Viễn xứ
Minh hoạ: Hồ Đình Nam Kha
Hoàng đỗ xe thông báo:
- Trọng chết rồi.
Hạnh bật dậy:
- Bao giờ?
- Hai giờ đêm hôm qua.
- Thật sao!?
- Thật!
Hoàng nhìn Hạnh bằng đôi mắt dò xét. Tại sao cô ta không khóc nhỉ? Hạnh cũng không biết tại sao tin Trọng chết Hạnh lại không cảm thấy bất ngờ. Thậm chí còn có vẻ bình thản nữa.
- Đi thôi!
Hạnh lên xe. Hoàng rồ máy vọt đi. Con đường vào khu tập thể lầy lội quá.
Căn nhà nhỏ bé tuềnh toàng của Trọng lọt thỏm giữa hai tòa biệt thự cao tầng. Căn nhà duy nhất ở con hẻm này có trồng giàn hoa giấy còi cọc.
Mọi người đã đến rất đông, họ ngồi tràn cả ra đường. Hoàng dừng xe bên quán cóc bên đường.
- Chờ ở đây đi, xe chưa về đâu. Chắc cũng phải đến mười giờ xe mới tới đây.
Hạnh nhìn đồng hồ. Tám giờ mười lăm phút. Hạnh thở dài, nghĩ thầm: “Lại chờ đợi...”.
Đàn ông ngồi ken nhau đốt thuốc tán gẫu, những người đàn bà đang làm vẻ mặt “buồn buồn”. Trong nhà, đám con gái sàn sàn mười bảy, mười tám tuổi, học trò học đàn của Trọng đang thút thít khóc. Hạnh nhẩm đếm, bảy đứa tất cả. Đứa này dỗ đứa kia trông thật buồn cười.
Hoàng bảo:
- Trọng hạnh phúc quá. Em nào cũng tưởng được anh Trọng yêu.
Hạnh nghĩ Hoàng nói đúng.
... Có lẽ Hạnh là cô gái đầu tiên quen biết Trọng khi hắn mới xuất hiện trong cái thị trấn buồn tẻ này, giọng nói Quảng Nam đặc sệt:
- Nè! Cô lòm ơn chỉ dùm nhà ven hóa chỗ mô?
Cây đàn trên vai, cái túi du lịch nho nhỏ cũ mèm trông hắn bụi ra phết. Cô nhìn hắn châm chọc:
- Chớ ông ở mô mà không biết nhà ven hóa?
Hình như bị xúc phạm, Trọng trả lời nhát gừng:
- Quảng Nom!
“Người đâu mà cộc!” - Hạnh lẩm bẩm phàn nàn rồi lớn giọng trả lời tưng tửng:
- Rẽ trái năm trăm mét sẽ thấy căn nhà hình lục giác như cái chuồng cu với một đám trẻ con nhí nhố.
Trọng quan sát Hạnh: quần jean, áo thun, tóc cắt ngắn.
- Cám ơn! Tôi sẽ đến tìm cô.
Hạnh trả đũa:
- Không phải khách sáo.
Đúng là con trai Quảng Nam “bản lĩnh và lì lợm”.
Ngay chiều hôm sau, hắn đã vượt qua con hẻm lầy lội, tìm đến khu tập thể Hạnh ở.
Rồi cứ thế Trọng đến, hát cho Hạnh nghe những bản tình ca Trịnh Công Sơn. Giọng pha nửa Nam, nửa Trung của Trọng nghe ma quái không chịu nổi. Thế mà Hạnh thấy hay mới lạ. Càng ngày Trọng càng trở nên cần thiết với Hạnh. Hạnh không biết mình có yêu Trọng không. Trọng cũng chẳng bao giờ đề cập đến chuyện yêu đương. Chỉ có những bài hát, những buổi chiều long rong uống cà phê. Đôi khi Trọng hôn Hạnh hờ hững và kèm theo câu nói đùa:
- Trông em liêu trai quá.
Có lần Hạnh hỏi:
- Chừng nào anh về quê?
- Chết!
Hạnh giật mình quay qua hỏi Hoàng:
- Người ta chôn Trọng ở đâu?
