Tản văn của Trần Thu Thuỷ

05.05.2021

Tản văn của Trần Thu Thuỷ

LOA KÈN

 

Chị vào. Quà cho tôi là một bó loa kèn “tặng em cái màu trắng rất Hà Nội”. Trong bình yên của đêm, tôi lọ mọ nâng từng cành mà thương, mà nghĩ. Tinh tế và nhẹ nhàng, chân thành và lãng mạn. Sinh ra gần Hà Nội, loa kèn như nhắc tôi về nơi mình được chôn cái nhau ngày ấy.

 Mấy trăm cây số, loa kèn không làm nhiệm vụ của sự chuyên chở mùi thơm, mà chính sự nghĩ về nhau đã làm cho hoa như bàn tay hạnh phúc, tin cậy. Mùi thơm của loa kèn như là sự báo yên của đất trời phương ấy dành cho tôi, cho tất cả. Nghe nói năm nay hoa được mùa, phố phường Hà Nội như nhuộm trong mong manh hư ảo của cái màu trắng ngọt ngào. Tôi thèm sự tinh tế và nội tâm của những bàn tay biết cắm hoa và những đôi mắt biết nhìn thấy những rạo rực khi đất trời giao mùa. Tháng tư, loa kèn như dồn hết những khát khao của mùa xuân để gửi vào hè những thương và nhớ.

 Làm nhà, điều trăn trở nhiều nhất không phải là bố trí công năng này nọ, mà chính là làm sao chút diện tích ấy còn có chỗ để trồng hoa, phân vân là trên chút đất ấy trồng cây gì. Chẳng có người kiến trúc nào vẽ được mùi thơm. Cây mận tôi giữ lại vì đó là cây ngoại trồng ngày tôi ra riêng. Cây bưởi, với tôi còn hơn cả sự bối rối. Chẳng mong chi ăn quả, chỉ xin cây cái mùi thơm nồng nàn như nhắc thầm cho riêng ai tóc còn mong gió. Nguyệt quế, sự lộng lẫy hiền lành mà mỗi rằm mồng một ngào lên thơm ngát cả hiên nhà. Buổi trưa đi tìm chén cũ, buổi tối “cảo thơm lần giở...”, bần thần loa kèn như giữ tôi trong yêu cầu: tôi đang biết tôi rất đầy hạnh phúc với những mùi thơm có thật quanh mình.

 

Giống như khi đang thắp nhang, chẳng ai nghĩ về điều xấu khi cắm hoa. Từng cành nâng niu như ân tình quê ngoại vọng về. Hôm nay mồng Một, bạn có nghe được mùi thơm loa kèn đang rất đầy trong nhớ?

 

“ĐẸP VÀ BUỒN”

 

Tôi vừa đọc xong “Đẹp và Buồn” của Kawabata Yasunari. Sách không dày, cốt truyện không mấy phức tạp, nhưng lâu lắm rồi tôi mới có được cái cảm giác ngờm ngợp, nhất là đến mấy trang cuối, tôi không dám đọc tiếp. Sợ hết. Tiểu thuyết nhưng rất gần, rất thật. Một tình yêu bình thường và không bình thường, một phân tích tâm lý nhẹ nhàng nhưng chính xác đến từng tiếng thở dài, sự lên tiếng của thân xác kể cả đồng tính nhưng thấu hiểu và xúc động vô cùng... dẫu rằng bối cảnh nước Nhật những năm 60, khi đất nước ấy vừa khắc phục xong hậu quả chiến tranh và bước vào thời kỳ công nghiệp hóa mạnh mẽ.

 Đó là những trang thật đẹp và cũng rất buồn, bởi đó là chuyện con người, nhưng nếu chỉ nói về những điều như vậy, thì Kawabata chẳng được Nobel Văn chương (1968). Số phận, tình yêu thì ở đâu chẳng có, nhưng diễn đạt cái biến chuyển tâm lý trong sự trỗi dậy với thời đại là điều không dễ. Mặt khác, viết về từng giây phút, cảm xúc và cả sự ghen tuông nhưng luôn căn dặn mình về giá trị của tâm hồn. Bận rộn tất bật nhưng biết nhìn xuống bàn chân mình mỗi khi bước lên bậc thềm ngôi chánh điện, biết nhìn thấy màu xanh ủ mục của rêu trên bờ tường giữa mùa đông chí, biết nhìn thấy giọt mưa đậu lại ở cuối mẫu lá thông gầy khiến như đang nói về chính mình, hiện tại.

 Rất nhiều chi tiết xứng đáng để ta nhớ. Một người đàn ông bận rộn với công việc, nhưng bỏ hết, bắt tàu đến cố đô để mỗi việc đón và nghe tiếng chuông chùa trong thời khắc giao thừa. Sáng đầu năm, lòng nhẹ tênh quay về thành phố, hay cảnh đêm trăng, hai thầy trò ngồi bên nhau uống rượu, nhưng họ không nỡ uống ngay, mà chờ trăng lên, chiếu ánh sáng ngọt ngào vào chung rượu, khi ấy họ mới nâng ly. Họ uống rượu và uống cả ánh trăng. Hay cảnh ngồi trong một quán trà ven sông, yên tĩnh và nội tâm. Ta chẳng bận tâm về nghi thức uống trà cầu kỳ vào bậc nhất, nhưng bàng hoàng khi biết tâm trạng con người đang nhìn giọt mưa vừa chạm mặt sông. Và nữa, có khi nào ta tắm mà tự hỏi nước từ cái vòi hoa sen kia đã trôi đi biết bao thanh xuân... Con người và cuộc sống hiện đại, và lời nhắc thống thiết đừng quên cái chiều sâu nội tâm, cái đẹp lộng lẫy mà tự nhiên dành riêng ban tặng cho mỗi người, cũng như nỗi buồn, cay đắng mà đã sống thì phải bình yên nhận lấy.

 Đọc xong tôi cứ liên tưởng đến chiếc điện thoại, thứ tiêu biểu cho tiêu chí hiện đại trở thành vật bất ly thân. Thật khó mà không đụng đến nó. Vài năm trở lại đây, công năng của điện thoại trở thành tín hiệu của cuộc cách mạng công nghệ lớn nhất, làm thay đổi tất cả. Tất cả đều có thể bắt đầu từ điện thoại: trả tiền, nấu cơm, phun thuốc trừ sâu, giám sát an ninh, dĩ nhiên là cả thông tin, viết báo, đọc sách, kể cả dỗ con nín khóc! Thời gian dành cho điện thoại là bao nhiêu phần trăm của một ngày? Dĩ nhiên cũng có ý kiến rằng, may mà cuộc sống này còn có cái alo. Nhưng cũng có lúc cảm thấy mất mát một điều gì đó. Đã vắng lâu rồi cái rạo rực ngày giáp tết, ra hàng sách chọn cho mình những tấm thiệp vừa ý, nắn nót lời chúc đầu năm. Bên ly cà phê bây giờ chẳng còn ai ngồi nhìn ngắm mây bay để mà “cho đời chút ơn”, và gần như tuyệt tích những lá thư tình “anh hòa mực cho vừa màu áo tím”, thì nói chi đến chuyện thấy được giọt mưa nơi đầu ngọn lá. Thời gian dành cho nội tâm, và cả cho chung quanh có lẽ cũng dần giảm đi.

 Kawabata nhìn thấy trước, và ông đã viết những dòng thống thiết: hãy là nội tâm và hãy giữ lấy sự im lặng trong đầy đặn giàu có tâm hồn.

T.T.T