Thưởng thức Thơ chữ Hán Nguyễn Du của Trần Nguyên Thạch (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020)

05.05.2021
Bùi Văn Tiếng

Thưởng thức Thơ chữ Hán Nguyễn Du của Trần Nguyên Thạch (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020)

Nói đến thơ chữ Hán Nguyễn Du, thường người đọc chỉ nhớ hai câu kết bài Độc Tiểu Thanh ký nổi tiếng: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như - Ba trăm năm nữa trong thiên hạ/ Chẳng biết ai người khóc Tố Như? Liên tưởng đến người sẽ khóc mình sau ba trăm năm nữa, thực ra là Nguyễn Du đương tự khóc mình. Chữ Hán có hai từ cùng nói về khóc - Khấp và Khốc - với sắc thái ý nghĩa khác nhau. Ở đời khóc không ra tiếng có lẽ đau khổ dằn vặt hơn nhiều so với khóc thành tiếng, cho nên tự khóc mình khi đọc thơ của nàng Phùng Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã dụng công dùng từ Khấp - nghĩa là khóc không ra tiếng, chứ không dùng từ Khốc - nghĩa là khóc thành tiếng giống như nhà thơ từng khóc thương Đỗ Phủ trong những lúc đọc thơ ông: Mỗi độc nho quan đa ngộ thân/ Thiên niên nhất khốc Ðỗ Lăng nhân - Mỗi lần đọc “Mũ nho thân lụy”/ Lại khóc thương người cũ Ðỗ Lăng (bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ - kỳ 2)... Càng có điều kiện đi sâu vào thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, người đọc càng có thể thưởng thức những thi hứng mẫn cảm, những tứ thơ tài hoa và những nhãn tự tinh tế như vậy.

Mở đầu bài Người Đà Nẵng với Nguyễn Du đăng trên Báo Đà Nẵng, tôi đã viết: “Cũng như mọi người dân Việt Nam, có thể nói người Đà Nẵng không ai không biết Truyện Kiều - còn có nhan đề Đoạn trường tân thanh/ Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột - và do vậy không ai không biết Nguyễn Du”. Truyện Kiều được Nguyễn Du kể bằng thơ lục bát và trở thành một tuyệt tác văn chương, nhưng dẫu sao Truyện Kiều vẫn là truyện, vẫn là nghệ thuật tự sự, vì thế cái tôi cá thể nghệ sĩ của Nguyễn Du chỉ có thể thấp thoáng ẩn hiện đằng sau các nhân vật “phong tình cổ lục”, cùng lắm chỉ có thể trữ tình ngoại đề. Còn trong hơn hai trăm bài thơ chữ Hán mà hậu thế còn lưu giữ - từ Thanh Hiên thi tập cho đến Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục - Nguyễn Du với tư cách chủ thể trữ tình mới có cơ hội được bộc lộ rõ nét mọi cung bậc cảm xúc của mình trong từng chữ từng câu, cho nên Nguyễn Du trong thơ chữ Hán của chính ông mới thật Nguyễn Du, rất Nguyễn Du. Nói khác đi, đọc thơ chữ Hán của chính ông thì mới biết rõ Nguyễn Du, mới hiểu hết Nguyễn Du.

Vì lẽ đó tôi rất hào hứng khi đọc cuốn tùy cảm luận mang tên Thưởng thức Thơ chữ Hán Nguyễn Du của tác giả Trần Nguyên Thạch do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020. Là một thầy giáo dạy chuyên Văn ở thành phố Hải Phòng, đam mê văn chương, tinh thông chữ Hán, cùng với sự ngưỡng mộ tài năng và nhân cách của một nhà thơ có “con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” (chữ của Mộng Liên đường chủ nhân), Trần Nguyên Thạch đã tiếp cận thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du với rất nhiều lợi thế. Đọc Thưởng thức Thơ chữ Hán Nguyễn Du, trước hết có thể đồng tình với Giáo sư Nguyễn Đình Chú khi ông nhận xét về cuốn sách này: “Nếu tôi không lầm thì trong các công trình đã có về thơ chữ Hán Nguyễn Du chưa đâu thâm nhập vào một khối lượng thơ như thế - cụ thể, ở Thanh Hiên thi tập là 35 bài, Nam trung tạp ngâm là 14 bài, Bắc hành tạp lục là 37 bài” (trang 9). Thật ra tiếp cận thơ chữ Hán lần lượt qua ba thi tập này, Trần Nguyên Thạch đã đi dọc theo đúng lộ trình sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du, bởi Thanh Hiên thi tập được Nguyễn Du viết trong gần hai mươi năm - từ năm 1786 đến năm 1804; Nam trung tạp ngâm được Nguyễn Du viết trong bảy năm - từ năm 1805 đến năm 1812; còn Bắc hành tạp lục được Nguyễn Du viết trong hai năm 1813 và 1814.

