Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống: Cơ hội và thách thức - Nguyễn Thị Thanh Vân

02.12.2019

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống: Cơ hội và thách thức - Nguyễn Thị Thanh Vân

Mỗi cuộc cách mạng lớn trong nghệ thuật đều bắt nguồn từ sự thay đổi, phát triển của công nghiệp, chẳng hạn như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 tác động đến sự phát triển nghệ thuật hiện đại, cuộc cách mạng lần thứ 3 thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật đương đại. Vậy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) có sự chuyển biến gì đối với ngành văn hoá nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng?

1. Sự tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của văn hoá nghệ thuật Việt Nam

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ra đời ở Đức là sự kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Nó bao gồm hệ thống mạng vật lý, mạng internet kết nối vạn vật (internet of Things - IoT) và trí thông minh. Khái niệm về cuộc cách mạng “công nghiệp 4.0” của GS. Klaus Schwab ra đời có sức ảnh hưởng lớn, nhận được sự quan tâm, thậm chí tán đồng trong toàn cầu vì đây là cuộc cách mạng đánh dấu sự chuyển ngoặt, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các ngành nghề chế tạo. Ở Việt Nam, cuộc cách mạng “công nghiệp 4.0” này mở ra tương lai mới và tác động đến nhiều ngành nghề, như: kinh tế, giáo dục, y tế, giao thông, vận tải...  trong đó có lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.

Tiếp cận với nền công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu mà nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam phải hướng tới để bắt kịp với xu hướng phát triển của văn hóa nghệ thuật trên thế giới. Nhưng làm thế nào để văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung và sân khấu truyền thống nói riêng bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp này là vấn đề đang đặt ra hiện nay. Để chỉ đạo cho việc đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1755/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ “Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như: In ấn, xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, giải trí, quảng cáo, triển lãm. Tăng cường hợp tác, tranh thủ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển”. Đến ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 16/CT-TTg về “Tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4” để yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho sự tăng tốc phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp này ở Việt Nam. Và tại Hội thảo “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật” tổ chức vào ngày 21/6/2018 tại thành phố Huế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  TS. Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng: “Nên nghiên cứu ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở hai góc độ. Góc độ thứ nhất là văn hóa nghệ thuật truyền thống gắn với gìn giữ, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam, đạo đức xã hội. Ở góc độ thứ hai, văn hóa nghệ thuật là ngành công nghiệp quan trọng  đóng góp vào GDP quốc gia”.

Chủ trương, chỉ thị của Đảng và nhà nước ta trong việc tiếp cận cuộc cách mạng “công nghiệp 4.0” là kịp thời. Song trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, việc vận dụng các công nghệ tiên tiến như máy móc kỹ thuật số, Internet, công nghệ in 3D.... chưa được quan tâm, đầu tư rộng rãi; công tác số hoá trong các bảo tàng, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim... còn ít và chưa đồng đều; công tác quảng bá các sản phẩm văn hoá nghệ thuật trên Internet còn nhỏ lẻ, tuỳ tiện; chưa xây dựng được sân khấu thông minh để phục vụ biểu diễn v.v...

Như vậy, trong thời gian qua, ý thức nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành văn hóa nghệ thuật là mạnh mẽ, nhưng sự tiếp cận của nó đối với cuộc công nghiệp này còn hạn chế.

2. Sân khấu truyền thống trong thời đại cách mạng “công nghiệp 4.0”

Cuộc cách mạng “công nghiệp 4.0” cũng mang lại cơ hội hiếm có cho việc chuyển đổi và nâng cấp ngành công nghiệp nghệ thuật và thiết bị biểu diễn nghệ thuật của Việt Nam, sử dụng một thế hệ thiết bị sân khấu mới phục vụ cho biểu diễn nghệ thuật. Cho dù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này là “thông tin hóa”, “số hóa” hay “trí tuệ thông minh” của ngành công nghiệp, đó là biểu hiện bên ngoài của sức mạnh thiết yếu của con người. Nghệ thuật sân khấu truyền thống của chúng ta biểu hiện cho một kỷ nguyên mới, cốt lõi của nó là thể hiện “con người” và thể hiện sự sáng tạo của con người. Mặc dù đời sống khách quan mà nghệ thuật biểu hiện đang thay đổi, nhưng quy luật sáng tạo nghệ thuật không thay đổi, chỉ cần tuân thủ quy luật sáng tạo của nghệ thuật, thì chúng ta mới theo kịp sự mới mẻ, ổn định, nếu không sẽ lạc lõng trước thời cuộc, đi chệch quỹ đạo của thời đại.

