“Kê minh nhật tân” và người đầu tiên dạy tôi viết chữ Nho

05.05.2021
Vũ Ngọc Giao

“Kê minh nhật tân” và người đầu tiên dạy tôi viết chữ Nho

Tôi gọi ông là ông ngoại. Ông là cha của mẹ sau tôi. Ông là nhà hoạt động văn hóa, nhà nghiên cứu sân khấu, nhà hoạt động Tuồng - Giáo sư Hoàng Châu Ký.

Tôi yêu thích chữ Nho từ những ngày còn rất nhỏ, tôi có thể ngồi hàng giờ say sưa lật đi lật lại, xem những trang viết bằng chữ Nho của chú tôi để lại. Tôi có người chú đã mất khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm tôi lên 4 tuổi chú đột ngột ra đi, để lại những trang viết dở dang. Đến tuổi biết đọc, biết viết, tôi đã yêu thích những nét chữ Nho của chú tôi qua những quyển vở chú tôi. Trên những trang giấy pơluya hồng, chú tôi viết chữ Nho theo hàng dọc, những nét chữ mềm mại, bay bướm bằng mực Tàu, mà ngày đó, trong trí tưởng tượng non nớt của tôi, đó là những hình tượng được ghép lại. Từ những hình tượng đó tôi bắt đầu tưởng tượng, ví như một ngôi nhà (gia) phải có cái mái bên trên, một người mẹ (mẫu) phải mang đứa con trong bụng, một con chim (điểu) phải có đôi cánh lông vũ... Điều đó đã khiến tôi thích học chữ Nho và muốn được ai đó dạy cho mình.

Năm tôi 14 tuổi, ông ngoại tạm dọn về sống cùng gia đình tôi. Trên cái bàn làm việc luôn ngổn ngang tài liệu và bản thảo, mà nhiều lần tôi đã táy máy nghịch vào, khi mân mê cái gạt tàn thuốc bằng thủy tinh, lúc tò mò cầm xấp bản thảo của ông lên xem khi ông đi vắng. Có lần trở về ông biết, ông gọi tôi lại và hỏi “Con nghịch gì trên bàn của ông?”. Tôi biết mình sai nên im lặng. Ông nói tiếp “Ông bừa bộn trong cái trật tự của ông, giờ ông nhắm mắt lại, con thử bảo ông lấy cái gì trên bàn, ông lấy cho xem!”. Ý ông muốn nói với tôi rằng, bàn làm việc tưởng như bừa bộn của ông, tất cả đều được sắp xếp một cách riêng. Ông rất nghiêm khắc khi ai đó chuyển dịch vật dụng và bản thảo trên bàn làm việc. Rồi ông hỏi tôi “Trên bàn làm việc của ông, con quan tâm cái gì nhất?” Tôi trả lời ngay “Con thích xem chữ Nho ông viết”. Ông cười hiền lành và hỏi tôi có thích học không, ông dạy. Tất nhiên là tôi gật đầu.

Từ ngày đó, ngoài giờ làm việc và đọc sách, ông dạy tôi viết chữ Nho, mỗi ngày ông viết mẫu cho tôi chừng năm chữ và giảng giải sao cho tôi dễ tiếp thu, dễ nhớ nhất. Tôi còn nhớ chữ đầu tiên ông dạy tôi là chữ Nhất. Ông bảo: Chữ Nhất chỉ một nét gạch ngang, nhưng nếu viết không đẹp, không đúng, sẽ không thể nào viết những chữ sau đẹp được.

Quyển vở tập viết đầu tiên tôi bao bằng một tờ giấy màu đỏ, trên đó tôi nắn nót viết tên mình bằng chữ Nho, do ông viết mẫu. Lần đầu nhìn tên mình viết bằng những nét uốn lượn, tôi thích lắm, vậy là càng chăm tập viết mỗi ngày. Những nét đầu tiên ông dạy tôi là chữ phải viết sao cho gọn trong một ô vuông, mới đẹp. Nét ngang kéo từ trái sang phải, nét sổ thẳng kéo từ trên xuống, nét hất đi từ trái sang phải, nét cong kéo xuống từ phải qua trái, nét móc, móc lên ở cuối các nét. Khi đã nắm vững thủ pháp, mới bắt đầu tập viết nét thanh, nét đậm. Ngày đó, những nét chữ đầu tiên tôi viết nguệch ngoạc, vụng về nhưng ông vẫn khen và động viên tôi. Ông khen tôi còn nhỏ mà đã yêu thích chữ Nho, vậy là tốt.

