Phan Khắc Thận - Chiến binh trận Đà Nẵng 1958 và các miền biên viễn (Mậu Ngọ 1798? - Mậu Thìn 1868?)(1)
Phan Khắc Thận 潘 克 慎 hiệu là Châu Lưu, có lẽ sinh năm Mậu Ngọ 1798, người xã Châu Me Đông nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông thuộc một trong những vị chỉ huy mặt trận chống Pháp ở Đà Nẵng 1858, và duyên phận của ông còn gắn với nhiều vùng biên viễn gai góc khác.
Theo tài liệu của dòng họ, Phan Văn Kháng người xã Tư Cung Nam huyện Bình Sơn, nhà rất nghèo, làm nghề bán chè khô ở vùng đông huyện Bình Sơn và đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Ông Kháng lấy một người phụ nữ ở Lý Sơn làm vợ và sinh ra người con trai duy nhất là Phan Khắc Thận. Vì nhà nghèo nên cha mẹ cho Phan Khắc Thận đi ở với ông Đặng Công Nhượng ở thôn Thuận An xã Châu Me Đông (nay là thôn Châu Thuận xã Bình Châu) để vừa “điếu đóm”, vừa kết nghĩa bạn bè vừa cùng ông Nhượng học, sau cả hai
cùng đi thi Hương và cùng đỗ Tú tài.
Phan Khắc Thận cũng lấy vợ ở Châu Me Đông rồi cư ngụ luôn ở đây(2). Từ nhỏ Phan Khắc Thận đã tỏ ra học giỏi, dù ông chỉ “học ké”. Phan Khắc Thận cũng tỏ ra có khiếu võ bị.
Phan Khắc Thận đỗ tú tài kép (hai khoa đều đỗ tú tài) tại hai khoa thi Hương, đó là khoa Ất Dậu 1825 [Minh Mệnh năm thứ 6] và khoa Mậu Tý 1828 [Minh Mệnh năm thứ 9] tại trường thi Hương Thừa Thiên. Gia tộc họ Phan biên chép rằng sau khi đỗ tú tài, thông cáo đưa về làng, xã Tư Cung Nam không nhận vì cho rằng ông không có trong làng mà chỉ là người tha phương cầu thực. Chỉ sau khi xác định quê quán xong, triều đình mới bổ dụng cho ông. Năm Minh Mệnh thứ 11 [Canh Dần 1830] ông được bổ làm giáo chức ở huyện phủ Bảo An (thuộc tỉnh Bến Tre ngày nay?) và Tân An (nay thuộc tỉnh Long An). Đến năm Thiệu Trị thứ 1 [Tân Sửu 1841], Phan Khắc Thận được thăng quyền nhiếp phủ Tây Ninh. Tại đây có cuộc khởi loạn do Đinh Tuân cầm đầu, quy tụ hơn 700 đồ đảng, kéo đến sát đồn phủ Tây Ninh. Phan Khắc Thận bắn được tên Tuân, giặc vỡ. Vua biết được, cho chiếu thư khen ngợi. Năm Thiệu Trị thứ 4 [Giáp Thìn 1844], Phan Khắc Thận được bổ làm Thự (quyền) Án sát tỉnh Bình Định rồi tỉnh Vĩnh Long. Cũng năm ấy, Phan Khắc Thận được đổi đi làm Tuyên phủ sứ Tây Ninh, rồi làm Bố Chính sứ ở Nam Định, Hà Nội.
Đến năm Tự Đức thứ 5 [Nhâm Tý 1852], ông được thăng làm quyền Chưởng ấn Tuần phủ Quan phòng Lạng Bình (Lạng Sơn và Cao Bằng). Tại đây có bọn thổ phỉ từ Trung Quốc tiến vào cướp phá thôn Đông Long trấn Lạng Sơn, Phan Khắc Thận dẹp tan được giặc và được triều đình thưởng thêm một cấp quân công, một đồng kim tiền. Năm Tự Đức thứ 6 [Quý Sửu 1853], Phan Khắc Thận được bổ làm Tham tri Bộ Hộ.
Năm Tự Đức thứ 11 [Mậu Ngọ 1858], ngày 31.8 dương lịch, quân Pháp tấn công ở cửa Đà Nẵng, khởi sự xâm lược Việt Nam, Phan Khắc Thận được sai đem quân tăng viện cho quân triều đình chống xâm lược, đánh với quân Pháp ở sông Cẩm Lệ bị thua, bị giáng 3 cấp nhưng vẫn được lưu chức(3).