Thời đại “công nghiệp 4.0” đã mang đến cho nghệ thuật sân khấu truyền thống của chúng ta không ít cơ hội và thách thức. Đó là sự chuyển ngoặt lớn về phương diện trang thiết bị và kỹ thuật trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam. Kỹ thuật mới như: Sân khấu thông minh sẽ được áp dụng trong việc xây dựng và biểu diễn nghệ thuật của Việt Nam; xu hướng kết hợp giữa kỹ thuật công nghệ số và các chuyên ngành thiết kế sân khấu; sự kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh; sự kết hợp giữa sân khấu đa năng, thông minh và sân khấu chuyên nghiệp; sự kết hợp đặc trưng giữa công nghệ và nghệ thuật; và trong bối cảnh này các thiết bị truyền dẫn, mạng internet của Việt Nam đã ra đời.

Tác động to lớn của cuộc cách mạng “công nghiệp 4.0” vào nghệ thuật sân khấu truyền thống chính là nhân lực và sự việc. Nhân lực ở đây chính là các nhà sáng tạo sân khấu, mà thay đổi nhân lực rõ rệt nhất chính là bộ phận thiết kế sân khấu, thiết kế âm thanh, thiết kế ánh sáng, và công tác hậu đài. Các bộ phận này không cần nhiều người điều khiển, mà chỉ cần đến các thiết bị điều khiển kỹ thuật số. Do đó, nhân lực của biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống đã giảm dần, giảm chi phí cho đêm biểu diễn nghệ thuật.

Về thiết kế bố cảnh sân khấu:

Cuộc cách mạng “công nghiệp 4.0” đã làm thay đổi phương thức thiết kế và hình thức biểu hiện của thiết kế sân khấu truyền thống. Trong thiết kế mĩ thuật sân khấu không cần vẽ nhiều màn, cảnh trí, mà chỉ cần thiết kế trên máy vi tính có thể dùng máy chiếu chiếu trên phông sân khấu là có thể thay đổi cảnh trí sân khấu. Chẳng hạn, trước kia thiết kế bố cảnh sân khấu truyền thống thường vẽ thủ công bằng tay, phải cần đến công cụ giấy, bút, thước... và thông qua quá trình vẽ phác thảo, tô màu, khi muốn thay đổi thiết kế, sửa đi sửa lại rất khó, nhưng khi vẽ trên máy móc, thiết bị công nghệ kỹ thuật số thì không cần như thế, chỉ cần có ý tưởng và dữ liệu thì máy móc đã thực hiện một số công đoạn vẽ, kích thước to nhỏ tuỳ theo ý tưởng người thực hiện. Như vậy, việc dùng máy móc kỹ thuật số thực hiện thiết kế sân khấu không những thay thế được quá trình vẽ thủ công mà còn đạt được hiệu quả nghệ thuật, mô phỏng thiết kế giống như thật, hơn nữa còn tiết kiệm được nhiều thời gian thiết kế hơn phương thức thiết kế thủ công truyền thống. Về đạo cụ sân khấu cũng thay đổi, đồ sộ hơn trước, chẳng hạn như trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu tuồng trước kia chỉ dùng mái chèo để biểu thị đang đi thuyền, nhưng trong một số vở diễn hiện nay các nghệ sĩ đã sáng tạo thành những chiếc thuyền gỗ có bánh xe di chuyển trên sân khấu, hay là cảnh trang trí không dùng những bức tranh vẽ lớn mà hoạ sĩ chỉ treo một chiếc phông trắng, sau đó dùng máy chiếu thông qua những dữ liệu lưu trong máy vi tính chiếu những cảnh trang trí lên phông sân khấu. Tuy nhiên thiết kế sân khấu đồ sộ, hoành tráng như vậy chiếm hết không gian sân khấu, làm cho diễn viên rất khó biểu diễn.

Về lĩnh vực âm nhạc sân khấu:

Nếu như trước kia sân khấu truyền thống dùng dàn nhạc đồ sộ, thì hiện nay trong một số dàn nhạc có xuất hiện những đàn điện tử, có khi thay thế dàn nhạc bằng sự truyền phát thông qua máy vi tính. Chẳng hạn trong một số buổi biểu diễn của sân khấu cải lương, chúng ta thấy đã áp dụng âm nhạc điện tử thay thế hoàn toàn cho dàn nhạc truyền thống. Dàn nhạc biểu diễn trước, sau đó thu âm lại, lưu trữ trong máy vi tính và thông qua hệ thống máy vi tính, phát lại khi biểu diễn trên sân khấu. Như vậy về nhân lực biểu diễn đã cắt giảm, giảm được chi phí mỗi lần biểu diễn. Ở đây có một sự bất cập đó là, khi dùng nhạc điện tử thì giảm được số lượng nhân lực biểu diễn, song cũng làm khó cho sự biểu diễn của diễn viên trên sân khấu, bởi lẽ khi đã thu âm dàn nhạc thì yêu cầu nghệ thuật biểu diễn của người diễn viên phải phát huy năng lực biểu diễn cao độ, biểu diễn khớp với nhạc, nhạc không thể nhanh hoặc chậm tùy theo sự biểu diễn của diễn viên trên sân khấu như việc dùng dàn nhạc truyền thống.

