Tìm hiểu quan niệm dịch thuật văn học ở nước ta giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX

05.05.2021
Nguyễn Đình Vĩnh

Tìm hiểu quan niệm dịch thuật văn học ở nước ta giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX

1. Dựa trên những cứ liệu còn để lại thì chúng ta có thể khẳng định rằng Việt Nam là một trong những nước có truyền thống dịch thuật lâu đời. Sách Lĩnh nam chích quái có ghi vào thời Thành vương nhà Chu, Hùng Vương sai bề tôi là họ Việt thường đem bạch trĩ sang tiến cống. Vì ngôn ngữ bất đồng, Chu Công phải sai sứ qua nhiều lần thông dịch mới hiểu được nhau. Dĩ nhiên đây là hình thức dịch nói. Vào giai đoạn Bắc thuộc, khi xâm chiếm nước ta, chính quyền phong kiến Trung Quốc đã đề ra nhiều chính sách và biện pháp với mưu đồ đồng hóa nhân dân ta. Trong thời kỳ này, chữ Hán được truyền vào nước ta và dần dần trở thành công cụ để chính quyền phong kiến đô hộ xây dựng và phát triển nền văn hóa thành văn. Hình thức dịch viết ra đời và nó chủ yếu cho việc chuyển dịch các kinh Phật từ chữ Sancrit hoặc chữ Pali sang chữ Hán là thứ chữ đang được ông cha ta sử dụng. Sử sách còn ghi vào thế kỉ thứ II, Luy Lâu đã là trung tâm Phật giáo lớn. Văn học Phật giáo từ bên ngoài, cụ thể là từ Ấn Độ bằng nhiều con đường cũng được truyền vào nước ta và được dịch ở thời kì này. Đến khi giành được độc lập, ông cha ta bắt tay vào xây dựng lại đất nước; chủ động học hỏi những cái hay từ văn hóa bên ngoài, trong đó cơ bản vẫn là văn hóa phương Bắc. Học hỏi trên tinh thần tự chủ. Ông cha ta vẫn tiếp tục đọc và đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc. Điều thuận lợi là vào lúc này, các nhà cầm quyền ở nước ta vẫn lấy chữ Hán làm ngôn ngữ chính thống do vậy việc tiếp xúc là thông qua con đường nguyên tác. Từ khi chữ Nôm được dùng để sáng tác văn học thì việc dịch cũng bắt đầu được chú ý. Những văn bản đầu tiên được chọn dịch là những văn bản chữ Hán. Việc dịch từ chữ Hán sang chữ Nôm theo một số nhà nghiên cứu đã giúp cho công chúng dễ tiếp cận tác phẩm hơn. Việc dịch này bắt đầu từ thời nhà Hồ, với việc Hồ Quý Ly dịch Kinh thi, Kịch thư và kéo dài đến những năm đầu thế kỉ XX với hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ.

 Văn học dịch tiếng Việt (theo mẫu tự Latinh) đã hình thành từ trước năm 1900. Tuy nhiên đến những năm đầu thế kỉ XX nó mới phát triển rầm rộ và trở thành một bộ phận trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam. Tiếc rằng cho đến hôm nay giới nghiên cứu chỉ mới chú ý tìm hiểu những sản phẩm dịch mà ít để tâm tới những quan niệm về dịch thuật, đặc biệt là dịch thuật văn học. Những quan niệm mà theo chúng tôi có thể từ đó thấy được những xu hướng trong việc lựa chọn, tiếp nhận các yếu tố bên ngoài, thấy được những khát vọng của một lớp nhà văn - dịch giả thuở trước.

2. Một trong những ưu tư của tầng lớp trí thức hồi đầu thế kỉ XX là “quốc văn của ta còn non kém quá”. Bởi vậy việc giới thiệu, phổ biến các tác phẩm văn học nước ngoài là một điều cần kíp. Trong bối cảnh nguồn sách nguyên tác, chủ yếu bằng tiếng Pháp, lúc bấy giờ chỉ đáp ứng cho một bộ phận những trí thức Tây học thì nguồn sách dịch được hết sức chú ý. Việc hơn 300 người ở các tỉnh vào ngày 26-8-1907 đã về họp ở Hội quán Trí Tri Hà Nội để lập Hội dịch sách theo đề xướng của ông Nguyễn Văn Vĩnh là một sự kiện đáng ghi nhớ.