Vua Tự Đức có lẽ xét thấy Phan Khắc Thận từng giữ chức quan ở Nam Kỳ, am hiểu địa thế nhân tình, nên năm Tự Đức thứ 12 [Kỷ Mùi 1859] chuyển ông làm Tuần phủ An Giang. Phan Khắc Thận đem quân tới Ba Xuyên dẹp cuộc nổi loạn, thắng trận, ông được thưởng quân công, được bổ làm Tổng đốc An Hà. Lúc bấy giờ, sau khi tấn công Đà Nẵng không đạt được mục đích, quân Pháp xâm lược đã quay vào Nam đánh chiếm thành Gia Định ngày 17.2.1859. Thổ phỉ người thiểu số nhân cơ hội nổi lên ở Vĩnh Định, Kiên Giang, tràn qua Ba Xuyên cướp phá. Phan Khắc Thận đưa quân đi dẹp yên.
Quân Pháp đã chiếm được ba tỉnh miền đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), nhưng vấp phải sự kháng cự khá quyết liệt của quân triều đình, đặc biệt là nghĩa quân do các thủ lĩnh Trương Định, Thủ khoa Huân cầm đầu. Pháp buộc triều đình Huế phải ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862, thừa nhận sự cai trị của Pháp ở ba tỉnh miền Đông và cắt đứt các mối quan hệ với các nhóm nghĩa quân. Ba tỉnh miền tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) rơi vào thế cô lập. Trương Định kháng lệnh triều đình, không chịu nhận chức Lãnh binh An Giang, để tiếp tục chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp. Thủ khoa Huân rút quân về Thất Sơn để bảo toàn lực lượng. Trong khi đó, ở Chân Lạp (Campuchia), ngày 11.8.1963, triều đình Norodom ký hiệp ước với thực dân Pháp thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp trên toàn vương quốc. Nhiều người dân phản đối quyết liệt. Thủ lĩnh Acha Xoa nổi dậy chống lại. Acha Xoa lúc đầu cầm quân kháng cự ở vùng Angkor, sau chuyển về phía nam giáp vùng Châu Đốc - Hà Tiên của Việt Nam là nơi có nhiều người Khmer sinh sống, lấy Thất Sơn trú đóng, liên minh với Thủ khoa Huân chống Pháp, với sự bảo bọc của quan lại triều Nguyễn còn cai trị ở ba tỉnh miền tây Nam Kỳ. Nhờ thế mà Acha Xoa càng mạnh, đánh chiếm được các tỉnh Paknhum, Campot và tiến gần thủ đô Phnom Penh. Trước tình thế đó, thực dân Pháp gây áp lực đối với triều đình Huế trừ khử các thủ lĩnh nghĩa quân Việt Nam và Campuchia.
Năm Tự Đức thứ 19 [Bính Dần 1866], Phan Thanh Giản, Kinh lược sứ Nam Kỳ tâu lên vua rằng Tri phủ Tịnh Biên là Hoàng Khoán và Phan Khắc Thận dung túng cho thủ lĩnh người thiểu số là Acha Xoa lánh trong vùng Thất Sơn khiến tướng Pháp nghi ngờ. Phan Khắc Thận bị cách chức, buộc phải bắt Acha Xoa (Ông Bướm) giao cho tướng Pháp(4). Sau khi Đô đốc Pháp ở Nam Kỳ De la Grandière hay tin Thủ khoa Huân cũng đang trú đóng ở Thất Sơn, bèn gây áp lực buộc Phan Khắc Thận bắt giao cho chúng. Phan Khắc Thận không đồng ý. Pháp bèn cho Doudart de Lagrée đem 500 quân và đại bác từ Oudong (Chân Lạp) xuống uy hiếp thành An Giang. Phan Khắc Thận buộc phải nhượng bộ. Thật là một bi kịch của phận làm tướng khi phải thực hiện trái ngược với ý chí của mình(5).
Triều đình Huế điều Phan Khắc Thận trở về Huế, ông được khởi phục Thượng thư Bộ Binh, lĩnh Tuần phủ Nam - Ngãi.
Năm Tự Đức thứ 21 [Mậu Thìn 1868], bọn giặc thổ phỉ ở Trung Quốc là Ngô Côn đánh lấn sang vùng biên các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, quân ta bị thua. Vua bèn sai Phan Khắc Thận làm Thảo nghịch Hữu tướng quân. Nhưng khi Phan Khắc Thận mới đến quân thứ, đã mắc bệnh chết. Vua Tự Đức rất thương tiếc ông, tặng hàm Hiệp biện Đại học sĩ, lại cho quan địa phương bắt dân phu đưa linh cữu ông về quê, cấp tuất gấp đôi lệ thường.
