Tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Trần Hồ Ngọc Trường

02.12.2019

Tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Trần Hồ Ngọc Trường

Có thể nói, chủ đề cơ bản nhất, quan trọng và phổ biến nhất trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương(1) là chủ đề về tính dục. Con người, thế giới, các hoạt động sống... đều được nhìn bằng nhãn quan tính dục. Chúng được tiếp cận và sử dụng để nhằm chủ yếu gợi liên tưởng đến tính dục, trong đó có việc ám chỉ các bộ phận sinh dục, những hành động, tư thế tính giao. Màu sắc, tính chất ám chỉ, ám dụ do đó khá phổ biến. Cái đẹp của con người, nhất là thân thể nữ giới, nhu cầu, sự đòi hỏi, hạnh phúc hay khổ đau, thất vọng của nhân sinh trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương phần nhiều có liên quan tới tính dục. Thơ Hồ Xuân Hương vì thế đa nghĩa, đa trị. Bà không có chủ đích mô tả tự nhiên hay vịnh vật. Tự nhiên và nhiều hình ảnh khác trong thơ Nôm của bà chỉ là phương tiện, phông màn. Chúng được sử dụng để ám chỉ cái khác, ở đây là tính dục và các yếu tố liên quan. Bà chỉ vay mượn chúng để biểu đạt cái khác chứ không có mục đích tức cảnh vịnh vật. Vì thế, việc phân tích tự nhiên, vật dụng trong thơ Nôm của bà là không cần thiết, thậm chí là lệch lạc. Lớp nghĩa ẩn chìm trong thơ bà mới chính là lớp nghĩa chủ yếu, quan trọng nhất, là những gì bà thực sự muốn nói. Cần phải có sự liên hội, liên tưởng trong quá trình thẩm thấu thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Nếu chỉ hiểu thơ Nôm bà ở lớp nghĩa bề ngoài thì sẽ không thể giúp giải mã được ý nghĩa đích thực của nó.

Thơ Nôm Hồ Xuân Hương có rất nhiều bài gợi chỉ đến tính dục. Các bài Cái giếng, Đá chẹt thi, Núi Kẽm Trống... ám chỉ sinh thực khí nữ; Dệt cửi đêm, Vịnh đấu kỳ (Vịnh đánh cờ)... nói đến sự giao hoan nam nữ. Có một nhãn quan, một cái nhìn đậm đà màu sắc tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Nó chi phối cách giải thích thế giới, các sự vật, các hiện tượng trong một đời, trong vũ trụ. Quả mít, bánh trôi nước, các hang động, việc dệt cửi, cảnh vật ở chốn thiền quan... đều được nhìn bằng nhãn quan tính dục. Ở đó, có sự liên tưởng so sánh với các bộ phận sinh dục nữ, sự giao hoan, lạc thú tình dục. Có điều này là bởi đối với bà, tính dục là một sự ham muốn có tính bản năng, khó nói, khó đề cập đến nhưng không thể từ chối và kìm hãm. Tính dục có vị trí quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến các hành động của nhân sinh, thậm chí, trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nó còn có thể điều khiển người ta. Tất nhiên ở đây không có sự buông tuồng mà tính dục ở một góc độ, một khía cạnh nào đó, bị ràng buộc bởi luân lý, các khuôn phép đạo đức. Tính dục đối với Hồ Xuân Hương, là tự nhiên, là một phần không thể bị gạt bỏ của con người, mặt khác, do Hồ Xuân Hương có đời sống tính dục không được viên mãn, cho nên tính dục trở thành một ám ảnh, một ẩn ức, một xung năng chi phối cách nhìn thế giới, vạn vật của bà. Trong cách nhìn này còn có sự tác động của cá tính, phong cách cá nhân của riêng bà. Ở đây có qui luật hoạt động của tâm, của tình trong quan hệ với vật, với cảnh, của nội giới đối với ngoại giới. Hầu như chỗ nào của thế giới, cuộc đời và con người cũng đều được nữ sĩ nhìn thấy có bóng dáng của tính dục. Thơ bà là thơ của sự gợi mở, họa vân lộ nguyệt, lấp lửng. Vũ trụ, con người, cuộc đời trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, dưới cái nhìn tính dục trở nên có đầy lạc thú. Do đó, chúng vui nhộn hơn, phồn lạc và có sinh khí hơn. Điều này làm thơ bà khác hẳn với văn chương của các nhà Nho là những tác giả nhìn thế giới bằng nhãn quan đạo đức, thơ họ do đó đạo mạo, khô khan và nghiêm trang. Và cũng khác với thơ của các nhà văn chịu ảnh hưởng Lão - Trang, cho đời là phù thế, kiếp người là phù sinh nên thơ họ dù bay bướm, phóng dật nhưng phù du, tiêu dao. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương đầy ắp sự đùa cợt. Có được điều này một phần là nhờ bà có nhãn quan tính dục khi quan sát cuộc đời, con người.