 Ý thức về việc dịch sách để thâu thái lấy cái văn chương mĩ thuật, giữ lấy cái luân lí tinh thần, bù đắp cho quốc văn, văn hồi cho thế đạo được nhiều nhà trí thức lúc bấy giờ đặt ra. Vũ Ngọc Phan trong cuốn Trên đường nghệ thuật đã tâm sự: “Không còn lúc nào việc dịch sách đáng để ta lưu tâm bằng lúc này”. “chính việc dịch sách mới giúp cho loại văn sáng tác mau đổi mới và tiến bộ được”. Hoa Bằng trên Tạp chí Tri Tân số 43 cho rằng việc dịch thuật đối với trình độ hiện nay của xã hội ta là một vấn đề khẩn cấp và ông đã khuyến cáo: “Cần phải dịch nhiều sách hay của kim cổ đông tây để cống hiến cho đồng bào”. Trên 5 số liên tiếp của Tạp chí Tri Tân, từ 82 đến 92, với nhan đề Việc dịch sách, Đỗ Thúc đã đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể về chuyện dịch sách và bày tỏ: “Trong làng văn ta dịch nhiều sách Pháp ngữ ra Việt ngữ, mà những truyện Nôm dịch ra tiếng Tây cũng không ít. Vậy thiết tưởng bàn đến việc dịch sách không phải là câu chuyện vô bổ”. Nguyễn Triệu Luật cho rằng: “Ta có thể lấy văn dịch mà làm giàu cho nền quốc văn của ta. Những bản dịch hay có thể thành như của mình được”. Kiều Thanh Quế, người đã sớm theo dõi nguồn sách dịch một cách hệ thống đã nhấn mạnh: “Nước người ta được nhiều sách dịch, dân trí người ta mở mang, văn giới người ta mới có nhiều danh sĩ trong khi đó ở ta tủ sách học văn học quốc ngữ chưa thấm vào đâu và còn kém tủ sách dịch ở các lân bang nhiều lắm”; “Nước ta hiện nay biết phép phiên dịch cũng còn thấy ít lắm. Bởi vậy tôi nói sự phiên dịch cũng cần có cơ quan để mà tìm phương pháp và giám đốc lẫn nhau” và chính ông còn quả quyết: “Nước ta sau này hay dở thế nào đều ở sách dịch và sự phiên dịch nó là nòng cốt khả dĩ đưa văn học quốc ngữ đến chỗ hoàn mỹ”. Một số tờ báo, tạp chí lúc này cũng đã dành những trang mục riêng cho văn dịch. Một vài cuộc thi dịch thơ đã được tổ chức. Tao Đàn, tờ tạp chí mang khát vọng kiến thiết nền văn hóa dân tộc cũng đã có lời đề tựa cho phần văn dịch: “Dịch văn nước ngoài để làm giàu cho quốc văn là một sự cần. Sự cần thiết ấy, Tao Đàn coi như một bổn phận cao quý và sẽ cố hết sức để làm cho trọn vẹn”.

