Nguyễn Văn Xuân - Truyện ngắn và tiểu thuyết

05.05.2021
Phạm Phú Phong

Nguyễn Văn Xuân - Truyện ngắn và tiểu thuyết

Đọc Nguyễn Văn Xuân toàn tập(1) [1] mới có thể nhận diện một cách đầy đủ chân dung ông, không chỉ với tư cách là nhà văn, mà còn là học giả, một nhà Quảng học. Những tác giả trong văn học hiện đại nước ta được làm toàn tập không nhiều. Bởi toàn tập không phải là chỉ tuyển những cái hay, mà là toàn bộ, kể cả những cái không hay, không hợp thời, không nhạy cảm về chính trị hoặc sai lầm, nhất là đối với một tác giả đã sống và viết qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử và thể chế chính trị như Nguyễn Văn Xuân, là điều không phải dễ. Vì vậy, để có được Nguyễn Văn Xuân toàn tập, gồm 7 tập, gần 4.000.000 trang là một nỗ lực lớn của nhóm biên soạn (Phong Lê, Lại Nguyên Ân, Thái Bá Lợi, Huỳnh Văn Hoa và Hồ Sĩ Bình), nhà tài trợ và những người làm xuất bản.

Tôi đã từng có bài viết Nhà văn Nguyễn Văn Xuân(2) nhân ngày giỗ đầu của ông 4.7.2008, trên cơ sở đọc Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân (Nxb Đà Nẵng 2002). Lúc ấy chỉ biết ông có 2 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết, 4 công trình biên khảo, chưa gói gọn được nội dung ba tập đầu của Nguyễn Văn Xuân toàn tập, vì còn thêm “nhưng truyện ngắn khác” in trên các báo chưa được sưu tập, tôi không nghĩ, lại có thêm 4 tập nữa, sưu tập những công trình/ bài viết về nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, lược sử (tập 4), văn học phê bình (tập 5), chân dung nhân vật (tập 6) và tạp văn (tập 7). Có thể nói, là một bộ sưu tập tương đối đầy đủ về chân dung nhà văn - học giả Nguyễn Văn Xuân, với tất cả những phẩm chất, cá tính mang hồn cốt của đất và người xứ Quảng quê ông. Những gì còn thiếu ở đây, tôi tin rằng do chưa tìm thấy, chứ không phải là những người biên soạn cố tình gạt bỏ.

