Đôi mắt - Nguyễn Khắc Phước

02.12.2019

Đôi mắt - Nguyễn Khắc Phước

Chị Mai biết ai đây không?

Có người nào đó bịt mắt tôi từ phía lưng và hỏi khi tôi đang ngắm tranh tại một phòng trưng bày gần chợ Đồng Xuân. Quay lại, hóa ra là Hạnh, cô bạn nhỏ ngày xưa học cùng trường và ở cùng xóm.

- Ồ Hạnh, em đi du lịch theo đoàn nào?

- Em đi một mình và ở đây gần ba tháng rồi. Đang ngồi buồn mà gặp chị thì may quá. Để em đóng cửa phòng tranh rồi chị em mình vừa đi dạo vừa nói chuyện.

- Em quản lý phòng tranh này?

- Dạ.

- Khoan đã, em thuyết minh cho chị hiểu về mấy bức tranh này, được không?

- Tất cả những bức sơn dầu này là tranh của họa sĩ Hoàng và, như chị thấy, chủ đề là phụ nữ khỏa thân. Nhưng không chỉ có vậy. Tranh này dùng kỹ thuật ảo thị giác, tiếng Anh gọi là optical illusion, mới nhìn chỉ thấy một tranh nhưng nhìn kỹ sẽ thấy một tranh khác, nói nôm na là 2 trong 1. Nhìn thẳng thì tranh này là một thiếu nữ tuổi đôi mươi căng đầy nhựa sống nhưng chỉ cần nghiêng đầu về bên phải một chút sẽ thấy một bà lão tám mươi má hóp da nhăn. Họa sĩ muốn diễn tả cái gì thì chắc chị cũng hiểu.

- Sắc đẹp thân thể của phụ nữ chóng phai tàn?

- Dạ. Chỉ cần một giây để quay đầu thì một đời người xem như đã qua. Chị hãy nhìn bức tranh bằng cách quay đầu qua lại nhiều lần và tự cảm nhận cái chóng vánh của một kiếp người, sinh trụ dị diệt chỉ trong một giây. Nói chung, họa sĩ muốn diễn tả khái niệm vô thường, vạn pháp luôn luôn biến đổi, không một vật gì có thể tồn tại lâu hơn một sát na. Em tóm tắt ý của họa sĩ chứ em cũng chỉ nghĩ như chị mà thôi.

- Tranh của họa sĩ Hoàng có lẽ rất kén người mua bởi người ta thích ngắm người đẹp chứ mấy ai muốn ngắm bà già?

- Vậy mà có một nhà sưu tập từ Thái Lan đã đặt cọc một tấm rồi, chị ạ.

- Cuộc đời họa sĩ có liên quan gì đến những bức tranh này không?

 Chúng ta đi kiếm quán phở. Đến Hà Nội mà không ăn phở thì xem như chưa đến. Ta vừa ăn vừa nói chuyện chị nhé?

Hạnh tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật và hiện đang dạy môn mỹ thuật bậc trung học ở Đà Nẵng. Đã trên 40 tuổi nhưng cô vẫn chưa có gia đình và thường lên mạng để kết bạn, trong đó có một họa sĩ tên Hoàng. Một hôm có một phụ nữ tên Minh, tự giới thiệu là người Hà Nội đang dạy tại một trường đại học ở Đà Nẵng, đến nhà và hỏi Hạnh có quen họa sĩ Hoàng ở Hà Nội qua mạng không. Hạnh nói có. Minh nói Hoàng là người bà con và nhờ chị liên lạc trực tiếp với Hạnh để mời Hạnh ra Hà Nội quản lý gallery của anh một thời gian bởi Hoàng biết Hạnh có đôi chút kiến thức về hội họa và nói được tiếng Anh. Gallery này trước đó do vợ anh quản lý. Hạnh hứa sẽ giúp anh chỉ trong kỳ nghỉ hè và đó là lý do Hạnh có mặt tại Hà Nội đã gần ba tháng nay.