Mỗi năm Tết đến, gia đình tôi luôn treo những câu đối đỏ trong nhà. Những chữ Xuân - Phước - Lộc - Hỷ cũng được dán trên các bình hoa để trang trí. Những chữ Nho bay lượn đó đều do chính tay ông viết. Bằng cây bút lông chấm vào cái nghiên đã mài sẵn, ông viết nhanh như gió, nét chữ uốn lượn, mềm mại như nước chảy mây trôi.

Còn nhớ, năm Ất Dậu 2005, bố tôi tròn 60 tuổi, ông đã viết chữ Nho trên giấy điều để gia đình tôi treo trong dịp xuân về. Nét chữ thanh thoát, rất đẹp: “Kê - Minh - Nhật - Tân”. Tạm dịch: Gà gáy sáng, một ngày mới đang đến. Ở ông, tôi luôn nhìn thấy tinh thần lạc quan, vui sống. Và những người sống gần ông cũng được ảnh hưởng tinh thần này.

Làm việc nhiều và hút thuốc liên tục, nhưng nếp sinh hoạt hàng ngày của ông rất điều độ. Ông chăm rèn luyện thể thao và tập võ. Sáng nào thức dậy tôi cũng đã thấy ông tập võ và chạy bộ quanh vườn, vừa chạy vừa hít thở. Sau đó ông tắm, ăn sáng và ngồi vào bàn làm việc. Thỉnh thoảng, để thư giãn ông đứng lên hát, những đoạn trong vở tuồng mà tôi từng được xem, hai tay và chân ông di chuyển rất thuần thục, điệu bộ như vai diễn trong các vở tuồng ông sáng tác và chỉnh lý như “Nghêu, sò, ốc, hến”, “Sơn Hậu”, “Thị Kính”... Tôi ngồi xem, bật cười vì điệu bộ của ông chứ không mấy quan tâm đến tuồng, vì với tôi ngày đó, sân khấu tuồng là nơi chỉ dành cho người già, còn trẻ con thì chỉ thích phim, nhất là phim hoạt hình.

Ông sống cùng gia đình tôi một thời gian, sau đó chuyển về nhà riêng, ngôi nhà ông đã ở cho đến cuối đời. Và vì thế việc học chữ Nho của tôi theo đó cũng bị gián đoạn.

Vào những năm 90, khi thành phố Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện trung tâm dạy tiếng Nhật đầu tiên: Trung tâm Nhật ngữ Sakura. Tôi đã đăng ký và theo học tiếng Nhật tại đây, cũng là khóa đầu tiên của trung tâm. Tôi học tốt ngoại ngữ này cũng nhờ một phần tôi làm quen với chữ Nho từ trước. Tiếng Nhật có ba loại chữ, là Hiragana, Katanana và Kanji. Chữ Kanji được viết theo lối chữ Nho. Khá nhiều người không hiểu vì sao tôi có thể thuần thục chữ viết này ngay từ những ngày đầu theo học tiếng Nhật, đó chính là nhờ tôi đã được học chữ Nho từ trước. Và, ông chính là người đầu tiên dạy tôi.

Một thói quen tốt đã theo tôi đến tận bây giờ, đó là lối sống kỷ luật và tinh thần thể thao tôi đã học được từ ông. Tôi đã duy trì tinh thần đó cho đến tận hôm nay. Thể dục và chạy bộ mỗi ngày, cũng như nếp sinh hoạt khoa học và kỷ luật tôi đã đặt ra cho chính mình trong công việc và rèn luyện.

V.N.G