Về văn chương tưởng tượng/ sáng tác của Nguyễn Văn Xuân có nhiều thể loại như kịch bản sân khấu, tạp văn, nhàn đàm, phiếm luận hoặc có cả thơ nữa, như ông từng quan niệm là “hễ ai muốn đi vào văn chương thì trước hết phải làm thơ” [t.7, tr.269], nhưng nổi bậc nhất trên con đường hành nghiệp của ông là tiểu thuyết và truyện ngắn. Kể từ truyện ngắn được coi là tác phẩm đầu tay của ông là Bóng tối và ánh sáng (1938) đã được tặng giải Nhất cuộc thi của báo Thế giới(3), đến nay ông đã có 2 tập truyện ngắn và nhiều truyện khác chưa in hoặc đã in rải rác trên các báo, gộp chung lại cả thảy là 27 truyện. Tất nhiên là chưa đủ, ví như, truyện ngắn đầu tay đã nói trên đây chưa có trong toàn tập. Trong bài viết dài gần 50 trang in ở đầu toàn tập Về tác gia Nguyễn Văn Xuân, Lại Nguyên Ân cho rằng: “Đọc các truyện ngắn, truyện dài của Nguyễn Văn Xuân, tôi nhận thấy ở ông một nhà văn phong tục - lịch sử” [t.1, tr.24]. Bởi lẽ, ngay từ những truyện ngắn đầu tiên ông đã quan tâm đến tâm lý giấu nghèo của những gia đình khá giả bị sa sút với phong tục cúng giỗ ông bà, cha mẹ (Ngày giỗ cha), là lễ cúng tàu thuyền vào dịp cuối năm của những người đi biển (Ngày cuối năm trên đảo), rồi giềng mối quan hệ của những người cùng làng (Khách), hoặc tâm trạng của những người Việt sống nơi đất khách quê người (Con chim trốn tuyết, Đêm tân Liêu Trai). Những truyện được sưu tập thành tập Dịch cát, ngoài các truyện như Con hiện sinh, viết về sinh hoạt đời sống chạy theo vật chất đương thời, hai truyện viết thời chiến tranh trước 1954, là chuyện trả thù cá nhân ngóng về Cây đa đồn cũ hay các tử tù trong trại giam của Pháp muốn thoát chết phải Chạy đua với tử thần và một truyện đậm tính khôi hài về sinh hoạt các tù nhân “lính thuộc địa Đông Dương” của quân Anh (Một cuộc tấn công), thì cũng có nhiều truyện, dù trực tiếp hay gián tiếp, ông tiếp tục đề tài này: đó là sự “tẩy trần” cuối năm để đón Tết (Buổi tắm tất niên), là các kiểu ràng buộc trong quan hệ làng xã với những người đến trước đến sau, chuyện trai gái với nhau, có sự giúp đỡ hoặc ganh ghét nhau trong những người cùng thôn xóm (Xóm mới), là nạn dịch tràn qua một làng quê miền biển, nhà giàu thì bỏ tiền ra cúng tế để trừ tà, những người nghèo thì không cứu giúp được gì cho nhau, bởi ai cũng lâm đại dịch (Dịch cát), là nghệ nhân sáng tạo những nhạc cụ bằng đồng nổi tiếng của người dân xứ Quảng nhằm đáp ứng cho nhu cầu đời sống tinh thần và phong tục của đồng bào các tộc người miền Thượng (Tiếng đồng)... Không phải đợi đến Hương máu, mà ở đây nhà văn đã quan tâm đến những khoảnh khắc trong chu trình sinh, lão, bệnh, tử của cuộc đời con người. Ông chỉ ra sự vật lộn của con người để mưu cầu sự sống trong nỗi mong manh tuyệt vọng đến tận cùng. Không khó nhận ra, những truyện ngắn phong tục của Nguyễn Văn Xuân phần lớn ngấm sâu và lan tỏa trong thời / không gian nghệ thuật mang mùi vị hương hoa, cây cỏ vào dịp xuân về, tết đến (Buổi tắm tất niên, Ngày cuối năm trên đảo, Đôi mắt mùa xuân, Đêm tân Liêu Trai, Con chim trốn tuyết, Trong nhà hộ sinh...), tôi ngờ rằng, đó là những truyện ông viết “làm hàng tết” theo đơn đặt hàng của các báo xuân, báo tết.

Đến tập Hương máu, ông chuyển trọng tâm sang đề tài lịch sử, 7 truyện là 7 cái chết khác nhau. Truyện ngắn là thể văn nhằm khai thác những khoảnh khắc, những “lát cắt” của đời người, thì ở Nguyễn Văn Xuân đó chính là lúc con người cận kề cái chết. Dường như ông chỉ nhìn thấy vẻ đẹp của con người lúc sắp từ giã cõi đời. Một cái nhìn như thế, thuật ngữ triết học người ta gọi là dùng hiện tượng luận để phân tích. Nhưng không thể nói ông dừng lại ở hiện tượng luận mà còn có cái nhìn sâu thăm thẳm vào sinh quyển mang nội dung mỹ cảm để tạo ra thế giới nghệ thuật. Bởi, hiện tượng luận chỉ có ở các tiểu luận - và ông còn là nhà khảo cứu - chứ không còn là tư tưởng nghệ thuật. Người ta chỉ có thể nói tác giả đã coi cái chết là một hiện tượng, một phần không thể thiếu của cuộc sống, là đối tượng của nghệ thuật, bởi, như nhà văn tài danh Lỗ Tấn từng nói rằng: “Người ta chỉ thật sự chết khi hoàn toàn không còn sống trong lòng những người đang sống”. Có thể nói, Hương máu là bộ tiểu thuyết liên hoàn về những cái chết, chủ yếu là các nhân vật lịch sử - đó là những “cái chết hóa thành bất tử” của Hoàng Diệu (Viên đội hầu) và của các nhân vật phong trào Nghĩa hội Quảng Nam chống Pháp như Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến (Hương máu), Thái Phiên (Rồi máu lên hương), một người giữ chức tán tương quân vụ bị Hường Hiệu nghi ngờ sát hại (Chiếc cáng điều), một ông quan khác là Tú Nguyễn vì muốn giữ bí mật cho Nghĩa hội bị xử tội tử hình, xin được đưa về thi hành án chém tại quê nhà (Về làng). Ngược lại, cũng có người muốn tham gia nghĩa quân, cùng dân làng giết chết một lính Pháp, nhưng sau đó Pháp tấn công vào làng, bỏ chạy bị rơi xuống sông chết đuối, cả làng bị trả thù, bị bắn giết dã man (Cái giỏ). Một cái chết khác, của một người chuyên trộm cướp của Pháp và của nhà giàu chia cho nhà nghèo, có chút ít nghĩa khí, cũng bị bắt và hành hình (Thằng Thu). Có một truyện cùng mang âm hưởng với Hương máu, cũng viết về cái chết của một nhân vật lịch sử là Cao Bá Quát có tựa đề là Khóc đầu tri kỷ (in trên tạp chí Bách Khoa), nhưng có lẽ ông viết sau khi Hương máu ra đời nên không có trong tập này.