Thưởng thức Thơ chữ Hán Nguyễn Du, cũng như nhiều độc giả yêu thích cổ thi, Trần Nguyên Thạch đã vận dụng thủ pháp họa vân kiến nguyệt/ vẽ mây nẩy trăng để qua một nhãn tự/ một tứ thơ mà chạm vào thông điệp nghệ thuật của Nguyễn Du. Qua lăng kính của Trần Nguyên Thạch, tứ thơ của những bài Ký hữu, Khất thực, Hành lạc từ, Vọng phu thạch... trong Thanh Hiên thi tập hay của những bài Nhiếp khẩu đạo trung, Đăng Nhạc Dương lâu, Sở kiến hành... trong Bắc hành tạp lục, cùng với các nhãn tự như chữ địch trong câu Nhất sàng cô muộn địch xuân hàn/ Đầy giường sầu muộn chọi xuân hàn (bài thứ nhất trong chùm thơ Ngẫu thư công quán bích - Nam trung tạp ngâm), và nữa và nữa... đã bừng sáng trên từng trang sách. Nhưng ngòi bút bình thơ của Trần Nguyên Thạch không dừng lại ở vẻ đẹp lấp lánh của từng từ, từng câu, từng bài - kiểu như “có Hành lạc từ, Thanh Hiên thi tập có thêm một giá trị” (trang 21), thậm chí từng tập thơ - kiểu như “Với Thanh Hiên thi tập, đọc những bài ông viết về tình yêu thương con người, ta thấy thi tứ, bút lực Nguyễn Du thật ít người đạt đến” (trang 72). Bằng tư duy khái quát đầy thuyết phục, Trần Nguyên Thạch còn dụng công kết nối ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du theo những tương đồng cũng như những dị biệt, qua đó đã mang lại cho cuốn sách Thưởng thức Thơ chữ Hán Nguyễn Du một tầm cao và một chiều sâu đáng kể.

Chẳng hạn đang bình bài thơ Ký hữu trong Thanh Hiên thi tập, Trần Nguyên Thạch đã liên tưởng tới cả ba tập thơ chữ Hán Nguyễn Du: “Từ Thanh Hiên thi tập đến Nam Trung tạp ngâm là cả một sự dồn nén bao tâm trạng buồn thương, uất hận, khát vọng không thành. Tất cả rồi sẽ bùng lên thành những tứ thơ tranh đấu mạnh mẽ phi thường đầy hùng khí trong Bắc hành tạp lục sau này” (trang 50 và 51). Hay từ hình ảnh đầu bạc trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, cả ba tập thơ cùng lúc đồng hiện trong mạch văn Trần Nguyên Thạch: “Nguyễn Du thường nói đến đầu bạc. Hình ảnh này thường trở đi trở lại như một nét riêng trong thi pháp thơ Nguyễn Du. Đặc biệt trong ba tập thơ chữ Hán thì tần số của hình ảnh này trong Thanh Hiên thi tập là nhiều nhất - khoảng hai mươi lần” (trang 61). Trần Nguyên Thạch còn tiếp tục nhắc lại hình ảnh đầu bạc này khi viết về Bắc hành tạp lục: “Ở Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm ta thấy Nguyễn Du nhiều lần nói đến tóc bạc và nỗi cô đơn. Ở Bắc hành tạp lục ta cũng thường gặp lại hình ảnh này, tâm trạng này” (trang 115). Hoặc vừa mở đầu phần viết về Nam trung tạp ngâm, Trần Nguyên Thạch đã khái quát: “Có thể nói Nam trung tạp ngâm là một khúc lặng buồn của cuộc đời và hồn thơ Nguyễn Du. Nó không có nhiều cái bi tráng của nỗi đau thập tải phong trần (...) thời Thanh Hiên thi tập (...) Và nó cũng chưa có được cái khí phách tranh đấu, cái tinh thần nhân đạo cao cả ở Bắc hành tạp lục sau đó” (trang 90)...

 

Đọc Thưởng thức Thơ chữ Hán Nguyễn Du, độc giả hoàn toàn đồng tình với nhận định của Trần Nguyên Thạch: “Nguyễn Du đã để lại cho Đời một tập đại thành khác (tập đại thành xưa nay mọi người đã biết chính là Truyện Kiều - BVT) - tập đại thành mang cái tên giản dị: Thơ chữ Hán Nguyễn Du” (trang 88). Để đi đến nhận định quan trọng này, Trần Nguyên Thạch đã phải trải qua một quá trình lao động tiếp nhận văn chương công phu và nghiêm túc - mà anh khiêm tốn gọi là “tùy cảm luận” - chưa kể bốn tiểu luận rời anh viết về thơ chữ Hán Nguyễn Du in ở phần Phụ lục. Cuối cùng, với tất cả hào hứng, tôi thành tâm “mong được đông đảo bạn đọc đón nhận thành quả này” như Giáo sư Nguyễn Đình Chú đã viết khi ưu ái giới thiệu Thưởng thức Thơ chữ Hán Nguyễn Du (trang 10).

B.V.T