3. Dịch thuật là sự chuyển ngữ, là cách thức làm cho người khác hiểu được một văn bản này thông qua một văn bản khác. Tưởng đơn giản là vậy nhưng đằng sau nó cả là một quá trình. Người dịch phải có vốn hiểu biết chung về nền văn hóa, văn học có tác phẩm được dịch, phải giỏi ngoại ngữ và hiểu biết kĩ về nhà văn, đặc biệt là phong cách sáng tác. Ngoài ra còn phải nắm vững tiếng mẹ đẻ, phải có cảm quan tinh nhạy và năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ. Trong quá khứ, ông cha chúng ta dịch rất nhiều tác phẩm từ chữ Hán sang chữ Nôm, hai thứ chữ này về cơ bản có những nét tương đồng. Ấy vậy mà, Phan Huy Ích (1750-1822) khi vừa dịch xong khúc Chinh phụ ngâm đã bộc bạch: “Vận luật của văn dịch không sao lột hết tinh túy của nguồn văn. Chương mục trong khúc ngâm thì chỉ trong âm thanh của nhạc mới tìm thấy”. Phạm Đình Hổ (1768-1839) tác giả của Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục khi viết lời tựa cho bản dịch Tỳ Bà Hành cũng đã thể hiện suy nghĩ: “Nền văn hiến nước ta có điểm nào đó gặp gỡ với văn hiến Trung Hoa xưa nhưng ngôn ngữ thì hoàn toàn khác biệt, thời gần đây đã có kẻ sĩ ưa thích cái xưa xa, thường dùng quốc âm để dịch chữ Trung Hoa, việc đó không phải là không có kết quả, và tỏ rõ ngọn ngành. Người chú trọng vào âm nghĩa thì giải thích rõ ràng nhưng lại rơi vào chỗ cứng nhắc, người chú trọng ở thể quốc âm thì âm tiết sáng sủa nhưng lại rơi vào chỗ buông lung. Do vậy thật khó thay thế để có được một bản dịch thanh thoát, sống động, uyển chuyển, giản phác mà không rơi vào cứng nhắc, u lệ...” Phạm Đình Toái (thế kỉ XIX) cũng vậy, trong bài tựa Quốc âm từ điệu đã viết: “Nước ta mếch về phương Nam, tiếng nói khác với Trung Quốc, các bậc nho giả dù học tập văn từ của Trung Hoa mà nói năng, ca vịnh không rời với tiếng của bản quốc, đâu lại có thể cứ cho chữ Hán là thanh tao mà trở lại chê quốc âm quê mình là thô bỉ được” và cho biết, “các cụ tiên nho ta ngày xưa dạy học, hễ trong kinh truyện có chữ khó đều dịch ra quốc âm, như ba trăm bài ở Kinh thi chẳng hạn, rồi nhứt nhứt ghi ra thứ tự...”

 Đến giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, khi chữ Hán, chữ Nôm mất dần vị thế của mình và chữ Quốc ngữ lên ngôi thì vấn đề chuyển ngữ lúc này lại càng khó khăn hơn nữa. Trước những mưu toan đè ép của thực dân Pháp, chữ Quốc ngữ vẫn thể hiện được sức sống mãnh liệt của mình, nó được coi là thứ chữ dễ học, dễ đọc, dễ viết, đủ mềm mại phong phú để phô diễn các loại tư tưởng, từ cái tinh vi đến cái thông thường, là phương diện thuận lợi để thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của văn hóa xã hội Việt Nam. Cái nhìn về chữ Quốc ngữ vừa lạc quan “Tôi tin rằng hậu vận nước Nam ta hay dở là ở chữ Quốc ngữ, ở văn Quốc ngữ”, “Nước ta tuy không có những tòa nhà hàn lâm hay viện tu thư của chính phủ như ở các nước lập ra để phiên dịch và đặt ra những danh từ chỉ sự mới phát minh của khoa học nhưng các sách khoa học thường thức xuất bản gần đây cũng chứng tỏ rằng Việt ngữ có đủ ứng dụng ngay vào cảnh đời mới ngày nay” nhưng cũng vừa lưu ý: “muốn cái bước tiến của mình nhanh hơn nữa, cần phải chịu khó, người làm văn đừng tưởng rằng chữ Quốc ngữ viết thế nào cũng được”.

