Lão Khùng - Quyên Gavoye

02.12.2019

Lão Khùng - Quyên Gavoye

Lão Khùng đến chúng mày ơi!

Sau tiếng gọi của thằng Lam, lũ trẻ trong xóm ùa hết ra đường. Chúng nó chỉ trỏ, cười nhạo, đứa nọ sau đứa kia, rồng rắn đi theo lão Khùng. Một vài đứa bạo dạn hơn, cầm theo vài viên sỏi lăm le ném về phía lão Khùng. Từ những ngôi nhà ven đường, người lớn chỉ nhìn theo, không ai lên tiếng.

Cũng hơn năm rồi, họ đã quen với hình ảnh lão Khùng lang thang đầu chợ, cuối chợ, nhặt nhanh vài thứ có thể đút được vào mồm. Lão tuy không bình thường, nhưng chẳng làm phiền ai. Lâu dần, người ta cũng quên luôn sự hiện diện của lão. Với họ, lão cũng như những cái lều căng vội của tiểu thương trong chợ, là một phần vốn có của cái chợ.  Người lớn thờ ơ, nhưng lũ trẻ thì không thế. Sự có mặt của lão ở con phố nghèo nàn này lại như một trò mua vui sau một ngày mài đũng quần ở trường và lăn lộn ngoài chợ giúp bố mẹ. Mỗi lần lão xuất hiện, bọn nhỏ hò hét nhau. Lúc đầu chỉ có vài đứa, về sau thì gần như không thiếu đứa nào của khu phố.

Mà lão Khùng khùng thật, ngây ngây ngô ngô như đứa trẻ lên bốn. Lão bao nhiêu tuổi ? tên gì ? quê ở đâu ? Không một ai biết. Ai hỏi gì, lão cũng lắc đầu. Ai bắt chuyện, lão cũng cười trừ rồi bỏ đi. Lão đơn độc đến thảm thương. Người ta chỉ có thể đoán tuổi của lão vào tầm khoảng 60, hoặc 70. Cuộc sống kham khổ nơi màn trời chiếu đất đã xóa đi trên mặt lão những nếp nhăn vốn thuộc về loài người và thay vào đó là những vết chằng chịt như mảnh ruộng vừa mới được cầy ải. Từ hồi lão về định cư ở con phố, người ta thấy lão có độc mỗi bộ quần áo trên người, đông cũng như hè. Bộ quần áo đã tả tơi tới mức không ai còn có thể đoán ra nó màu gì. Màu mè đối với lão Khùng có quan trọng gì đâu. Hồi đầu, người trong xóm thương lão, thỉnh thoảng có đưa cho lão mấy thứ lành lặn, nhưng lão chẳng chịu nhận. Lâu dần, người ta cũng mặc lão. Bọn trẻ thì không thế. Cái dáng vẻ bề ngoài điên dại ấy của lão trở thành chủ đề của những trò tiêu khiển mua vui của bọn chúng. Bộ quần áo vốn đã tả tơi, thỉnh thoảng còn bị mấy đứa nhỏ kéo chỗ nọ kéo chỗ kia, càng thêm rách nát. Nhưng có lẽ vui nhất với bọn trẻ là cố dành cho được chiếc mũ cối trên đầu lão. Mỗi lần như thế, dù sức lực không còn là bao, lão cũng một sống một chết với lũ nhỏ để dành lại chiếc mũ. Những lần, lão yếu quá không làm gì được bọn quỷ con, lão ngồi thụp xuống đất, khóc như một đứa trẻ. Khi ấy, mấy người lớn chạy ra, mắng cho lũ trẻ một trận rồi đòi lại mũ cho lão. Trẻ con không biết, nhưng người lớn thì chắc chắn một điều, đó là chiếc mũ của lính ngụy. Chiếc mũ tuy không còn nguyên màu của cuộc chiến, nó đã móm mém mọi góc cạnh, màu xanh của chiếc mũ cũng đã bị phai hết, tất cả chỉ còn lại một màu của sắt. Một vài người đã già cám cảnh của lão mà đôi lần định dang tay ra giúp lão. Nhưng có lẽ hình ảnh chiếc mũ cối ngụy quân làm họ trùng lòng rút tay lại.