Đối với Hồ Xuân Hương, tính dục là hạnh phúc. Bà ví các bộ phận tính dục nữ với “gò Bồng Đảo”, “lạch Đào Nguyên (Vịnh nằm ngủ), với tiên cảnh (Quan hậu sợ vợ)..., là những nơi chốn mang lại lạc thú, sự vui sướng, thích thú, khoái trá. Đối với con người thời trung đại, động thiên phúc địa, tiên địa, Phật địa chính là những không gian của cực lạc, vui thú, hạnh phúc. Họ khát khao được đến đó, được chiêm ngưỡng và hưởng thụ. Do vậy, việc so sánh, ví von như trên cho biết tính dục có thể mang đến cho người ta sự khoái lạc cực kỳ; được hưởng khoái lạc ngất ngây này chẳng khác nào được đến tiên địa. Và do thế, cái khoái lạc ở đó không ta bà, tục lụy, nhơ nhuốc mà thánh thiện, êm ái, linh thiêng, bởi người ta đang ở tiên giới!. Hồ Xuân Hương còn gọi sinh thực khí nữ là “cái xuân tình”, tức là những bộ phận đem lại sự sung sướng, mãn nguyện. Cũng vậy, tình dục đối với bà cũng là một “thú vui”: Thú vui quên cả niềm lo cũ/ Kìa cái diều ai nó lộn lèo (Hàng ư Thanh) (Quán hàng ở xứ Thanh). Ở bài thơ Vịnh tranh Tố Nữ, bà cũng có nhận xét tương tự về tính dục. Điều này có nghĩa tính dục là một lạc thú đem đến đê mê hay đây là lời ca tụng tính dục. Bà vì thế trách người quân tử vì anh ta đã không chủ động trước “tiên cảnh: Hỡi người quân tử đi đâu đó/ Đến cảnh sao mà đứng lượm tay (Quan hậu sợ vợ). Bà còn nói hành động tính dục là hành động đem đến khoái cảm vào loại bậc nhất cho con người, là “thú vị thanh thơi”: Cảnh hay trước mắt nào ai biết/ Thú vị thanh thơi đệ nhất kỳ (Vịnh đánh cờ). Trong câu đối của mình, nữ sĩ nói việc “đưa vào” là “rước xuân vào”; còn trong một bài thơ khác, bà gọi việc giao hoan là “chơi xuân” (Đi đái nảy bùn).

