Để nhà văn có động lực sáng tác thực sự từ nhuận bút và giải thưởng Văn học nghệ thuật - Bùi Văn Tiếng

02.12.2019

Để nhà văn có động lực sáng tác thực sự từ nhuận bút và giải thưởng Văn học nghệ thuật - Bùi Văn Tiếng

Việc trả nhuận bút và trao giải thưởng liên quan đến tác phẩm văn học nghệ thuật hoàn toàn có thể trở thành giải pháp chủ yếu trong việc tạo động lực sáng tác đối với các văn nghệ sĩ. Trước hết nói về việc trả nhuận bút. Thực ra trả nhuận bút chỉ là bước tiếp theo của việc chọn bài vở đăng trên báo/tạp chí hoặc chọn bản thảo để xuất bản sách. Uy tín một tờ báo hoặc một tạp chí hay một nhà xuất bản tùy thuộc vào chất lượng bài vở được chọn đăng, hay vào chất lượng sách được xuất bản. Có thể nói chọn bài vở đăng ở các chuyên trang/chuyên mục văn học nghệ thuật trên báo/tạp chí hay chọn xuất bản sách văn học nghệ thuật đích thị là một hoạt động phê bình văn học nghệ thuật do các biên tập viên chuyên nghiệp thực hiện hằng ngày.

Có không ít biên tập viên quan niệm rất đúng rằng chọn ở đây là chọn tác phẩm văn học nghệ thuật thực sự có chất lượng chứ không phải là chọn bản thân các cây bút đã thành danh, mặc dầu đa phần tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng và được chọn đăng/chọn in là của các cây bút tên tuổi có số có má hẳn hoi. Nhiều biên tập viên có bản lĩnh không ít lần từ chối không chọn/không đăng/không in bài/bản thảo sách viết cho có của một số cây bút nổi danh; ngược lại có khi rất trân trọng với bài viết/bản thảo được đánh giá cao của một cây bút nào đó chưa ai từng nghe tên biết tiếng. Đấy cũng là bản lĩnh cần thiết của nhà phê bình văn học nghệ thuật chân chính. Thậm chí để nhấn mạnh yêu cầu thượng tôn chất lượng tác phẩm, có người còn cho rằng hoạt động chính của nhà xuất bản không phải là phát hành mà là từ chối phát hành với dẫn chứng điển hình trường hợp biên tập viên xuất bản Denis Gombert của Nhà xuất bản Robert Laffont nhận mỗi năm khoảng 4.000 bản thảo nhưng chỉ duyệt được hai hoặc ba tác phẩm mà thôi(1).

Việc chọn bài vở/bản thảo liên quan đến văn học nghệ thuật để đăng trên báo/tạp chí hay để xuất bản sách càng nghiêm túc thì việc trả nhuận bút càng có cơ sở trở thành động lực sáng tác chủ yếu đối với các văn nghệ sĩ tài năng. Nhuận bút cao/thấp hoàn toàn tùy thuộc vào chất lượng hay/dở của tác phẩm chứ không tùy thuộc vào thương hiệu của tác giả - đương nhiên tác giả đã có thương hiệu thì tác phẩm thường có chất lượng tương ứng, nhưng không phải bao giờ cũng vậy... Và đương nhiên còn tùy thuộc vào tirage phát hành, cũng là vào tình trạng thịnh/suy của văn hóa đọc - theo thông tin tại tọa đàm Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ? do Sở Thông tin Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam và báo Tuổi Trẻ tổ chức hồi tháng 4 năm 2019 thì bình quân một người Việt chỉ đọc một quyển sách mỗi năm - nghĩa là rất thấp, và nhất là vào thị hiếu nghệ thuật/thị hiếu thẩm mỹ của độc giả - chẳng hạn có một thời tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc “lên ngôi” trong việc chọn sách để mua/để đọc của giới trẻ nước ta...

Với hàng loạt nguyên nhân như vừa nêu, có thể nói hiện nay việc trả nhuận bút liên quan đến tác phẩm văn học nghệ thuật chưa đủ nhuận/đủ ướt, chưa thể trở thành giải pháp chủ yếu trong việc tạo động lực sáng tác đối với người viết sách/viết báo về văn học nghệ thuật. Và ngày nay không phải không có nhưng chắc là rất hiếm những người đứng đầu tòa soạn báo hào phóng và có cái nhìn biệt nhãn liên tài trong việc trả nhuận bút cho các văn nghệ sĩ như thời nhà văn Phan Khôi viết báo ở Sài Gòn: “Theo Thiếu Sơn thì vào năm 1929 - 1930 báo Phụ nữ tân văn của ông bà Nguyễn Đức Nhuận trả cho một bài báo khoảng 5 đồng nhưng dám trả cho Phan Khôi 25 đồng/bài. Một tháng Phan Khôi chỉ cần viết 4 bài là có 100 đồng, lớn hơn lương của một công chức ngạch cao cấp cỡ phủ, huyện”(2).