Lâu lâu Hoàng đến phòng tranh và tâm sự với Hạnh. Anh kể về lần đầu tiên anh gặp Liên, vợ anh. Hồi đó, sau khi tốt nghiệp cấp 3, trong một chuyến về quê thăm ông bà nội, anh thường ra sông câu cá và thấy một cô gái chiều chiều ngồi giặt áo trên bến bên kia sông. Nhìn từ xa, Hoàng biết cô ấy rất duyên dáng, dịu hiền. Khúc sông đó không có cầu nên Hoàng bắt đầu tập bơi. Trong vòng hai tuần thì Hoàng bơi được và quyết định bơi qua sông khi nàng đang giặt áo. Thế nhưng khi cách bờ chừng mười mét thì Hoàng đuối sức, ngộp thở và chìm xuống nước. Khi tỉnh dậy vừa mở mắt, Hoàng thấy một khuôn mặt thanh tú đang nhìn mình mỉm cười với đôi mắt dịu dàng, hiền hậu như một thiên thần. Hoàng ngỡ mình đang ở thiên đường. Tiếng cười khúc khích của nàng làm Hoàng tỉnh hẳn và nhớ mình đã bơi đuối sức và ngạt thở. Nhìn áo quần nàng ướt sũng, để lộ những đường cong thanh tú của một thiếu nữ mới lớn, Hoàng biết nàng đã cứu mình. Thay vì chết chìm trong nước, Hoàng biết mình rồi sẽ chết chìm trong đôi mắt diễm tuyệt này.

 

Ngày xưa khi Tây Thi giặt áo bên sông, cá thấy bóng nàng đẹp quá, say mê quên cả bơi đến nỗi phải chìm xuống nước, còn Hoàng say mê Liên đến nỗi chìm đến hai lần, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thế rồi họ yêu nhau, cưới nhau và dắt nhau về sống trong một tổ ấm nhỏ ở một con hẻm bên Hồ Tây. Không biết hai người hạnh phúc được bao lâu cho đến khi những khó khăn của cuộc sống vật chất mỗi ngày cứ lù lù đi vào cửa trước thì tình yêu cũng len lén theo cửa sau mà đi ra. Như người ta có câu: Tình yêu là ngôi sao mà người đàn ông vừa đi vừa ngước lên nhìn, còn hôn nhân là cái hố mà hắn sẽ sụp xuống. Và Hoàng khổ sở như đang ở dưới lỗ cống.

Hoàng than thở rằng Liên bây giờ không còn là cô gái quê thùy mị nết na ngày xưa mà trở thành người đàn bà vật chất, câu cửa miệng luôn là tiền đâu? Tiền đâu? Xã hội này phát triển quá nhanh: Từ cái quần đen bạc màu nhăn nhúm đến cái váy, quần jeans; từ cái đài và xe đạp đến cái tivi treo tường và xe tay ga chỉ chừng hai chục năm. Tranh cũng có giá cao hơn nhưng không thể xuất hàng loạt như  tivi và họa hoằn lắm mới bán được một tấm. Hàng xóm sắm sửa đủ thứ nhưng nhà anh thì không. Liên thôi không giúp anh trong xưởng vẽ để kiếm việc riêng. Và khi người ta độc lập về kinh tế thì cũng muốn được tự do. Hoàng đi chơi với người mẫu thì tại sao Liên không được đi chơi với bạn bè nhỉ?  Rồi hai người quyết định âm thầm chia tay, âm thầm bởi chỉ có tòa án biết, còn bà con, bạn bè không hay bởi vẫn thấy họ ở chung một nhà. Cả hai đều biết nếu bán nhà chia đôi thì khó kiếm được nhà khác trong nội thành, do đó tạm thời chịu đựng. Cũng vì lý do giữ bí mật mà Hoàng nhờ Hạnh từ Đà Nẵng ra trông coi cái gallery của anh. Có lần anh hỏi Hạnh: Em có dám ở lại luôn với anh không? Hạnh nói: Không dám. Em đang nghĩ cách gì đó để hai anh chị làm hòa với nhau.

