KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH GIÁO SƯ HOÀNG CHÂU KÝ (16/5/1921 - 16/5/2021): Vài hồi ức về Giáo sư Hoàng Châu Ký

05.05.2021
Hoàng Hương Việt

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH GIÁO SƯ HOÀNG CHÂU KÝ (16/5/1921 - 16/5/2021): Vài hồi ức về Giáo sư Hoàng Châu Ký

Giáo sư Hoàng Châu Ký sinh ngày 16 tháng 5 năm 1921 tại xã Cẩm Kim, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình khá giả. Ông tham gia cách mạng ngay từ năm 16 tuổi. Năm 1942, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1944, ông bị chính quyền Nhật bắt rồi giam ở Hỏa Lò, sau đó ông vượt ngục về Quảng Nam. Năm 1945, ông làm Trưởng ban bạo động cướp chính quyền tại khu mỏ Nông Sơn. Sau đó ông làm bí thư các huyện Quế Sơn, Tiên Phước, đặc khu Hoàng Văn Thụ... Từ những năm 1950, ông làm Phó trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Nam về văn hóa - giáo dục, Ủy viên Thường vụ Chi hội Văn nghệ phía Nam và Tổng Biên tập báo Hừng Đông và báo Dân tộc. Từ đây hoạt động của ông bắt đầu nghiêng về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Năm 1952, ông được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn tuồng liên khu V. Đoàn đã quy tụ nhiều nghệ sĩ tài hoa như Đội Tảo (Nguyễn Nho Tuý), Phó Sơn, Sáu Lai, Ngô Thị Liễu... Từ công tác chính trị, ông đã trở thành nhà nghiên cứu tuồng.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm Trưởng phòng văn hóa quần chúng của Bộ Văn hóa, sau đó ông cùng Thế Lữ phụ trách Ban Nghiên cứu nghệ thuật sân khấu. Năm 1957, ông trở thành Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Năm 1959, ông xây dựng Trường Nghệ thuật Sân khấu và là Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Ông đã sáng tác hơn 20 vở tuồng như Ông Ích Khiêm, Nguyễn Huệ, Quang Trung, Vua Duy Tân, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Duy Hiệu, Cao Doãn, Thái tử Câu La Na, Trần Quý Cáp, cải biên, chỉnh lý nhiều vở tuồng cổ như Nghêu, Sò, Ốc, Hến, Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn Hậu. Ông còn xuất bản nhiều sách nghiên cứu về tuồng trong đó có cuốn Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng (1973).

Năm 1975, ông lập trường Trung cấp Nghiệp vụ văn hóa miền Trung ở Đà Nẵng. Năm 1980, ông trở thành Viện trưởng Viện Sân khấu - Bộ Văn hóa - Thông tin. Năm 1992, ông về hưu và thành lập Hội Bảo trợ tuồng ở Đà Nẵng. Ông vẫn tiếp tục có nhiều nghiên cứu về nghệ thuật tuồng.

Hoàng Châu Ký được phong học hàm Giáo sư năm 1984. Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc TP. Đà Nẵng.

Ông là cha của nữ nhà thơ Ý Nhi. Con rể ông, giáo sư Nguyễn Lộc, cũng là một nhà nghiên cứu về tuồng.

Ông từ trần ngày 31 tháng 1 năm 2008 tại Đà Nẵng, hưởng thọ 87 tuổi.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Giáo sư Hoàng Châu Ký, Tạp chí Non Nước gửi đến bạn đọc 2  bài viết đầy cảm xúc của tác giả Hoàng Hương Việt và Vũ Ngọc Giao.

 

1.Ở quê tôi, trước đây có đến năm bảy gánh hát, ban hát và nghệ nhân hát bội nổi tiếng như Nhưn Giai, Nhưn Đá, Nhưn Bính, Tuồng Đèo (dưới chân Đèo Le), rồi rất nhiều làng xã cũng có tổ nhóm hát bội, kiểu như “gánh hát nghiệp dư” cây nhà lá vườn của ông nội tôi hay diễn vào những dịp Tết đến Xuân về, tế lễ, hội hè.

Họ không tự biên soạn tuồng mà sử dụng các bổn tuồng tích cũ, cổ, có hồi, lớp, rồi tự tập luyện với nhau (đạo diễn) rồi diễn chay. Diễn riết như vậy trở nên thành thạo và ra màu tuồng. Về mặt nghệ thuật còn nhiều chuyện để bàn. Tất yếu ở thời đó trình độ chỉ đến vậy. Còn làn điệu thì gần như chửng chàng trong nam, khách, tẩu mã, kẻ, lối, sa mạc... với làn hơi chất giọng có đôi người khá hay không kém những diễn viên gạo cội ở các gánh hát tên tuổi.