Cuộc sống của lão cứ thế trôi đi. Vài lần, một vài tiểu thương thuộc tầng lớp trẻ, sinh ra sau cuộc chiến, cũng có ý muốn giúp lão. Nhưng, xóm vốn nghèo, người dân phải chật vật lắm mới kiếm đủ cái ăn cái mặc cho lũ con, thì số phận của lão Khùng không thể là mối quan tâm hàng đầu của xóm. Năm khi, mười họa, khi có dịp người ta cũng cho lão bữa ăn đúng nghĩa con người, một bát cơm với miếng cá kho mặn hay miếng thịt luộc. Những lần như thế, họ thấy lão mới đáng thương làm sao.

Lão Khùng nhận bát cơm với thức ăn, nhưng không bao giờ ăn ngay. Lần nào cũng thế, lão bê bát cơm đặt lên một nơi thật cao ráo sạch sẽ, đưa tay vuốt lại quần áo, chỉnh lại cái mũ, xong rồi lão chắp tay trước ngực khấn khấn vái vái. Không ai nghe được lão khấn gì, kể cả những đứa trẻ tinh ranh nhất. Bọn chúng nhiều lần tìm cách nấp không xa nơi lão khấn vái, dù thế chưa đứa nào nghe được lời lão khấn. Lão khấn gì, chỉ lão mới biết. Mỗi lần làm lễ, lão khấn rất lâu. Khấn xong, lão ngồi lặng im bên bát cơm, đôi mắt nhìn ra xa, miệng cười thật hiền hậu. Những lúc đó, nhìn lão, người ta đều phải công nhận lão Khùng lúc trẻ chắc phải rất đẹp trai. Vì dù khuôn mặt của lão giờ đây có chằng chịt những đường cày ngang dọc cũng không thể che được chiếc mũi dọc dừa và chiếc miệng cười rất duyên trên khuôn mặt chữ điền góc cạnh. Thân hình lão, dù dúm dó trong bộ quần áo tả tơi, cũng không thể xóa đi được dáng dấp to cao của một gã trai thời trẻ. Mỗi lần người ta nhìn ra điều đó, họ chậc lưỡi, người như thế mà lại đi lính cho ngụy để rồi trở về thân tàn ma dại.

Vì thế, dù người ta cám cảnh của lão Khùng, họ cũng chưa đủ bao dung để dang tay ra giúp lão. Lũ trẻ hàng ngày vẫn hùa nhau ra ném đá, cười nhạo.

 

Mùa đông năm nay đến sớm, cái lạnh đầu mùa cũng khắc nghiệt hơn thường lệ, nhiều gian hàng đóng cửa vì tiểu thương bị ốm. Lão Khùng vốn đã già yếu, lại thêm cuộc sống đói rét, thì lão ốm là chuyện thường. Phải nói, từ ngày lão đến sống ở khu phố, thì đây là lần đầu tiên lão ốm. Mà lão ốm thật, ốm nặng. Đã ba ngày rồi, lão nằm co ro trong gian hàng bỏ không cuối chợ. Trời lạnh quá, trẻ con không đứa nào ra đường nên không ai nhìn ra sự vắng mặt của lão. Chỉ đến hôm thứ ba, khi có cụ bà đi chợ đi ngang qua căn lều nơi lão Khùng co ro, cụ nghe thấy những tiếng rên rỉ, nửa như tiếng người, nửa như tiếng chó bị thương, mới bước vào bên trong căn lều.