Hồ Xuân Hương khát khao một tình yêu dạt dào, viên mãn, đầy ắp. Cái ngao ngán là thời gian qua đi mà không có lấy được một tình yêu như thế: Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/ Mảnh tình son trẻ tí con con (Canh khuya). Bà kêu gọi tài tử văn nhân đến để trao tình và sợ hãi nếu cái già đến, bởi đó là lúc người ta không còn khả năng thu hút người khác phái: Tài tử văn nhân đâu đó tá/ Thân này đâu đã chịu già tom (Thơ tự tình). Bà bạo dạn “nhắn” nam giới đến để thổ lộ tình cảm với mình: Nhắn ai mơ kẻ tri ân đó/ Xin ngỏ lời ra chớ ngập ngừng (Ký tao nương Mộng Lan) (Gửi nữ sĩ Mộng Lan). Tuy nhiên, điều đáng nói là ở chỗ, tình yêu, tình vợ chồng đối với Hồ Xuân Hương phải được cụ thể hóa bằng tình dục, ái ân, thân xác, không có hoặc không được thỏa mãn tính dục, tính dục thưa thớt, lạt lẽo, qua quýt là điều làm cho người phụ nữ trong thơ bà giận dỗi, trách móc, tủi hờn, buồn bã: Năm chừng mười họa chăng hay chớ/ Một tháng đôi lần có cũng không (Lấy chồng chung). Lấy chồng chung không chỉ làm cho người phụ nữ phải chịu cảnh “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”, phải làm mướn không công mà cái chính là phải chịu sự bất bình đẳng về tính dục. Và đó là nỗi niềm lớn của họ. Hạnh phúc do đó là được có quan hệ thân xác mặn nồng, tình yêu phải gắn liền với nhục dục. Quan niệm mới mẻ, cấp tiến này còn thấy Hồ Xuân Hương nói trong các bài thơ khác: Quân tử có thương thì bóc yếm/ Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi (Ốc nhồi); Quân tử có yêu xin đóng cọc/ Đừng mân mó nữa nhựa ra tay (Quả mít). Quan niệm này hoàn toàn xa lạ với quan niệm phong kiến về tình yêu. Với nữ sĩ, tình yêu không chỉ nằm ở phần tinh thần mà chủ yếu là còn nằm ở lạc thú thân xác. Khi tiêu chí hạnh phúc này bị phá vỡ, không còn nồng đượm, ấm áp, rực nóng, là lúc người ta thấy u buồn, lạnh lùng: Cây cỏ thêm buồn lòng nước cũ/ Ái ân lạnh lẽo biết bao nhiêu (Giang thuyền chơi trăng). Vì có quan niệm tính dục là hạnh phúc nên Hồ Xuân Hương không chỉ mô tả thân phận người phụ nữ từ góc độ xã hội mà còn xuất phát từ góc độ tính dục. Người phụ nữ trong bài thơ Khóc chồng làm thuốc không chỉ khóc vì phải vĩnh viễn chia xa chồng mà còn bởi từ đây, thân xác người vợ còn ở lại dương gian phải chơ vơ, lạnh lẽo. Người chồng đã bỏ lại những ái ân; không còn có thể có quan hệ thân xác nữa: Thạch nhũ, trần bì sao để lại/ Quy thân, liên nhục tẩm đem đi (Nhũ = vú, bì = da, nhục = thịt, thân = thân thể, thân xác). Trong bài thơ Không chồng mà chửa, Hồ Xuân Hương bào chữa cho việc có quan hệ tình dục và có thai trước hôn nhân, coi đó là cừ khôi, đáng nói: Không có nhưng mà có mới ngoan.