 Kiều Thanh Quế sau khi nhấn mạnh: Phiên dịch cũng là cách đào luyện văn chương - nhan đề bài viết trên Tạp chí Tri Tân số 49-1942 đã đưa ra một quan niệm: “Phiên dịch là đánh giặc với chữ, đặng trả lại cho chữ ấy, bằng một thổ ngữ lạ, một tình cảm, một tư tưởng biểu hiện cách khác, một âm thanh mà các chữ ấy không có trong tiếng mẹ đẻ của tác giả”. Còn với Lê Thanh, dịch thuật là việc “đem học thuật Thái Tây, dùng tiếng nôm ta mà dạy phổ thông cho những người Nam không phải đi nhà tràng cũng học được, hoặc đã đi học rồi mà học thêm”, “để phổ thông những tư tưởng chép bằng một văn chương khác, làm giàu từ ngữ của mình bằng cách chế những danh từ tương đương với những danh từ đã có trong những văn chương khác”. Ở chặng đường nửa đầu thế kỷ XX, nhất là ở hai thập niên cuối, xã hội nước ta về cơ bản đã hội đủ những tiền đề để việc dịch thuật phát triển. Đó là hệ thống các nhà xuất bản, nhà in, hệ thống báo chí hình thành và phát triển rộng khắp trong Nam ngoài Bắc; đội ngũ dịch giả và công chúng ngày càng đông đảo... Tuy vậy nhiều dịch giả cũng ý thức về những trở lực của công việc này. Nguyễn Triệu Luật bộc bạch: “Làm sao Việt hóa được một bài văn ngoại quốc nhất là khi cái văn ngoại quốc ấy lại là văn Âu Mỹ, là một nơi có những căn bản văn học khác hẳn mình. Vì nhiều khi tương phản ngay từ căn bản ấy nên cùng một tư tưởng nhiều khi cách phô diễn khác nhau. Đem chuyển được một tư tưởng ở một ngôn ngữ khác sang ngôn ngữ mình lại trả cách phô diễn của người, giữ trọn cách phô diễn của mình, tôi tưởng gian nan và tài tình hơn cả việc sáng tác”. Hoa Bằng thì chú trọng vào đức tính của người dịch: “Việc dịch không dễ dàng, không được làm cẩu thả mà phải cẩn thận, nguy nhất là những người khinh suất chỉ vì hám lợi cái nhỏ hay cái danh hão mà dám cả gan dịch liều lĩnh những văn vượt quá sức mình hoặc những món ngoài địa hạt mình đứng”. Điều lo ngại ấy là có cơ sở, bởi lẽ như trên chúng tôi đã đề cập, để có được một văn phẩm dịch hoàn chỉnh, mỗi dịch giả phải vượt qua nhiều thử thách; thêm nữa đó là nạn “các ông học giả, khảo cứu đổ xô nhau mà dịch sáng, dịch bất cần phương pháp, dịch không có một chương trình nào, dịch không phân biệt loại nào trước loại nào sau”.

4. Một vấn đề khác mà các dịch giả cũng chú ý đó là việc chọn tác phẩm để dịch. Cũng như các nhà văn, mỗi dịch giả thường chọn cho mình một phạm vi hẹp để dễ làm chủ ngòi bút. Ở phạm vi này, các dịch giả bộc lộ được vốn hiểu biết, sở trường của mình nhiều nhất. Chẳng hạn Tản Đà với độ nhạy cảm của một hồn thơ và là người am hiểu khá chặt chẽ niêm luật thơ cổ đã chọn dịch thơ Đường, các nhà cựu học Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, Đinh Văn Đẩu ở miền Nam, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục ở miền Bắc dịch Truyện Tàu; Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Đỗ Đình, Huyền Hà, Cách Chi... vốn sớm tiếp cận với văn minh và ngôn ngữ văn minh và ngôn ngữ phương Tây đã chọn dịch thơ, tiểu thuyết Tây.