Lão Khùng nằm đó, mắt nhắm nghiền, trên người đắp độc manh chiếu rách. Cụ bà đưa tay sờ trán lão, trán lão nóng ran. Cụ hiểu rằng lão đang ốm. Cụ đi vội về nhà, nấu một bát cháo rồi cho vào cặp lồng mang ra cho lão Khùng. Trước khi ra khỏi nhà, cụ còn gọi thêm đứa cháu bảo nó mang theo cho cụ một chiếc chăn bông. Đứa trẻ còn chưa biết bà nội nó muốn mang chăn cho ai thì hai bà cháu đã đến trước căn lều. Lão Khùng vẫn rên rỉ. Tiếng rên đã yếu hơn hồi sáng. Mặc dầu thế, đứa trẻ vẫn co rúm người vì sợ. Đây là lần đầu tiên nó mặt đối mặt với lão trong một khoảng không gian chật hẹp, tối om. Nó rón rén đặt chiếc chăn bông xuống, rồi chạy ra nấp sau lưng bà. Cụ bà ngồi xuống, trải chiếc chăn xuống nền đất lạnh lẽo, mở nắp cặp lồng. Trong lúc đợi cháo nguội, bà bảo thằng cháu bế lão Khùng từ từ đặt vào chăn. Mùi cháo hành nóng hổi dần dần đánh thức lão. Lão Khùng mở mắt nhìn hai bà cháu một lúc. Đứa nhỏ cũng từ từ ngồi xuống cạnh bà nội. Bản tính nhân hậu của con người đã cho nó đủ dũng cảm để ngồi lại gần lão hơn. Nó lấy thìa, xúc từng thìa đút cho lão Khùng. Lão khẽ mở mắt, nghẹo cổ sang một bên như muốn nói với nó:

- Cảm ơn.

Đây là lần đầu tiên thằng bé thấy lão Khùng nói thành tiếng. Trên khuôn mặt ngang dọc những đường cày của lão, lăn dài hai giọt nước mắt. Thằng bé chưa quen với cảnh tượng này, hay tại nó không chịu được mùi hành nóng, mà trên khuôn mặt thằng bé, hai giọt nước mắt cũng trào rơi.

Mấy ngày sau đó, cứ đi học về, thằng bé lại theo bà nội nó, xách theo cặp lồng cháo sang lều nơi có lão Khùng đang co ro.

Có điều, thời tiết năm nay thất thường quá. Sau vài hôm trời lạnh cắt da cắt thịt, lại đến những ngày nắng hanh, rồi bất thình lình lại trở lạnh. Trai tráng, người già, lần lượt bị ốm. Lão Khùng thì coi như thế là hết. Cái chăn của cụ bà, và những thìa cháo hành của đứa trẻ không còn đủ sức để níu giữ lão ở lại cõi dương gian. Vào cái hôm có đợt heo may bất thường sau vài ngày nắng ráo, lão Khùng trút hơi thở cuối cùng. Chiều hôm đó, khi cụ bà và thằng bé mang cặp lồng cháo sang cho lão, khi đến đến cửa, cụ không nghe thấy tiếng lão rên nữa. Cụ bảo thằng bé đứng ngoài chờ, một mình cụ đi vào.

Cuộn tròn trong chiếc chăn bông, lão chỉ để hở ra khuôn mặt với những đường cày ngang dọc. Lão nằm đó, thanh thản, nhẹ tênh. Cụ đưa tay lên khép lại đôi mắt cho lão rồi thở dài :

- Vậy là ông cũng đã xong một kiếp làm người. Thôi thì dương gian không an phận, mong sao sang thế giới bên đó, ông sẽ được sống kiếp con người.

Cụ nói xong, đi ra. Hai bà cháu tất tả đi về phía ủy ban nhân dân phường.

Sáng hôm sau, người trong xóm kéo đến chật cả căn lều. Căn lều mà bình thường không ai bước chân vào kể từ khi lão Khùng đến định cư. Họ nhìn quanh. Nhà lão chả có gì ngoài chiếc chăn bông của cụ bà mang cho. Một chiếc cốc để uống nước cũng không. Người ta thở dài ngao ngán cho lão khi cuộc sống của lão. Đến trưa, ủy ban phường trích ra một khoản tiền mua cho lão Khùng một chiếc áo quan. Vậy là, khi còn sống, đến  một chiếc gối để gối đầu lão cũng không có, khi chết đi, ít ra lão cũng có được một chiếc áo quan.