Ở cái nôi hát bội này có một ngôi sao vụt sáng có lẽ từ trước đó, chứ về sau này thì tên tuổi ông được tạc vào tâm khảm, ký ức và kỷ niệm của những người yêu nghệ thuật tuồng (hát bội) được trân trọng, nhắc nhở, yêu quý không chỉ ở đất Quảng mà cả nước - Đó là Giáo sư Hoàng Châu Ký. Giáo sư đã qua đời. Sự ra đi của ông đã để lại một khoảng trống khó bù đắp trong đại gia đình nghệ thuật tuồng (hát bội) Việt Nam. Nỗi tiếc thương sâu xa trong giới nghiên cứu, nghệ sĩ, diễn viên, công chúng có dịp gần gũi, nghe ông hát, nói chuyện tuồng, trao truyền nghề nghiệp, càng khâm phục kính trọng về một con người cần cù, nhẫn nại, lăn lộn, trăn trở, sống chết với tuồng cho đến khi nằm xuống vẫn còn bên mình cây bút và trang viết dở dang nói về bộ môn nghệ thuật bác học này.

 2. Năm 1951, cách nay trên 50 năm, tôi có may mắn được gặp Giáo sư Hoàng Châu Ký trong lần đầu tiên Đoàn tuồng Liên khu V về biểu diễn phục vụ đồng bào ở vùng giáp ranh bị chiếm cách đồn Bà Rén của giặc Pháp chừng 3 cây số. Ký ức về một con người có dáng dấp nhỏ thó, mắt sáng như sao, oai vệ trong khăn áo màu vàng, múa gươm múa võ như chớp, giọng hát lanh lảnh đằng đằng làm mê hoặc, cuốn hút người xem trong vai lãnh tụ nghĩa binh Phan Đình Phùng, để lại trong tôi đầy ắp ấn tượng.

Con người trí thức tài hoa ấy đã trải qua nhiều công việc và chức danh trong Đảng, chính quyền, tổ chức xã hội nghề nghiệp, quản lý, giảng dạy, viết văn, làm thơ, viết báo, luyện võ thuật... Nhưng có lẽ chức danh và chức phận chính danh tạo nên tên tuổi ông chính là nghệ thuật hát bội. Hát bội đối với ông là máu thịt, là lẽ sống, là định hướng tâm huyết trên con đường hoạt động nghệ thuật của cuộc đời ông, số phận ông.

Năm 1961, tôi được gặp lại ông ở khu Văn công Mai Dịch - Hà Nội, khi ông cùng với các NSND Sáu Lai, Đội Tảo, Bà Liễu đến chăm sóc, giảng dạy truyền nghề cho các cháu Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam ra đây học tập. Rồi năm 1975, sau giải phóng, ông về lại quê nhà tiếp tục công việc dìu dắt, dạy dỗ các thế hệ diễn viên Đoàn nghệ thuật tuồng QN-ĐN.

Thời gian này sức làm việc của Giáo sư thật đáng nể. Cùng lúc ông biên soạn, viết phê bình, nghiên cứu lý luận về tuồng, sáng tác kịch bản, chỉnh lý hiệu đính một số bổn tuồng, đạo diễn dàn dựng vở diễn, làm hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh, đi lại nói chuyện giới thiệu tuồng với công chúng, Chủ tịch Hội đồng chấm thi các cuộc hội diễn tuồng, dân ca kịch ở khu vực, tỉnh, huyện, tiếp và làm việc với các đoàn trong và ngoài nước khi đến QN-ĐN tìm hiểu về nghệ thuật tuồng dân tộc v.v... Cho đến những năm 1987-1997, tôi mới thật sự có dịp gần gũi Giáo sư và các vị trong Ban nghiên cứu tuồng và Hội bảo trợ tuồng thuộc Sở VHTT tỉnh QN-ĐN. Tổ chức này làm việc ngay tại Sở với một “đề án” đồ sộ do chính Giáo sư đề xướng và gần như trực tiếp chỉ đạo điều hành, bao gồm:

- Đi sưu tầm tư liệu, tài liệu, sách báo và văn bản các vở tuồng cổ, hiện đại trong cả nước, cũng như phim ảnh lưu giữ các vở diễn của các Nhà hát, Đoàn tuồng ở Trung ương và các địa phương để nghiên cứu học tập.