Đưa về quê mai táng, Phan Khắc Thận được an táng tại núi Trà Long xã An Hải, đến năm 1914 được cải táng về thôn Thuận An xã Châu Me Đông, nay là thôn Châu Thuận xã Bình Châu huyện Bình Sơn. Xã Bình Châu quê hương của Phan Khắc Thận bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh chống Mỹ, các tài liệu, di vật quý giá về Phan Khắc Thận bị hủy hoại hầu hết. Tuy nhiên qua tiểu sử, sự nghiệp như trên, có thể thấy Phan Khắc Thận có một cuộc đời ngang dọc hiếm có; khởi nguyên là con nhà nghèo đã học và đỗ tú tài, từ một chức quan nhỏ trở thành quan lớn trong triều đình nhà Nguyễn, trải các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Được đánh giá cao nên ông mới được biên chép vào sách Đại Nam liệt truyện. Nét nổi bật là ông được điều đến các miền biên viễn gai góc, nóng bỏng, chứng tỏ triều đình rất tin tưởng tài thao lược, xuất chúng của ông.
(1) Thân thế, sự nghiệp của Phan Khắc Thận ở đây dựa chủ yếu vào sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn và bản Gia phả họ Phan của ông Phan Khắc Tráng (cán bộ cách mạng, nay đã mất), bản viết tay bằng chữ quốc ngữ, đề ngày 5.8.1986.
Năm sinh và năm mất của Phan Khắc Thận không được biên chép trong sách Đại Nam liệt truyện mà chỉ dựa vào Gia phả họ Phan của Phan Khắc Tráng, ghi rằng ông Phan Khắc Thận chết năm 71 tuổi mà suy đoán, chắc hẳn chưa hoàn toàn chính xác. Đại Nam liệt truyện ghi rằng năm Tự Đức 21 (1868) Phan Khắc Thận mới đến Quân thứ đã bị bệnh chết, trong khi Gia phả họ Phan ghi ông từ trần ngày 17.11 năm Tự Đức thứ 24 (3 năm sau) tại Hà Nội, chứ không phải ở Thái Nguyên hay Lạng Sơn. Nếu như vậy thì Phan Khắc Thận mất năm 1871. Trong khi đó trang Wikipedia ghi năm sinh năm mất Phan Khắc Thận là 1798 - 1868, trùng hợp với suy đoán của chúng tôi.
(2) Theo Gia phả họ Phan, TLĐD. Tài liệu này còn nói tương truyền Phan Khắc Thận có đến 18 bà vợ và 30 người con, nhưng trong bản gia phả chữ Hán chỉ ghi 3 bà vợ.
(3) Gia phả họ Phan (TLĐD) có ghi một chi tiết khác: “Lần đầu được Minh Mạng phong làm Đô thống Quân vụ và sai trấn giữ Đà Nẵng. Năm quân Pháp sang xâm chiếm Đà Nẵng lần đầu, ông đã chỉ huy quân đội, dùng súng thần công đánh trả để bảo vệ Đà Nẵng. Quân Pháp bị quay và chìm một tàu thủy, phải rút chạy và Đà Nẵng được bảo vệ. Với chiến công đầu, nên ông đã được triều đình Nguyễn tặng dây Ngọc đái và áo Cẩm bào”. Ở đây có thể có sự kiện quân Pháp đánh Đà Nẵng trước lần tấn công năm 1858, hoặc cũng có thể chính trong cuộc chiến dai dẳng trong năm 1858, nhưng ở đoạn đầu, sau đó mới tới chuyện bị thua trận ở sông Cẩm Lệ, như đã ghi.
(4) Gia phả họ Phan (TLĐD) ghi rằng “Đến An Giang ông đã cùng với những người ở phái chủ chiến chuẩn bị để khi quân Pháp đến các tỉnh miền tây Nam Bộ thì kháng cự. Mặt khác ông đã liên lạc với một người Campuchia yêu nước tên là A Xoa cùng nhau chuẩn bị quyết tâm đánh quân xâm lược Pháp. Vì vậy bọn có tư tưởng đầu hàng quân Pháp mật báo về triều nên đã bị Tự Đức triệu hồi đê “tại ngoại hầu cứu”. Tài liệu này không nói rõ có việc bắt A Xoa hay không.
(5) Thủ khoa Huân bị Pháp giải về Sài Gòn, không dụ dỗ được ông, ngày 22.8.1864 Pháp kết án ông 10 năm tù, đày đi Cayenne, một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ. Đến ngày 4.2.1869 ông được ân xá và đưa về quản thúc tại nhà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương. Ông lại bí mật gây dựng lực lượng và mưu khởi. Ông bị bắt và bị Pháp xử tử ngày 19.5.1875.
C.V.C