 Xét về mặt thể loại, trong những năm đầu thế kỉ XX, tiểu thuyết được ưa chuộng nhất. Phần lớn sách dịch - và cả sáng tác nữa - là sách tiểu thuyết. Quan niệm cũ, tiểu thuyết là những lời dạy nhỏ (không phải là về dung lượng mà về những giá trị theo nhãn quan phong kiến, nó mang sắc thái dè bỉu để chỉ một thứ văn học “tầm thường”, không gắn liền với cơ sở tồn tại và thiếu sự thể hiện của tinh thần vũ trụ) không còn được tiếp ứng nữa. Tiểu thuyết được nhìn nhận với những giá trị mới. Trên Tạp chí Thanh Nghị số 26 - 1942, Đinh Gia Trinh đã viết: “Viết một tiểu thuyết để tiếng lại muôn đời sau là một công việc cần đến nhiều thiên tài và rất trác luyện nghệ thuật. Mà tiểu thuyết là một loại, vì sẵn có một nội dung tự do nên khiến nhà văn diễn tả được tự nhiên và sâu sắc những tư tưởng quan hệ, những chân lý lớn của nhân loại... Tiểu thuyết chứa đựng những nguyện vọng, những hoài bão của ta. Nó luôn luôn phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Muốn suy xét về một dân tộc, một nhà mỹ học khuyên ta nên để ý đến nền âm nhạc và kiến trúc của nước ấy. Ta phải thêm vào: nên xét văn chương của nước ấy và nhất là tiểu thuyết của nước họ”. Vũ Ngọc Phan cũng nhìn nhận: “Ghi lấy cái đặc tính của một dân tộc trong một thời đại, tả tính tình của truyền bá những tư tưởng cao xa không gì bằng tiểu thuyết “. Tiếp nhận mô hình tiểu thuyết phương Tây, các nhà văn đã cố gắng đưa ra những quan niệm về thể loại, từ Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh, Trương Duy Toản, Tân Dân Tử, Phạm Minh Kiên đến Hoàng Ngọc Phách, Phan Khôi, Nhất Linh, Khái Hưng, Lưu Trọng Lư... Vì vậy cũng không mấy ngạc nhiên khi nhiều dịch giả tập trung vào thể loại này. Trên Tạp chí Nam Phong số 1-1907, Phạm Quỳnh chủ trương: “Tiểu thuyết thì dịch những tiểu thuyết hay ở Pháp ra. Trong sự kén chọn những tiểu thuyết Tây để dịch, chúng tôi sẽ chú ý nhất một điều là chọn những sách văn chương hay, nghĩa truyện cao, kết cấu khéo léo làm mẫu cho cái lối tiểu thuyết của ta về sau này”. Trúc Hà trong Lược thảo về sự tiến hóa của quốc văn trong lối tiểu thuyết đã lí giải việc dịch tiểu thuyết Tây như sau: “Đối với người Tây, viết tiểu thuyết là món sở trường. Kết cấu và phô diễn, linh hồn với thân thể của một bộ tiểu thuyết, bên nào họ cũng khéo, cũng tài cả. Văn chương thì chải chuốt, ý tứ thì dồi dào”. Nhà viết kịch Vũ Đình Long tâm sự: “Khi còn ở ban tiểu học, tôi rất ham đọc tiểu thuyết Tàu do người Nam Kì dịch ra quốc văn và xuất bản ở Sài Gòn. Tôi thích nhất hai bộ Tam quốc và Thủy hử là những tiểu thuyết rất hay, từ người ít học cho đến người trí thức ai đọc cũng phải ham”. Tam Lang, Thái Phỉ thì cho rằng họ đọc không biết chán những tiểu thuyết do Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Kiều Thanh Quế thì cho biết thích đọc tiểu thuyết dịch vì để “xét nét sự tương phản và dị đồng giữa mạch văn chương Âu Mỹ và văn mạch Việt Nam”.