Tuy ít về số lượng, nhưng hai cuốn tiểu thuyết ra đời cách nhau gần nửa thế kỷ đã thể hiện tài năng nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Văn Xuân. Một là Bão rừng, được coi “là cuốn tiểu thuyết đầu tiên đề cập đến công việc khai thác thuộc địa qua các chủ đồn điền của thực dân Pháp”(4), và có lẽ “cho đến nay vẫn là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi viết về cuộc sống những người nghèo khó làm thuê cho các chủ đồn điền cao su, một mảng đề tài vẫn còn bỏ ngỏ”(5). Hai là Kỳ nữ họ Tống, vợ của Chưởng cơ Nguyễn Phước Kỳ, con trai của chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1563 - 1634), trấn thủ dinh trấn Quảng Nam, cũng là nhân vật có thật trong lịch sử, được ghi lại trong Nam triều công nghiệp diễn chí (1719) của Nguyễn Khoa Chiêm (1821 - 1909) và phần tiền biên của bộ sách lịch sử lớn nhất về triều Nguyễn là Đại Nam thực lục (1821-1909) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn(6). Ngoài ra, câu chuyện về Tống thị còn được kể lại trong công trình sử học Mộng kinh sư(7) của Phan Du và truyện ngắn Án lục người đàn bà họ Tống(8) của Trần Thùy Mai, nhưng chủ đề trong truyện ngắn của cây bút nữ tài danh này là khai thác dưới góc độ nữ quyền, còn với Nguyễn Văn Xuân vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng Nho gia, chưa quan tâm đến vấn đề về ý thức nam nữ bình quyền.