Hồ Xuân Hương thường nói đến thân thể người phụ nữ từ góc độ tính dục. Đó là cơ thể của sự sung mãn, hấp dẫn, gợi một sức sống tình dục tuôn tràn. Nói đến họ, bà hay dùng các tính ngữ “xuân”, “xuân xanh”: Xuân xanh được mấy chút than ôi (Thương thay phận gái). Những tính ngữ này được dùng để chỉ tuổi trẻ, thời son trẻ tròn đầy, căng phồng, nhiều libido và năng lượng tính dục. Chính vì vậy mà cần phải hiểu, cảm thông cho tuổi xuân xanh ở quãng ấy, khi người ta có nhiều khát khao, mong mỏi, vồ vập: Đá bia còn biết xuân già dặn/ Chả trách người ta lúc trẻ trung (Đá ông chồng bà chồng). Mô tả thân thể phụ nữ trẻ, Hồ Xuân Hương cũng hay dùng màu trắng: Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau (Dệt cửi); Đôi lứa như in tờ giấy trắng (Vịnh tranh Tố Nữ); Cầu trắng phau phau đôi ván ghép (Giếng thơi)... Bà dùng màu này là bởi theo chuẩn thẩm mỹ của người Việt khi đánh giá phụ nữ, màu trắng là màu của cái đẹp và quan trọng hơn màu trắng của da thịt gợi lên sự hấp dẫn, quyến rũ về mặt tính dục. Và thế là, đối với Hồ Xuân Hương, cái đẹp được gắn với sự hấp dẫn giới tính, thân xác. Quan niệm này khác xa quan niệm về cái đẹp đương thời, khi người ta cho cái đẹp của phụ nữ phải có liên quan đến khả năng làm hiền thê, hiền mẫu, có nhu mì, dung hạnh thuần hậu, phúc hậu hay không, như thấy trong truyện Nôm chẳng hạn. Hồ Xuân Hương xuất phát từ quan niệm coi thân xác, nhục cảm là một trong những cội nguồn hạnh phúc nên đối với bà, cái đẹp của phụ nữ phải nằm ở sự sung mãn tính dục, thể hiện qua việc mô tả sự hấp dẫn của thân hình, làn da, các bộ phận sinh dục.

Mặc dù khát khao tình yêu có tính dục và ca tụng thân xác, xem tính dục là một trong những nguồn khoái lạc nhưng đối với Hồ Xuân Hương, tình dục phải là kết quả của tình yêu. Người ta không thể có hoan lạc tình dục, nếu không có tình yêu làm nền tảng: Nẻo không duyên nợ cùng người thế/ Xin chở dầm mình nước hợp hoan (Vịnh Hằng Nga). Hồ Xuân hương đa đoan, nhiều khao khát tha thiết, thường bỡn cợt nhưng kỳ thực, bà là người phụ nữ chung tình, nghiêm túc, đàng hoàng trong tình yêu: Trăng thề muôn kiếp trơ trơ đó (Tình có theo ai); Tình chung ai có hay chăng tá (Nguyệt hỡi đê mê).

Thơ Nôm Hồ Xuân Hương có một nhóm lớn đề cập đến sư sãi, chùa chiền, cảnh Phật trong tư thế đối sánh, liên tưởng đến tính dục. Hình dáng nhà sư, cách tụng niệm, cảnh chùa, cảnh thờ cúng, việc đọc kinh kệ, lễ lạt ở chùa... trong các bài thơ Sư hoạnh dâm, Du cổ tự, Quán Sứ tự, Chùa Trấn Quốc, Chùa Sài Sơn, Chế sư, Qua mái thiền quan... được xem so sánh với những yếu tố của hành động tính dục. Hành động giao hoan là không khác gì cảnh tụng niệm: Chí chát chày kinh im lại đấm/ Lầm rầm tràng hạt đếm lại đeo (Quán Sứ tự)... Không gian “cửa Phật”, “bầu Tiên” (Chùa Hương Tích) là những địa điểm vui thú, êm đẹp được đem ra so sánh với những vùng, cơ quan tính dục nữ. Nhà thơ ví von việc chiêm ngưỡng cảnh chùa đầy hứng thú, sung sướng với khoái cảm mà hành động giao hợp mang lại: Đến nơi mới biết rằng Thánh Hóa/ Chồn chân mỏi gối hãy còn ham (Chùa Sài Sơn). Thậm chí xứ Phật còn được đem sánh đôi với sinh thực khí nữ: Thứu Lĩnh đen trùm một thức mây (Quan hậu sợ vợ). Vùng tịnh thổ êm đẹp của chùa chiền gợi liên tưởng đến sự cực lạc khi tính giao: Nào nào cực lạc là đâu tá/ Cực lạc là đây chín rõ mười (Chơi Khán Đài). Ở một khía cạnh nào đó, với những cách so sánh này, người ta có thể nói là đối với Hồ Xuân Hương, tính dục, các bộ phận tính dục không chỉ cuốn hút, gây mê man mà còn thiêng liêng, thánh thiện và trong trẻo. Trong khi trình bày chủ đề tính dục, Hồ Xuân Hương đề cập đến sư tăng. Họ được mô tả như những kẻ phạm giới, ở đây là giới dâm, và đáng bị bỡn cợt, châm chích về việc này. Vì sao vậy? Sư tăng được coi là những kẻ đã thệ nguyện đoạn dục, chủ yếu là xúc dục, nhục dục, và cùng với việc thực hành các pháp môn tu khác như tu định, tu huệ, những mong thành quả Phật, cầu đến Niết bàn. Tuy vậy, trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, các vị này không trì được giới, vẫn có các quan hệ tình dục. Ở đây, Hồ Xuân Hương có phê phán họ về mặt đạo đức, nhưng điều này là thứ yếu. Vấn đề bà muốn nhấn mạnh là, tính dục là bản năng gốc, tự nhiên thuộc về con người, không nên và không thể bác bỏ, o bế, bài trừ, đồng thời bà cho rằng việc đoạn dục không mang lại hạnh phúc, hạnh phúc đích thực là khi người ta được trải nghiệm khoái lạc tình dục. Tiệt dục là trái ngược với quan niệm về hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Và đó là những lý do bà hay bỡn cợt các nhà sư, cười cợt khi thấy họ phá giới.