- Tập trung xây dựng Đoàn nghệ thuật tuồng QN-ĐN mạnh về chất lượng và đội ngũ diễn viên mẫu mực trong phong cách truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc. Có kế hoạch đào tạo diễn viên đa dạng, trao truyền tinh tuý nghề nghiệp.

- Tổ chức các CLB gồm diễn viên nghiệp dư chọn lọc kết hợp với diễn viên chuyên nghiệp dựng và diễn một số vỡ, trích đoạn để nâng đỡ và tạo mối quan hệ gắn bó với công chúng và định hướng thị hiếu khán giả.

- Xây dựng phòng truyền thống nghệ thuật tuồng phục vụ cho khách tham quan, tìm hiểu tuồng và là nơi nghiên cứu học tập cho diễn viên thông qua lịch sử, hiện vật để thêm tự hào và yêu quý bộ môn nghệ thuật thuần Việt.

- Bằng mọi cách biểu diễn giao lưu, giới thiệu quảng bá ra nước ngoài về bộ môn tuồng độc đáo này của xứ Quảng.

Những công việc trên đây vào thời kỳ đó không còn là ý tưởng mà là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, thấm đẫm trong tư duy, tầm nhìn cũng như cách hành xử của Giáo sư đối với sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ, nâng cao và phát triển nghệ thuật hát bội ở đất tuồng QN - cũng có thể là cả nước.

 3. Mười năm (1987-1997) tháp tùng theo Giáo sư trong các cuộc liên hoan hội diễn tuồng ở tận các xã, huyện trong tỉnh do Sở VHTT chỉ đạo, còn đảm nhiệm chuyện xét chọn chấm giải do Giáo sư quyết định, nhưng chủ yếu là cái tài thuyết trình về cái hay, cái độc đáo của nghệ thuật tuồng. Sự xuất hiện của Giáo sư ở đâu, bất cứ lúc nào cũng cuốn hút và tập hợp đông đảo quần chúng, kể cả giới trẻ đến nghe ông nói, ông hát, diễn. Đặc biệt Giáo sư thường xuyên xuống cơ sở, đến cơ quan, trường học nói chuyện tuồng, kèm theo các diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn minh họa các làn điệu, trích đoạn tuồng đặc sắc làm cho người nghe như thấm và say theo ông.

Sau đó, Giáo sư đã đứng ra làm cố vấn cho Đoàn tuồng và Sở VHTT suốt trong 3 tháng ròng, mời các nghệ sĩ có tên tuổi từ Nhà hát Tuồng Trung ương, Đào Tấn, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh như Đàm Liên, Minh Ngọc, Hòa Bình... biểu diễn trên 30 trích đoạn tuồng cổ mẫu mực nhất, tinh túy nhất về tính cách các nhân vật trong vở diễn, các làn điệu, phục trang, đạo cụ, vũ đạo để ghi hình lưu giữ và phổ biến. Đây được coi là công trình đồ sộ đúng với tâm nguyện của nhiều người và riêng ông.

4. Thời gian này Nhà xuất bản Văn học Việt Nam đã in xong tập V, dày trên 2.000 trang, là một trong 15 tập của bộ sách Tổng tập Văn học Việt Nam. Giáo sư cho tôi xem và tặng tôi cuốn sách quý đó. Đây là toàn bộ tác phẩm Kịch bản văn học tuồng của Giáo sư đã dày công sáng tạo trong hơn 60 năm lao tâm khổ tứ vì nền văn học nghệ thuật, trong đó có tuồng, như một phần cốt lõi của truyền thống văn hóa Việt, tâm hồn, trí tuệ, bản sắc Việt.

Từ những năm 1973 của thế kỷ trước, Giáo sư là người đầu tiên chấp bút soạn thảo công trình “Sơ thảo lịch sử nghệ thuật tuồng Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật, học thuật sân khấu dân tộc. Khi về sống và làm việc ở quê nhà, Giáo sư đã cùng các cộng sự biên soạn cuốn “Tuồng Quảng Nam”, như một biên niên sử của đất tuồng, dòng tuồng xứ Quảng, được giới nghiên cứu và công chúng đón nhận coi như nguồn tư liệu có cơ sở thực tiễn và khoa học này.

