Tản văn Trần Thu Thủy

02.12.2019

Tản văn Trần Thu Thủy

Sông Hàn

Là người Đông Giang một thuở, nên tôi thấm thía câu “đổi thịt thay da” một cách cụ thể, trực tiếp. Ai cũng mừng được là một phần trong cái thay đổi kỳ diệu đó. Nhưng rồi, sông ơi tôi như người có lỗi. Chắc sông buồn vì những tham lam đang làm đục danh thơm mà đâu phải ngày một ngày hai mà có.

Sông Hàn ngắn lắm, không biết ở đâu có một dòng sông mà chiều dài trong lý lịch chỉ hơn 7 km? Chừng ấy thôi, vậy mà khi lắng mình trong bao dung phù sa cuối nẻo, sông nhã nhặn thành Hàn giang tự thuở nào không rõ. Ai đó viết “thành phố đầu biển cuối sông” kể cũng là một hình ảnh đủ để mỗi khi qua cầu, tôi thấy mình may mắn được trú tại một nơi nắng ngọt mưa thơm. Nói thêm, tên sông Hàn với độ dài vừa nói chỉ là đoạn nó về phố thị, chứ còn những vùng mà nó đi qua, đón nước từ những sông Yên, Quảng Hậu và cả Cổ Cò nữa thì khá dài...

Nhà tôi “bên kia sông”, ngày trước có cái tên quận khá lãng mạn là Đông Giang, rồi một thời trước và sau 75 ngay ngắn theo thứ tự quận Ba, bây giờ là Sơn Trà. Quận Ba nghĩa là quận “cuối” của thành phố có 3 quận (quận Nhất, Nhì và Ba), nghe đâu ngày ấy quận Nhì là quận trung tâm, là quận Hải Châu bây giờ. Ngày nay thành phố phát triển có 6 quận và 2 huyện, dân số tăng, và những bực bội cũng theo những tắc đường, thiếu nước sạch mà ứ lại, nhưng sông Hàn vẫn một mực thủy chung. Có lẽ ít có thành phố nào có một dòng sông thật đẹp, thật hiền chảy ngang qua, khiến cho hai bên bờ từng ngày rộn ràng nở mày nở mặt. Từ chỗ chỉ một cây cầu già nua, nay trên các dòng sông quanh phố có cả chục cây cầu, ngày đêm nối những bờ để mang niềm vui và cả những lo toan. Có những bến đò, tên còn nhưng con thuyền với cây đa bến nước mãi lui vào quá khứ. “Đò Xu” nay đã thành cầu mà mỗi khi ngang qua, bến đò ngày ấy có khiến ai ngân lên chút hoài niệm về một thời chưa xa sông nước...

Số phận của thành phố gắn chặt với dòng sông. Có người gọi đó là sự may mắn mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho những nơi thiên thời địa lợi. Cùng với sông Hoài (Hội An), sông Hương (Huế), sông Hàn để lại hình ảnh rất đặc biệt. Sông Hoài dễ khiến ai xa quê càng thấy da diết của những chiều nắng vàng như nhuộm cả hai bờ thương nhớ. Sông Hương “Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” (Thu Bồn). Còn sông Hàn? Hình như ở đây sông không đủ sự mềm mại, lãng mạn để ngân lên thành nhạc, thành thơ (?). Lâu lắm rồi, sau “Sông Hàn vang tiếng hát”, chưa thấy bản nhạc nào đủ trở thành sự da diết, lắng đọng người nghe. Nhìn những dòng hoa đăng mờ ảo trong ánh sáng ngọt ngào đêm rằm, trôi xuôi dòng sông Hoài, khách trăm nơi mừng một lần trong đời được thấy, được cảm. Còn hai bờ sông Hương, nghe đâu người ta chẳng dám kè bê tông. Vì sao? Vì không nỡ để con nước hiền hòa ấy bị chia cách với hai bờ đất thịt. Còn đủ diện tích theo triền sông rộng và dài, nơi đó viền những không gian Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Trịnh Công Sơn... Sông dành cho những bậc tài hoa ấy chút không gian gần gũi, để tầm nhân văn của họ làm cho dòng sông trở nên sâu nặng tấm lòng. Tôi có vài lần, ngồi bên ly cà phê tại trung tâm Liễu Quán bên bờ sông Hương. Quán đông nhưng khá im lặng. Hình như mọi người nhìn từng giọt cà phê đang nhỏ trong cái vòng tròn pha lê mà thấy rõ hơn cái rộng dài của dòng sông về bãi. Sông theo người và người tạo con sông theo hình ảnh mà nó cần hướng đến. Sông “chảy vào lòng” nên nhiều nhạc và thơ? Mà cũng lạ, cả nước viết về sông Hương, nhưng hình như người xứ Quảng lại là tác giả của những câu thơ được cho là hay về dòng sông thơm nổi tiếng ấy.