Có yếu tố dâm và tục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương không? Để trả lời câu hỏi này trước hết phải trình bày quan niệm về tính dục của bà. Tính dục theo bà là không thể từ chối, giấu giếm hoặc ghê sợ, bởi nó là một trong các bản năng gốc của con người, bên cạnh các bản năng khác như sống, chết, bài tiết... Tính dục là phương tiện để duy trì nòi giống, là cội nguồn của sự sống, sự sản sinh, là yếu tố quan trọng đem đến hạnh phúc cho con người ở các khía cạnh xã hội và sinh học, bản năng. Bà yêu cầu phải có sự tôn trọng bản năng này. Tất nhiên bản năng tính dục phải được luân lý và đạo đức điều khiển, nhưng không được chối bỏ hoàn toàn. Trong thơ Nôm của bà, người ta, bất kể là ai, ở địa vị, tuổi tác nào, dù là hiền nhân quân tử, vua chúa, sư sãi cho đến “dê cỏn” đều không thể né tránh tình dục, thậm chí là “yêu dấu”. Nhìn nhận như vậy cho nên bà đòi phải công nhận tính dục, xem nó là một thực tế buộc phải tính đến. Đây là quan niệm hết sức cởi mở, tự do, tiền phong và là lý do để nói rằng không có dâm, tục gì trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Vả lại, nếu nói có yếu tố dâm và tục trong thơ Nôm của bà thì phải lý giải sao đây khi bà đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa và văn học dân gian là những bộ phận mang đậm màu sắc tính dục nhưng được cho là khỏe khoắn, lành mạnh? Nếu cho rằng, tín ngưỡng, hội họa, điêu khắc, các lễ hội, các câu đố, các giai thoại dân gian... là như vậy thì cũng phải xem thơ Nôm Hồ Xuân Hương là dồi dào sinh lực, tràn đầy nhựa sống chứ không có cái gì là xấu xa, tục tĩu. Quan niệm xem tính dục là không phân biệt giai tầng, địa vị, quyền lực, tuổi tác, ai cũng có thể có khoái cảm và ham muốn như nhau cũng đã bác bỏ những nhận định cho rằng Hồ Xuân Hương đã tố cáo giai cấp thống trị dâm dục, xấu xa. Tính dục thuộc về con người, nên nó không xa lạ với bất cứ ai. Tính dục không có tính chất giai cấp gì đáng kể, nó san bằng mọi hố ngăn giai cấp do sức hấp dẫn của nó là như nhau đối với mọi giai cấp.