Chính vì thế, nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay cần được quan tâm cải thiện chế độ trả nhuận bút nhằm nâng tỷ lệ người viết báo/viết sách văn học nghệ thuật có thể sống được bằng nhuận bút, để việc trả nhuận bút thực sự trở thành động lực sáng tác chủ yếu đối với họ. Đặc biệt rất cần những biên tập viên giỏi, có bản lĩnh, có “con mắt xanh” để chọn được các tác phẩm văn học nghệ thuật thực sự có chất lượng, đồng thời có “con mắt trắng” để nói “không” với những bài viết/bản thảo kém chất lượng; cũng rất cần những người như ông/bà chủ báo Phụ Nữ Tân Văn có khả năng phát hiện tài năng vượt trội như Phan Khôi để không trả nhuận bút theo kiểu bình quân chủ nghĩa; càng rất cần có những người cầm bút có năng lực và lòng yêu nghề, viết báo/viết sách văn học nghệ thuật không phải vì có thể viết mà vì không thể không viết...

Và đương nhiên để cải thiện chế độ nhuận bút sách văn học nghệ thuật hiện nay, trước hết cần cải thiện chế độ nhuận bút bài vở về văn học nghệ thuật được chọn đăng và quan trọng hơn là tạo điều kiện mở rộng các chuyên trang/chuyên mục văn học nghệ thuật trên báo/tạp chí. Trong cuộc tọa đàm với chủ đề Vì sao nhà văn không sống được bằng tác phẩm? do Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10 tháng 1 năm 2007, nhà văn Nguyễn Đông Thức từng nhấn mạnh: “Báo chí có vai trò hỗ trợ rất lớn. Đó là cho xuất hiện các feuilleton đăng nhiều kỳ trên mặt báo. Điều này có hai cái lợi, nhà văn nhận được nhuận bút rất đáng kể trước khi in thành sách. Mà nhuận bút này cao gấp nhiều lần trong tình hình xuất bản hiện nay. Hơn nữa, qua đó nhà văn sống với nghề ngày một chuyên nghiệp hơn, ý thức về nghề rõ nét hơn...”(3).

 

Việc trao giải thưởng liên quan đến tác phẩm văn học nghệ thuật - một hoạt động phê bình văn học nghệ thuật - cũng là giải pháp tạo động lực sáng tác rất đáng kể đối với các văn nghệ sĩ. Nhân nói chuyện trao giải thưởng văn học nghệ thuật, không thể không nhắc đến giai thoại thú vị kể về việc trao giải thưởng tại một cuộc thi thơ ở Mỹ: Người đoạt giải nhất được nhận một bông hồng thật rất to và ngát hương; trong khi người đoạt giải nhì được nhận một bông hồng giả bằng... vàng thật và người đoạt giải ba cũng được nhận một bông hồng giả bằng... bạc thật. Điều đáng nói là cả ba nhà thơ được trao giải đều cảm thấy tự hào về cách tôn vinh độc đáo này của ban tổ chức giải, bởi phần thưởng mang tính tượng trưng dành cho giải nhất cũng tạo động lực tinh thần đối với người sáng tạo nghệ thuật không kém phần thưởng bằng kim loại quý dành cho giải nhì và giải ba.

Để việc trao giải thưởng liên quan đến tác phẩm văn học nghệ thuật thực sự trở thành giải pháp tạo động lực sáng tác đối với các văn nghệ sĩ, có hai vấn đề cần được quan tâm: Một là mức thưởng/số lượng giải; hai là đánh giá tác phẩm. Trừ giải Nobel  Văn chương chỉ trao mỗi năm duy nhất một giải cho một nhà văn, còn nói chung các giải thưởng văn học nghệ thuật khác đều trao nhiều giải - từ giải nhất đến giải khuyến khích. Việc trao cùng lúc nhiều giải phù hợp hơn với mục tiêu tạo động lực sáng tác đối với các văn nghệ sĩ. Tuy nhiên ở nước ta, do kinh phí dành cho các giải thưởng văn học nghệ thuật có hạn và thường ổn định nên việc trao cùng lúc nhiều giải sẽ tỷ lệ nghịch với mức thưởng của từng giải.