Đầu giờ chiều, các cụ cao tuổi trong xóm bắt đầu làm lễ khâm niệm. Người ta lục ra từ túi áo của lão một chiếc túi bóng bọc rất kĩ. Bên trong túi bóng, họ tìm thấy một bức ảnh cưới đã phai màu. Phải nhìn rất kĩ, người ta mới có thể đoán lờ mờ, người con trai trong tấm hình chính là lão, vẫn khuôn mặt chữ điền, chiếc mũi dọc dừa và chiếc miệng rất xinh. Đằng sau tấm ảnh là tên một người phụ nữ. Dưới tấm ảnh là một mẩu giấy có ghi tên tuổi: Trần Văn Xanh, tiểu đội..., đơn vị..., trung đoàn... Bất chợt người ta dừng tay, họ lặng người trong giây lát. Không phải chờ lâu, họ đi tìm người đại diện chính quyền. Rất nhanh chóng, người ta tìm ra quê quán, tên tuổi của lão Khùng. Ngay sau đó, nhà văn hóa của phường được biến thành nhà tang lễ. Người ta trân trọng đặt linh cữu của lão Khùng ngay chính gian nhà, nơi ai cũng có thể nhìn ra lão.

Sáng hôm sau, một người con trai tầm khoảng 50 tuổi, chở theo một cụ bà tầm tuổi lão Khùng, với một người con gái và hai đứa nhỏ đến nhà văn hóa. Người con trai vừa đặt chân vào đến cửa, mọi người đã ồ lên. Anh chính là hình ảnh của lão Khùng khi trẻ, dáng người cao to, khuôn mặt chữ điền và chiếc mũi dọc dừa, cái miệng xinh xinh. Sự khác biệt duy nhất chính là khuôn mặt còn nguyên vẹn những nét thanh tú, không bị cày xới như lão Khùng.

Ngay khi lật tấm vải niệm, bà mẹ bật khóc nức nở. Ở tuổi của bà tiếng khóc chỉ là những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Dù thế, không ai trong căn phòng là không nhận ra cô gái trên tấm ảnh cưới chính là bà.

Cuộc hội ngộ muộn mằn diễn ra trong đau đớn. Người con trai ngã quỵ bên chiếc quan tài im lìm. Phải lâu lắm, người ta mới có thể trấn an được hai mẹ con. Cùng lúc đó, một người đàn ông mặc quân phục bước vào. Sau màn chào hỏi, mọi người ngồi lại, xung quanh chiếc quan tài, nơi yên nghỉ của lão Khùng, để nghe bà cụ và người lính già kể chuyện.

 

Năm 1967, lão Khùng vừa tròn 20. Mùa hè năm đó, lão Khùng, khi đó vẫn là chàng trai Trần Văn Xanh, tốt nghiệp cao đẳng, sẵn sàng trở thành anh giáo làng. Cũng năm đó cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt, Xanh và bao trí thức trẻ lúc bấy giờ, xếp bút nghiêng, hướng về mặt trận. Trước khi lên đường, Xanh và cô bạn gái thanh mai trúc mã từ thuở thiếu thời chính thức nên duyên. Bức ảnh mà người ta tìm thấy trong túi áo của lão Khùng chính là bức ảnh về ngày vui của đôi vợ chồng trẻ. Không lâu sau, Xanh lên đường, vào mặt trận phía Nam.

Từ chiến trường xa, Xanh nhận tin vợ mình đã sinh con, một cậu con trai giống anh như tạc. Niềm vui, hạnh phúc, Xanh chỉ biết giữ trong tim. Bởi mùa đông 1968, quân đoàn của Xanh được điều động vào chiến trường thành Huế, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công. Tháng 1 năm 1969, đơn vị của Xanh đã trải qua cuộc chiến giằng co 26 ngày đêm không ngừng nghỉ. Đêm trước khi trận chiến kết thúc, một quả đạn pháo đã nổ rất gần chỗ Xanh nấp. Sau tiếng nổ chát chúa, Xanh ngã xuống.