Tiếng cười trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương có liên quan đến tính dục. Bà có bài thơ Ngã tốc váy làm thơ tự vịnh: Vén đám mây lên tỏa mặt trời/ Lác coi từng đám rõ từng nơi/ Giang sơn đâu đó nhô đầu dậy/ Hoa cỏ quen hơi miệng mỉm cười được viết một cách hài hước và mang lại một nụ cười nhiều ẩn ý. Cái được nhìn thấy sau khi “vén mây lên” đem đến sự khoái trá, sung sướng cho nam giới. Tuy nhiên, ở đây, “cái mặt trời” này chỉ được trình bày bóng bẩy, tức là không tiện nói ra một cách rõ ràng vì dễ tạo ra sự sống sượng. Nụ cười sau khi nhìn thấy “cái này” là nụ cười ma quái, tinh ranh. Cũng vậy, khó có ai không thể không cười khi đề cập, khi nghe, đọc những bài thơ Nôm mô tả các cơ quan sinh dục, các hành động giao hoan... của Hồ Xuân Hương. Tính dục, các bộ phận tính dục là kín đáo, không được công khai, lại bị đạo đức, luân lý kìm tỏa nhưng chính nó là cái đem đến sự mỹ mãn cho nhân sinh. Vì vậy, khi được đề cập đến, người ta thường nói nửa kín nửa hở. Tiếng cười khi nói/ nghe chuyện tính dục thường là để che giấu đi sự sung sướng mà nó mang lại. Sự sung sướng này là một sự thật, ai cũng công nhận nhưng hiếm có ai táo bạo nói ra như Hồ Xuân Hương và dân gian. Một số người đỏ mặt tía tai khi nói đến tính dục. Hồ Xuân Hương cũng phải dùng tới ẩn dụ, ám dụ và các biện pháp tu từ khác như chơi chữ, nói lái, phép liên tưởng, so sánh khi nói đến tính dục. Tính dục tuy vô cùng hấp dẫn, “cực lạc” nhưng nhạy cảm, tế nhị, khó nói. Đó là những lý do buộc người ta phải sử dụng tiếng cười để khỏa lấp đi phần nào cái ham muốn, cái cực khoái trái ngược với các chế định của xã hội phong kiến và tôn giáo khi nghe/ nói/ viết về tính dục. Tiếng cười trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng mang những đặc điểm như thế!

Trong chủ đề về tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, có một phân nhánh liên quan tới quyền của phụ nữ về mặt tính dục. Ở khía cạnh xã hội, Hồ Xuân Hương cũng cho thấy bà muốn có những bình đẳng về giới trong nhiều vấn đề. Trong bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống, bà chê bai sự nghiệp của viên tướng này, với tư cách là nam giới và mong muốn được là nam tử để lập công, ghi danh, để làm “sự anh hùng”. Ở đây có sự bất bình với số phận của nữ giới, muốn có sự thay đổi, muốn được thấy phụ nữ cũng có công trạng như hoặc hơn đàn ông. Hồ Xuân Hương xưng “chị”, muốn “dạy làm thơ” (Mắng học trò dốt). Điều này có nghĩa là bà muốn khẳng định tài năng, sở học, hiểu biết của mình, do sáng tác thơ thời bà có liên quan chặt chẽ tới học vấn. Xã hội phong kiến đã mặc định: Chỉ có đàn ông mới làm thơ vì chỉ có phái nam mới được đi học, đi thi. Do vậy nói như thế có nghĩa là bà muốn đứng ngang hàng, thậm chí là đứng trên đàn ông... Ở khía cạnh nữ quyền luận, cuộc đời và thơ Hồ Xuân Hương đã bác bỏ vai trò độc tôn của đàn ông trong nhiều lĩnh vực. Bà giao du, xướng họa, thù tạc, “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên” với nhiều người đàn ông là tao nhân mặc khách ở Cổ Nguyệt đường; là du lãm đến nhiều nơi, là sáng tác thơ mang nhiều chất học vấn, không khác thơ của phái mạnh. Hồ Xuân Hương trong các bài thơ Nôm Ốc nhồi, Quả mít, Lấy chồng chung... đã nói đến sự chủ động, mời gọi của nữ giới trong quan hệ tính dục và đòi hỏi nhu cầu tính dục của người nữ phải được quan tâm, đáp ứng một cách mặn nồng, đầy đủ. Hồ Xuân Hương có nhiều bài thơ mà nhân vật gợi mở về “cái này” và sự tính giao nam nữ là phụ nữ. Rất có thể việc nhiều lần gợi mở như thế là nhằm để khẳng định rằng, người nữ mới chính là người mang đến lạc thú cho người nam, từ đó cho thấy thế thượng phong trong tính dục của họ. Những gì thuộc về nữ giới như thân thể, bản năng tính dục mạnh mẽ... đều được Hồ Xuân Hương vinh danh, ca tụng. Đây cũng là lời khước từ, không chấp nhận, thậm chí là đánh đổ những đặc quyền của đàn ông đang được xã hội phong kiến mặc nhiên thừa nhận. Một trong các đặc quyền này là quyền được áp đảo, chế ngự về mặt tính dục, coi phụ nữ chỉ là đối tượng để thỏa mãn, đồng thời cho rằng sự ham muốn, bản năng, khả năng tính dục của phụ nữ là tội lỗi, ma quỉ, là hồ ly tinh. Có thể nói có nữ quyền luận trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Ở đó nhà thơ tôn vinh phụ nữ, đặc biệt là về mặt tính dục, phản kháng mạnh mẽ chế độ nam quyền đề cao đàn ông.