- Ở Đà Nẵng. Xe chỉ ghé đây nửa tiếng thôi.
Quá mười giờ xe vẫn chưa về. Một người đàn bà kể lể:
- Ở bệnh viện lấy xác ra khó lắm. Tốn tiền nữa.
- Ác thế! - Một bà khác đệm vào.
Bọn con gái đã thôi khóc.
Mười hai giờ trời đổ mưa. Hạnh bâng quơ:
- Mấy bữa nay mưa dữ quá...
Từng tốp người ra về. Thịnh rủ Hoàng:
- Về ăn cơm rồi ra chờ nữa.
Hoàng hỏi Hạnh:
- Về không?
- Không.
Mưa nặng hạt. Nước chảy tràn lên thềm nhà. Hạnh co chân lên ghế.
- Buồn quá!
- Ừ! Buồn tênh phố xá, mưa mờ mịt bay...
Gã thanh niên ngồi bên Hạnh ngâm nửa câu thơ lục bát. Hạnh hỏi:
- Ai đó?
- Một thằng khùng.
- Trông cũng được đấy chứ!
- Hắn là bạn thơ của Trọng.
Trọng thật đa tài. Đàn, hát, vẽ, làm thơ không giỏi lắm nhưng đối với cái thị trấn nhỏ bé như cái lỗ mũi này cũng đã là thần tượng của nhiều cô gái.
Ba giờ chiều, trời ngớt mưa nhưng không sáng hơn tí nào. Thêm vài tốp người nữa ra về. Bên kia đường, đám thợ vẽ đang ngồi tán chuyện nghệ thuật. Gã đàn ông râu tóc xồm xoàm đang lúi húi ký họa trên tờ giấy trắng. Hoàng nói:
- Hắn đang vẽ Hạnh.
- Sao biết?
- Đoán vậy.
Thực ra gã không vẽ ai cả. Những đường nét lộn xộn, những hình người ngổn ngang. Nhìn Hạnh, gã cười, nụ cười ngờ nghệch.
- Gã thuộc trường phái nào?
- Siêu thực.
- Hèn chi trông gã có vẻ thiếu thực tế.
Hoàng đứng dậy vươn vai:
- Mỏi quá!
Có ai đó lên tiếng:
- Chắc xe đưa về Đà Nẵng luôn rồi.
Gã họa sĩ ném những tờ giấy vẽ xuống dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy ven đường rồi đứng dậy phán:
- Về!
Vài người hưởng ứng. Mấy nhỏ học trò lần lượt có người nhà đội áo mưa tới đón. Bốn giờ chiều, thị trấn xám xịt, buồn tẻ, mọi người đã về hết. Hoàng quay qua Hạnh:
- Về thôi!
- Hoàng về trước đi.
- Lát ai chở Hạnh về?
- Đi bộ.
Không nói gì, Hoàng lên xe lao đi dưới làn mưa. Mình Hạnh ngồi trong quán nhỏ ngắm mưa.
- Cho ly cà phê đen nữa đi bà chủ. Mở nhạc Trịnh Công Sơn nghe.
Bà chủ nhìn Hạnh chép miệng: “Tội nghiệp...”.
Giọng Khánh Ly phát ra rè rè từ cái máy cát xét cũ kỹ đặt trên quầy.
“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong bầu trời này...”. Trọng đã từng hát bài này cho Hạnh nghe.
Trời sập tối. Mưa nặng hạt. Dãy nhà hai bên đường đóng kín cửa. Chiếc xe màu đen từ từ lăn bánh vào thị trấn và dừng lại trước con hẻm. Xe tang của Trọng.
Hạnh như dính chặt vào ghế không đứng lên nổi. Người phụ nữ đứng tuổi thò đầu ra ngoài nhìn quanh rồi khoát tay. Chiếc xe trở đầu khuất dần trong làn mưa mờ đục.
Hạnh lao ra đường, mưa quất vào mặt rát rạt. Hạnh cắn môi. Mưa tràn trên mặt cô có vài giọt mằn mặn.
“Vĩnh biệt Trọng!”.
N.M