Đương nhiên giống như việc trả nhuận bút, việc trao giải thưởng cũng phải thượng tôn chất lượng tác phẩm, dẫn đến có không ít giải thưởng văn học nghệ thuật không có tác phẩm đảm bảo chất lượng để trao giải nhất, thậm chí không có tác phẩm đảm bảo chất lượng để trao cả giải nhất lẫn giải nhì; nhưng có nơi có lúc động thái không trao giải nhất/giải nhì chỉ là cái cớ để giảm bớt kinh phí trao giải... Về độ chênh giữa các mức thưởng, cũng có hai quan điểm khác nhau: Một quan điểm cho rằng nên có độ vênh lớn để khẳng định giá trị của các tác phẩm đạt giải cao, trong khi một quan điểm ngược lại chủ trương chỉ tạo độ vênh không đáng kể giữa các mức thưởng, bởi giữa tác phẩm đạt giải cao hơn với tác phẩm đạt giải thấp hơn - chẳng hạn giữa tác phẩm đạt giải nhất với tác phẩm đạt giải nhì - nhiều khi không có khác biệt mấy về chất lượng...

Vấn đề đánh giá tác phẩm khó hơn nhiều so với vấn đề mức thưởng/số lượng giải. Thường sau khi trao giải thậm chí ngay trong khi chấm giải, đây đó vẫn có điều tiếng về vấn đề mức thưởng/số lượng giải, nhưng đa phần là điều tiếng về việc đánh giá tác phẩm/ xét chọn tác phẩm để trao giải và trao giải cao/ thấp. Hay chẳng hạn có khi do cơ cấu nhân sự nên người tham gia ban giám khảo lại không phải là người trong nghề - thậm chí hoàn toàn ngoại đạo - cũng có thể không được dư luận đồng thuận.

Một yếu tố cũng dễ gây tai tiếng cho giải thưởng văn học nghệ thuật là bản quyền tác phẩm. Là những người am hiểu và có đủ năng lực thẩm định chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật, nhưng các giám khảo vẫn không thể biết hết mọi tác phẩm có liên quan đến lĩnh vực mình đang “cầm cân nảy mực”, do vậy vẫn có khả năng trao nhầm giải cho một số tác phẩm “đạo”/ vi phạm bản quyền, đến khi công bố rộng rãi kết quả xét giải mọi việc mới vỡ lở thì đã quá muộn, mặc dầu theo quy chế thì sẽ thu hồi giải thưởng đã trao đối với tác phẩm “đạo”/ vi phạm bản quyền ấy. Ở các nước, những trường hợp đáng xấu hổ như vậy thường bị xử lý rất nặng.

Nhiều văn nghệ sĩ cho rằng không cần đầu tư theo hình thức đơn đặt hàng đối với văn nghệ sĩ, chỉ cần quan tâm nâng cao chất lượng của các giải thưởng văn học nghệ thuật, có giải pháp ngăn chặn và khắc phục hiệu quả các bất cập nêu trên trong quá trình xét giải cũng đủ tạo nên động lực sáng tác đối với văn nghệ sĩ. Đương nhiên ở đây cũng có những vấn đề rất tương đối, bởi không dễ tìm được tiếng nói chung, chẳng hạn gout/ “khẩu vị nghệ thuật” của từng thành viên và quan trọng hơn là gout/ “khẩu vị nghệ thuật” của số đông thành viên ban giám khảo; hay chẳng hạn những đòi hỏi khác nhau của từng giải thưởng văn học nghệ thuật cũng có khả năng dẫn đến sự “thiên vị” nhất định dành cho tác phẩm nào đáp ứng được cao nhất những đòi hỏi ấy, chẳng hạn chủ đề “nóng” hơn/ “thời sự” hơn, hay thể hiện rõ hơn/ “cục bộ” hơn dấu ấn của ngành/ địa phương trao giải.

(1) Xem Tường Nguyễn, Quyền lực của biên tập viên xuất bản, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13-12-2015.

(2) Phan Thị Mỹ Khanh, Nhớ cha tôi Phan Khôi, NXB. Đà Nẵng, 2001, trang 256.

(3)  Dẫn theo blog của nhà văn Lê Minh Quốc.

 

B.V.T