Điều cần lưu ý đầu tiên là ở những lời “dẫn truyện” đặt ở đầu sách, Nguyễn Văn Xuân đã tạo cho người đọc thẩm thấu và đặt niềm tin vào tính chân thực lịch sử về những nhân vật có tên tuổi, địa chỉ, từng được sử sách ghi chép lại, tác giả chỉ là nghe kể lại, ghi chép/ biên tập lại. Đọc truyện, cảm giác như đọc lại một câu chuyện hoàn toàn có thật. Chính nhờ tính khách quan lịch sử đã tạo dựng vùng sinh quyển cho thế giới nghệ thuật. Tập truyện Hương máu, nơi tập trung đặc tả cái chết của con người, trong đoạn mở đầu Trước khi vào truyện, ông lặp đi lặp lại sự thoái thác trách nhiệm và thác lời cho sự thật tự lên tiếng: “Tôi không muốn kể lại chuyện ông Hoàng Diệu trước khi chết phải làm cái gì khác hơn là đá mâm cháo gà và ném gươm toan giết viên đội hầu trung thành. Tôi không muốn kể lại ông Nguyễn Hiệu không bạo liệt như thế. Tôi không muốn thấy bà vợ ông Thái Phiên quấn máu hồng trong tóc và chết kinh khủng như thế. Tôi không muốn tả lại cái thời Pháp thuộc mà tử tội về làm lễ ở đình chùa và thong dong đi qua đám dân làng bái vọng... Tôi không muốn nhiều chuyện lắm. Vì hoặc nó quá đúng một cách thô thiển, hoặc nó quá sai vì giàu tưởng tượng và nhất là nó không mấy vinh dự cho các danh nhân được nhiều ngưỡng mộ. Nhưng chính các bô lão khi kể cho tôi nghe thì họ kể một cách hăng hái nhiệt thành cho đến độ tôi tưởng nếu không phải như thế mới là không thật, không hùng mà tôi đã nghe, đã yêu, đã gìn giữ trong tâm khảm qua nhiều năm tháng. Qua nhiều năm tháng, tôi tưởng như tiếng bà bác tôi còn văng vẳng: “Ông đá hắt mâm cháo gà rồi đi tuốt ra Võ Miếu, viên đội hầu liền chạy theo...”, hay một cụ hai mắt đã mờ, chỉ nhìn rõ vào nội tâm hơn ngoại giới, nói bằng giọng nhợt nhạt: “Chúng tôi đưa ông qua chùa, qua đình để bái lạy. Bà con trong làng đã đặt bàn, thắp hương...”, hay một ông cụ khác, gầy guộc, loắt choắt hình như đã từng cộng sự với Thái Phiên và đã có thái độ vừa kinh tởm vì mùi hôi tanh vọng qua thời gian, vừa xót xa thương tiếc người bạc mệnh” [t.1, tr.210-211]. Thì ra, chính người trong cuộc, chính sự thật đặt cây bút vào tay ông, buộc ông phải thực hiện sứ mệnh không thể nào cưỡng lại được. Ở tập sách cuối cùng, trước khi ông qua đời, là tiểu thuyết lịch sử Kỳ nữ họ Tống, cái cảm giác tưởng như có thật ấy lại trở lại, khi tác giả mở đầu Thay lời tựa rằng: “Cách đây mấy chục năm, có người trao cho tôi một đống sách vở cổ và bảo: Những thứ này do các bậc tiền bối của tôi tích trữ, lưu lại nhiều đời. Thời cha tôi, kể ra nó cũng còn đôi lần được xem xét lại. Đến đời tôi nó hoàn toàn vô dụng vì sách viết bằng những thứ chữ xưa, tôi không đọc được. Tôi có để lại thì giỏi lắm đến đời con tôi chúng cũng đem vấn thuốc hút hoặc bán ký lô thôi. Tôi biếu ông, biết đâu ông chẳng tìm thấy một đôi cuốn, một đôi chương đoạn mà ông thích/ Mấy mươi năm nay, tôi chưa sờ mó gì đống sách còn nằm trong xó. Chợt một hôm, nhân cần tư liệu cũ, tôi giở ra xem thấy có một tập nhan đề Tống kỳ nữ. Ban đầu, tôi ngờ là truyện bên Tàu chép lại. Nhưng thử lướt qua vài đoạn, tôi ngạc nhiên đến sững sờ: đó là chuyện hoàn toàn Việt Nam mà lại xảy ra ở xứ Đàng Trong; cả tỉnh tôi, quê tôi cũng có hiện diện trong mấy chương đầu (...)/ Tôi chưa thấy người đàn bà nào trong lịch sử nước ta từ khi dựng nước tới khi chấm dứt chế độ phong kiến (1945) cũng là chấm dứt hẳn triều Nguyễn lại có cuộc đời sóng gió, ghi dấu ấn sâu sắc, rùng rợn, có tác dụng mãnh liệt xã hội, chính trị, quân sự, đạo đức đến như bà” [t.2, tr.191-192], và ông chỉ là người “mạo muội biên tập lại cho dễ đọc. Và nó không còn là lịch sử mà là tiểu thuyết lịch sử”! Ông có cách dàn dựng không khí tiểu thuyết có hơi hướng hồi ký, tự thuật, lấy nhân vật tôi làm nhân vật dẫn truyện. Người trần thuật dường như có sự thống nhất cao độ với sự thay đổi luân phiên điểm nhìn của nhà văn. Người kể trong Bão rừng là nhân vật tôi, kể lại những tháng ngày làm công cho một me Tây. Trong Kỳ nữ họ Tống, người kể chuyện cũng là nhân vật tôi dưới quyền quái nữ. Cả hai nhân vật đều là tác nhân vừa là người dẫn truyện một cách tròn vai.    