Trong thời gian Hoàng đi miền Nam để dạy môn hội họa cho mấy trường sư phạm thì có một người khách từ Thái Lan ghé phòng tranh. Sau khi ngắm tranh rất kỹ, ông quyết định mua một tấm với điều kiện gặp được tất cả sáu người mẫu. Liên hỏi ông gặp với mục đích gì nhưng ông không nói, cô đành tìm đọc nhật ký phòng tranh để tìm địa chỉ của những người mẫu và mời họ đến. Ông đã gặp cả sáu cô và cô nào ông cũng chỉ tiếp chuyện dăm phút, tặng quà và cho họ về. Ông yêu cầu Hạnh cho ông được gặp họa sĩ. Rất may là Hoàng cũng vừa kết thúc công việc và trở về Hà Nội.

 

Ngay ngày đầu đến Hà Nội, Hạnh được Hoàng mời đến thăm nhà nhưng cô từ chối. Lần này, do ông khách người Thái yêu cầu nên cô phải dẫn ông đi. Hạnh ngạc nhiên thấy vợ Hoàng ở tầng dưới còn anh thì ở tầng trên. Cô tự hỏi không biết tình trạng hôn nhân của họ thực sự như thế nào mặc dù đã nghe anh kể khá rõ.

Liên tỏ ra khá vui vẻ khi được Hạnh tự giới thiệu mình và ông khách người Thái. Mặc dù được chỉ lên gác nhưng

ông xin được ngồi nghỉ một chút ở tầng trệt với lý do huyết áp cao. Sau khi nói chuyện với Liên dăm phút, ông theo Hạnh lên tầng trên gặp họa sĩ.

Sau khi chào hỏi, ông khách người Thái nói:

- Tôi rất thích tranh của ông vì cái triết lý vô thường mà ông muốn diễn đạt nhưng tôi tìm gặp ông không phải vì chuyện ấy. Tôi đã gặp tất cả người mẫu của ông và họ đều là những phụ nữ đẹp, mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai. Thế nhưng trong tất cả những bức tranh, họ đều có một nét giống nhau, khi gặp họ, tôi có chú ý nhưng họ đều không có. Tôi đến đây là để hỏi ông cái nét đó của ai hay chỉ là tưởng tượng.

Hoàng nói:

- Tôi cố tình mời những người mẫu khác nhau, và những nét khác nhau của họ tôi đã nhấn cho rõ rồi, còn những nét giống nhau thì tôi không chú ý lắm. Vậy theo ông nét gì của những nhân vật trong tranh giống nhau?

Ông khách người Thái nói:

- Đôi mắt. Đó là đôi mắt của một cô gái chưa từng luyến ái, chưa bị hệ lụy với những đau khổ của cuộc đời, hết sức ngây thơ. Dù không thích hợp với những thân hình bốc lửa của người mẫu, nhưng chính đôi mắt đó làm những bức tranh khỏa thân ít bị trần tục hơn.

Hoàng ngạc nhiên:

- Cám ơn ông rất nhiều. Vậy mà tôi không biết. Thường tôi chỉ làm việc với người mẫu vài giờ, không kịp vẽ đôi mắt. Tôi chỉ vẽ mắt theo tưởng tượng, không biết mắt ai.

Ông khách người Thái nói:

- Ông không biết nhưng tôi đã tìm ra rồi. Đó là đôi mắt của vợ ông. Không phải đôi mắt bây giờ mà có lẽ ngày xưa còn trẻ. Ông diễn tả cái vô thường của vạn pháp nhưng ông lại bắt đôi mắt của vợ ông vẫn trẻ hoài như ngày xưa được sao?

Câu chuyện của họ trở nên vui vẻ và sau đó chuyển sang đề tài Phật giáo.

Có thể Liên ở tầng dưới cũng nghe được câu chuyện.

 

- Gần hết hè rồi mà em không về dạy sao? Hay là em ở lại luôn với ông họa sĩ? Tôi hỏi.

- Em định về trong tuần này vì đã có người trực thay.

- Ai vậy?

- Thì chị Liên, vợ ông họa sĩ Hoàng chứ ai.

- Vậy là họ...?

- Có lẽ họ đã làm hòa với nhau, em cũng cầu mong như vậy.

N.K.P