Khác với sông Hoài, sông Hương, sông Hàn như một sự mời gọi của hăm hở, trào dâng. Mấy lần, đứng trên nhà hàng giả làm một con tàu không bao giờ rời bến, tôi nhìn sang bờ tây, nhà cửa, phố xá như dát ngọc trong nắng ấm ban mai. Dòng sông là sự vươn tới, của khát vọng, của sự định hình. Nhìn mỗi ngày hai lần con nước lên, ròng, trong veo mà mừng lắm cái bền bỉ giữ sạch thơm của dòng sông như dải lụa. Bao nhiêu tên đất, tên làng đã gửi vào nước để hòa vào cuối sông trở thành sự thôi thúc. Bờ bãi khác nhau, những cây cầu và đò giang khác nhau, nhưng mỗi dòng sông đều là những chiếc gương phản chiếu tâm tình và buồn vui, nghĩa lý. Sông làm chứng cho sự thủy chung, cho khát vọng, tầm nhìn. Đối xử với dòng sông là đối xử với ký ức và cả khát vọng tâm hồn. Sông là trang sách ghi lại sống động và trung thành những gì mà con người nghĩ và làm cho sông.

Ý tưởng làm công viên APEC là

một việc hay. Sự kiện APEC diễn ra tháng 11 năm 2017, khi hội nghị thượng đỉnh với những D.Trump, V.Putin, Tập Cận Bình, S.Abe... cùng với nhiều lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới có mặt tại thành phố, sự kiện quốc tế lớn xứng đáng để được nhớ và tự hào. Thế nhưng, do đất hẹp hay lòng người không đủ lớn mà chỉ khe khép một chút hững hờ bên sông?

Thành phố ra riêng hơn hai mươi năm. Rất nhiều thay đổi. Là người Đông Giang một thuở, nên tôi thấm thía câu “đổi thịt thay da” một cách cụ thể, trực tiếp. Ai cũng mừng được là một phần trong cái thay đổi kỳ diệu đó. Nhưng rồi, sông ơi tôi như người có lỗi. Chắc sông buồn vì những tham lam đang làm đục danh thơm mà đâu phải ngày một ngày hai mà có. Mỗi khi có dịp đi đâu đó, khi biết tôi từ sông Hàn đến, mọi người ai cũng trầm trồ thán phục “thành phố đáng sống”. Lạ thay, gần đây khi tôi nói nơi mình ở, người nghe có chút lặng đi. Họ ngập ngừng? Họ sẻ chia? Hình như ai cũng thấy tiếc, thấy buồn. Chao ơi, có ai thấu, liệu bao nhiêu tỷ tỷ có mua lại được cái năng lượng và sự hăm hở ngày nào...

Rồi sẽ vui trở lại, sông Hàn sẽ nhẫn nại mang phù sa mới. Ai sẽ thức dậy và lấy lại cho sông niềm tin vào những

bến bờ chung thủy? Sông ơi, chảy hết

đi những muộn phiền. Ngày mới đang

về trên sông, như lòng tôi vẫn kiên nhẫn và tràn đầy tin yêu cho một chặng mới giang hà.