Đọc văn chương Nguyễn Văn Xuân, điều dễ nhận ra là ông chỉ hướng đến con người và vì con người. Con người đứng chật trong tâm hồn ông, ngoài tầng lớp lao động nghèo, dường như chỉ có hai đối tượng thu hút bút lực của ông là anh hùng và thuyền quyên. Những con người đời thường là những thân phận nhỏ bé, bèo bọt, hoặc sống lây lất, mong manh của phận người, hoặc bị áp bức, bóc lột đến tận cùng xương tủy. Anh hùng trong ông là những nhân vật được lịch sử trân trọng như Hoàng Diệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Cao Bá Quát..., thậm chí, có cả những người vô danh trong lịch sử như một ông tán bị Hường Hiệu nghi ngờ, biết trước là có thể dẫn đến cái chết, nhưng vẫn can trường ngồi cáng lên Tân tỉnh gặp thủ lĩnh Nghĩa hội để nhận lấy cái chết (Chiếc cáng điều), hoặc một người sống bạt mạng, theo kiểu vô chính phủ, bỏ qua mọi thị phi, biết làm việc nghĩa là lấy của người giàu, của kẻ ngoại bang chia cho người nghèo, cuối cùng vẫn hiên ngang nhận lấy cái chết (Thằng Thu). Còn thuyền quyên không hẳn là các liệt nữ hoặc những người chỉ có nhan sắc, những mỹ nhân mà kèm theo đó là tài và tình, đã khiến cho họ trở thành nhân vật trung tâm của tác phẩm, những người vừa đáng yêu vừa đáng sợ. Nhân vật của ông có sức sống lâu bền trong tâm tưởng nhiều thế hệ người đọc, bởi nghệ thuật dựng truyện điêu luyện. Với sự năng động và luôn đổi mới, tùy thuộc vào dung lượng hiện thực mà tác giả chọn lọc các chi tiết chính xác như cô đặc của chính đời sống. Đồng thời hình tượng không/ thời gian nghệ thuật cũng không ngừng biến đổi một cách tương thích. Đôi khi không gian như giãn ra, thời gian như co lại để cho mỗi nhân vật thấm thía hết nỗi bi thương của cuộc đời. Liệt nữ Nguyễn Thị Băng (Rồi máu lên hương) là vợ của thủ lĩnh Thái Phiên, cuộc đời nàng chỉ gặp chồng vỏn vẹn có hai lần là đêm tân hôn và lúc ra pháp trường, được tác giả miêu tả không gian quanh nàng đặc sệt bóng đêm, thời gian thì lê thê nhưng thoáng vụt như bóng câu qua cửa: “Nàng chết đi, tay vẫn đè trên đống tóc như thể sợ người ta sẽ nhẫn tâm đem nó đi để gội rửa cái chất máu lên hương, chất máu đã làm cho nàng gần gũi với chồng nàng lúc sống và rồi đây cả khi vĩnh viễn rời bỏ cõi đời” [t.1, tr.320].

Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, như đã nói, đều là những người phụ nữ, vừa đáng yêu, vừa đáng sợ, vừa có sắc, có tình, vừa khuynh đảo cả đời sống và thể chế chính trị. Khác với truyện ngắn, nhân vật tiểu thuyết của ông luôn được soi chiếu dưới ba góc độ: ngoại hình, nội tâm và hành động. Bà chủ đồn điền “đã trên ba mươi lăm. Trông bà trẻ hơn tuổi, nhưng có một vẻ gì tự cao, sang trọng. Bà ta có đẹp không? Tôi không hiểu song có điều chắc chắn là bà đẹp hơn tất cả những người đàn bà tôi gặp quanh bà. Và tự nhiên nhìn con người cao lớn, mập mạp, hai má căng ra và đỏ hồng dưới phấn son tươi thắm, tôi bất giác nghĩ: Đây là một người chỉ đẹp lúc về già” [t.2, tr. 12]; còn kỳ nữ thì khi “cười nhe hết cả hai hàm răng ra cho cuốn môi trên kéo xếch lên, lộ hết bộ răng hạt lựu đều đặn, bóng ngời, cái khóe cười duyên dáng chỉ riêng chị có (...) Dĩ vãng với dấu ấn nhạt mờ nhờ cái cười ấy gây cho tôi sự tin tưởng vững chắc bông hoa rực rỡ, có hương sắc làm chết ngạt hết ong bướm lượn quanh, chính là người ấy ngày xưa” [t.2, tr.203]. Chỉ bằng một nét chấm phá đặc tả đôi gò má hoặc nụ cười, người đọc cũng có thể hình dung ra vẻ “đẹp lạnh người”, “đẹp não nùng”, “đẹp làm rợn hết da thịt, lòng bàn chân và toàn bộ chân tóc” [t.2, tr.222] của các quái nữ. Cả hai người đều có nhan sắc, có tài thao túng, lịch thiệp, nhưng tâm địa tham lam, tráo trở, thậm chí có cả hành động dâm đãng, gian ác, nhưng dường như với Nguyễn Văn Xuân, ông không hề có ý kết tội nhân vật mà thông qua miêu tả khách quan không che giấu tình cảm, nhà văn để cho bạn đọc tự phán xét.