Về thiết kế ánh sáng sân khấu:

Ở một số các điểm biểu diễn sân khấu hoặc trong nhà hát đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật số cho âm thanh, hiệu ứng âm thanh ánh sáng, kỹ thuật sân khấu, tạo ra được ánh sáng màu sắc trên sân khấu như sử dụng tia Laze, đèn Led... đem lại sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn và độc đáo cho người xem. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số vào nghệ thuật biểu diễn sân khấu còn chậm và lạc hậu, chỉ có một số nhà hát được đầu tư lớn, biểu diễn với sân khấu biểu diễn đa năng, như: Nhà hát Lớn Hà Nội, rạp Âu Cơ, sân khấu Galaxy... và một số rạp hát của các tỉnh mới xây dựng gần đây thì mới được trang bị một số thiết bị hiện đại, còn lại hầu hết những rạp biểu diễn của các nhà hát sân khấu trực thuộc các đơn vị nghệ thuật truyền thống thì thiết bị vẫn còn lạc hậu.

Về thiết kế phục trang sân khấu:

Nếu như trước kia thiết kế phục trang sân khấu truyền thống làm bằng thủ công, phải thêu bằng tay, mất rất nhiều thời gian và nhân lực, công sức, thì nay đã có máy móc công nghệ kỹ thuật số, những hoạ tiết, hoa văn trên trang phục sân khấu truyền thống đã được số hoá và việc này đã sản xuất ra hàng loạt bộ trang phục, giảm thời gian và chi phí, do đó kinh phí trong việc dựng vở diễn sân khấu cũng giảm đi. Công nghệ Internet vạn vật (IoT) và kỹ thuật in 3D, tin tức hoá, trí tuệ thông minh (intelligentialize) trong thời đại “công nghiệp 4.0” cung cấp kỹ thuật cơ bản cho ngành thiết kế phục trang, quy định sản phẩm cho cá nhân người dùng. Người dùng có thể căn cứ vào nhu cầu của chính mình, thông qua sự hỗ trợ của Internet định ra sản phẩm thiết kế trang phục nhân vật, thiết kế sân khấu độc đáo riêng cho từng mô hình nhân vật của sân khấu truyền thống, như: Vai diễn đào, lão, mụ, kép... Nhà thiết kế cũng có thể thông qua hình thức DIY đưa vào ý tưởng thiết kế trang phục, thiết kế sân khấu của mình để đưa ra được sản phẩm độc đáo riêng.

Về lĩnh vực quảng bá và tiếp thị sản phẩm:

Trong khi biểu diễn nghệ thuật nhờ công nghệ kỹ thuật số có thể thu hình, âm thanh trực tiếp đang biểu diễn và phát trên mạng, nhiều người có thể xem trực tiếp (truyền hình trực tiếp). Những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ có thể ghi âm, ghi hình lại dựa vào công nghệ kỹ thuật số đám mây truyền phát trên mạng Internet, làm cho cả thế giới có thể xem được những buổi biểu diễn này. Tác dụng của việc đưa các vở diễn, sản phẩm biểu diễn truyền dẫn trên Internet sẽ giúp một số ít nghệ sĩ, người làm nghệ thuật tăng thêm thu nhập do các nhà mạng chi trả. Tuy nhiên, hiện nay số vở diễn được đưa lên mạng Internet rất ít và đây chỉ là hành động tự phát của các cá nhân nghệ sĩ, hoặc của một số nhà hoạt động nghệ thuật, chưa thành hệ thống. Các đơn vị nghệ thuật truyền thống, các cơ quan quản lý có thẩm quyền chưa áp dụng và tận dụng cơ hội này để đưa sản phẩm, vở diễn tới công chúng - người xem.

Tình trạng truyền phát các vở diễn sân khấu trên mạng Internet tuỳ tiện, không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chủ quản, đơn vị dàn dựng vở diễn sân khấu, dẫn đến việc không có ý thức sử dụng vở diễn có bản quyền và vi phạm tác quyền, làm ảnh hưởng đến động lực sáng tạo, quyền lợi của người nghệ sĩ và các đơn vị dàn dựng vở diễn.

3. Giải pháp và phương hướng bảo tồn, phát huy di sản sân khấu truyền thống trong thời đại “công nghiệp 4.0”

Trong thời đại “công nghiệp 4.0” thì việc bảo tồn và phát huy di sản sân khấu truyền thống càng khó khăn và phức tạp, để hoàn thành mục tiêu đề ra, thì cần nhiều tri thức và kỹ năng giao thoa giữa các ngành khoa học.

