xử lý rác thải. Việc điều chỉnh quy hoạch có triển khai thực hiện nhưng rất chậm, chưa được khắc phục trên thực tế, vẫn còn nhiều dự án quy hoạch treo quá lâu. An ninh trật tự cơ bản được đảm bảo nhưng tình hình phạm tội của người nước ngoài cho thấy công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài chưa chặt chẽ làm người dân cảm thấy vô cùng lo lắng và bất an... Ủy ban MTTQ Việt Nam đề nghị chính quyền thành phố tiếp tục có những giải pháp căn cơ hơn nữa để giải quyết rốt ráo 3 vấn đề này, nhằm xây dựng thành phố thực sự bình yên cho người dân và du khách.
* Với chức năng giám sát và phản biện xã hội, bà vui lòng cho biết trong năm qua Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã tiến hành giám sát và phản biện xã hội như thế nào?
Năm 2019, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền. Đã tiến hành giám sát 26 chuyên đề, tiêu biểu là: Giám sát đội ngũ cán bộ, công chức thông qua công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; Việc triển khai thực hiện quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại các địa phương; Công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong vụ việc cụ thể có liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em; Việc hỗ trợ đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng của các dự án; Đề án “Sữa học đường” và bữa ăn ca của người lao động tại doanh nghiệp.
Mặt trận thành phố đã tổ chức 4 hội nghị phản biện xã hội đối với các chính sách và đề án của chính quyền thành phố như: Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng - Marina Complex và Dự án Olalani Riverside Tower; Dự án nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố; Dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà, Đề án thu phí phương tiện cơ giới tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố. Hoạt động phản biện của Mặt trận thành phố đã phát huy được vai trò của các hội đồng tư vấn, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội xã hội, ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và nhất là ý kiến của các tầng lớp nhân dân thành phố. Qua phản biện Mặt trận thành phố đã tổng hợp 4 văn bản cụ thể gửi đến UBND thành phố. Đến nay, UBND thành phố mới tiếp thu, phản hồi 2/4 văn bản, giao cho các sở, ngành có liên quan làm rõ từng nội dung ý kiến phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố trước khi triển khai thực hiện.
Thông qua các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã gửi 73 kiến nghị đến các cấp chính quyền, các ngành chức năng có thẩm quyền để kiến nghị những vướng mắc sớm được tháo gỡ từ cơ sở, đưa các chương trình, đề án, chính sách của thành phố triển khai đảm bảo đúng quy định và đi vào cuộc sống của người dân. Qua rà soát và theo dõi sau giám sát, phản biện đến nay đã có 32 kiến nghị, đề xuất được các cấp chính quyền và các sở, ngành thành phố giải quyết và trả lời, phần nào đáp ứng được nguyện vọng, sự mong đợi của cử tri và nhân dân; tuy nhiên vẫn còn 41 kiến nghị, đề xuất của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố chưa được tiếp thu giải quyết.
* Hiện nay cử tri còn nhiều bức xúc và nhiều tâm tư, nguyện vọng muốn phản ánh với lãnh đạo thành phố. Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố lần thứ 12 sắp tới, Ủy ban MTTQVN thành phố sẽ thông báo những nội dung gì?
Trước kỳ họp này, Mặt trận thành phố đã nhận được 161 ý kiến cử tri. Tôi thấy có một số nội dung cần được nhấn mạnh như sau:
- Vấn đề môi trường nước, đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ người dân thành phố.
Trong năm nay, thành phố đã phải nhiều lần đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch, chất lượng nước không đảm bảo gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Được biết, chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp đảm bảo nguồn nước sạch cho thành phố, nhất là vào mùa nắng nóng như đầu tư nâng công suất nhà máy nước Cầu đỏ, xây dựng nhà máy nước Hòa Liên. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân mong muốn thành phố cần có những giải pháp căn cơ, quyết liệt và đồng bộ hơn nữa trong việc đảm bảo đủ nguồn nước sạch để sử dụng, nhất là Đà Nẵng đang trở thành đô thị phát triển nóng cả về tốc độ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng dân số và lượng khách du lịch.
Mặt khác, vấn đề nguồn nước sông Vu Gia chảy về nhà máy nước Cầu Đỏ hiện nay bị ô nhiễm khá nhiều do quá trình khai thác khoáng sản ở thượng nguồn khiến nhân dân vô cùng lo ngại cho nguồn nước sạch của thành phố hiện nay. Vì vậy, kiến nghị lãnh đạo thành phố khẩn trương có giải pháp ngay từ bây giờ, việc đảm bảo nguồn nước sạch là vấn đề hết sức quan trọng, là an ninh nguồn nước đối với môi trường sống của thành phố.
- Việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước nguy cơ bạo hành, gây thương vong và xâm hại tình dục đang được đặt ra ngày càng cấp thiết, quyết liệt và cần sự quan tâm vào cuộc của toàn xã hội, nhất là của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thời gian qua, thành phố chúng ta đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm về xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, tại một số địa phương, phụ nữ, trẻ em gái đang phải chịu tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực, xâm hại tình dục. Tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố thời gian qua có giảm về số vụ nhưng tính chất ngày càng nghiêm trọng và diễn biến phức tạp gây phẫn nộ trong nhân dân. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo cụ thể, quyết liệt đến các địa phương, các ngành làm tốt hơn nữa chức năng quản lý nhà nước nhằm đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
- Năng lực yếu kém của các đơn vị thi công các công trình xây dựng cơ bản phục vụ dân sinh trên địa bàn các quận, huyện hiện đang là vấn đề đáng lo ngại, khiến nhân dân bức xúc.
Toàn thành phố hiện có 56 Ban Thanh tra nhân dân và 249 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đang hoạt động rất tích cực trong giám sát công trình xây dựng phục vụ dân sinh. Năm 2019, đã giám sát 339/346 công trình xây dựng cơ bản. Bên cạnh một số công trình đảm bảo về chất lượng và tiến độ, còn có nhiều công trình năng lực của đơn vị thi công rất kém. Rất nhiều công trình được giám sát đều có chất lượng thấp, thiếu vật tư, không đúng thiết kế, làm ẩu, tình trạng thiếu nhân lực kéo dài thời gian thi công, môi trường xây dựng nhếch nhác... Ngoài ra, một số đơn vị thi công công trình còn gây khó khăn đối với việc tham gia giám sát của đại diện người dân trong khu dân cư. Điều đáng nói các công trình này đều là các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh như nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, trường mầm non, đường bê tông, cống thoát nước... vì vậy rất cần đảm bảo về chất lượng, an toàn cho người dân, nhất là trẻ em. Đề nghị chính quyền thành phố chỉ đạo các địa phương rà soát, chấn chỉnh và khắc phục ngay vấn đề này để nhân dân yên tâm về chất lượng của những công trình phục vụ dân sinh. Đây chính là vấn đề niềm tin của người dân vào sự điều hành, quản lý của chính quyền các cấp.
- Đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng của các dự án quy hoạch, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố vẫn là vấn đề cần được quan tâm giải quyết sớm.
Hiện nay tổng diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được do bị ảnh hưởng các dự án trên địa bàn thành phố là 188,89 ha. Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã hỗ trợ gần 30,8 tỷ đồng đảm bảo đời sống cho các hộ nông dân có đất không sản xuất được. Mặt trận đã từng đề nghị chính quyền thành phố cần có giải pháp thiết thực hơn nữa cho vấn đề này, vừa ổn định đời sống người nông dân, vừa giảm tải công việc cho cấp cơ sở và giảm áp lực cho ngân sách thành phố.
Ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố còn nhiều nội dung bức xúc khác, trong thời gian đến chúng tôi tiếp tục lắng nghe và sẽ thông báo đến các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố để kịp thời giải quyết thấu đáo tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua lãnh đạo thành phố nỗ lực khắc phục những khuyết điểm, sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra. Đồng thời thành phố tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đó là những thách thức lớn thành phố đã từng bước vượt qua và tiếp tục phát triển.
* Trong thời qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố rất quan tâm đến văn học, nghệ thuật. Nhân dịp chào mừng năm mới 2020, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố lần thứ IX, xin bà có một vài nhận xét về văn học, nghệ thuật thành phố hiện nay.
Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố là một thành viên tích cực của Ủy ban MTTQVN thành phố, trong thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm góp phần tạo nên diện mạo mới trong đời sống văn hóa, nghệ thuật của thành phố.
Hiện nay, thành phố chúng ta có đội ngũ văn nghệ sĩ nhiều tài năng trên các lĩnh vực, tiềm năng sáng tạo khá dồi dào. Nếu chúng ta đừng để lãng phí tài năng sáng tạo của văn nghệ sĩ thì chắc chắn đời sống văn hóa, nghệ thuật của Đà Nẵng sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn.
Tôi thấy hiện nay có nhiều văn nghệ sĩ đang trong độ chín sáng tạo trên các lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, hội họa, nhiếp ảnh, múa... Chúng ta cần tạo điều kiện tốt nhất cho các tác giả này tiếp tục sáng tác, đó là hướng tốt nhất để thành phố có tác phẩm chất lượng cao chứ đừng tìm đâu xa.
Bên cạnh đó, lực lượng sáng tác trẻ hiện nay khá nhiều tiềm năng. Đời sống văn hóa, nghệ thuật thành phố có hiện đại, tươi mới được hay không phải tin cậy vào lực lượng sáng tạo trẻ này. Liên hiệp Hội cần hết sức quan tâm đến đội ngũ những người sáng tạo trẻ trên các lĩnh vực để tạo thế hệ tiếp nối và phát triển.
* Thay mặt Ban biên tập tạp chí Non Nước cám ơn bà đã trao đổi nhiều nội dung rất thú vị. Nhân dịp chuẩn bị bước vào năm mới 2020 kính chúc bà vạn sự thành công, đóng góp nhiều hơn nữa vào các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cũng như các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thành phố trong thời gian tới.
P.V