 

BMQD

Thành phố đáng sống ai cũng mừng là nó trở thành slogan gần xa thừa nhận. Đi đâu hay đón người xa đến nghe khen thành phố đáng sống, tôi thấy hả lòng. Nhưng hình như gần đây cái danh thơm ấy có chút gì gờn gợn? Hãy như ổ bánh mì kia, thủy chung chất lượng...

Bớt nói những điều to tát, làm sao để mỗi góc phố những quầy bánh mì luôn thơm ngon sạch sẽ. Trên những lỗ golf mỗi chiều thứ bảy đang lăn tròn những niềm đam mê thời thượng, hãy nghĩ về những điểm ngập sau mỗi cơn mưa.

Tít bài là tôi viết tắt bốn chữ “bánh mì quốc doanh”. Bánh mì là sản phẩm của văn minh Pháp mang tới. Trước khi người Pháp qua, người mình chưa biết cái kiểu ăn cầm tay này. Nếu kể thì còn nhiều thứ, nhưng gần gũi nhất có lẽ là bánh mì và cà phê là hai món được Việt hóa triệt để nhất. Ví như cà phê trứng hay cà phê sữa đá là những biến tấu, khiến nhiều người phương Tây ngạc nhiên thích thú, còn cà phê... chồn thì hình như chỉ có vùng Tây Nguyên mới thành đặc sản. Còn bánh mì thì cũng theo năm tháng và thời sự khẩu vị mà có những thay đổi lạ lùng.

Có bao nhiêu thứ bánh mì? Que, gối, tròn, vuông, ngọt, mặn... nhiều lắm cho vừa những cái miệng sành ăn. Nhưng có ai nghĩ là xe bánh mì ven đường ở Hội An lại được những nghệ sĩ và các trang ẩm thực nổi tiếng khen là “bánh mì ngon nhất thế giới”? Lang thang Hà Nội, ngạc nhiên là thấy không chỉ một lần cái biển “bánh mì Đà Nẵng”. Hóa ra, xứ mình cũng biết đóng góp cho cái sự ăn vài thứ mà không dễ xiêu lòng. Ai bảo người xứ này không biết nâng cái món thuần Tây ấy trở thành nghệ thuật ẩm thực đỉnh cao đường phố. Trong các thứ sáng tạo trên đời, có lẽ sáng tạo cho chuyện ăn là khó nhất. Những ai từng ngày vào bếp, cái chuyện làm mới từng bữa ăn có lẽ là nỗi lo đủ để trở thành sự ám ảnh. Sau khi gửi xe vào chợ, nhiều khi bần thần không biết chọn thứ chi để đổi món. Cho nên lời khen bữa cơm ngon là lời tụng ca nở mày mát bụng nhất. Còn trong bữa ăn mà những đôi đũa ơ hờ, lặng lẽ đảo qua ngó lại thì lòng dạ nẫu còn hơn dưa khú.

Nhưng có một thứ bánh mì hình như không muốn thay đổi. Dễ đến mấy chục năm rồi vẫn như vậy. Có lẽ Đà Nẵng là nơi duy nhất còn lại cái biển “bánh mì quốc doanh”. Trong muôn thứ của thời bao cấp và kế hoạch hóa, có món gì mà dám kiêu hãnh không chịu rời xa cái chữ quốc doanh này? Học chính trị tôi biết, từ lâu người ta khai tử chữ “quốc doanh”, bởi nó phản ánh không đúng bản chất của một thành phần kinh tế, thay vào đó người ta gọi là kinh tế nhà nước. Nhưng bánh mì ở Đà Nẵng vẫn kiên trung “quốc doanh”, vì không ai nói là “bánh mì nhà nước” được. Cái tồn tại là cái hợp lý.