Tất nhiên, do dung lượng hiện thực khác nhau, nên chiều kích, qui mô phản ánh và sức bung phá năng lượng tiểu thuyết cũng không giống nhau. Nếu Bão rừng chỉ gói gọn trong phạm vi một đồn điền, nên nhà văn chú trọng đến không/ thời gian sinh hoạt, còn ở Kỳ nữ họ Tống diễn ra ở nhiều vùng đất, gắn với cả một thời kỳ lịch sử, nên nhà văn chú tâm đến không/ thời gian sự kiện. Nhưng sự nhất quán trong nghệ thuật tiểu thuyết của ông chính là lối kết cấu xoay chiều, lần lượt theo từng chương sách, các sự kiện diễn ra, những biến cố bất ngờ, xoay quanh một sự kiện trung tâm gắn với chủ đề của tác phẩm. Chính lối kết cấu ấy tạo điều kiện cho đời sống nội tâm nhân vật sống động và bùng nổ theo các sự kiện, đôi khi chính tác giả cũng không thể cưỡng lại được.

 

Nguyễn Văn Xuân có hơn bảy mươi năm cầm bút. Ông cần mẫn chăm bón như một lão nông tri điền. Ông viết nhiều và viết khỏe. Văn chương ông là văn chương khai sáng. Nó nồng nàn hơi thở đời sống và tràn ngập ánh sáng - một thứ sáng lấp lánh, vừa lung linh vừa ấm áp, vừa rực nóng vừa tốc độ, soi tỏ từ cái làng nhỏ Thanh Chiêm với bờ tre, sông bãi, ruộng đồng lan tỏa đến thị thành nhà cao cửa rộng. Ông vượt qua những thử thách trong bối cảnh đất nước thăng trầm và hoàn cảnh nghiệt ngã của gia đình, cho đến cuối đời ông vẫn là Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam thứ thiệt. Ông luôn giữ cốt tính và bản lĩnh văn hóa của làng quê văn hiến và cá tính độc đáo, độc lập của ông dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào. Ông sống thẳng lưng, thẳng tâm, thẳng thắn, lắm lúc có phần ương ngạnh nhưng luôn có thái độ cầu thị của một trí thức, một người sáng tạo, luôn yêu người, yêu quê, yêu nước đến nồng nàn và luôn sẻ chia.