5. Nửa đầu thế kỉ XX, xuất phát từ điều kiện thực tế và do mục đích làm việc của các nhóm dịch giả mà đã có những cách thức dịch thuật khác nhau. Nhóm dịch giả - học giả gồm những dịch giả như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục... xem dịch thuật là một phần của hoạt động sưu tầm, khảo cứu. Phạm vi dịch thuật của họ tương đối rộng và mục đích là muốn truyền đạt tri thức đến với những thế hệ sau. Nhóm dịch giả coi dịch thuật như một nghề kiếm sống, họ dịch những tác phẩm đáp ứng kịp thời nhu cầu giải trí của tầng lớp thị dân mới. Nhóm dịch giả thuộc phái duy tân - kịch liệt gồm chủ yếu là những chí sĩ thuộc phong trào Đông kinh nghĩa thục. Họ tìm thấy trong dịch thuật nguồn khích lệ thúc đẩy dân nước tiến lên. Họ dịch những tác phẩm nặng nề về tính tư tưởng triết học, những tác phẩm giàu tinh thần cổ động và hô hào: “Chữ Tàu dịch lấy chữ ta - Chữ Tây cũng phải dịch ra chữ mình” và cho rằng dịch cũng phải sáng tạo chứ không máy móc. Nhóm dịch giả thuộc phái duy tân - ôn hòa với những người như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh muốn mọi sự cải cách phải bắt đầu từ sự nâng cao dân trí, đẩy mạnh nền học thuật nước nhà theo những mô hình hay tiếp nhận được từ bên ngoài. Trên Đăng cổ tùng báo số 813, Nguyễn Văn Vĩnh, vị chủ soái trong làng dịch thuật cũng bộc bạch: “Bây giờ đem sách người ra dịch ra tiếng bản quốc, nếu có dịch cho đúng từng chữ thì xem không hiểu được. Tất cả dịch lấy nghĩa, lấy lời lẽ ta mà giải lời lẽ người. Đến lúc thiên hạ xem hiển nhiên rồi, tất có người rạch ròi muốn biết nghĩa tâm trầm thì đem dịch lại”.

Kiều Thanh Quế nhìn nhận việc Nguyễn Văn Vĩnh khi in sách dịch thường để nguyên tác ở bên là thành thật với mình, để độc giả xem qua dễ bề phán xét và ông cũng lưu ý thêm: “Bản dịch nguyên văn bao giờ cũng hay nhất vì nó vừa phổ cập cho đại chúng vừa giúp hạng thượng lưu trí thức bằng cách giới thiệu những lối hành văn mới mẻ của ngoại quốc trong nguyên tác”, “Một bản vừa dịch thuật hay một thiên phóng tác là công trình của kẻ lười biếng”, “Yêu cầu không nên dịch tên nhân vật, tên đất nước ngoài”.

Trong bài viết Vấn đề dịch sách đăng trên Tạp chí Tri Tân số 92, Đỗ Thúc cho rằng có hai cách dịch. Một là theo khuôn mẫu bản chính mà dịch, tùy ý xếp đặt cho thích hợp với giọng ta, chỉ cần lựa lời hay lẽ phải, có thể truyền tụng lọt tai người Nam ta ngâm nga dễ nhớ. Hai là, theo đúng bản chính, từng câu từng chữ không bỏ sốt chỗ nào, không tự ý thêm bớt sự gì, ấy là lối khoa học, có ích cho các nhà khảo cứu. Trước đó vào năm 1938, Trưởng Tửu cũng đã viết: “Mỗi lần gặp một chữ Pháp muốn dịch, tôi tra cứu nó trong tự điển Pháp. Tôi phân tích nó ra thành nhiều yếu tố. Rồi tôi tìm trong tiếng Nam hoặc trong tiếng Hán mới dùng đơn tự chỉ đúng một yếu tố kia. Tìm xong tôi ghép các đơn tự ấy thành môt danh tự kép với nghĩa tương đương với chữ Pháp cần phải dịch. Về sau tôi thấy cách làm ấy cần phải thay đổi. Không phải tìm chữ để dịch trong bài Dịch sách xưa trên Tạp chí Tri Tân số 114 đã thể hiện suy nghĩ của mình: “Trước khi đem dịch một bản sách xưa, dù là sách in hay sách đính chính ấy lại phải tra cứu nhiều sách khác chứ không phải bằng sơ kiến của mình được. Và, dịch giả cũng nên chưa rõ xuất xứ để người đọc có thể nhân đó mà kiểm điểm công việc mình làm”. Trong cái nhìn về quan hệ ngôn ngữ, Kiều Thanh Quế cũng đã nêu cảm tưởng: “Dịch nguyên văn, ta có thể thi hành với các tác phẩm của các danh sĩ Pháp - Hoa. Phỏng dịch, ta có thể dùng để truyền bá các tác phẩm của các danh sĩ Nga, Đức, Anh, Mĩ, Tây Ban Nha. Biên dịch, ta có thể dùng một cách khôn ngoan để giới thiệu với quốc dân những học thuyết đại danh trên thế giới”. Vậy là có thể thấy, ở buổi ban đầu, trong bối cảnh văn học quốc ngữ còn non trẻ, phần lớn các dịch giả đề cao lối lược dịch bởi nó đáp ứng nhanh nhạy cho nhu cầu truyền tải, tiếp nhận các giá trị về văn hóa, văn học. Ở chặng đường sau, khi giao lưu có phần rộng mở hơn, khi yêu cầu của độc giả dần cao hơn trước, lối dịch sát với những tiêu chí về khoa học được chú trọng.