Ngày tôi công tác ở NXB Đà Nẵng, đã biên soạn và được Giáo sư giúp đỡ sửa chữa, hiệu đính bản thảo, xuất bản Tuyển tập Hoàng Châu Ký. Nhận được sách ông rất vui, nhưng cũng không ít trăn trở ưu tư khi nói đến những khó khăn của hoạt động sân khấu tuồng.

Mấy chục năm làm việc bên ông trong Ban nghiên cứu tuồng, tôi nằm lòng những lời Giáo sư hay bày tỏ, phát biểu trong nhiều dịp:

“Chúng ta được tiền nhân trao lại ngành nghệ thuật đồ sộ và quý báu này, đó là một gánh nặng gồm bao nhiêu vàng bạc, nhưng cũng có cả đá sỏi. Cố nhiên phần sỏi thì tự nó mất đi dần qua sàng lọc lịch sử. Truyền thống tốt đẹp là những cái gì được lắp đi lắp lại nhiều lần, được các thế hệ công chúng công nhận. Tuy nhiên xã hội ngày nay chuyển biến rất nhanh, có những cái không còn phù hợp, ngược lại có những cái khác do chưa hiểu thấu đáo nên ta phủ nhận, lại là cái tốt, cái hay”. Giáo sư cho rằng: “Nhận thức lĩnh vực này (tức tuồng) là một quá trình và phải được xây dựng trên tinh thần và tư duy khoa học”.  

Rồi Giáo sư lại nói:

“Đã là diễn viên, nhạc công của một Nhà hát chuyên ngành thì không thể không am hiểu lịch sử của bộ  môn mình, về những nguyên tắc, quy tắc cơ bản về nghệ thuật biểu diễn của ngành mình”. Hoặc: “Đã là Nhà hát chuyên ngành thì phải tạo cho mình một phong cách riêng. Ở đây là phong cách tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, xứng đáng với cái tên Nguyễn Hiển Dĩnh... Muốn làm được việc này phải tiếp tục nghiên cứu, học tập. Khi đã thực sự nắm bắt được những vấn đề cốt yếu của nghệ thuật thì sẽ thuận lợi trong việc xây dựng phong cách riêng, sẽ không bị lai tạp, rập khuôn, không bị tác động bởi những luồng nghệ thuật khác một cách không phù hợp”.

Và Giáo sư cũng thường nhắc đi  nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Tuồng tốt đấy. Đó là vốn quý của dân tộc, nhưng cần phải cải tiến, không nên giẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên, chớ có gieo vừng ra ngô”.

Không nhiều những con người lúc sống cũng như khi qua đời còn được sự trân trọng ca ngợi bằng những lời chân thành và sâu nặng nhất - “Con chim đầu đàn trên bầu trời nghệ thuật Tuồng”, “Là người con ưu tú và bậc thầy của nghệ thuật Tuồng”, “Cây đại thụ Tuồng”, “Người tiên phong của nghệ thuật Tuồng cách mạng”, “Cánh chim không mỏi của Sân khấu dân tộc”, “Người truyền giáo hát bội” v.v... Còn chúng ta, luôn tìm thấy, yêu quý và kính trọng một người con của đất Quảng cũng là của Việt Nam, một nhân cách giàu nghị lực và tâm huyết với di sản nghệ thuật Tuồng - Đó là Thầy Ký, Giáo sư Hoàng Châu Ký.

 H.H.V

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA GS. HOÀNG CHÂU KÝ

Kịch bản Tuồng:

- Ông đã sáng tác hơn 20 kịch bản tuồng, tiêu biểu: Ông Ích Khiêm, Quang Trung, Vua Duy Tân, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Nguyễn Duy Hiệu, Cao Doãn, Thái tử Câu Na La, Trần Quý Cáp, Đường về Vụ Quang, Lại sáng màu cờ

(Khi công diễn đổi thành Quay súng trở về), Le Cide, Thị Kính Thị Mầu...

- Cải biên, chỉnh lý cho một số vở tuồng cổ như: Nghêu, Sò, Ốc, Hến (làm chung với Tống Phước Phổ), Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn Hậu, Ngoại tổ dâng dầu, Đông Lộ Địch...

Sách:

- Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng; Tuồng cổ, Nghệ thuật biên kịch tuồng, Nghệ thuật biểu diễn tuồng, Nghệ thuật tuồng cung đình, Giá trị của vở tuồng Nghêu Sò Ốc Hến, Tuổng Quảng Nam.

- Đồng tác giả Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam cùng Nguyễn Lộc (con rể ông).

- Chủ biên Tổng tập Văn hóa Việt Nam.

N.N