Về phương diện nhân lực:

Cần phải phát huy và bảo tồn giá trị tinh hoa của sân khấu truyền thống. Nội hàm của sân khấu truyền thống chính là vấn đề về thành phần sáng tạo và nghệ thuật biểu diễn. Sự truyền dạy của các thế hệ nghệ sĩ tiền bối cho thế hệ mai sau chính là lưu giữ “tinh thần” của sân khấu dân tộc. Tuy thời đại “công nghiệp 4.0” ứng dụng sự thông minh, tự động hoá, kỹ thuật số và giảm phần lớn nhân lực trong sáng tạo và hoạt động biểu diễn sân khấu truyền thống, nhưng việc này sẽ không làm giảm và mất đi một số thành phần sáng tạo cơ bản, những “thợ nghệ thuật” của sân khấu truyền thống như: tác giả, đạo diễn, diễn viên. Vả lại, người làm nghệ thuật cũng cần nâng cao trình độ nghệ thuật và nắm vững tri thức về các lĩnh vực tự động hoá, thiết bị truyền tin tức, kỹ thuật in 3D, kỹ thuật số... của cuộc cách mạng “công nghiệp 4.0” để vận dụng năng lực kết hợp giữa “bậc thầy nghệ thuật” và “nhóm trưởng thiết kế công nghệ”. Về số lượng con người, mặc dù dùng máy móc thay thế con người ở khâu thao tác, nhưng các bộ phận quản lý máy móc thông minh, Internet, dịch vụ phần mềm... thì không thể thay thế được.

Về phương diện kỹ thuật:

Các bộ phận thiết kế âm thanh, ánh sáng, bối cảnh sân khấu, phục trang đều cần sử dụng thiết bị kỹ thuật số, internet kết nối vạn vật, cho nên cần:  

- Đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng sân khấu thông minh. Ưu tiên đầu tư kinh phí để thực hiện công tác số hoá, ứng dụng công nghệ hiện đại cho các trang thiết bị của nhà hát, phục vụ biểu diễn.

- Đưa công nghệ kỹ thuật số áp dụng phổ biến vào việc sáng tác. Tuy nhiên hiện nay đa phần văn nghệ sĩ ít hiểu biết về công nghệ và kỹ thuật số, nên để làm tốt công việc này, cần mở các lớp tập huấn về việc giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các công nghệ tiên tiến.

Về việc quảng bá sản phẩm:

Cuộc cách mạng kỹ thuật mới như Internet, kỹ thuật in 3D... trong thời đại “công nghiệp 4.0” ra đời tác động lớn đến mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất truyền thống, phương thức sản xuất đơn lẻ của truyền thống đến nay không tồn tại nữa. Sự ra đời của Internet làm thay đổi cục diện việc giới thiệu các sản phẩm truyền thống. Các sản phẩm và dịch vụ đều thông qua mạng internet kết nối vạn vật để lưu thông trong xã hội và đưa tới tận tay người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó sân khấu truyền thống cần phải thay đổi phương thức quảng bá các buổi biểu diễn nghệ thuật và quản lý các sản phẩm biểu diễn (vở diễn sân khấu, tiết mục) đã ghi hình và thành lập Trung tâm thông tin dữ liệu thu và truyền phát các vở diễn đã dàn dựng của đơn vị nghệ thuật truyền thống ở cả trung ương lẫn địa phương.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tiến hành đồng bộ và quản lý chặt chẽ khâu đăng kí bản quyền vở diễn, có sự giám sát trong việc truyền phát trên hệ thống Internet và trích kinh phí chi trả cho đơn vị xây dựng chương trình, dàn dựng vở diễn, tiết mục.

- Tiến hành kết nối với các nhà hát, các đơn vị truyền thông, du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu, tổ chức biểu diễn các vở diễn sân khấu truyền thống, vừa bảo tồn và phát huy di sản sân khấu truyền thống của dân tộc, vừa quảng bá được sản phẩm ra các nước trên thế giới.  

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm giảm số nhân lực lao động trong sáng tạo và hoạt động nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống, nhưng cũng làm cho những người làm nghệ thuật cần phải tăng cường sự năng động, tiếp thu, học tập các tri thức công nghệ mới để hoàn thiện cá nhân trước yêu cầu đổi mới của thời đại. Tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp này, chúng ta cần phải xác định rõ mục tiêu, nghiên cứu sâu hơn phương hướng phát triển của sân khấu truyền thống để phát huy năng lực, tư duy, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ, đồng thời phải ứng dụng công nghệ số trên diện rộng để lưu trữ ngân hàng dữ liệu các vở diễn sân khấu, phát triển các ngành thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng phục vụ biểu diễn nghệ thuật. Thực hiện được những mục tiêu đó, sân khấu truyền thống đã đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy di sản sân khấu dân tộc, thích ứng với nhu cầu phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

N.T.T.V