6. Bên trên là những kết quả bước đầu trong việc tìm hiểu những quan niệm về dịch thuật văn học ở nước ta giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Chúng ta hy vọng trong vấn đề tra cứu, giới thiệu và xuất bản trở lại những tư liệu quí từ nguồn sách báo đã tồn tại hơn một trăm năm trước sẽ phát hiện thêm nhiều điều lý thú. Và, nếu có dịp, một sự đối sánh giữa những quan niệm và dịch phẩm của cùng một dịch giả cũng sẽ cho chúng ta những kết quả bổ ích. Chẳng hạn, chúng ta biết được quan niệm của Tản Đà: “Trong việc dịch thơ Đường, đến chỗ nào khó mà thường là chỗ hay của nguyên văn thì phải dùng sức hơn, khi đó phải dùng sức tưởng tượng. Trong bài Trường ca hận, nguyên văn những câu “Như dương bể cổ động địa lai/ Kinh phái Ngê thường vũ y khúc/ Cửu trung thành khuyết yên trần sinh/ Thiên văn vạn kỵ Tây Nam thành”. Muốn cho nhận thấy được tinh thần của nguyên tác, phải giở chỗ bài văn đó, ngồi trông mắt xuống mấy câu ấy mà nhận ra cho thấy cái quang cảnh An Lộc Sơn đem quân vào Trường An mà Đường Minh Hoàng phải chạy... Đến khi xong hết toàn bài, lấy mình đứng địa vị độc giả rất nghiêm khắc, như thể người cứ rà soát tế vật, nếu thật không thấy có lỗi nữa thì trình tả để đưa in”. Và trong trò chuyện với các nhà phê bình cùng thời, Tản Đà cũng hay cho rằng, khi có được niềm hứng thú, một bản văn sẽ được dịch hay nhất. Chính lẽ đó mà ta thấy trong các bản dịch của Tản Đà, người đọc dễ nhận ra sự bay bổng, thanh thoát và dấu ấn tài hoa của dịch giả. Cũng vậy, biết những quan niệm của Kiều Thanh Quế về dịch thuật để thấy được sự nghiêm khắc của ông trong bài phê bình “Cuộc kỳ ngộ Lan Khai-Zweig: Tội và thương gặp Lapeur”. Bằng sự đối sánh kĩ lưỡng giữa hai tác phẩm, ông cho rằng Lan Khai đã đổi tên các nhân vật trong tác phẩm của Zweig và “phỏng ý, phỏng văn, Lan Khai nhứt nhứt theo đúng Zweig. Thế mà Lan Khai không tuyên bố  một lời phỏng văn hay là dịch chi chi”. Còn vở kịch 3 hồi Ghen của Đoàn Phú Tứ thì có tiếp thu vở Jalousie của Satra Guitry nhưng trên tinh thần sáng tạo. Gần đây, những công trình của Nguyễn Tuyết Hạnh, Hoàng Tiến, Ngô Văn Phú, Hồ Sĩ Hiệp, Hoài Anh... cũng theo hướng đối sánh này và đã cho những kết quả bổ ích.

 Công việc tìm hiểu những quan niệm về dịch thuật văn học giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX vẫn đang tiếp tục và người viết hi vọng sẽ còn trở lại với vấn đề này.

N.Đ.V