Chuyện chữ, chuyện nghĩa - Phan Nam Sinh

02.12.2019

Chuyện chữ, chuyện nghĩa - Phan Nam Sinh

"H oành tráng”      

“Hoành tráng” là từ Hán Việt, chữ Hán viết là 宏 壯, trong đó “hoành” (宏) là “lớn” và “tráng” (壯) là “rộng”. Vì vậy nghĩa gốc của từ “hoành tráng” là “quy mô lớn rộng”.

Từ này vốn chỉ dùng trong ngành kiến trúc hoặc hội họa. Nó chỉ dùng để chỉ cho những công trình kiến trúc có quy mô to lớn, mang dáng vẻ uy nghi, hùng vĩ, tạo ấn tượng bền vững với thời gian hay những bức tranh có diện tích cả ngàn mét vuông, thể hiện vai trò của quần chúng thông qua các đề tài lịch sử, dân tộc và xã hội rộng lớn như đền thờ Parthenon ở Athens của Hy Lạp hay các bức tranh tường của họa sĩ Rivea, người Mexico chẳng hạn.

Nay thì từ “hoành tráng” được dùng rất tùy tiện, ngay cả trên các tờ báo lớn cũng vậy. Thôi thì “sự nghiệp hoành tráng”, “nhà hoành tráng”, “thơ hoành tráng”, “live show hoành tráng”, cho tới “đêm hoành tráng”, “đàn voi hoành tráng”... không kể xiết.

Theo đó thì từ “hoành tráng” ngày nay đã bị lạm dụng quá đỗi. Có lẽ đã tới lúc chúng ta, trong đó có các nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà đài…nên trả từ “hoành tráng” về đúng với ý nghĩa vốn có của nó.

“Chẩn đoán” chứ sao lại “chuẩn đoán”

Trước đây từng thấy một tờ báo viết rằng “sử dụng siêu âm màu chuẩn đoán bệnh tim”. Gần đây lại cũng tờ báo ấy viết “kết quả chuẩn đoán sơ bộ cho thấy do ngộ độc khí công nghiệp”.

Sao lại có chuyện lạ thế nhỉ?

Từ “chuẩn đoán” có bao giờ thấy trong kho từ vựng của tiếng ta đâu, các Từ điển Hán Việt xuất bản ở ta từ trước tới nay cũng chưa hề xuất hiện từ “chuẩn đoán” mà chỉ có từ “chẩn đoán”, chữ Hán viết là 診 斷, trong đó “chẩn” (診) là “xem bệnh để chữa” và “đoán” (斷) là “dựa theo những gì nghe hoặc thấy được để kết luận”.

Cùng với sự tiến bộ của khoa học và các phương pháp xét nghiệm tiên tiến, khái niệm “chẩn đoán” ngày càng được hiểu chính xác hơn. “Từ điển tiếng Việt” của Viện ngôn ngữ, bản in lần thứ tư, năm 1996, giải thích “chẩn đoán” là “xác định bệnh dựa theo triệu chứng và kết quả xét nghiệm”.

Gần đây thấy các nhà báo còn dùng từ “chẩn đoán” cả trong các trường hợp đoán định các bệnh xã hội, như có báo đã viết: “Chống tiêu cực lúc thi cử không chỉ đánh giá đúng chất lượng giáo dục mà còn có ý nghĩa trong việc chẩn đoán căn bệnh trong giáo dục để trị tận căn”.

Viết như thế cũng là được đi, nhưng đoán bệnh cho người, thậm chí là cho súc vật thì luôn phải là “chẩn đoán” mà không thể là “chuẩn đoán” được!

P.N.S