Trong những điều kiện xã hội và tôn giáo khắt khe về tính dục thời đại Hồ Xuân Hương, tiếng nói ca tụng thân xác và tính dục như đã nói của bà mang nhiều ý nghĩa nhân đạo. Ở đó, nhà thơ cất lời đòi hỏi phải tôn trọng bản năng tính dục. Vì vậy, nó cũng đồng nghĩa với việc bào chữa, bênh vực cho con người, đặc biệt là nữ giới. Việc cho tính dục là hạnh phúc, cho thân thể của phụ nữ là đẹp đẽ, hấp dẫn có giá trị đặc biệt bởi chúng khẳng định vị trí của giới nữ, xem họ như một phái giới quan trọng, không thể thiếu trong các lạc thú, sự sống, sự sản sinh và sự sung sướng, mãn nguyện có tính trần thế. Những đòi hỏi bình đẳng, trong đó có bình đẳng tính dục cũng có ý nghĩa nhân đạo vì nó yêu cầu phải tôn trọng phụ nữ về mặt tính dục. Tính dục có liên quan đến nữ quyền. Hồ Xuân Hương đã xác quyết điều này khi bà cho rằng phụ nữ cũng có thể có quyền chủ động, mời gọi tình dục. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương muốn xã hội, nhân sinh đáp ứng, thấu hiểu nhiều nhu cầu của giới nữ, trong đó có tính dục. Điều này xuất phát từ sự đồng cảm, thông hiểu thân phận của phụ nữ, trong đó có thân phận tính dục, trong xã hội phong kiến. Những vấn đề về tình dục, giới, nữ quyền mà Hồ Xuân Hương biểu đạt là rất mới mẻ vào thời đại của bà. Đi kèm với điều đó còn có một chủ nghĩa nhân đạo tán dương, mong muốn, thông hiểu con người, ở đây là nữ giới, trên nhiều lĩnh vực cũng hoàn toàn mới mẻ. Chủ nghĩa nhân đạo của nhà thơ, do đó, cũng có tính đặc thù: Lần đầu tiên có một tiếng nói hiểu một cách tường tận, sâu sắc các vấn đề của phụ nữ không chỉ ở mặt xã hội mà còn ở khía cạnh bản năng. Chủ nghĩa nhân đạo của Hồ Xuân Hương như vậy còn nằm ở chỗ đã phát hiện, khám phá ra những thuộc tính, những chiều kích khác nhau của con người, ở đây là tính dục - một bản năng không thể che giấu.

T.H.N.T