Vì sao có sự lạ như vậy? Người làm bánh mì có thay đổi, chỗ làm cũng thay đổi, nay không còn sang trọng Hùng Vương nữa mà “được” chuyển về nơi mới. Cũng nghe đâu mở rộng sang bên kia sông nữa, nhưng hình dáng cái bánh mì sau mấy chục năm gần như không đổi. Nhiều người nói do chất lượng của ổ bánh mì quốc doanh ngon, đặc ruột, nhỏ vừa... mà luôn có lượng khách ổn định của riêng BMQD. Tôi cũng nghĩ thế. Những người hơi lớn tuổi vẫn tin cậy BMQD. Hóa ra để giữ khách hàng, chất lượng là cái đầu tiên. Chuyện ni chẳng cần phải học cũng biết. Nhưng có lẽ để làm được thì không biết bao sách vở, bao nhiêu thứ lý thuyết mà cũng chẳng thể xong: Làm sao cho vừa cái nhu cầu ngày càng tăng của con người? Có lẽ đây là cái khó nhất trên đời. Xé ổ bánh mì quốc doanh thành những miếng nhỏ, chấm vào tô nước bún giò “ngon nhất thế giới” ở đường Hải Phòng, mà nghe cuộc đời vẫn còn nhiều sự may mắn. Ai cũng xúm vô phê phán thời bao cấp, bởi nó đáng để phải chê trách, nhưng hình như mỗi BMQD đang cáng đáng cái công việc lấy lại sự công bằng cho cái thời quốc doanh lẫy lừng kia chăng.

Hồi nhỏ, buổi sáng có được ổ BMQD nóng, xé từng miếng nhỏ chấm vào ly sữa bò “ông già” là niềm khao khát. Bởi sữa lúc bấy giờ cũng là thứ cao sang. Tôi nhớ đi thăm người ốm, mẹ tôi mang cân đường ngà vàng đã là nghĩa tình sâu nặng lắm. Còn thứ đêm đêm người bán tay cầm cái đèn bão, tay bưng cái thúng được ủ vải dày để giữ nhiệt, miệng “hô vi lô” như một lời nguyện cầu tha thiết và lay động cả tâm can! Anh em tụi tôi được mỗi người một trứng ấy là yến tiệc trần gian cũng chỉ đến mức ấy là cùng. Cái câu “đói ăn rau, đau ăn thịt” nó quấn lấy biết bao số phận. Cuộc sống hôm nay thay đổi, nhưng giữ bền lâu cái thương hiệu được khẳng định nó khó vô cùng.

Thành phố đáng sống ai cũng mừng là nó trở thành slogan gần xa thừa nhận. Đi đâu hay đón người xa đến nghe khen thành phố đáng sống, tôi thấy hả lòng. Nhưng hình như gần đây cái danh thơm ấy có chút gì gờn gợn? Hãy như ổ bánh mì kia, thủy chung chất lượng. Không biết BMQD cầm cự được bao lâu nữa nhưng tôi tin nếu thủy chung với chất lượng thì sẽ bền lâu. Tạo ra thương hiệu thậm khó trong đời, nhưng giữ được thương hiệu là chuyện sinh tử của mọi nỗ lực. Mỗi người biết thắp lên ngọn lửa của lòng mình, trong từng việc cụ thể góp phần để cho mỗi con đường, mỗi ngôi nhà thêm điều tử tế. Bớt nói những điều to tát, làm sao để mỗi góc phố những quầy bánh mì luôn thơm ngon sạch sẽ. Trên những lỗ golf mỗi chiều thứ bảy đang lăn tròn những niềm đam mê thời thượng, hãy nghĩ về những điểm ngập sau mỗi cơn mưa. Giữ thơm cho thành phố này từ những điều nho nhỏ, cũng là cách biết tạo ra cái mới, để mỗi ngày thành phố này thêm tươi thắm, để Đà Nẵng mãi mãi là nơi đáng đến và đáng sống.

T.T.T