Xanh cũng không biết anh nằm đó bao lâu. Chỉ nhớ rằng khi anh tỉnh lại, trời đã về đêm. Đêm tháng một, đen ngòm một màu máu. Xanh không nghe thấy gì hết. Đầu anh đau như có trăm ngàn mũi kim đâm vào. Đưa tay lên vuốt mặt, một chất nhầy nhầy, tanh tanh phủ kín khuôn mặt anh. Anh khẽ nhúc nhích, nhưng trên anh, hình như có một ai đó nằm vắt qua, cứng đờ. Phải mất một lúc, Xanh mới đẩy được cái xác sang một bên. Trời bắt đầu mưa. Bước vài bước, anh vấp thêm một cái xác, rồi một cái khác... Xanh hét lên trong đau đớn. Đáp trả lại tiếng hét của anh là những giọt mưa xuân. Đồng đội của anh đâu rồi? Xanh kiệt sức. Anh muốn đi ra khỏi nơi này càng nhanh càng tốt.

Phải vất vả một hồi lâu, phần vì đầu anh đau như búa bổ, máu vẫn chảy dài trên khuôn mặt, phần vì ngổn ngang trăm ngàn xác người, cuối cùng anh cũng ra khỏi thành Huế, lúc này chỉ còn là đống đổ nát. Ngay lối ra, anh vấp phải vật gì như chiếc mũ cối, trời lại đang mưa. Không suy nghĩ, Xanh đội mũ lên đầu và ra đi...

Xanh đi, đi lâu, lâu lắm. Mệt thì dừng, đói thì mò vại nước gạo nhà người ta. Vết thương trên đầu đã lành. Nhưng trí nhớ thì đã bỏ anh ra đi. Anh là ai? Quê ở đâu?... và hàng ngàn, hàng vạn câu hỏi mà anh không tìm ra lời giải đáp.

Cuối năm 1969, chị Vân, vợ anh nhận được giấy báo tử. Chồng chị, anh hùng Trần Văn Xanh hi sinh trong trận chiến thành Huế.

Vậy mà cũng đã 50 năm trôi qua, cho đến hôm qua, bà Vân vẫn là vợ liệt sĩ. Chỉ đến khi, người con trai duy nhất của bà, chạy về báo bà, người ta đã tìm thấy ông, không phải hài cốt mà là một cái xác. Bà nửa tin, nửa ngờ. Nhưng sau khi lật tấm vải niệm, bà không còn nghi ngờ gì nữa. Lão Khùng chính là chồng bà, chàng trai Trần Văn Xanh của ngày nào.

Câu chuyện kết thúc, kèn thờ cũng nổi lên. Ủy ban phường quyết định trang trí nhà văn hóa bằng những lá cờ tổ quốc. Dòng người cũng bắt đầu dài hơn, họ chờ đến lượt để vào viếng lão Khùng, giờ đây họ gọi là anh hùng Trần Văn Xanh. Những người già, trước đây đắn đo về chiếc mũ ngụy quân của lão Khùng, chợt thấy hối hận. Chỉ vì chút hiểu lầm, mà họ đã để lại một đồng đội trong khó khăn. Riêng lũ trẻ, dù người lớn không bảo, thì đây là lần đầu tiên, chúng xếp hàng, từng đứa, từng đứa một cúi đầu trước lão Khùng.

Sau màn kèn thờ, bản điếu văn của chủ tịch hội cựu chiến binh “cuộc chiến nào rồi cũng khép lại, vết thương nào rồi cũng lành da, chỉ có nỗi đau là âm ỉ trong những con người đã sống và cống hiến cho tổ quốc. Anh đã chiến đấu và mất đi cả cuộc đời cho chúng tôi được hạnh phúc. Dù có muộn mằn, xin đồng chí cho phép chúng tôi tôn vinh đồng chí là anh hùng”.

Và dù có muộn mằn, lão Khùng cuối cùng cũng đã được thanh thản nghỉ ngơi.

Q.G