Nguyễn Văn Xuân thuộc thế hệ tác gia thời tiền chiến, nhưng trong một thời gian dài sau 1975, dường như đã bị quên lãng. Theo Lại Nguyên Ân, một chuyên gia hàng đầu về văn bản học ở nước ta, trong lời giới thiệu Về tác gia Nguyễn Văn Xuân đặt ở đầu toàn tập, cho rằng phải đến giữa những năm 1980, người ta mới nhắc đến Nguyễn Văn Xuân trong Tổng tập văn học Việt Nam(9) [10] khi in lại hai truyện ngắn Ngày giỗ cha và Ngày cuối năm trên đảo (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 467, ngày 28.6.1943 và số 8, tháng 1.1945), chỉ trích in tác phẩm, không có dẫn giải tiểu sử tác giả [t.1, tr.17]. Còn với Phong Lê, một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam hiện đại, từng là Viện trưởng Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nhớ lại rằng: “Riêng với Viện Văn học, năm 1983, trong cuốn sách Về một vùng văn học, nó là công trình hợp tác giữa Ban văn học hiện đại của Viện Văn học với Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng, không có bài về Nguyễn Văn Xuân, hoặc của Nguyễn Văn Xuân. Cái tên ấy, tôi - trong vai trò đồng chủ biên cùng với anh Hồ Hoàng Thanh chưa từng được nghe; mà chính các anh lãnh đạo Hội như Lưu Trùng Dương, Đoàn Xoa, Hồ Hoàng Thanh..., và các anh ở vị trí cao trong lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Văn Bổng, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung..., những người có tham gia vào việc viết và tổ chức sách này cũng không thấy ai nhắc đến” [11, tr.12]. Thật ra, cũng vào thời điểm đó, công trình Từ điển văn học(10) do một nhóm gồm 56 tác giả biên soạn, Đỗ Đức Hiểu (chủ biên), Nguyễn Huệ Chi và Phùng Văn Tửu (thường trực ban biên tập), một công trình được tổ chức “hơn bảy năm biên soạn”, có đặt cho tôi biên soạn mấy mục từ, trong đó có mục từ Nguyễn Văn Xuân. Tôi đã nhiều lần vào Đà Nẵng gặp ông, ông cũng có lần ra Huế, đến nhà gặp tôi, để trao đổi và cho tôi mượn tài liệu... Nhưng quả là thời ấy, tiếp xúc, trao đổi với những trí thức - cho dù là trí thức yêu nước - sống và viết ở đô thị miền Nam, không tham gia hoạt động trong một tổ chức cách mạng cụ thể nào, thì thật là khó, không tìm thấy sự “hòa hợp hòa giải” cho dù chỉ là lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Ông “giữ kẻ”, ông không tin ở tấm lòng của tôi, cũng có nghĩa là không tin tưởng gì ở những người phân công tôi biên soạn. Hơn nữa, cùng là người Quảng (tất nhiên, ông thứ thiệt hơn tôi), trả lời nhau toàn bằng câu hỏi... Vì vậy, lần ấy tôi đã thất bại. Sau đó, Nguyễn Huệ Chi đã cử Bùi Thị Thiên Thai vào thực hiện công việc này thay tôi và đến khi Từ điển văn học (bộ mới) ra đời năm 2004, mới có mục từ Nguyễn Văn Xuân. Nhân đây, tôi muốn thưa thật rằng, sự chậm trễ này hoàn toàn là do trình độ kém cỏi của cá nhân tôi. Cái lỗi đó vẫn neo đậu trong lòng tôi, giằn vặt tôi cho đến tận bây giờ. Tôi nhắc lại chi tiếc này, để trịnh trọng nói lời xin lỗi trước vong linh người đã khuất và cảm ơn cô Bùi Thị Thiên Thai, nhân đọc công trình đồ sộ của ông.

(1) Nguyễn Văn Xuân toàn tập, Nxb Hội Nhà văn, 2020. Những trích dẫn chỉ ghi số tập, số trang là trích từ bộ sách này

(2) Phạm Phú Phong, Mây của trời rồi gió sẽ mang đi, Nxb Lao động (tr.135-145), in lại trong tuyển tập nhiều tác giả (2009), Văn nghệ sĩ Liên khu V-lý tưởng, nhân cách, sáng tạo, Nxb Hội Nhà văn (tr.1126-1131).

(3) Bùi Thị Thiên Thai: mục từ “Nguyễn Văn Xuân” trong Từ điển văn học (bộ mới). Chủ biên: Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá, Nxb Thế giới, 2004.

(4) Bùi Thị Thiên Thai, 2004, sđd, tr 1226.

(5) Phạm Phú Phong, 2009, sđd, tr 141.

(6) Nguyễn Khoa Chiêm, Việt Nam khai quốc chí truyện (tức Nam triều công nghiệp diễn chí, quyển 3), bản dịch Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nxb Hội Nhà văn tái bản, 1994, tr. 180, 207, 209, 216 và Đại Nam thực lục, tiền biên, tập 1, bản dịch của Tổ phiên dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục tái bản 2002, tr. 39, 47, 50, 54, 57, 63.

(7) Phan Du, Mộng kinh sư, Nxb Cảo thơm, SG 1971, Nxb Hà Nội tái bản 2016, từ tr.48-55 và 69-74.

(8) Trần Thùy Mai, Án lục người đàn bà họ Tống, in trong Mưa đời sau, Nxb Văn nghệ tp HCM, 2005.

(9) Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), Hoàng Dung, Trần Hữu Tá (1986), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 30, Nxb Khoa học xã hội và Nxb Văn nghệ TP.HCM, tr.710-722.

(10) Đỗ Đức Hiểu (chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, tập 1 in năm 1983, tập 2 in 1984.